Phát triển làng nghề gắn với du lịch ở tỉnh Bình Định

PGS, TS. Đoàn Thế Hùng - TS. Nguyễn Đức Toàn
Trường Đại học Quy Nhơn
13:59, ngày 29-07-2022

TCCS - Bình Định là vùng đất có nhiều làng nghề được hình thành, tồn tại và phát triển từ rất sớm, tạo nên những nét đặc sắc riêng có. Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các làng nghề không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần đưa ngành du lịch của địa phương phát triển ngày một đa dạng, có sức hấp dẫn riêng.

Nghề làm nón Gò Găng ở phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định (ảnh: Nguyễn Quốc Huy)_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Mảnh đất giàu tiềm năng cho phát triển làng nghề gắn với du lịch

Trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Bình Định là một trong những địa phương có nhiều lợi thế để phát triển làng nghề gắn với du lịch, bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều sản phẩm lâu đời, có giá trị văn hóa và lịch sử cùng tồn tại phát triển cho đến ngày nay. Bao thế hệ người dân nơi đây thường nhắc đến các sản phẩm của làng nghề qua câu ca: “Nón ngựa Gò Găng/ Bún Song Thằn An Thái/ Lụa đậu tư Nhơn Ngãi/ Xoài tượng chín Hưng Long/ Mặc ai mơ táo, ước hồng/ Tình quê em giữ vững lòng trước sau”. Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, các làng nghề của địa phương vẫn trường tồn, bền bỉ và không ngừng phát triển, sáng tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng phục vụ cho nhu cầu của người dân cũng như hướng tới xuất khẩu sang thị trường các nước trên thế giới. Hiện nay, nhiều làng nghề của tỉnh được công nhận theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, ngày 12-4-2018, của Chính phủ, “Về phát triển ngành nghề nông thôn”; các làng nghề của địa phương không những góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, mà còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, là một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những năm gần đây, cùng với việc đón lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến Bình Định ngày càng tăng, công tác định hướng gắn phát triển làng nghề với các hoạt động du lịch được tỉnh quan tâm, chú trọng nhiều hơn. Các làng nghề cũng chủ động thích ứng linh hoạt với bối cảnh mới, tận dụng có hiệu quả sự hỗ trợ từ chủ trương, chính sách của tỉnh để phát triển bền vững. Năm 2019, Bình Định có 69 làng nghề; trong đó, có 48 làng nghề theo quy hoạch phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp và có 19 làng nghề nằm ngoài quy hoạch. Có 7 làng nghề(1) truyền thống được công nhận đạt các tiêu chí của Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, trong đó có 2 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống và 5 làng nghề được công nhận làng nghề. Trong số các làng nghề đã được công nhận, có 13 làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; 2 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 24 làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; 6 làng nghề sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh. Các làng nghề, làng nghề truyền thống được phân bố trên địa bàn của các huyện: Tuy Phước (4 làng nghề), Phù Cát (9 làng nghề), Phù Mỹ (4 làng nghề), Hoài Nhơn (4 làng nghề), Tây Sơn (1 làng nghề) và thị xã An Nhơn (24 làng nghề)(2).

Các làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định có quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, chủ yếu là loại hình kinh tế hộ gia đình, cá thể. Sự liên kết giữa các làng nghề, nghệ nhân, thợ thủ công và các doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin thị trường, tiêu thụ sản phẩm, truyền nghề… chưa thường xuyên, chặt chẽ. Nhà xưởng phần lớn là tận dụng nhà ở để bố trí sản xuất. Công nghệ sản xuất còn lạc hậu, thiếu đồng bộ nên khó có điều kiện phát triển hoặc đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Ý thức bảo vệ môi trường của các cơ sở làng nghề chưa được chú trọng. Trong quá trình sản xuất, các làng nghề sử dụng nhiên liệu chủ yếu là củi, than, mùn cưa… làm phát sinh bụi, khí gây ô nhiễm môi trường. Thêm vào đó, ô nhiễm tiếng ồn do sử dụng các loại chất đốt và vật tư trong công nghệ sản xuất rèn, đúc, chế biến nông sản, thực phẩm gia tăng. Phần lớn các hộ làm nghề chế biến thực phẩm (như bún, bánh tráng, tinh bột mỳ, rượu) còn kết hợp chăn nuôi ngay sát khu vực sản xuất gây ô nhiễm không khí, môi trường... Bên cạnh đó, các làng nghề chủ yếu nằm đan xen trong khu dân cư, quy mô vốn khiêm tốn, trong đó trên 95% có vốn bình quân 8,5 triệu đồng/hộ; khoảng 3% có vốn bình quân từ 20 đến 25 triệu đồng/hộ (chỉ có một số ít hộ có vốn từ 3 đến 5 tỷ đồng). Nguồn vốn này chủ yếu được dùng để đầu tư mua sắm thiết bị, công cụ, dụng cụ, mua nguyên vật liệu.

Đa phần lực lượng lao động là hộ sản xuất trong làng nghề (với 8.658 hộ), đã giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động, chủ yếu là lao động thường xuyên(3). Các làng nghề vẫn duy trì công lao động chính tại các hộ sản xuất. Điều này vừa bảo đảm lực lượng lao động tại chỗ, vừa giảm chi phí phát sinh trong các công đoạn sản xuất. Mặt khác, mức thu nhập bình quân của người lao động trong các làng nghề có sự chênh lệch tùy thuộc vào công việc từng nghề. Theo đó, những làng nghề có mức chi trả tiền công cao nhất là sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất rượu Bàu Đá Nhơn Lộc, chế biến nước mắm và các làng nghề cơ khí nhỏ, thu nhập bình quân từ 3 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh thu nhập bình quân khoảng từ 5 triệu đến 6 triệu đồng/người/tháng; thấp nhất là làng nghề làm dệt chiếu, làm nón, đan lát thu nhập bình quân khoảng từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/người/tháng.

Trong tổng số các làng nghề được công nhận ở tỉnh Bình Định (năm 2020), có 15 làng nghề đã có sản phẩm đăng ký thương hiệu và 13 làng nghề có sản phẩm OCOP(4) được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP lần thứ nhất. Đến năm 2021, tỉnh Bình Định đã có 81 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn và phân hạng từ 3 đến 5 sao, nhờ đó nhiều làng nghề ở nông thôn được mở rộng và phát triển, một số sản phẩm được nâng cao chất lượng, hướng đến xuất khẩu(5). Sản phẩm làng nghề của tỉnh Bình Định khá đa dạng, như: bún, bánh, rượu, đan lát, gỗ mỹ nghệ, mộc dân dụng, chiếu cói, trồng mai cảnh… Thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng trong tỉnh và các tỉnh lân cận (chiếm trên 90%), khoảng 10% được xuất khẩu ra nước ngoài thông qua ủy thác hoặc đường tiểu ngạch đến thị trường các nước và vùng lãnh thổ, như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, ASEAN...

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của làng nghề đối với việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Ngày 14-5-2021, Tỉnh ủy Bình Định ban hành 7 chương trình hành động(6) thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đặc biệt, Chương trình hành động số 08-CTr/TU, ngày 14-5-2021, của Tỉnh ủy Bình Định, “Về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025” đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp tập trung phát triển làng nghề, như: Tập trung đầu tư phát triển các làng nghề đã được công nhận gắn với du lịch để làm đòn bẩy phát triển các làng nghề khác; hỗ trợ các làng nghề xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ môi trường và đầu tư công trình hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề theo quy định; tăng cường hướng dẫn lập hồ sơ công nhận theo quy định; phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 có 17 làng nghề được công nhận đạt tiêu chí hiện hành; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, làng nghề đổi mới cách thức sản xuất, kinh doanh, đầu tư máy móc, thiết bị, cải tiến mẫu mã, bao bì, tăng cường xúc tiến thương mại, định hướng thị trường nội địa và tiến tới xuất khẩu sản phẩm làng nghề, nhất là các làng nghề đạt tiêu chí hiện hành về làng nghề, làng nghề truyền thống; đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật làng nghề; hình thành các “cụm sản xuất nông - công nghiệp ở nông thôn” gắn với Chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Những chủ trương trên đã góp phần khơi thông nguồn lực phát triển làng nghề, hướng tới thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo động lực thúc đẩy các làng nghề đẩy mạnh sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, khẳng định thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững trong giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh.

Những năm gần đây, Bình Định trở thành điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Đây là cơ sở để Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 3027/QD-UBND, ngày 27-8-2019, “Về việc phê duyệt Đề án thí điểm phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh tỉnh Bình Định đến năm 2025”, trong đó, tập trung phát triển 4 làng nghề gắn với các tuyến, điểm du lịch của tỉnh và khu vực, gồm: Làng nghề rượu Bàu Đá Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn; làng nghề nón ngựa Phú Gia, huyện Phù Cát; làng nghề bí đao Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ và làng nghề bún số 8 Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn. Mục tiêu nhằm phát triển du lịch làng nghề, sản phẩm làng nghề truyền thống và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hình thành các điểm đến thu hút du khách; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho cư dân làng nghề, góp phần xây dựng thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời, thông qua các hoạt động du lịch để góp phần quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa lâu đời của các làng nghề của địa phương.

Sảm xuất chiếu cói ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định_ Ảnh: truyenhinhdulich.vn

Một số giải pháp phát triển làng nghề gắn với du lịch

Thời gian tới, để phát huy hơn nữa hiệu quả từ hoạt động phát triển làng nghề gắn với du lịch, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Định. Các cấp, ngành trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai, sâu rộng trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội nội dung Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017, của Bộ Chính trị, “Về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Quyết định số 147/QĐ-TTg, ngày 22-1-2020, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”; Chương trình hành động về phát triển du lịch của tỉnh. Theo đó, xác định du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, tạo động lực cho các ngành khác phát triển, trong đó có các làng nghề. Cần tiếp tục bổ sung, điều chỉnh kịp thời chính sách khuyến khích phát triển làng nghề phù hợp với chiến lược phát triển tổng thể về kinh tế - xã hội của địa phương.

Hai là, phát triển mạng lưới liên kết các làng nghề để hỗ trợ lẫn nhau về sản xuất, nhân lực trình độ cao, cơ sở vật chất, xúc tiến quảng bá sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết phát triển du lịch làng nghề nhằm giới thiệu, tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc, địa phương thông qua những sản phẩm làng nghề tinh xảo.

Hoạt động du lịch mang đến các làng nghề đối tượng khách tiêu dùng không chỉ cần giá trị sử dụng của sản phẩm, mà còn quan tâm đến giá trị tinh thần được truyền tải trong các sản phẩm. Do vậy, liên kết du lịch làng nghề giúp bảo tồn, quảng bá, mở rộng và gia tăng giá trị các sản phẩm làng nghề.

Ba là, tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân, doanh nghiệp ứng xử văn minh, thân thiện với du khách; bảo vệ hình ảnh, môi trường du lịch gắn với phát triển làng nghề, góp phần phát triển du lịch bền vững, nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch làng nghề Bình Định; tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng cho cộng đồng dân cư ở các làng nghề về phát triển làng nghề kết hợp với du lịch, gắn với bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, du lịch cộng đồng, bảo vệ môi trường; giáo dục, rèn luyện kỹ năng giao tiếp tốt với khách du lịch nước ngoài…

Bên cạnh đó, cần đổi mới, tăng cường quảng bá sản phẩm làng nghề của địa phương để thương hiệu và sản phẩm các làng nghề của tỉnh Bình Định đến được gần hơn thị trường trong nước và quốc tế. Khuyến khích các cá nhân, cơ sở, hiệp hội ngành nghề, các tổ chức đầu tư xây dựng website tạo nên mạng lưới thông tin hỗ trợ cho hoạt động của các làng nghề.

Bốn là, phát triển làng nghề cần lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để có sự ưu tiên trong hoạt động đầu tư cơ sở vật chất cho các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề gắn với phát triển du lịch để bảo đảm chất lượng, tiện nghi đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, bao gồm: cơ sở lưu trú du lịch - homestay, điểm dịch vụ thông tin, hướng dẫn, phương tiện và cơ sở dịch vụ phục vụ tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa làng nghề. Đây cũng là cơ hội tốt cho lao động địa phương tìm thêm được việc làm, tăng thu nhập. Đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) kết hợp với hoạt động du lịch nhằm tạo sản phẩm đặc trưng, chất lượng; phát triển sản phẩm quà tặng lưu niệm. Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề tại một số huyện, thị xã gắn với du lịch nông nghiệp…

Năm là, cần có chính sách đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho du lịch làng nghề./.

-----------------

(1) Đó là: Làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá Nhơn Lộc (thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn), làng nghề truyền thống rèn Tây Phương Danh (thôn Tây Phương Danh, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn); làng nghề bánh tráng Trường Cửu (thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn), làng nghề nón lá Đại An (thôn Đại An, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn), làng nghề nón lá Thuận Đức (thôn Thuận Đức, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn), làng nghề nón lá Nghĩa Hòa (thôn Nghĩa Hòa, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn), làng nghề chiếu cói Công Thạnh (thôn Công Thạnh, xã Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn)
(2) Xem: Báo cáo kết quả thực hiện phát triển ngành nghề nông thôn và bảo tồn, phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, 2020, tr. 2
(3) Xem: Nguyên Linh: “Đầu tư phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống”, tại https://baotintuc.vn/du-lich/dau-tu-phat-trien-du-lich-gan-voi-lang-nghe-truyen-thong-20210328073039582.htm, ngày 28-3-2021
(4) OCOP (One Commune, One Product) là chương trình mang tên “mỗi xã, phường một sản phẩm”. Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện
(5) Xem: Tường Quân: “Bình Định nâng cao chất lượng, xuất khẩu sản phẩm OCOP”, https://dantocmiennui.vn/binh-dinh-nang-cao-chat-luong-xuat-khau-san-pham-ocop/303136.html, ngày 10-5-2021
(6) Chương trình hành động số 05-CTr/TU, ngày 14-5-2021, của Tỉnh ủy Bình Định, “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên giai đoạn 2020 - 2025”; Chương trình hành động số 06-CTr/TU, ngày 14-5-2021, của Tỉnh ủy Bình Định, “Về phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025”; Chương trình hành động số 07-CTr/TU, ngày 14-5-2021, của Tỉnh ủy Bình Định, “Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025”; Chương trình hành động số 08-CTr/TU, ngày 14-5-2021, của Tỉnh ủy Bình Định, “Về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025”; Chương trình hành động số 09-CTr/TU, ngày 14-5-2021, của Tỉnh ủy Bình Định, “Về cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 - 2025”; Chương trình hành động số 10-CTr/TU, ngày 14-5-2021, của Tỉnh ủy Bình Định, “Về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025”; Chương trình hành động số 11-CTr/TU, ngày 14-5-2021, của Tỉnh ủy Bình Định, “Về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025”.