Bác Hồ với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình

TS. CAO VĂN ĐỊNH
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình
16:42, ngày 13-06-2022

TCCS - Tròn 65 năm kể từ ngày tỉnh Quảng Bình được vinh dự đón Bác về thăm, những hình ảnh, dấu ấn, tình cảm và lời dặn dò của Người vẫn luôn in đậm trong trái tim và tâm hồn của người dân. Khắc ghi lời Bác dạy, tỉnh Quảng Bình hôm nay đang không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp bước những chặng đường lịch sử vẻ vang và hào hùng của bao thế hệ cha ông đi trước, quyết tâm sớm trở thành tỉnh phát triển khá ở khu vực Bắc Trung Bộ.

Ký ức mãi không quên

Cách đây 65 năm, trong bối cảnh đất nước bị chia cắt, để động viên nhân dân miền Nam trường kỳ kháng chiến tiến đến giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian vào thăm tỉnh Quảng Bình, động viên quân và dân Quảng Bình - Vĩnh Linh vượt qua khó khăn, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo và phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng là tiền đồn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đây là sự kiện trọng đại đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình, nguồn sức mạnh to lớn, chỗ dựa tinh thần vững chắc cổ vũ cán bộ, đảng viên, quân và dân tỉnh Quảng Bình đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, đóng góp sức người, sức của vào thắng lợi của cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lễ kỷ niệm 63 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình (16-6-1957 - 16-6-2020) và khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình_Ảnh: TTXVN

Nhân dân tỉnh Quảng Bình luôn khắc ghi sự kiện được Bác Hồ về thăm. Vào lúc 8 giờ 15 phút, ngày 16-6-1957, chuyên cơ mang số hiệu Li-203 chở Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn cán bộ Trung ương hạ cánh xuống sân bay Lộc Đại (nay là Cảng hàng không Đồng Hới). Cùng đi với Người có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đồng chí Hoàng Văn Diệm, Chủ tịch Ủy ban hành chính Liên khu 4 và một số cán bộ Trung ương. Các đồng chí trong Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh, đại diện các ban, ngành, đoàn thể, các nhân sĩ, trí thức, tôn giáo đón Bác tại sân bay Đồng Hới. Ngay khi đặt chân đến tỉnh Quảng Bình, Bác Hồ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, dành thời gian quý báu gặp gỡ, thăm hỏi các đoàn đại biểu thuộc nhiều đơn vị khác nhau và nói chuyện với hơn 3 vạn đồng bào tại sân vận động Đồng Hới.

Do điều kiện và yêu cầu trong thời kỳ kháng chiến, vào 5 giờ sáng, ngày 17-6-1957, Bác lên máy bay trở về Thủ đô Hà Nội. Dẫu thời gian vào thăm chưa nhiều so với lòng mong mỏi cháy bỏng của quân và dân tỉnh Quảng Bình, nhưng với khoảnh khắc lịch sử ấy, với các cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh hay nói chuyện với nhân dân, thăm các chiến sĩ lực lượng vũ trang…, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh Quảng Bình những tình cảm thiêng liêng, sâu nặng cùng tấm lòng yêu thương vô bờ bến và hơn hết là những chỉ dẫn ân cần thể hiện rõ những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mang tính chiến lược, kịp thời, lâu dài, sâu sắc cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Bình.

Trong buổi gặp mặt, Bác đã chỉ ra cho đồng bào Quảng Bình - Vĩnh Linh nhiệm vụ chiến lược quan trọng: “Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp với miền Nam, mọi việc làm tốt hay xấu của các cô, các chú đều có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, đều có ảnh hưởng đến việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì thì Quảng Bình, Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết và phải đảm bảo đánh thắng chúng trước hết”(1). Bác ân cần căn dặn: “Đối với Quảng Bình, nghề biển, nghề rừng cũng quan trọng không kém nghề ruộng. Hơn nữa, Quảng Bình còn có những thứ đặc biệt mà các nơi khác trên miền Bắc ít có. Xưa nay Quảng Bình nghèo khổ là vì đế quốc, phong kiến bóc lột kìm kẹp, vì chiến tranh tàn phá. Ngày nay, chúng ta đã có hòa bình để xây dựng xã hội; nếu biết dùng đúng và dùng tốt tài nguyên và lao động của mình thì Quảng Bình sẽ giàu có, không những đời sống nhân dân trong tỉnh được nâng lên mà còn đóng góp một phần quan trọng cho Nhà nước”(2).

Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, Bác dành thời gian hỏi cặn kẽ về công tác xây dựng Đảng, số lượng đảng viên, tình hình đoàn kết trong Đảng. Bác nhấn mạnh: “Đảng làm cách mạng không có mục đích nào khác hơn là đưa lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”(3). Người căn dặn thêm: “Đảng phải biết quan tâm đầy đủ đến đời sống quần chúng, nên chú ý đến cuộc sống của đồng bào miền núi. Cần phải về cơ sở luôn, có đi nhiều mới nắm được tình hình để giải quyết, không đi không biết tình hình mà giải quyết đâu”(4).

Nói chuyện với đại biểu chủ chốt của tỉnh Quảng Bình và Đặc khu Vĩnh Linh, Bác đánh giá cao những đóng góp của nhân dân hai địa phương trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người khen ngợi: “Trong kháng chiến, cán bộ trong và ngoài Đảng có tinh thần chịu đựng gian khổ, anh dũng đấu tranh bảo vệ làng, bảo vệ dân, bảo vệ thành quả cách mạng. Đó là những ưu điểm đáng khen. Từ ngày hòa bình lập lại, đảng viên và đoàn viên ra sức lãnh đạo nông dân sản xuất. Đó là việc tốt. Trong lúc phát hiện sai lầm cải cách ruộng đất, cán bộ, đảng viên đều lo lắng, đều ra sức tận tụy sửa sai, riêng thanh niên đã có thành tích trồng cây, khôi phục đất hoang để tăng gia sản xuất. Đó là ưu điểm đáng khen”(5). Bên cạnh đó, Bác chân tình nhắc nhở: “Nêu ưu điểm để phát triển, nêu khuyết điểm để sửa chữa, nêu nhiệm vụ để chấp hành. Đó là trách nhiệm của tất cả đảng viên, cán bộ”(6).

Những lời căn dặn của Người là kim chỉ nam, là phương châm hành động, tạo nên ý chí quyết tâm của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương trên con đường đổi mới. Ngay sau ngày Bác Hồ về thăm, tỉnh Quảng Bình đã ra nghị quyết phát động toàn dân đẩy mạnh các phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực, kiên quyết khắc phục khuyết điểm, phát huy các ưu điểm, quyết tâm thực hiện tốt những lời Bác dạy. Nhân dân tỉnh Quảng Bình hăng hái thi đua, lao động, sản xuất, trong đó có Hợp tác xã Đại Phong, huyện Lệ Thủy vinh dự được Bác Hồ hai lần viết bài ca ngợi đăng trên Báo Nhân Dân. Người viết báo nêu gương, cổ vũ xã Đại Phong và kêu gọi các tỉnh miền Bắc thi đua “Học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong, vượt Đại Phong”(7). Với những thành tích đó, ngày 20-5-1968, Hợp tác xã Đại Phong được Bác gửi tặng chiếc máy cày ĐT54. Xã Đại Phong trở thành lá cờ đầu trong phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, đi vào lịch sử như một “hiện tượng” trong phát triển nông nghiệp, thổi bùng lên một luồng gió mới trong lao động, sản xuất ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình, phong trào thi đua “Gió Đại Phong” mãi là niềm tự hào, cổ vũ, động viên tinh thần hăng hái thi đua lao động, sản xuất xây dựng và bảo vệ quê hương qua các chặng đường lịch sử.

Chiếc máy cày của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Hợp tác xã Đại Phong thực hiện luống cày đầu tiên (tháng 6-1961) trước sự vui mừng của bà con xã viên_Ảnh: Tư liệu

Với phương châm “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tỉnh Quảng Bình luôn chắc tay cày, vững tay súng, tất cả vì miền Nam thân yêu. Hàng nghìn máy bay, tàu chiến của Mỹ lần lượt bị quân và dân tỉnh Quảng Bình bắn hạ, nhiều lần được Bác Hồ gửi thư khen. Đặc biệt, ngày 17-7-1965, Bác Hồ đã gửi thư khen quân và dân tỉnh Quảng Bình bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 của đế quốc Mỹ và thu hoạch một vụ chiêm bội thu: “Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình đã bắn rơi 100 máy bay giặc Mỹ, vừa qua lại thu hoạch vụ chiêm rất tốt. Như vậy tỉnh nhà chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”(8). Vào ngày 29-8-1965, một vinh dự nữa lại đến với quân và dân tỉnh Quảng Bình khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho quân và dân tỉnh Quảng Bình. Chiến công nối tiếp chiến công, tỉnh Quảng Bình càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng lớn và càng trưởng thành. Sự quan tâm của Bác, những lá thư khen và tình cảm của Bác chính là sức mạnh cổ vũ quân và dân Quảng Bình vượt qua muôn vàn gian khổ, góp sức vào cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ, suốt 65 năm qua, tỉnh Quảng Bình đã cố gắng, nỗ lực đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh…, đóng góp vào thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Ngày nay, tỉnh Quảng Bình đã mang một diện mạo mới, cùng sức vươn lên mãnh liệt được thắp lên từ quá khứ kiên cường, minh chứng cho lời căn dặn của Người khi vào thăm Quảng Bình đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Quảng Bình trên con đường phát triển mới

Sau 33 năm tái lập tỉnh và 36 năm đổi mới, tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả quan trọng trên mọi lĩnh vực. Tình hình chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự, an toàn xã hội giữ vững, đời sống nhân dân cải thiện, diện mạo nông thôn đổi mới toàn diện, dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc…

Tỉnh đã khắc phục được tình trạng trì trệ, đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng GRDP khá, quy mô nền kinh tế không ngừng được nâng lên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,83%, quy mô GRDP năm 2021 đạt 44.775,4 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 49,3 triệu đồng/người/năm. Ngành công nghiệp từng bước khẳng định vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng được quan tâm đầu tư, từng bước đồng bộ. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng mức đầu tư cho kết cấu hạ tầng đạt trên 93.000 tỷ đồng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng kiểm tra một số địa điểm dự kiến phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình_Nguồn: baoquangbinh.vn

Đối với ngành du lịch, tỉnh đã phát huy hiệu quả các lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, phong cảnh đẹp kỳ vỹ, hội tụ đầy đủ đặc trưng của các loại địa hình đồng bằng, rừng núi, sông biển, hải đảo. Ngành du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đã và đang khẳng định vị thế của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa và con người Quảng Bình tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Lĩnh vực giáo dục - đào tạo có sự phát triển đột phá. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2020, có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở mức độ III; 47,3% trường mầm non, 90% trường tiểu học, 59% trường trung học cơ sở, 42,4% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Hoạt động văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng tốt nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt kết quả tích cực giúp đời sống văn hóa cơ sở tiếp tục được nâng lên, góp phần quan trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Tỉnh tổ chức nhiều lễ hội truyền thống, sự kiện văn hóa mang đậm bản sắc vùng, miền, mang lại trải nghiệm mới lạ, ấn tượng đến du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong năm 2020, tỉnh khánh thành tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình”, đền thờ “Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ tỉnh” - là các công trình có ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa đặc biệt đối với Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Bình, nhằm giáo dục truyền thống và khắc ghi sự kiện Bác Hồ về thăm Quảng Bình.

Huy động mọi nguồn lực, phấn đấu đưa Quảng Bình sớm trở thành tỉnh phát triển khá

Để tiếp tục thực hiện những lời Bác dạy, phát huy những kết quả đạt được, phấn đấu xây dựng tỉnh Quảng Bình sớm trở thành tỉnh phát triển khá ở khu vực Bắc Trung Bộ như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, thực hiện các giải pháp nhằm ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm hồi phục và tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra, đồng thời thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng linh hoạt.

Thứ hai, thực hiện hiệu quả 4 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, bao gồm: Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ.

Thứ ba, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; tiến hành cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp; cơ cấu ngành công nghiệp dựa trên lợi thế, đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu; chú trọng đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa.

Thứ tư, thực hiện tốt các giải pháp phát triển văn hóa, con người, chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tôn vinh giá trị truyền thống tốt đẹp, phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; bảo vệ nhóm yếu thế trong xã hội, thực hiện tốt các chính sách trợ giúp xã hội, bảo trợ xã hội đối với người có công với cách mạng, vùng khó khăn, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường công tác y tế dự phòng, phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở./.

------------------------

(1) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2008, tr. 471
(2) Ty Văn hóa Quảng Bình: Quảng Bình ơn Bác, 1975, tr. 89
(3), (4), (5), (6) Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình: Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình, 2017, tr. 17
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.13, tr. 113
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr. 571