Tỉnh Ninh Thuận chăm lo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
TCCS - Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng bộ và chính quyền các cấp tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, việc phát triển kinh tế - xã hội luôn gắn liền với giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái. Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở tỉnh Ninh Thuận trong những năm qua có nhiều khởi sắc.
Phát triển kinh tế gắn với ổn định xã hội để “không ai bị bỏ lại phía sau”
Tỉnh Ninh Thuận có diện tích tự nhiên 3.358 km2; có 6 huyện và 1 thành phố, trong đó, huyện Bác Ái thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Giai đoạn 2021 - 2025, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh có 28 xã với 32 dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Chăm, Ra Glai và Cơ Ho, Chu Ru, Hoa...
Triển khai Nghị quyết số 10/NQ-CP, ngày 28-2-2022, của Chính phủ, “Về Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Quyết định số 1657/QĐ-TTg, ngày 30-12-2023, của Thủ tướng Chính phủ “Về ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch số 2056/KH-UBND, ngày 9-6-2022 “Về triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”; trong đó giao cho các sở, ban, ngành và địa phương trên cơ sở nhiệm vụ được phân công và thời gian quy định của cơ quan mình xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án, dự án theo từng lĩnh vực và tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên rà soát, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 của các cơ quan trung ương.
Một là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là nhiệm vụ trọng tâm.
Các chính sách dân tộc tiếp tục được quan tâm triển khai đồng bộ, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, dự án khác đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận. Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ, góp phần từng bước thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển, đời sống đồng bào được nâng cao. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi phù hợp. Tình hình sản xuất lúa, hoa màu, cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, gia cầm duy trì ổn định. Nhiều mô hình, điển hình sản xuất, hợp tác kinh doanh hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tạo điều kiện hình thành và nhân rộng. Các ngành, nghề tạo ra sản phẩm đặc trưng, chủ lực của địa phương được quan tâm hỗ trợ, giữ gìn và phát huy, trong đó có các nghề truyền thống nổi tiếng, như: Làng nghề gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm.
Tỉnh Ninh Thuận đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình sản xuất như trồng mía, cây măng tây, bưởi da xanh, mãng cầu, phát triển đàn gia súc, nuôi heo đen đặc sản, mô hình “cánh đồng lớn” sản xuất lúa giống vùng đồng bào Chăm tại huyện Ninh Phước; mô hình trồng cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc, triền núi tại các huyện miền núi Bác Ái, Thuận Bắc… Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho các hộ vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận không ngừng được cải thiện.
Năm 2022, thu nhập bình quân của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận đạt 32,4 triệu đồng/người, tăng 3,19 triệu đồng so với năm 2020, đạt 55,5% so với mục tiêu đến 2025. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3-4%/năm. Số hộ nghèo dân tộc thiểu số là 6.974 hộ, chiếm tỷ lệ 17,73% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số; hộ cận nghèo dân tộc thiểu số là 3.934 hộ, chiếm tỷ lệ 10% số hộ dân tộc thiểu số, thấp hơn 1,66% so với năm 2021. Riêng huyện nghèo Bác Ái có 2.794 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hộ nghèo là 34,81%, giảm 5,28% so với cùng kỳ năm trước.
Đến nay, tỉnh Ninh Thuận có 2 huyện là Ninh Phước và Ninh Hải đạt chuẩn nông thôn mới; có 13/31 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 100% số thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phủ kín điện lưới quốc gia, trên 90% hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng điện thắp sáng, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận sử dụng nước sinh hoạt đạt 98,71%. Cơ bản các thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều có đường giao thông đi lại thuận tiện.
Tuy vậy, tình hình sản xuất, đời sống trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Giá “đầu ra” một số loại nông sản không ổn định, có lúc giảm mạnh, khó tiêu thụ, trong khi chi phí thu hoạch và nguyên vật liệu đầu vào tăng; giá một số mặt hàng thiết yếu còn cao. Bên cạnh đó, thời tiết bất thường, nắng nóng; mưa trái mùa, khí hậu diễn biến phức tạp. Trong điều kiện đó, công tác an sinh xã hội được các địa phương quan tâm, chú trọng. Thực hiện tốt việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, nhất là đối với các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo dân tộc thiểu số.
Hai là, thực hiện tốt chính sách bảo vệ môi trường, giữ gìn và tôn trọng sinh thái.
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các địa phương triển khai xây dựng các điểm tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt; lồng ghép công tác vệ sinh môi trường vào hương ước, quy ước của thôn, khu phố; đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện việc ăn, ở hợp vệ sinh, di chuyển, sắp xếp chuồng trại hợp lý, không nuôi heo thả rong; xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đến nay, tỷ lệ số xã có tổ chức thu gom và xử lý rác thải đạt 83,6 % (trong đó có xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi), tỷ lệ khu vực công cộng, các trục đường liên xã, liên thôn và các trục đường chính nội đồng được trồng cây xanh đạt 80%; các nghĩa trang được quy hoạch, cải tạo và việc mai táng thực hiện phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa.
Ba là, chú trọng công tác giáo dục - đào tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế, tỉnh Ninh Thuận còn chú trọng phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cho đến nay, mạng lưới giáo dục và đào tạo các cấp ở vùng dân tộc thiểu số ngày càng mở rộng, phát triển đến tận xã, thôn, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tạo điều kiện cho con em các dân tộc trong tỉnh thuận lợi hơn trong việc học tập. Công tác giáo dục, đào tạo nghề, hướng nghiệp cho thanh niên là người dân tộc thiểu số và thực hiện chính sách vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế hộ gia đình được các địa phương tích cực triển khai thực hiện. Hệ thống trường học, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được tiếp tục đầu tư. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên và người học là người dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.
Tỉnh Ninh Thuận có 65/65 xã, phường, thị trấn tiếp tục được công nhận đạt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non trẻ năm tuổi, đạt 100%. Tổng số học sinh tiểu học là của tỉnh là 63.150 học sinh, trong đó có 18.128 học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 28,7%. Toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1. Tổng số học sinh trung học cơ sở của tỉnh là 38.336 học sinh, trong đó 10.036 học sinh là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 26,1%. Toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1. Tổng số học sinh trung phổ thông của tỉnh là 17.867 học sinh, trong đó có 3.705 học sinh là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 20,7%.
Tuy nhiên, tình hình giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là về cơ sở vật chất; vẫn còn hiện tượng học sinh bỏ học, nhiều sinh viên đã tốt nghiệp nhưng khó tìm được việc làm phù hợp.
Các chương trình y tế quốc gia được tỉnh triển khai nghiêm túc, rộng khắp; thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, vùng sâu, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Tiếp tục công tác luân chuyển bác sĩ tuyến huyện về hỗ trợ cho tuyến xã để khám, chữa bệnh cho nhân dân. Công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, kịp thời, bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch đạt được mục tiêu. Y tế dự phòng tăng cường, các dịch bệnh theo mùa được kiểm soát chặt chẽ, không để bùng phát thành dịch. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm bảo đảm; 100% số trẻ em dưới 6 tuổi được tiêm phòng; 100% số hộ dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Toàn tỉnh có 72 cơ sở khám, chữa bệnh: tuyến tỉnh có 5 bệnh viện; tuyến huyện, thành phố có 7 trung tâm y tế, 1 phòng khám đa khoa khu vực; tuyến xã, phường có 59 trạm y tế, trong đó có 26/28 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có trạm y tế. 89,3% số xã vùng đồng bào tộc thiểu số và miền núi đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% số trạm y tế xã miền núi có bác sĩ làm việc ít nhất hai buổi vào các ngày khác nhau trong tuần.
Bốn là, đời sống văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh không ngừng nâng cao.
Công tác văn hóa, hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào được các cấp, các ngành tiếp tục tạo điều kiện đầu tư, phát triển. Các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số được tổ chức trang trọng, vui tươi, phù hợp với phong tục, tập quán, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Công tác thông tin, tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các địa phương quan tâm thực hiện, nhất là nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử; quản lý, bảo vệ, khai thác có hiệu quả di tích, gắn với việc phát triển du lịch; bảo quản, tu bổ, phục hồi các giá trị lịch sử văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số... Quan tâm thực hiện tốt các chính sách bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó, nghệ thuật làm gốm của người Chăm tỉnh Ninh Thuận được UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào “Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” ngày 29-11-2022; thu hút phát triển du lịch, trong đó có du lịch sinh thái.
Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” được triển khai thực hiện, trong đó chú trọng phát huy gương người tốt, việc tốt trong đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và Tết cổ truyền dân tộc với tinh thần phấn khởi, vui tươi, đoàn kết. Công tác truyền thông tiếp tục quan tâm đến chất lượng, thời lượng phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc với nội dung phong phú, đa dạng, kịp thời thông tin đến người dân về tình hình đời sống, sản xuất, thiên tai, dịch bệnh... Đồng thời, vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc, đoàn kết các tôn giáo; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.
Năm là, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ổn định, công tác quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân thực hiện có hiệu quả. Đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành tốt chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được duy trì và phát triển, cơ bản không có điểm nóng xảy ra. Hằng năm, thanh niên dân tộc thiểu số tham gia nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc tương đối đầy đủ. Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số phát huy tốt vai trò và là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với đồng bào; cùng với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn gia đình, gây rối mất an ninh, trật tự, truyền đạo trái pháp luật, đơn thư khiếu kiện vượt cấp...
Sáu là, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ổn định và phát triển.
Tình hình hoạt động tôn giáo tại địa bàn tỉnh Ninh Thuận cơ bản ổn định, đồng bào có đạo sinh hoạt tôn giáo đúng quy định của pháp luật. Nhân dân theo đạo yên tâm lao động, sản xuất, tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, không theo tà đạo.
Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới
Tiếp tục phát huy những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được, thời gian tới, Ninh Thuận tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về công tác dân tộc, các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền, giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành; giáo dục truyền thống, đoàn kết các dân tộc, ý thức vươn lên của đồng bào để giảm nghèo bền vững.
Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách triển khai các dự án phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ ba, bám sát cơ sở, chủ động khảo sát, nắm bắt về tình hình đời sống nhân dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi; giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo phát sinh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khắc phục những yếu kém, hạn chế trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thứ tư, huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án trên địa bàn để nâng cao hiệu quả đầu tư, chống lãng phí, thất thoát. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư kết cấu hạ tầng; huy động tối đa nguồn vốn từ quỹ đất để phát triển hạ tầng đô thị, khu công nghiệp.
Thứ năm, tăng cường phân cấp, trao quyền cho ủy ban nhân dân xã làm chủ đầu tư; trao quyền cho cấp thôn, bản quyền tự chủ trong các dự án cộng đồng; thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Thực hiện công khai, dân chủ từ cơ sở, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia đầy đủ của người dân trong lập kế hoạch, lựa chọn đối tượng được hưởng lợi, tổ chức thực hiện và giám sát đánh giá các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi./.
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội: Dấu ấn và bài học kinh nghiệm của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận sau nửa nhiệm kỳ vừa qua  (10/11/2023)
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội: Dấu ấn và bài học kinh nghiệm của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận sau nửa nhiệm kỳ vừa qua  (10/11/2023)
Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở tỉnh Thừa Thiên Huế và một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới  (04/11/2023)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển