Huyện Vân Đồn đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch văn hóa gắn với du lịch sinh thái biển, đảo
TCCS - Là huyện đảo nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Quảng Ninh, với nhiều thắng cảnh đẹp trong vùng vịnh Bái Tử Long và hệ thống di tích lịch sử, văn hóa giàu giá trị, Vân Đồn có nhiều lợi thế so sánh để phát triển du lịch. Thời gian qua, huyện đảo này ngày càng chú trọng phát triển các mô hình du lịch văn hóa gắn với du lịch sinh thái biển, đảo, khẳng định thương hiệu điểm đến hấp dẫn, qua đó có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tài nguyên phong phú, dồi dào
Huyện đảo Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh có không gian du lịch biển phong phú, hấp dẫn với thiên nhiên kỳ thú và hệ thống di sản văn hóa đa dạng, độc đáo. Với diện tích đất tự nhiên 551,33km², phần vùng biển rộng 1.620km², Vân Đồn có hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ nằm trong vịnh Bái Tử Long nối liền với vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới, với hàng trăm núi đá, đảo đá cùng nhiều hang động, những bãi cát trắng trải dài bao quanh các xã đảo, như Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng… Hệ sinh thái động thực vật ở đây cũng vô cùng phong phú với khoảng hơn 50 loài động vật phù du, hơn 100 loài động vật thủy sản có giá trị cao; nhiều động vật quý hiếm, như sá sùng, bào ngư, hải sâm, trai ngọc... Ngoài ra, Vườn Quốc gia Bái Tử Long cũng có nhiều loại động vật quý khác, như cầy hương, khỉ vàng, tắc kè…, là tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch khám phá, du lịch sinh thái, thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, huyện đảo Vân Đồn là vùng đất có lịch sử lâu đời với hệ thống tài nguyên nhân văn đặc sắc, nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị, như hang Soi Nhụ - nơi có di chỉ thời trung kỳ đồ đá mới (trước văn hóa Hạ Long), gần đây được coi là di chỉ trên biển của văn hóa Soi Nhụ; di chỉ mộ cổ ở thôn Đá Bạc, xã Minh Châu (dấu tích từ thời Đông Hán khi người Trung Quốc đến đây buôn bán). Từ thế kỷ XII, Vân Đồn đã được biết đến là một thương cảng lớn, sầm uất của nước ta, nổi tiếng với những sản phẩm quý hiếm, đồng thời cũng là một trong những xuất phát điểm con đường tơ lụa trên biển. Thương cảng Vân Đồn bên sông Mang (xã Quan Lạn) là cảng ngoại thương phồn thịnh, hoạt động hơn bốn thế kỷ và có vai trò rất quan trọng trong lịch sử phát triển của Việt Nam nói chung và vùng đất Quảng Ninh nói riêng. Trên vùng biển Vân Đồn xưa, người Quảng Ninh đã khai thác và phát huy được thế mạnh của một vùng biển giàu có với những nguồn lâm, hải sản quý phục vụ cuộc sống và nhu cầu giao lưu, xuất khẩu. Các hoạt động giao lưu trong nước, quốc tế đó đã biến vùng biển, đảo này thành khu dân cư đông đúc, trù phú. Thương cảng Vân Đồn đã trao đổi lượng hàng hóa lớn và quan trọng, từ đó tạo đà cho kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, hội nhập; đồng thời làm phong phú thêm nguồn lực tri thức, kho tàng văn hóa của cư dân vùng biển, đảo nơi đây. Không chỉ có dấu ấn về giao thương, buôn bán, di tích thương cảng Vân Đồn còn chứa đựng dấu ấn của nhà Trần với những chiến công chống giặc ngoại xâm. Ngày 24-10-2023, di tích thương cảng cổ Vân Đồn đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước, Vân Đồn có quần thể các di tích lịch sử, văn hóa quý giá, như di tích lịch sử ghi dấu chiến công hiển hách thời Trần của tướng Trần Khánh Dư trong cuộc kháng chiến lẫy lừng chống giặc Nguyên Mông (thế kỷ XIII) ở Sông Mang (xã Quan Lạn). Vùng đảo Vân Hải, căn cứ nhiều năm của cuộc khởi nghĩa Quận He Nguyễn Hữu Cầu cũng là vùng chiến tranh du kích kiên cường trong kháng chiến chống thực dân Pháp và là căn cứ an toàn của nhiều tàu hải quân, cửa ngõ giao lưu hàng hải khi cảng Hải Phòng và cảng Hòn Gai bị phong tỏa. Ngoài ra, huyện đảo Vân Đồn còn có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, những điểm du lịch văn hóa mang vẻ đẹp cảnh quan sơn thủy hữu tình, như chùa Cái Bầu ở thị trấn Cái Rồng (còn gọi là Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm) - một trong những điểm du lịch tại Vân Đồn được xây dựng trên nền chùa Phúc Linh Tự với niên đại từ thời Trần cách đây khoảng hơn 700 năm; đền thờ vua Lý Anh Tông - vị hoàng đế có công khai sinh ra trang Vân Đồn thế kỷ XII (còn gọi là làng Vân, là tên gọi cổ xưa của xã Quan Lạn ngày nay); đền Cặp Tiên (Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ở xã Đông Xá), chùa Trăm gian ở xã Thắng Lợi; cụm di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đình, chùa, miếu ở xã Quan Lạn…
Kho tàng văn hóa phi vật thể ở Vân Đồn cũng hết sức phong phú với tục hát nhà tơ, hát cưới trên thuyền cùng lời ca và giai điệu trữ tình của ngư dân; lễ hội đua thuyền ở Quan Lạn với quy cách tổ chức độc đáo từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 6 âm lịch hằng năm, nhằm tưởng nhớ và ngợi ca những chiến công của các vị anh hùng dân tộc đã chiến đấu và hy sinh vì độc lập, chủ quyền của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược. Hệ thống tài nguyên phong phú, đa dạng trên chính là lợi thế so sánh và tiềm năng to lớn để Vân Đồn xây dựng và phát triển mô hình du lịch văn hóa với các tuyến tham quan, trải nghiệm, khám phá các di tích lịch sử, văn hóa gắn với du lịch sinh thái biển, đảo, tạo nên những sản phẩm du lịch đa dạng của huyện Vân Đồn.
Những kết quả tích cực trong phát triển du lịch văn hóa gắn với du lịch sinh thái biển, đảo
Trên cơ sở phát huy các tài nguyên phong phú, nhất là các giá trị văn hóa đặc sắc, huyện Vân Đồn xác định cần tập trung phát huy nội lực và sức mạnh của các thành phần kinh tế địa phương, đồng thời tích cực thu hút các nguồn lực từ bên ngoài; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật tại các trung tâm du lịch, tập trung đầu tư có trọng điểm để tạo ra những sản phẩm du lịch hoàn thiện có chất lượng cao, có quy mô lớn. Một số dự án có tính chất động lực đã và đang được triển khai, trong đó nhiều dự án quan trọng đã hoàn thành, như Đường đấu nối trục chính các khu chức năng Khu Kinh tế Vân Đồn; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; Cảng tàu cao cấp Ao Tiên; đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái..., góp phần quan trọng phát triển du lịch, dịch vụ của Vân Đồn, Quảng Ninh và cả nước. Trên cơ sở đó, huyện xây dựng các loại hình sản phẩm du lịch mới theo xu hướng phát triển thị trường du lịch thế giới; ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ đạt chuẩn quốc tế, chất lượng cao, quy mô lớn, nhằm hướng đến các thị trường quốc tế tiềm năng và thị trường khách du lịch cao cấp; khai thác bền vững các tiềm năng du lịch biển, đảo, đi đôi với việc bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, tự nhiên và bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh. Cùng với đó, huyện còn chủ động phối hợp với các doanh nghiệp du lịch tăng cường các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch, định hướng phát triển nguồn nhân lực… để xây dựng Vân Đồn thành khu trung tâm du lịch biển, đảo chất lượng cao. Đặc biệt, với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, trong đó phát triển khu kinh tế Vân Đồn trở thành khu du lịch sinh thái biển, đảo chất lượng cao là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của Vân Đồn phát triển, trong đó du lịch là một thế mạnh, là động lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế khác cùng phát triển.
Cùng với đó, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thường xuyên phối hợp tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền, đôn đốc các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, kê khai giá, bán theo giá niêm yết, không tùy tiện nâng giá, ép khách mua hàng hóa hay sử dụng dịch vụ với giá cao hơn giá đã đăng ký, nhất là trong các ngày lễ, tết; tổ chức các đoàn kiểm tra định kỳ và đột xuất các đơn vị kinh doanh dịch vụ cơ sở lưu trú, nhà hàng trong thời gian cao điểm ở trung tâm thị trấn Cái Rồng, khu vực đảo Minh Châu, Quan Lạn; phối hợp lắp đặt 4 biển báo đường dây nóng ở các khu, điểm du lịch, cảng Cái Rồng để du khách kịp thời phản ánh các tiêu cực trong hoạt động du lịch tại địa phương.
Hiện nay, huyện Vân Đồn đã và đang phát triển nhiều loại hình du lịch, tích cực đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với lợi thế so sánh của địa phương, Vân Đồn đang triển khai xây dựng, hoàn thiện nhiều loại sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, trong đó điểm sáng là loại hình du lịch văn hóa kết hợp với du lịch sinh thái biển đảo với tuyến tham quan, khảo cứu du lịch sinh thái và du lịch văn hóa đặc sắc với các địa điểm chùa Cái Bầu, đền Cặp Tiên, đền Lý Anh Tông, cụm di tích đình chùa miếu nghè Quan Lạn và lễ hội truyền thống Vân Đồn; hoạt động trải nghiệm một ngày làm ngư dân, tìm hiểu lịch sử, văn hóa hào hùng và lâu đời trên đảo Quan Lạn; du lịch tham quan, nghỉ dưỡng tại đảo Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Bãi Dài; du lịch khám phá, trải nghiệm với các tour tham quan Vườn Quốc gia Bái Tử Long - Vườn Quốc gia ASEAN; du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Bản Sen với việc tham quan trải nghiệm mô hình vườn cam tại thôn Nà Na; trải nghiệm mô hình trồng cây chè cổ (chè Vân), cam tẩu tại thung lũng núi đá vôi, ngắm hoa vàng anh núi, hoa mạ; trải nghiệm vườn cam xã Vạn Yên; tham quan mô hình nuôi trông thủy hải sản; trải nghiệm các hoạt động đánh bắt hải sản cùng ngư dân địa phương tại xã Quan Lạn… Đặc biệt, các tuyến du lịch kết hợp với việc thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương, trải nghiệm quy trình sản xuất và mua sắm các sản phẩm OCOP nổi tiếng của địa phương, như mắm sá sùng, ruốc hàu, sá sùng, cá khô…; thăm một số làng nghề nổi tiếng, nhất là làng nghề nuôi cấy ngọc trai - làng nghề nuôi trai trên biển đầu tiên của vùng Ðông Bắc nước ta. Tại đây, nghề đã ra đời, phát triển khoảng trên 50 năm và nổi tiếng với nhiều loại có giá trị xuất khẩu cao, như trai Mã Thị, trai Vỏ Dày, trai Cánh Dài... Trai ngọc ở Vân Đồn được nuôi rất nhiều tại các hòn đảo nhỏ nằm quanh khu đảo Cái Bầu, được lai tạo, thuần hóa giữa loài trai A-ko-ya (Nhật Bản) và trai địa phương nên khả năng thích nghi cao với tỷ lệ ngậm ngọc hơn 50%. Ngọc trai Vân Đồn có độ thuần khiết cao và màu sắc quyến rũ (vàng lưu ly, trắng anh đào, xám thủy ngân), không thua kém bất kỳ sản phẩm ngọc trai nào của các nước trên thế giới và cho thu hoạch quanh năm với lợi nhuận khá cao.
Cùng với các loại hình du lịch sẵn có, huyện Vân Đồn cũng lên phương án, tiến hành khảo sát chọn địa điểm để tổ chức phố đi bộ đêm, đưa loại hình ẩm thực đêm vào hoạt động để giữ chân du khách, đặc biệt là du khách ở lại qua đêm. Tối ngày 29-4-2023, xã Minh Châu và xã Quan Lạn đã tổ chức khai trương 2 tuyến đường đi bộ đầu tiên trên địa bàn huyện Vân Đồn. Tuyến đường đi bộ du lịch Minh Châu được triển khai tại thôn Ninh Hải, xã Minh Châu, có chiều dài 510m (từ cổng chào thôn Ninh Hải đến ngõ số 67, thôn Ninh Hải), lòng đường rộng 7m, vỉa hè trung bình 2,5m. Thời gian hoạt động từ 7 giờ 30 phút đến 22 giờ 30 phút tối thứ 7 hằng tuần. Tuyến đường đi bộ được lắp đặt, trang trí cổng chào, hệ thống đèn đường, đèn led, cây xanh, cây cảnh rực rỡ và đẹp mắt. Tổng kinh phí đầu tư ban đầu là 210 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa do các doanh nghiệp, nhà hàng, nhà nghỉ và nhân dân đóng góp. Để rút ngắn thời gian di chuyển, khoảng cách giữa các xã trên tuyến đảo, hệ thống vận chuyển khách đi các tuyến đảo đã không ngừng được đầu tư nâng cấp, tăng cả số lượng và chất lượng. Hiện nay, Vân Đồn đã có 9 tàu cao tốc từ 26-50 chỗ ngồi, 20 tàu gỗ phục vụ khách đi lại các tuyến đảo. Ngoài các tuyến Quan Lạn, Minh Châu đã có nhiều tuyến mới được đưa vào khai thác.
Với những hành động thiết thực trên, du lịch Vân Đồn thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cùng với sự gia tăng khách du lịch đến với Vân Đồn, chất lượng dịch vụ du lịch cũng có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng được nhu cầu của du khách. Hiện nay, trên địa bàn huyện Vân Đồn hiện có 175 cơ sở lưu trú với 2.225 phòng; trong đó có 1 khách sạn 3 sao (50 phòng), 8 khách sạn 2 sao (220 phòng), 18 khách sạn 1 sao (322 phòng); số còn lại nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp của du khách, huyện đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông, khách sạn tiêu chuẩn quốc tế... Hệ thống nhà bè ăn uống tập trung ở khu vực cầu Vân Đồn, cảng Cái Rồng là loại hình thu hút được đông đảo du khách khi đến Vân Đồn. Năm 2022, mặc dù còn ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhất là thời điểm đầu năm, nhưng lượng khách đến Vân Đồn đạt khoảng 1,2 triệu lượt, doanh thu du lịch khoảng 1.865 tỷ đồng. 4 tháng đầu năm 2023, huyện đón hơn 400.000 lượt du khách, đạt 32% kế hoạch năm, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2022. Có thể thấy, du lịch Vân Đồn đã và đang từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong nền kinh tế của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Cũng từ du lịch, nhận thức cộng đồng dân cư được nâng lên rõ rệt, ý thức gìn giữ, bảo tồn giá trị các di sản văn hóa cũng như ý thức bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng được nâng lên.
Định hướng tương lai
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế và các kết quả đã đạt được, huyện Vân Đồn cũng phải đối mặt với không ít khó khăn trong phát triển du lịch. Địa bàn huyện phân bố phức tạp, chia cắt thành nhiều khu vực; các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ tập trung đa số ở các xã đảo, trong khi hệ thống kết cấu hạ tầng ở địa phương còn hạn chế. Ngoài ra, trong những năm qua, kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của thiên tai, dịch bệnh, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch của Vân Đồn nói riêng. Dù số lượng khách du lịch đến với Vân Đồn thời gian qua có tăng nhưng đa phần vẫn là khách lẻ, khách đi lễ hội với thời gian lưu trú và mức chi tiêu thấp; số lượng cơ sở lưu trú tăng nhưng chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu; lao động trong ngành du lịch địa phương phần lớn vẫn chưa có kỹ năng nghề nghiệp tốt. Các làng nghề, sản phẩm truyền thống chưa được khai thác hiệu quả để đưa vào phục vụ khách du lịch; sự liên kết giữa du lịch văn hóa và du lịch sinh thái biển, đảo chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Công tác quảng bá, xúc tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ giữa các đơn vị kinh doanh còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ; công tác giữ gìn vệ sinh môi trường chưa đạt hiệu quả cao...
Thời gian tới, Vân Đồn phấn đấu tạo những chuyển biến tích cực trong du lịch, hướng tới sự phát triển bền vững, làm tiền đề cho việc xây dựng thành công trung tâm du lịch biển chất lượng cao, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, phát triển các sản phẩm mới, tổ chức các loại hình du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa, cộng đồng tại xã đảo Minh Châu, Ngọc Vừng... Năm 2023, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tiễn về tiềm năng, thế mạnh du lịch và kịch bản tăng trưởng kinh tế, huyện Vân Đồn đặt mục tiêu tạo đột phá về phát triển du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là phát triển loại hình du lịch văn hóa kết hợp với du lịch sinh thái biển, đảo, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến và sử dụng dịch vụ, sản phẩm địa phương với mục tiêu đón gần 1,4 triệu lượt du khách, doanh thu du lịch 2.000 tỷ đồng, góp phần thu hút 15 triệu lượt du khách đến tỉnh Quảng Ninh.
Để hoàn thành mục tiêu đó cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường củng cố bộ máy tổ chức và công tác cán bộ trong các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể và nhân dân đối với sự phát triển du lịch của huyện, nhất là loại hình du lịch văn hóa và du lịch sinh thái biển, đảo.
Thứ hai, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch. Phát triển hệ thống dịch vụ kinh doanh du lịch có chất lượng cao, đặc biệt hệ thống cơ sở lưu trú xếp hạng từ 3 sao trở lên và hệ thống tàu du lịch lưu trú nghỉ đêm trên vịnh Bái Tử Long. Tập trung phát triển không gian du lịch theo 2 khu vực chính: Khu du lịch đảo Cái Bầu (khu du lịch lưu trú, dịch vụ ven bờ gồm các xã Hạ Long, Vạn Yên, Bình Dân, Đoàn Kết, Đài Xuyên, Đông Xá và thị trấn Cái Rồng); khu du lịch biển đảo (các xã Ngọc Vừng, Quan Lạn, Minh Châu, Bản Sen, Thắng Lợi; Vườn Quốc gia Bái Tử Long, vịnh Bái Tử Long), qua đó đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước.
Thứ ba, nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ du lịch hiện có, phát triển các sản phẩm mới đặc thù của địa phương, kết nối tuyến điểm với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái biển gắn với du lịch văn hóa vùng, miền; khai thác các lợi thế tài nguyên du lịch có sẵn tại các địa phương, như Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng… để xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng tại xã đảo Ngọc Vừng, nhằm chuyển dịch kinh tế, tạo việc làm cho cư dân trên đảo. Khai thác các tour du lịch trên vịnh Bái Tử Long. Nghiên cứu đề xuất xây dựng một số mô hình làng nghề truyền thống, như nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản tại các xã đảo Minh Châu, Quan Lạn, Bản Sen để phục vụ du lịch.
Thứ tư, tăng cường công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý du lịch có trình độ chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới. Điều tra, thống kê, phân tích lao động trong ngành du lịch; xây dựng kế hoạch và lộ trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch giai đoạn 2020 - 2025, dự báo nhu cầu cho giai đoạn 2026 - 2030. Hỗ trợ một phần ngân sách cho công tác đào tạo nghiệp vụ du lịch, khuyến khích các đơn vị tham gia chương trình thi tay nghề trong lĩnh vực du lịch để người lao động có dịp được học hỏi, trau dồi và nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.
Thứ năm, tích cực tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, giữ gìn thuần phong mỹ tục, ứng xử văn minh, lịch sự. Đôn đốc các đơn vị kinh doanh cơ sở lưu trú, vận chuyển khách, nhà hàng, đơn vị quản lý khai thác, sử dụng bãi tắm tham gia kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về an toàn kỹ thuật, chất lượng, an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy nổ, thực hiện bình ổn giá, đặc biệt trong các dịp lễ, tết.
Thứ sáu, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quảng bá, xúc tiến và phát triển thương hiệu thông qua các phương tiện truyền thông với nhiều hình thức như: xuất bản ấn phẩm, tờ gấp, băng video, hướng dẫn du lịch theo chuyên đề phù hợp với từng thị trường khách. Tổ chức các hội thảo, hội chợ du lịch, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch huyện Vân Đồn được tham gia, trao đổi kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng tiếp cận thị trường; tổ chức tốt lễ hội Vân Đồn, các hội chợ, liên hoan ẩm thực trên địa bàn huyện… nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống vùng, miền đến với du khách trong và ngoài nước./.
Nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, góp phần phát triển du lịch ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh  (20/10/2023)
Họp báo thông tin về Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30-10-1963 - 30-10-2023)  (17/10/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam