Du lịch trải nghiệm gắn với di sản và làng nghề Hà Nội
TCCS - Hà Nội là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có bề dày văn hóa lịch sử, sở hữu nhiều di tích, di sản phi vật thể và làng nghề, cùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, được coi là nguồn tài nguyên quý trong phát triển du lịch. Ngành du lịch Thủ đô vốn coi du lịch văn hóa là sản phẩm chủ đạo; cơ quan quản lý du lịch cùng các tổ chức, đơn vị hoạt động du lịch đang thúc đẩy loại hình du lịch trải nghiệm gắn với di sản và làng nghề Hà Nội.
Nhiều tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm
Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm văn hiến, các giá trị văn hóa đa dạng, nổi trội, cảnh quan tự nhiên và vị trí địa lý chiến lược cũng như hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất hiện đại là tiềm năng lớn để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, Thủ đô Hà Nội có nhiều lợi thế trong giao thương với các tỉnh trong vùng và cả nước; nằm trên trục 4 hành lang kinh tế, trong đó có 2 hành lang quốc tế kết nối với các tỉnh, thành phố của Trung Quốc - thị trường khách du lịch lớn nhất của Việt Nam. Các điều kiện về vị trí địa lý là lợi thế để Thủ đô Hà Nội phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, đóng vai trò đầu mối, trung tâm du lịch kết nối cả nước và với khu vực, quốc tế.
Hà Nội có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng và phong phú với hệ thống sông, hồ, đồi núi, các khu sinh thái, vườn quốc gia Ba Vì, khu du lịch Hương Sơn, hồ Quan Sơn - hồ Tuy Lai, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm... Các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên nổi bật trên là tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có hệ thống di sản văn hóa - lịch sử đặc sắc, bao gồm gần 6.000 di tích, trong đó có di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long và nhiều di tích cấp quốc gia, như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột, và các khu phố cổ. Kiến trúc của Hà Nội mang đậm dấu ấn của lịch sử lâu dài, gắn với cuộc sống sinh hoạt người dân, văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo. Các giá trị văn hóa phi vật thể, lễ hội, ẩm thực đa dạng và đặc sắc cũng là những giá trị tài nguyên du lịch quý giá để khai thác các loại hình du lịch trải nghiệm gắn với di sản và làng nghề.
Hiện nay, khách du lịch đến Hà Nội đang có xu hướng tăng cao, nhất là khách nước ngoài. Đây là tín hiệu tích cực để ngành du lịch Thủ đô thực hiện các giải pháp thu hút khách, thúc đẩy tăng trưởng du lịch. Trong đó, việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới mang đặc trưng của Hà Nội, tạo sức hấp dẫn đối với du khách được quan tâm. Hà Nội đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch, trong đó thí điểm mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế các làng nghề và các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số huyện Ba Vì. Từ tháng 2-2024 đến nay, Sở Du lịch Hà Nội đã xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với di sản, di tích, làng nghề theo tuyến trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên; tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức; tuyến trung tâm Hà Nội - Sơn Tây - Ba Vì… Hiện nay, Sở Du lịch tiếp tục xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và các điểm du lịch với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số tại huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ… Nằm ở phía Tây của Hà Nội, giữa một vùng phong cảnh “sơn kỳ, thủy tú” của xứ Đoài, huyện Quốc Oai có các giá trị văn hóa đặc sắc, phong phú. Toàn huyện có 101 di tích đã được xếp hạng, nổi bật là quần thể Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và Di tích quốc gia đặc biệt đình So; nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể có giá trị, như nghệ thuật múa rối nước, hát Dô, hát ví Hàm Rồng, hát tuồng, chèo, biểu diễn cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường cùng với đó là 55 lễ hội truyền thống... Hơn nữa, do có vị trí giao thông thuận lợi, gần trung tâm Thủ đô nên hằng năm, huyện Quốc Oai đón lượng lớn khách tới tham quan, trải nghiệm.
Để khai thác, phát huy tối đa các nguồn lực, tài nguyên sẵn có, tạo bước chuyển trong phát triển du lịch, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, thời gian qua, huyện Quốc Oai đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống trong phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Làng cổ Đường Lâm từ lâu nổi tiếng là “đất hai Vua”, là một “bảo tàng sống” lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng Bắc Bộ, có cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình… cùng với 956 ngôi nhà truyền thống. Trung bình mỗi năm, Làng cổ Đường Lâm thu hút gần 150.000 lượt khách du lịch, trong đó có từ 6.000 đến 7.000 lượt khách quốc tế. Du khách đến với Đường Lâm không chỉ được tìm hiểu các nét kiến trúc, cảnh quan, nếp sinh hoạt của người dân mang đặc trưng của nông thôn mà còn được tham gia vào quy trình làm ẩm thực, làm nông nghiệp, ăn ở cùng người dân trong làng. Những hoạt động đó để lại ấn tượng, tạo cảm xúc cho mỗi chuyến đi của khách, nhất là khách nước ngoài. Hay khi đến Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), du khách thích thú khi được tận tay vuốt, nặn gốm, tạo những sản phẩm lưu niệm để mang về. Tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, du khách không chỉ được tìm hiểu về di tích mà còn được trải nghiệm bằng cách tham gia các hoạt động văn hóa, trò chơi giải mã về giá trị di sản. Phường rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh) không chỉ tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ khách, mà các nghệ sĩ nông dân còn thường xuyên giao lưu với khách, hướng dẫn khách tham gia vào các hoạt động nghệ thuật, văn hóa tại địa phương.
Một số giải pháp trong thời gian tới
Bên cạnh những lợi thế sẵn có, Hà Nội đang đối diện với những thách thức cũng như cơ hội mới trong phát triển du lịch. Trong bối cảnh phát triển kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và các xu hướng du lịch mới nổi, tiềm năng và tài nguyên du lịch Hà Nội chưa được khai thác, phát huy hiệu quả. Nhiều tài nguyên du lịch có giá trị đã được quy hoạch nhưng chưa thu hút được đầu tư để tạo thành sản phẩm du lịch. Chất lượng sản phẩm du lịch chưa đồng đều, chưa đa dạng, thiếu tính sáng tạo, thiếu những sản phẩm du lịch cốt lõi, chủ lực mang đậm bản sắc của Hà Nội. Hà Nội còn thiếu các khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng có quy mô lớn, chất lượng cao và đẳng cấp đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách. Quy mô doanh nghiệp du lịch còn nhỏ, sức cạnh tranh yếu, chưa hình thành được 359 doanh nghiệp du lịch mạnh có thương hiệu tầm cỡ quốc tế. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, như cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch chưa đồng bộ, phân bổ phân tán, thiếu về số lượng, chất lượng không đồng đều, thiếu cơ sở lưu trú có chất lượng cao (4 - 5 sao). Chưa có sự phối hợp, gắn kết giữa công tác quảng bá xúc tiến với công tác marketing của doanh nghiệp, chưa theo kịp các xu hướng của thị trường; chưa xây dựng được các sự kiện văn hóa - du lịch có tính chất thường niên, có quy mô lớn mang đậm dấu ấn của Thủ đô.
Do đó, để tăng sức hấp dẫn cho du lịch trải nghiệm gắn với di sản và làng nghề Hà Nội trong thời gian tới, cần chú ý một số giải pháp sau:
Một là, tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược, chuyên nghiệp đầu tư vào các dự án lớn trong lĩnh vực du lịch. Ban hành cơ chế khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình và doanh nghiệp kinh doanh cung cấp dịch vụ du lịch, hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt hoạt động du lịch. Ban hành cơ chế khuyến khích huy động hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển du lịch Thủ đô, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và công bằng. Nghiên cứu ban hành cơ chế thúc đẩy đối tác công - tư (PPP) mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch và cơ chế tăng cường hợp tác, liên kết du lịch. Triển khai áp dụng rộng rãi chính sách miễn thuế VAT cho khách du lịch tại các trung tâm mua sắm, sân bay Nội Bài, ga đường sắt Hà Nội. Ban hành cơ chế quản lý hoạt động du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch. Đề xuất ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển đa dạng và chất lượng dịch vụ ban đêm nhằm phục vụ khách du lịch.
Hai là, huy động đầu tư và phân bổ nguồn vốn phục vụ hiệu quả phát triển du lịch. Cần huy động tổng hợp các nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách thành phố và Trung ương. Tranh thủ sự phối hợp và giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương để lồng ghép các chương trình, dự án liên quan. Sử dụng có hiệu quả Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch làm nguồn lực quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch Thủ đô. Thúc đẩy thu hút đầu tư tư nhân hoặc đầu tư theo phương thức đối tác công - tư triển khai các dự án đầu tư du lịch. Mở rộng hình thức đầu tư, huy động triệt để nguồn lực tài chính trong nhân dân, tiềm lực tài chính của các tổ chức trong và ngoài nước để bảo đảm đủ nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch trải nghiệm. Kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và di sản, nhất là giá trị di sản thế giới trên địa bàn Hà Nội.
Ba là, tập trung phát triển thị trường, sản phẩm du lịch, khai thác thị trường tiềm năng mới. Khai thác các thị trường tiềm năng như ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia), Trung Đông và Bắc Âu (Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch), đồng thời, tìm kiếm cơ hội hợp tác mới với các thị trường đang phát triển nhanh như Ấn Độ và Trung Quốc. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, các giá trị lịch sử, các làng nghề truyền thống thành sản phẩm du lịch đặc thù của Thủ đô Hà Nội; Đầu tư vào du lịch MICE và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng như là sản phẩm thế mạnh của du lịch Hà Nội. Phát triển du lịch đường sông kết nối Hà Nội với các tỉnh/thành phố lân cận. Tập trung ưu tiên quy hoạch đầu tư, nạo vét dòng sông Đáy trở thành trọng điểm phát triển du lịch của thành phố, trong đó hữu ngạn sông Đáy là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm văn hóa truyền thống và tả ngạn sông Đáy là trung tâm du lịch đô thị cổ kính của khu vực nội đô lịch sử và du lịch đô thị hiện đại. Phát triển các mô hình kinh tế đêm đặc thù đối với từng khu vực có đông khách du lịch, trong đó trước mắt ưu tiên phát triển khu vực Hoàn Kiếm và phố cổ mở rộng đến cầu Long Biên, hai bên sông Hồng, khu vực Hồ Tây, khu vực hồ Bảy Mẫu… Phát triển mạnh du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn tại các huyện ngoại thành Hà Nội.
Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển du lịch. Trong đó, cần số hóa tài nguyên du lịch, sản phẩm, dịch vụ du lịch, điểm đến du lịch…; xây dựng hệ thống thông tin số về thị trường khách du lịch trọng điểm và tiềm năng của Thủ đô. Ứng dụng vé điện tử, hệ thống cảm biến, nhận dạng, định vị hỗ trợ trong việc quản lý khách du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch. Ứng dụng khoa học và công nghệ hỗ trợ khách du lịch, đồng thời phát triển một số sản phẩm du lịch số nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch. Xây dựng bản đồ du lịch điện tử, bản đồ du lịch số. Ứng dụng các phần mềm trợ lý ảo, thuyết minh tự động, mã QR hỗ trợ khách du lịch tìm hiểu thông tin, truy xuất thông tin, khám phá và trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ du lịch, hỗ trợ thanh toán điện tử.
Năm là, chú trọng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường thực thi các chính sách bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tăng cường nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt từ nguồn xã hội hóa, hợp tác quốc tế. Kiểm soát nguồn thải, tăng cường phòng ngừa, giám sát các dự án phát triển du lịch có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên du lịch; bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Thời gian qua, ngành du lịch Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả nổi bật chứng minh được vai trò của trung tâm du lịch lớn của cả nước cũng như sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch. Để phát huy hơn nữa lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa độc đáo, Hà Nội cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng được những sản phẩm du lịch cốt lõi mang đậm bản sắc, tăng sức hấp dẫn cho du lịch Thủ đô./.
Vận dụng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục văn hóa ứng xử cho cán bộ, chiến sĩ công an phường trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội  (12/11/2024)
Xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu về lối sống, phong cách ứng xử, xứng đáng là Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”  (12/11/2024)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm