Tỉnh Hải Dương thực hiện mục tiêu “kép”: Vừa phát triển kinh tế, vừa kiểm soát dịch bệnh hiệu quả theo tinh thần “thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá"
TCCS - Tác động của đại dịch COVID-19 đã và vẫn còn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, áp lực đối với phát triển kinh tế - xã hội. Với tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới tư duy trong nhận thức và hành động, tỉnh Hải Dương đã vững vàng vượt qua thử thách, kiểm soát được dịch bệnh, tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng phát triển kinh tế, xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
“Vượt khó, tăng tốc”
Hải Dương là tỉnh nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, trong không gian phát triển vùng thủ đô Hà Nội; có 12 đơn vị hành chính với 235 xã, phường, thị trấn (giảm 30 đơn vị sau sáp nhập cấp xã); diện tích tự nhiên 1.670km2 với dân số trên 1,95 triệu người. Đảng bộ tỉnh Hải Dương có 15 đảng bộ trực thuộc (giảm 1 đảng bộ khối doanh nghiệp); 678 tổ chức cơ sở đảng với trên 108 nghìn đảng viên. Giai đoạn 2016 - 2020, cấp ủy, chính quyền tỉnh quyết liệt chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, những thành tựu đạt được sau hơn 35 năm đổi mới đã thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 với những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực: Kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, bình quân 8,1%/năm (cao hơn bình quân cả nước); quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện; thu hút đầu tư đạt kết quả khá cao; từ năm 2017, tỉnh tự cân đối ngân sách và có một phần điều tiết về ngân sách trung ương. Các đột phá chiến lược tiếp tục được quan tâm thực hiện và đạt kết quả tích cực, nhất là việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng. Xây dựng và phát triển đô thị, nông thôn đạt kết quả nổi bật. Văn hóa - xã hội phát triển toàn diện, thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; giáo dục - đào tạo, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều tiến bộ mới; quốc phòng - an ninh được củng cố và giữ vững; đời sống của nhân dân được nâng lên.
Từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng dẫn đến cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu chưa từng có, tạo ra những xáo trộn lớn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội trên toàn thế giới. Trong nước, tăng trưởng kinh tế chững lại và thấp hơn rất nhiều so với năm 2019; nhất là đợt dịch tái bùng phát lần thứ 4 trong năm 2021 đã gây đứt chuỗi cung ứng cục bộ, tác động hết sức tiêu cực tới hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập và đời sống của đại bộ phận người lao động. Hải Dương là tỉnh chịu ảnh hưởng rất lớn của tất cả các đợt dịch, nhất là đợt dịch lần thứ 3 diễn ra trong quý I năm 2021.
Trong bối cảnh chịu sự tác động tiêu cực, toàn diện của đại dịch, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, tỉnh Hải Dương đã chủ động, quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt trong công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội, Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2026, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã quyết định lựa chọn chủ đề của năm là “Vượt khó, tăng tốc”. Với tinh thần quyết liệt và sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh đã vững vàng vượt qua thử thách của đợt dịch thứ 3 diễn ra căng thẳng ngay trước Tết Nguyên đán, trong các đợt dịch thứ tư, thứ năm, tiếp tục vượt qua khó khăn, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân và có sự tăng tốc, bứt phá trong 6 tháng cuối năm. Bên cạnh việc tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 với tỷ lệ cử tri đi bầu cao, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ tăng trưởng âm trong quý I, chỉ đạt 3,9% trong quý II, đã vượt khó, vươn lên, đạt 8,6% cả năm (Kế hoạch 8% trở lên, đứng thứ tư vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 8/10 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong cả nước), hoàn thành và hoàn thành vượt mức 11/14 chỉ tiêu chủ yếu; thu ngân sách nhà nước đạt kết quả nổi trội, đạt 21.113 tỷ đồng, tăng 62% so với kế hoạch đặt ra, thu nội địa 18.000 tỷ đồng, vượt dự toán 63% và tăng 22% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được duy trì, đạt kết quả khá, nhất là sản xuất nông nghiệp (tăng 6,8%), công nghiệp (tăng 11,8%). Năm 2021, Hải Dương đã tạo bước ngoặt lớn trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận bằng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), từ vị trí 47 thuộc nhóm trung bình vươn lên xếp hạng thứ 13 trong cả nước, đứng đầu nhóm 20 tỉnh, thành phố xếp loại khá trong năm 2021, cao nhất trong 17 năm qua và vượt xa mục tiêu đặt ra, được đánh giá là một trong 10 địa phương có kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển doanh nghiệp tốt. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tăng từ thứ 30 lên 19, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố). Một số lĩnh vực đạt kết quả nổi bật, như xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, hoạt động xúc tiến đầu tư, chuyển đổi số... Các hoạt động văn hóa, xã hội tiếp tục được duy trì, công tác giáo dục và đào tạo có thành tích mới; tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ do đại dịch, an sinh xã hội được bảo đảm. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Đặc biệt, nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo, cơ bản hoàn thành việc lập, điều chỉnh các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung đô thị và lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với tư duy phát triển mới, tầm nhìn mang tính đột phá; tập trung xây dựng chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Đảng bộ tỉnh đã tạo ra một không khí làm việc mới thực sự đoàn kết, dân chủ và đầy khát vọng, quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, chính quyền - đã tạo nên sức mạnh giúp tỉnh Hải Dương vượt qua khó khăn, thử thách với tinh thần tự lực, tự cường, đúng tinh thần “vượt khó, tăng tốc” năm 2021 đã đề ra. Nhìn lại năm 2021 đầy biến động, một số bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra:
Thứ nhất, định hướng chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII là trúng, đúng và phù hợp với định hướng phát triển theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với tư duy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm của miền Bắc, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, với 4 trụ cột, phù hợp với xu thế phát triển. Khái niệm tăng trưởng xanh không còn xa lạ vì Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp tham gia những diễn đàn về tăng trưởng xanh, các nước đi theo tăng trưởng xanh, nhiều tỉnh, thành phố đi theo tăng trưởng xanh. Đồng thời, một điều rất rõ ràng là, nhờ chuyển đổi số, chúng ta đã có sự tăng trưởng, phát triển như những năm vừa qua, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ...
Thứ hai, khơi dậy khát vọng phát triển mạnh mẽ trong toàn Đảng bộ, trước hết là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu. Phát huy sức mạnh đoàn kết trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, từ đó lan tỏa trong toàn Đảng bộ để cùng nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách chưa từng có của đại dịch, tăng tốc về đích. Khát vọng phát triển chính là điểm rất mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và khát vọng này phải thấm hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa để tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong Ban Chấp hành Đảng bộ và chỉ có đoàn kết mới thực hiện được khát vọng đó.
Thứ ba, công tác lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải thống nhất, đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo theo đúng tinh thần “5 rõ”, “6 dám” thì hiệu quả mới cao. Đồng thời, phân cấp, phân quyền mạnh cho cấp dưới, cá thể hóa trách nhiệm; đặc biệt phát huy vai trò của người đứng đầu; siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên; thực hiện tốt phương châm 5 rõ và 6 dám.
Thứ tư, trong lãnh đạo, chỉ đạo phải đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, các cấp ủy đảng, chính quyền phải thực sự đồng hành với doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; phải đồng hành với doanh nghiệp.
Tiếp tục “thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 được dự báo còn diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài với sự xuất hiện của những biến chủng mới, có khả năng lây lan nhanh hơn, tác động mạnh hơn, tỉnh đã xác định chủ đề của năm 2022 là “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá” để thực hiện “mục tiêu kép”: vừa tập trung thích ứng linh hoạt theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021, của Chính phủ, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 kể cả với biến chủng vi-rút mới, vừa tập trung phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh từ 10% trở lên so với năm 2021; hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2022 và mục tiêu của cả giai đoạn 2021 - 2025. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước (đứng thứ 2/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 6 cả nước). Tổng thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 10.344 tỷ đồng (70% dự toán), bằng 116% so với cùng kỳ. Trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ trọng tâm là:
Một là, kiên trì thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021 của Chính phủ. Trong đó, sẵn sàng, chủ động kế hoạch ứng phó với biến chủng mới của vi-rút SARS-CoV-2 với những phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình dịch tại địa phương. Phân cấp mạnh cho từng huyện, từng xã, từng khu dân cư trách nhiệm kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn, quyết định và tự chịu trách nhiệm về những biện pháp đó, tỉnh hỗ trợ, tăng cường cả về kinh phí, con người, lực lượng. Tập trung tiêm bao phủ vắc xin cho người dân, thực hiện nghiêm 2K + vắc-xin để kiểm soát dịch bệnh, nâng cao ý thức tự giác trong từng gia đình, từng cá nhân và tổ chức sản xuất, kinh doanh, các hoạt động xã hội.
Hai là, tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển với phương châm “Cấp ủy, chính quyền phục vụ nhân dân và đồng hành với doanh nghiệp”; đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm; coi những doanh nghiệp lớn là đối tác quan trọng của tỉnh; dành thời gian gặp mặt, đối thoại trực tiếp để kịp thời tìm hiểu, tháo gỡ và lắng nghe tâm tư, đề xuất của các doanh nghiệp.
Ba là, tập trung chuẩn bị các điều kiện, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn, bài bản để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyển dịch vào Việt Nam trong năm 2022. Thành lập các tổ công tác đặc biệt để đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư lớn thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh triển khai hạ tầng của 6 khu công nghiệp, 20 cụm công nghiệp và tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư các khu, cụm công nghiệp mới. Tập trung chỉ đạo rà soát tất cả các dự án chậm triển khai để xử lý theo quy định của pháp luật, theo hướng thu hồi, bàn giao cho nhà đầu tư mới để thực hiện các dự án khả thi hơn.
Bốn là, tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư; các khu, cụm công nghiệp đã có chủ trương đầu tư; thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về giải phóng mặt bằng của tỉnh hỗ trợ các huyện, thành phố, thị xã; đồng thời, tập trung nguồn lực cho quỹ phát triển đất của tỉnh để thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất “sạch” đấu giá quyền sử dụng đất, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tập trung thu hút đầu tư phát triển khu dân cư, khu đô thị theo quy hoạch; thu hút đầu tư nhà máy xử lý rác tập trung cấp tỉnh và quy hoạch, thu hút đầu tư khu nghĩa trang công viên để phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Năm là, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động chịu tác động của đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 105/NQ-CP, ngày 9-9-2021, của Chính phủ, về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư của tỉnh trên một số lĩnh vực để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, đồng thời nghiên cứu xây dựng một số chính sách mới nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Chú trọng thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, đáp ứng xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thích ứng trước diễn biến của đại dịch COVID-19. Nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp phục hồi thị trường lao động, bảo đảm cân đối cung - cầu lao động gắn với nâng cao chất lượng lao động nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Sáu là, tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021, của Chính phủ, về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tập trung hỗ trợ các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương; kịp thời nắm bắt, xử lý các vấn đề xã hội phát sinh do tác động của đại dịch, nhất là các vấn đề về an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội.
Bảy là, tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng điều hành phát triển kinh tế, chuyển từ tư duy chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ, kiến tạo. Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với tăng cường trách nhiệm giữa các cấp chính quyền trong các lĩnh vực quản lý, gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu. Đẩy mạnh thực hiện tinh gọn bộ máy gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. Quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ năng lực, có tư duy đổi mới, sáng tạo, có ý thức, kỷ luật, kỷ cương công vụ. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức./.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh Quảng Ninh trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19  (27/05/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển