Đảng bộ tỉnh Nghệ An học tập và làm theo tấm gương đồng chí Chu Huy Mân về đề cao công tác chính trị, tư tưởng trong lãnh đạo, chỉ đạo
TCCS - Trải qua các thời kỳ lịch sử, mảnh đất Nghệ An vinh dự, tự hào là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa, lịch sử nổi tiếng, nhiều chí sĩ yêu nước, lãnh tụ cách mạng kiệt xuất. Trong đó, có Đại tướng Chu Huy Mân - nguyên: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - một con người suốt đời chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Ngược dòng thời gian, cách đây tròn 110 năm, tại làng Yên Lưu (nay là làng Phong Hảo, xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) nghèo khó bên dòng sông Lam thơ mộng, dòng họ Chu Văn vui mừng đón thêm một người con ưu tú là Chu Văn Điều (đồng chí Chu Huy Mân sau này). Sinh ra trong thời điểm đất nước lầm than, người dân quê hương cũng như chính gia đình đồng chí phải sống trong tủi nhục, đòn roi của chế độ thực dân - phong kiến; ngay trong gia đình mình, người mẹ nghèo nuốt nước mắt vào trong khi phải cho hai người con gái ruột của mình đi ở đợ cho nhà địa chủ để có tiền nộp sưu thuế cho chế độ thực dân - phong kiến. Lúc còn nhỏ, đồng chí Chu Huy Mân đã bộc lộ tố chất của một con người cương trực, thẳng thắn, thông minh, ham học hỏi. Lớn lên, chứng kiến nỗi thống khổ của người dân mất nước dưới ách thống trị của thực dân - phong kiến, đồng chí Chu Văn Điều sớm nhận ra rằng, chỉ con đường đấu tranh cách mạng, chống lại thực dân - phong kiến mới giải phóng được cho bản thân, gia đình và quê hương. Hoàn cảnh khó khăn của gia đình, của quê hương không làm nhụt đi ý chí vươn lên mà càng thôi thúc ý chí phấn đấu của cậu học trò nhỏ Chu Văn Điều. Chính vì thế, đồng chí đã nhanh chóng giác ngộ và tin theo con đường cách mạng. Năm 1929, khi mới 16 tuổi, với lòng yêu nước nồng nàn, đồng chí đã tích cực tham gia các phong trào yêu nước ở quê nhà. Trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931), đồng chí tham gia Tự vệ Đỏ - một trong những đội quân tiền thân của quân đội ta. Mặc dù còn ít tuổi, nhưng đồng chí sớm chứng tỏ được bản lĩnh của mình nên được giao trọng trách là Đội phó Đội tự vệ của xã Yên Lưu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Cuối năm 1930, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi, đồng chí đã tuyên thệ: “Tôi vào Đảng là hoàn toàn tự nguyện, suốt đời hy sinh, chiến đấu vì Tổ quốc, vì Nhân dân”(1). Lời hứa thiêng liêng đó chính là động lực phấn đấu và động lực ấy được minh chứng trong những tình huống thử thách gian nguy giữa cái sống và cái chết với quân thù và chính lời hứa ấy cũng đi theo đồng chí trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng sau này.
Trong thời kỳ hoạt động bí mật, đồng chí Chu Huy Mân bốn lần bị địch bắt, tra tấn và tù đày, nhiều lần vượt ngục, tìm bắt liên lạc với tổ chức đảng để tiếp tục hoạt động. Đó là những năm tháng đồng chí rèn ý chí, bản lĩnh cách mạng kiên trung, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Năm 1936, trên cương vị là Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên, đồng chí đã thể hiện rõ bản lĩnh của người lãnh đạo, người tổ chức vận động quần chúng của Đảng cũng như tài năng quân sự của mình. Chính vì thế, đồng chí luôn bị thực dân Pháp và tay sai truy lùng ráo riết. Từ năm 1937 đến năm 1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam nhiều lần ở nhà lao Vinh, đến cuối năm 1940, đồng chí bị đưa đi giam cầm ở Đắk Lay, rồi Đắk Tô, Kon Tum. Trong nhà giam, địch dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc cùng với cực hình tra tấn, nhưng không làm nản lòng người cộng sản trẻ tuổi ấy. Nuôi chí lớn, lòng hướng về tương lai dân tộc, đất nước, tháng 3-1943, đồng chí Chu Huy Mân cùng các đồng chí cùng chí hướng tổ chức trốn khỏi nhà giam, tiếp tục hoạt động cách mạng. Trong những ngày tiền khởi nghĩa, đồng chí Chu Huy Mân tích cực tham gia Ban vận động Việt Minh Tỉnh ủy Quảng Nam. Đồng chí đã cùng Ban lãnh đạo khởi nghĩa lãnh đạo nhân dân giành chính quyền trong tỉnh, góp phần quan trọng để tỉnh Quảng Nam sớm được giải phóng, là một trong bốn tỉnh giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất trong cả nước.
Sau khi đất nước giành được chính quyền năm 1945, đồng chí được Đảng phân công công tác trong quân đội, lần lượt giữ các chức vụ: Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam; Chủ tịch Ủy ban Quân chính bốn tỉnh Trung Bộ.
Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng chí được điều động và phân công làm Trưởng Ban Kiểm tra xây dựng Đảng Quân khu ủy Việt Bắc. Từ năm 1947 - 1949 là Trung đoàn trưởng, Bí thư Trung đoàn ủy các Trung đoàn 72, 74 Cao Bằng; Chính ủy Trung đoàn 174 Cao - Bắc - Lạng; Phó Chỉnh ủy, Chính ủy Đại đoàn 316; Bí thư Đảng ủy Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4; Bí thư Khu ủy Tây Bắc, đồng thời là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu Tây Bắc… Trên cương vị chỉ huy quân đội, đồng chí đã lãnh đạo, chỉ huy tham gia nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch ở đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Biên giới và Thượng Lào. Đặc biệt, ở cương vị Chính ủy Sư đoàn 316, đồng chí đã cùng với đồng chí, đồng đội trực tiếp chỉ huy các trận đánh then chốt vào đồi A1, C1, C2, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Đại tướng Chu Huy Mân được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, ở những địa bàn chiến lược Tây Nguyên, Khu 5 đầy gian khổ, ác liệt. Phát huy tinh thần sáng tạo và ý chí quyết tâm: “Quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ”(2), đồng chí đã cùng tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh lãnh đạo quân và dân trên địa bàn trực tiếp đương đầu với đế quốc Mỹ, lập nên nhiều chiến công vang dội trên chiến trường, góp phần cùng quân, dân cả nước làm thất bại mọi âm mưu và ý đồ của đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 kết thúc hoàn toàn thắng lợi, đất nước được thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng chí Chu Huy Mân tiếp tục được Đảng giao nhiều trọng trách, cương vị cao của Đảng, Nhà nước và quân đội. Với tầm nhìn, tư duy chiến lược và khả năng phân tích thực tiễn sâu sắc cùng những kinh nghiệm dạn dày cả về chính trị và quân sự, đồng chí đã chủ động đề xuất nhiều vấn đề về chính trị, quân sự, quốc phòng và đối ngoại ở tầm chiến lược, nhất là vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ.
Với 93 tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng, 61 tuổi quân, chiến đấu trên khắp các chiến trường từ Quân khu 4, Quân khu 5, Quân khu Việt Bắc, Tây Bắc đến mặt trận Tây Nguyên, chiến trường miền Trung, Lào và Campuchia…, đồng chí luôn nêu cao tấm gương sáng ngời về ý chí và hoài bão của một người thanh niên yêu nước, một chiến sĩ cách mạng, một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, vị tướng văn võ song toàn của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những cống hiến to lớn của đồng chí đã góp phần làm rạng danh Tổ quốc ta, tô thắm thêm lịch sử và truyền thống vẻ vang của Ðảng, của dân tộc, của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và của quê hương Nghệ An yêu dấu.
Khi nói về đồng chí Chu Huy mân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: “Đồng chí Chu Huy Mân là một cán bộ lãnh đạo cấp cao tiêu biểu của Đảng và Nhà nước, một tướng lĩnh xuất sắc, chính trị, quân sự song toàn của quân đội ta, là một tấm gương sáng cho toàn quân, toàn dân ta học tập”(3). Học tập đồng chí Chu Huy Mân, trước hết là học tập tấm gương suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; học tập tác phong, phương pháp làm việc khoa học, sáng tạo, dân chủ, sâu sát, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm; lối sống trong sáng, lành mạnh, gần gũi, yêu thương đồng bào, đồng chí và đồng đội.
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Xô viết anh hùng, học tập tấm gương đồng chí Chu Huy Mân, vị tướng văn võ song toàn, người cộng sản mẫu mực, kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Nghệ An luôn đoàn kết phấn đấu, kiên trì, bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành các mục tiêu đề ra, đạt được nhiều thành tựu quan trọng qua các thời kỳ cách mạng, góp phần cùng nhân dân cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả với các nước bạn Lào và Campuchia, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trong công cuộc đổi mới, nhất là những năm gần đây, Nghệ An đã đạt được những thành tựu kinh tế, xã hội rất quan trọng. Trong năm 2022, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Nghệ An hoàn thành xuất sắc nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Mặc dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả của đại dịch COVID-19 và những biến động từ tình hình quốc tế phức tạp, khó lường, tỉnh Nghệ An vẫn đạt 27/28 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Sau nhiều năm, nền kinh tế Nghệ An có những điểm sáng nổi trội với một số chỉ tiêu thiết lập mốc phát triển mới, như: Tốc độ tăng trưởng đạt 9,08%; lần đầu tiên thu ngân sách nhà nước vượt mốc 20.000 tỷ đồng, đạt 21.805 tỷ đồng; thu hút FDI xấp xỉ đạt 1 tỷ USD, là một trong 10 tỉnh dẫn đầu cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, đạt trên 2,49 tỷ USD. Năm 2022 là năm thứ hai liên tiếp tỉnh thực hiện vượt mục tiêu xuất khẩu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục có sự đột phá, đến cuối năm 2022, tỉnh có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 75,18%, 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 14,23% số xã nông thôn mới, có 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác chăm sóc y tế được thực hiện tốt; giáo dục tiếp tục giữ thứ hạng cao, là một trong năm tỉnh dẫn đầu toàn quốc về học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên, kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tăng 14 bậc so với năm 2021, lần đầu tiên đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, tỉnh tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự cấp tỉnh và 5 huyện, được Quân khu 4, Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Công tác đối ngoại triển khai hiệu quả, toàn diện. Công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội thực hiện đồng bộ, thuyết phục, hiệu quả. Những kết quả trên đã làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng tin tưởng, ủng hộ sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, thể hiện sự tin tưởng và kỳ vọng vào sự phát triển của tỉnh.
Có được những thành tựu đó, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của toàn dân, toàn quân, có vai trò cực kỳ quan trọng của công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy trong toàn tỉnh. Trong nhiệm kỳ, cấp ủy các cấp có nhiều nỗ lực đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, từ đó, nhiều điểm sáng được nhân rộng; đặc biệt, phát huy có hiệu quả tinh thần đoàn kết, thống nhất, dân chủ, chủ động, có trọng tâm, trọng điểm. Thể hiện tập trung nhất ở công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, được dư luận nhân dân rất mong chờ được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo tháo gỡ, như: Việc quản lý các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; chủ trương chuyển đổi số trong lãnh đạo, điều hành, quản lý, phát triển; vấn đề quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh; trong xử lý vi phạm đạo đức công vụ, vi phạm cải cách hành chính… Những vấn đề trên đều được Tỉnh ủy bàn bạc kỹ và ban hành các nghị quyết, chỉ thị và đề án để thực hiện, với phương châm vừa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành của Nhà nước, vừa phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội; sự sáng tạo trong triển khai thực hiện của các tầng lớp nhân dân. Đó cũng là cách mà Đảng bộ tỉnh Nghệ An học tập và làm theo tấm gương của đồng chí Chu Huy Mân về đề cao công tác chính trị, tư tưởng trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Phát huy tinh thần “Đoàn kết, thống nhất, chủ động, linh hoạt, trọng tâm, trọng điểm” của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong những năm tiếp theo, Đảng bộ, quân và dân Nghệ An nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả cao hơn nữa để sớm về đích các mục tiêu mà Đại hội đề ra. Trước mắt là thực hiện việc đánh giá giữa nhiệm kỳ Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, qua đó, xem xét điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành được các mục tiêu, chỉ tiêu của nhiệm kỳ. Tỉnh cũng đang phối hợp với các ban, ngành trung ương chuẩn bị để trình Bộ Chính trị việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, từ đó đề xuất ban hành nghị quyết mới gắn với bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh. Với việc phát huy tinh thần Xô viết Nghệ - Tĩnh, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tấm gương đồng chí Chu Huy Mân và các vị lãnh đạo cách mạng tiền bối, quê hương Nghệ An phấn đấu sớm đạt được mục tiêu trở thành tỉnh khá ở miền Bắc và cả nước như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra và như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu hằng mong muốn./.
-----------------------
(1) Lê Khả Phiêu: “Đại tướng Chu Huy Mân - Anh Hai Mạnh, người chiến sĩ cộng sản chân chính”, in trong sách: Đại tướng Chu Huy Mân nhà quân sự - chính trị song toàn, người cộng sản kiên trung mẫu mực, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 20
(2) Từ ngày 21-27-12-1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa III, họp Hội nghị lần thứ 12. Nghị quyết Hội nghị khẳng định: “Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở cả hai miền phải giữ vững và nêu cao quyết tâm đẩy mạnh cuộc chiến tranh nhân dân chống Mỹ, cứu nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào, kiên quyết chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng”
(3) Võ Nguyên Giáp: “Mãi mãi nhớ tiếc Đại tướng Chu Huy Mân”, in trong sách: Đại tướng Chu Huy Mân nhà quân sự - chính trị song toàn, người cộng sản kiên trung, mẫu mực, Sđd, tr. 18
Đồng chí Lê Hồng Phong - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam  (06/09/2022)
Chiến thắng Tàu Ô - Bản anh hùng ca bất tử  (27/08/2022)
Quê hương Nghệ An - 65 năm làm theo lời Bác dặn  (14/06/2022)
Quê hương Nghệ An - 65 năm làm theo lời Bác dặn  (14/06/2022)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển