Đại tướng Đoàn Khuê - Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo chính trị, quân sự xuất sắc, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị anh hùng

LÊ QUANG TÙNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị
07:10, ngày 26-10-2023

TCCS - Trong suốt 60 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Đoàn Khuê đã trải qua những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ để cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Đại tướng đã để lại cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị nhiều chỉ dẫn, bài học kinh nghiệm sâu sắc giúp cho quê hương vượt qua khó khăn, xây dựng tỉnh nhà phát triển đi lên cùng cả nước.

Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đoàn Khuê với nhân dân tỉnh Quảng Trị_Nguồn: baovanhoa.vn

Nhà lãnh đạo chính trị, quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam

Đồng chí Đoàn Khuê, bí danh là Võ Tiến Trình, sinh ngày 29-10-1923, tại làng Gia Đẳng, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, vùng quê giàu truyền thống yêu nước, cách mạng và trầm tích văn hóa. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, cần cù lao động và ham học hỏi, thời niên thiếu chứng kiến các phong trào đấu tranh yêu nước, cách mạng ở địa phương, được các bậc tiền bối giác ngộ và chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc soi sáng; đến năm 1939, khi vừa mới 16 tuổi, đồng chí Đoàn Khuê thoát ly gia đình, tham gia hoạt động cách mạng. Không sợ hy sinh, không nề gian khổ, đồng chí hăng hái tham gia phong trào thanh niên phản đế và trở thành Bí thư Thanh niên phản đế phủ Triệu Phong.

Tháng 10-1940, đồng chí bị địch bắt, kết án và giam ở nhà lao Quảng Trị, sau đó bị đưa đi nhà đày Buôn Ma Thuột. Hơn 5 năm bị giam cầm, thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn để đe dọa, mua chuộc nhưng đồng chí luôn giữ vững khí tiết, phẩm chất kiên trung của người thanh niên yêu nước. Trong chốn lao tù, đồng chí tích cực học tập lý luận, học tiếng đồng bào dân tộc để tuyên truyền, vận động, giác ngộ binh lính người Ê-đê, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Tháng 5-1945, rời khỏi ngục tù đế quốc, đồng chí Đoàn Khuê được tổ chức phân công về xây dựng cơ sở cách mạng ở tỉnh Quảng Bình. Tháng 6-1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử làm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Bình; đến tháng 8-1945, đồng chí tham gia giành chính quyền ở tỉnh Quảng Bình, giữ chức Ủy viên quân sự tỉnh, sau đó được phân công chỉ huy một đơn vị của tỉnh Quảng Bình tham gia vào đội quân Nam tiến.

Từ đây, đồng chí Đoàn Khuê hoạt động và gắn bó máu thịt với chiến trường Khu 5, được phân công đảm nhiệm lần lượt các chức vụ: Bí thư Đảng ủy Trường Lục quân Quảng Ngãi; Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy các Trung đoàn 69, 73, 78, 126, 84; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 108 Liên khu 5; Phó Chính ủy Sư đoàn 305, sư đoàn chủ lực đầu tiên ở Nam Trung Bộ. Trong điều kiện tác chiến và hoạt động ở những địa bàn hết sức khó khăn, gian khổ, có thời điểm được gọi là “Bốn Đ” (địch đánh ác liệt, đạn thiếu, đói cơm, đao bệnh), nhưng với ý chí sắt đá, kinh nghiệm được tôi rèn trong thực tiễn cùng với tư duy nhạy bén, sắc sảo, đồng chí đã cùng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chỉ huy đơn vị vượt mọi khó khăn, kiên cường bám trụ, giữ đất, giữ dân, chiến đấu và giành được nhiều chiến công vang dội. Dấu ấn mang đậm bản lĩnh, tài thao lược, mưu trí, quyết đoán của đồng chí Đoàn Khuê là chiến thắng An Khê tháng 1-1953; Măng Đen và Chư Đrếch năm 1954; đặc biệt, “Phương thức công tác của đại đội độc lập và đội vũ trang tuyên truyền vùng Buôn Hồ” được quân và dân Khu 5 áp dụng hiệu quả, được nhân rộng và phát triển ở Nam Bộ góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.

Tháng 7-1954, Hiệp định Genève về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Nhưng với dã tâm xâm lược, đế quốc Mỹ lập nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm hòng chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Từ năm 1954 đến năm 1962, trên các cương vị Chính ủy Đại đoàn Pháo binh 675; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Sư đoàn Pháo binh 351, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Lữ đoàn 270 khu vực giới tuyến quân sự, Phó Chính ủy Quân khu 4, đồng chí Đoàn Khuê luôn kiên định mục tiêu, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, xây dựng Vĩnh Linh trở thành lũy thép trên tuyến đầu chống Mỹ.

Đầu năm 1963, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào thời kỳ quyết liệt, Khu 5 trở thành địa bàn chiến lược bị địch đánh phá nặng nề, đồng chí Đoàn Khuê được tổ chức tin tưởng, phân công vào lại chiến trường Khu 5 với cương vị Ủy viên Thường vụ Khu ủy, Phó Chính ủy Quân khu, Phó Bí thư Đảng ủy. Tại đây, bản lĩnh, phẩm chất, tài năng của đồng chí càng được khẳng định, thể hiện rõ nét. Nổi bật là, đồng chí đã kiên trì chủ trương muốn đánh Mỹ phải có quyết tâm đánh Mỹ và phương châm “vừa học, vừa làm, vừa chiến đấu, vừa rèn luyện”, đẩy mạnh tác chiến ngoài công sự “vây điểm, diệt viện”, phát huy sở trường “nắm thắt lưng địch mà đánh”, lấy tiêu diệt quân Mỹ là chủ yếu. Biết kết hợp chặt chẽ tiến công và nổi dậy, đẩy mạnh thực hiện 3 mũi giáp công, đồng thời, tiến hành hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng và tác chiến giành những thắng lợi to lớn, liên tiếp trên chiến trường, đưa Khu 5 trở thành địa phương “đi đầu diệt Mỹ”. Bằng tài năng quân sự, nhãn quan chính trị sắc sảo và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí Đoàn Khuê tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch trên địa bàn Quân khu 5, giành nhiều thắng lợi giòn giã ở các mặt trận Núi Thành, Ba Gia, Plâyme, Sa Thầy… mà đỉnh cao là chiến dịch Đà Nẵng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Những đóng góp quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng sau ngày đất nước thống nhất

Đất nước thống nhất nhưng Tổ quốc phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Trên địa bàn Khu 5, tổ chức phản động Fulrô luôn tìm cách chống phá cách mạng, gây tình hình bất ổn. Trên cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 5, đồng chí nghiên cứu sâu về nguồn gốc, quá trình hình thành, tính chất hoạt động và đề ra chủ trương chuyển nhận thức “truy quét FULRO” thành vấn đề “giải quyết FULRO”. Từ đó, vấn đề “giải quyết FULRO” ở Quân khu 5 đi đúng hướng, đạt hiệu quả cao.

Để bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc, thực hiện phương châm “Giúp bạn là mình tự giúp mình”, đồng chí Đoàn Khuê lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng tổ chức phòng thủ biên giới, tiến công phá vỡ hoàn toàn tuyến phòng ngự cơ bản của địch, góp phần cùng các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam giải phóng đất nước Campuchia ngày 17-1-1979, giúp nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng, xây dựng lại đất nước.

Từ tháng 11-1986, đồng chí Đại tướng Đoàn Khuê lần lượt giữ các cương vị quan trọng, là Ủy viên Bộ Chính trị, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương; là Ủy viên Trung ương Đảng từ khoá IV đến khóa VIII; là Ủy viên Bộ Chính trị các khoá VI, VII, VIII và là đại biểu Quốc hội các khoá VII, VIII, IX, X. Đồng chí Đại tướng Đoàn Khuê đã có nhiều đóng góp quan trọng về lý luận bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tham mưu, đề xuất và trực tiếp triển khai thực hiện chủ trương xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố và quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng trên cả nước; xây dựng quân đội theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Đây là những chủ trương có tầm nhìn xa, phù hợp với thực tiễn, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hùng mạnh. Đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo soạn thảo các văn bản và triển khai thực hiện “thế trận chiến tranh nhân dân” làm cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/BCT, ngày 30-7-1987, “Về nhiệm vụ quốc phòng đến năm 1990 và những năm tiếp theo”. Đây là Nghị quyết quan trọng về đường lối chiến tranh nhân dân và xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong tình hình mới.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, phần lớn thời gian đồng chí Đoàn Khuê được phân công đảm nhiệm công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội từ cấp trung đoàn đến cấp quân khu. Đại tướng Đoàn Khuê đã có nhiều đóng góp về lý luận như: Lấy công tác dân vận làm công tác trung tâm xây dựng cơ sở vùng địch hậu; phương thức công tác đại đội độc lập và đội vũ trang tuyên truyền trong kháng chiến chống Pháp; đẩy mạnh tiến công mạnh mẽ bằng ba mũi giáp công; phát động phong trào quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ trong toàn Khu 5; cuộc vận động xây dựng “chi bộ 3 tốt”, “chi bộ 4 tốt”, “đảng viên 4 tốt”... có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Là người cộng sản kiên trung, trên mọi cương vị công tác, Đại tướng Đoàn Khuê luôn một lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, là tấm gương sáng về tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời. Theo đồng chí: Con người ta phải học tập suốt cả cuộc đời, nếu không muốn bị người khác chê cười. Trong công việc, cuộc sống, Đại tướng Đoàn Khuê luôn tôn trọng, phát huy dân chủ, lắng nghe cán bộ, chiến sĩ và kiên quyết, kịp thời hành động, giải quyết những vấn đề, thực tiễn đặt ra.

Suốt 60 năm hoạt động cách mạng, từ lao tù của thực dân, đế quốc đến khắp các chiến trường nóng bỏng hay trong sinh hoạt đời thường, Đại tướng Đoàn Khuê luôn đem hết sức lực, trí tuệ phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Trên mọi cương vị, Đại tướng luôn thể hiện rõ tài năng chính trị - quân sự xuất sắc song toàn, phẩm chất cao quý của người cộng sản, giản dị, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, trung kiên, bất khuất trước mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, có nhiều đóng góp to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam, góp phần xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội, làm phong phú thêm nền nghệ thuật quân sự Việt Nam với những cống hiến, công lao to lớn và thành tích xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Tỉnh Quảng Trị khắc ghi lời căn dặn của Đại tướng Đoàn Khuê xây dựng quê hương phát triển, giàu mạnh

Là người con ưu tú của quê hương Quảng Trị anh hùng, đồng chí Đoàn Khuê luôn dành tình cảm sâu nặng và sự quan tâm đặc biệt đối với quê nhà. Đồng chí Đoàn Khuê đã có nhiều ý kiến chỉ đạo, góp ý quan trọng, giúp Đảng bộ tỉnh Quảng Trị trong xây dựng, hoàn thiện nhiều chủ trương, định hướng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; luôn trăn trở cùng với lãnh đạo tỉnh chăm lo các đối tượng chính sách, xây dựng tuyến biên giới vững mạnh.

Gần một phần tư thế kỷ đồng chí Đoàn Khuê đi xa, khắc sâu lời dạy và tâm nguyện của Đại tướng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đẩy mạnh các phong trào thi đua, khơi dậy khát vọng phát triển, quyết tâm đưa tỉnh Quảng Trị trở thành địa phương có trình độ phát triển khá của cả nước. Từ năm 1989 đến nay, nền kinh tế của tỉnh Quảng Trị liên tục tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân đạt 7,8%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Quy mô nền kinh tế tăng 190 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 10 lần; tổng thu ngân sách địa phương tăng hơn 300 lần.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng kiểm tra thực địa dự án đầu tư xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị_Nguồn: bqlkkt.quangtri.gov.vn

Nhiều chỉ tiêu văn hóa, xã hội của tỉnh Quảng Trị đạt cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được quan tâm. Các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước được triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả; ưu tiên tập trung các nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội và đền ơn đáp nghĩa thường xuyên được chăm lo thực hiện tốt.

Thực hiện lời chỉ dạy của Đại tướng Đoàn Khuê, các lực lượng hoạt động trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào luôn gắn bó, đoàn kết chặt chẽ quân dân, gắn kết xây dựng phát triển kinh tế với giữ vững quốc phòng, an ninh, tăng cường quan hệ hợp tác phát triển và ra sức vun đắp tình hữu nghị đặc biệt với hai tỉnh Sa-van-na-khet và Sa-la-van của nước bạn Lào.

Học tập, noi gương Đại tướng Đoàn Khuê, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị nguyện vững bước trên con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và nhân dân ta đã lựa chọn. Cùng với những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, những kinh nghiệm quý báu của các thế hệ đi trước, với ý chí, niềm tin, khát vọng, bản lĩnh, tinh thần sáng tạo, tiến công cách mạng mạnh mẽ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị nguyện đoàn kết một lòng, quyết tâm đưa tỉnh nhà vững bước đi lên, nhân dân có cuộc sống hạnh phúc - như mong ước của Đại tướng Đoàn Khuê./.