Tỉnh Phú Thọ: Tạo động lực khuyến khích văn nghệ sĩ và nghệ nhân chủ động, tích cực tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa
TCCS - Là vùng đất cội nguồn của dân tộc, nơi các Vua Hùng dựng nên Nhà nước Văn Lang đầu tiên trong lịch sử, Phú Thọ hiện còn lưu giữ được hệ thống di sản văn hóa đa đạng, phong phú. Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã chủ động xây dựng nhiều cơ chế, chính sách để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, trong đó có cơ chế khuyến khích đối với các văn nghệ sĩ và các nghệ nhân dân gian.
1- Không chỉ có kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú gắn với các truyền thuyết về thời đại Hùng Vương và 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Hát xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương) được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, Phú Thọ còn là cái nôi của văn nghệ kháng chiến thời kỳ chống thực dân Pháp, từng là nơi đầu tiên đóng trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam, nơi diễn ra Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) và là nơi ra đời Tạp chí Văn nghệ (tiền thân của Báo Văn nghệ ngày nay). Để tiếp nối truyền thống văn hóa đó, cùng với việc nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025 là chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, gắn kết với giáo dục truyền thống và phát triển du lịch bền vững; tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời đại Hùng Vương gắn với 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là “Hát xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”; phục dựng các lễ hội truyền thống dân tộc, đặc biệt là các lễ hội gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật; tiếp tục củng cố, đổi mới hoạt động của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ luôn chú trọng công tác giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa thông qua việc xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ và các nghệ nhân. Bên cạnh việc thực hiện các cơ chế, chính sách đãi ngộ chung của Nhà nước, tỉnh Phú Thọ có những cơ chế riêng, phù hợp với điều kiện của địa phương, thể hiện sự quan tâm cả về vật chất và tinh thần đối với các văn nghệ sĩ. Ngay từ rất sớm, tỉnh đã xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ tìm tòi, sáng tạo và cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.
Bên cạnh các giải thưởng về văn hóa, nghệ thuật của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, tỉnh Phú Thọ còn có các giải thưởng riêng được trao cho các văn nghệ sĩ, qua đó góp phần thúc đẩy văn học, nghệ thuật của tỉnh ngày càng phát triển. Ngày 6-4-2000, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số784/QĐ-UB,“Về việc ban hành quy chế xét tặng giải thưởng Hùng Vương và tặng thưởng 5 năm về văn học nghệ thuật”. Giải thưởng Hùng Vương về văn học, nghệ thuật là phần thưởng cao quý nhất của tỉnh Phú Thọ dành cho văn nghệ sĩ có những tác phẩm xuất sắc về quê hương Đất Tổ. Giải thưởng ghi nhận lao động sáng tạo của các cá nhân và tập thể văn nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên có các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật, mang đậm bản sắc dân tộc, phản ánh chân thực, phong phú về mọi mặt của đời sống con người, quê hương Phú Thọ, gắn với truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ quy định việc định kỳ xét tặng giải thưởng Hùng Vương và tặng thưởng về văn học nghệ thuật 5 năm một lần, kể từ năm 2000. Giải thưởng được xét trên tinh thần khách quan, trung thực, tác phẩm được giải thưởng phải có ảnh hưởng tích cực và hiệu quả xã hội cao; có tính giáo dục, thuyết phục, động viên, khích lệ hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật. Đến nay, tỉnh Phú Thọ đã có 28 cá nhân được vinh dự nhận giải thưởng này, cùng với đó là hàng trăm giải thưởng 5 năm và hằng năm về văn học, nghệ thuật dành cho các cá nhân có những tác phẩm xuất sắc. Đây là sự ghi nhận, biểu dương những đóng góp của các hội viên Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ. Qua đó, khuyến khích các hội viên tích cực tìm tòi, đổi mới cách thể hiện nội dung, chủ đề trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật, phản ánh sinh động thực tiễn xây dựng và phát triển của đất nước và địa phương, góp phần quảng bá văn hóa Đất Tổ với các địa phương khác trong cả nước và với các nước trên thế giới.
Ngoài ra, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ còn ban hành các chương trình hành động, quyết định, đề án công tác văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tập trung các nguồn lực để xây dựng và phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật Phú Thọ hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ, xây dựng con người Đất Tổ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hàng trăm tác phẩm văn học, nghệ thuật ở tất cả thể loại, như văn học, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, văn nghệ dân gian... đã ra đời, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu thưởng thức của nhân dân. Nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, đạt giải cao tại các cuộc thi trong tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế. Với chất liệu mới, cách nhìn và những xúc cảm thẩm mỹ mới, nhiều tác phẩm đã đi vào chiều sâu để khám phá cuộc sống, bảo vệ và ngợi ca cái đẹp, đấu tranh chống lại cái xấu trong bối cảnh mới hiện nay. Một số tác giả, tác phẩm tiếp tục trở về với chủ đề truyền thống văn hóa dân tộc, với lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến vĩ đại trong thời đại Hồ Chí Minh; khai thác, tìm tòi với cách nhìn nhận, đánh giá đa chiều, nhằm đem đến những bài học quý giá cho hôm nay. Nhiều tác phẩm được tác giả đầu tư thời gian, công sức sưu tầm, bổ sung tư liệu mới. Một số tác phẩm mang tính sử thi, nhưng được trình bày bằng bút pháp nghệ thuật mới, sinh động, mang giá trị nhân văn sâu sắc.
Tính đến nay, hội viên của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ đã xuất bản hàng trăm đầu sách, tuyển tập, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, nhạc, nghiên cứu, phê bình, tranh, ảnh... Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ duy trì thường xuyên chuyên mục sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Năm 2012, nhà văn Ngô Ngọc Bội, nhà văn Sao Mai, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Bên cạnh sáng tác của các hội viên, phong trào sáng tác của quần chúng cũng phát triển mạnh mẽ, góp phần làm cho hoạt động văn học, nghệ thuật Phú Thọ thêm phong phú.
Về hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, các đoàn nghệ thuật của tỉnh Phú Thọ đã tổ chức biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa, xã hội và phục vụ nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đặc biệt chú trọng nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh cũng tổ chức và tham gia các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ với các tỉnh, thành phố trong cả nước; tham gia và đạt thành tích cao tại các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp khu vực và toàn quốc. Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ có nhiều nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.
Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ cũng thực hiện đầy đủ các chính sách khuyến khích sáng tác văn học, nghệ thuật, như chính sách về tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội, nhuận bút theo quy định của Nhà nước. Hằng năm, tỉnh Phú Thọ đều khuyến khích các văn nghệ sĩ tham gia sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tổ chức bình xét trao giải cấp tỉnh và lựa chọn các tác phẩm xuất sắc tham gia dự thi toàn quốc. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, động viên văn nghệ sĩ, cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Những chính sách trên đã tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, góp phần quan trọng thúc đẩy sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Đất Tổ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Cùng với đội ngũ văn nghệ sĩ, các nghệ nhân có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Thông qua việc giữ gìn, trao truyền vốn quý di sản văn hóa truyền thống, các nghệ nhân góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng và bồi đắp tình yêu, ý thức tôn trọng và giữ gìn giá trị di sản văn hóa cho các thế hệ trẻ.
Phú Thọ đã xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, tôn vinh các nghệ nhân dân gian. Năm 2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ban hành quy chế xét tặng danh hiệu nghệ nhân hát xoan Phú Thọ. Ngoài việc tôn vinh có giá trị tinh thần, các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân hát xoan Phú Thọ được tặng mức tiền thưởng kèm theo là 5 triệu đồng. Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đã có 66 nghệ nhân hát xoan, 6 nghệ nhân nhân dân, 34 nghệ nhân ưu tú. Các danh hiệu nghệ nhân được phong tặng kèm theo chính sách đãi ngộ là động lực nuôi dưỡng, thúc đẩy đam mê, giúp các nghệ nhân gắn bó hơn với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Nhờ đó, lớp trẻ được “truyền lửa”, được bồi đắp thêm tình yêu và động lực trong học tập và nghiên cứu các giá trị di sản văn hóa. Hiện nay, số người có nhu cầu học và tìm hiểu về hát xoan Phú Thọ ngày càng tăng cao.
Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, tỉnh Phú Thọ đã chủ động tạo nguồn kinh phí cho các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời có cơ chế khuyến khích các ngành, các địa phương và bản thân mỗi nghệ nhân chủ động, sáng tạo trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa quý giá. Trong giai đoạn 2013 - 2020, ngoài việc chi bồi dưỡng hằng ngày cho nghệ nhân và học viên tham gia các lớp truyền dạy, đào tạo nghệ nhân, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ hỗ trợ 170 triệu/phường xoan, Ủy ban nhân dân thành phố Việt Trì hỗ trợ 130 triệu/phường xoan để các phường xoan làm quỹ hoạt động, tổ chức sinh hoạt, truyền dạy và mua sắm trang thiết bị. Đối với 31 câu lạc bộ hát xoan và dân ca cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ hỗ trợ 10 triệu đồng/câu lạc bộ (hỗ trợ 1 lần khi công nhận) để mua sắm trang phục, nhạc cụ, đạo cụ, thiết bị cần thiết. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ còn hỗ trợ kinh phí cho nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát xoan, như nghiên cứu, phục hồi các lễ hội dân gian, tục lệ hát xoan gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở các phường xoan; phục hồi tục lệ kết nghĩa, giao lưu giữa phường xoan với cộng đồng; tu bổ đình, đền, miếu - không gian văn hóa thực hành hát xoan... Các cấp chính quyền luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nghệ nhân phát huy vai trò chủ thể thực hành, trình diễn, truyền dạy hát xoan. Công tác thực hành biểu diễn hát xoan cũng được thực hiện thường xuyên, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân các địa phương trên địa bàn tỉnh. Các chính sách trên thể hiện sự tôn vinh xứng đáng, đồng thời là nguồn cổ vũ, động viên các nghệ nhân tiếp tục cống hiến và trao truyền di sản cho các thế hệ kế cận, góp phần giữ gìn và lan tỏa các giá trị di sản văn hóa.
Thời gian qua, cùng với Hát xoan Phú Thọ, công tác bảo tồn di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn được tỉnh Phú Thọ chú trọng. Nhiều di tích gắn với thời kỳ Hùng Vương trên địa bàn tỉnh được tập trung đầu tư, bảo tồn, tu bổ. Phú Thọ còn xây dựng ngân hàng dữ liệu về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Hoạt động trao truyền và thực hành tín ngưỡng của các nghệ nhân dân gian được chú trọng nhằm truyền dạy cho các thế hệ tiếp nối và duy trì nghi lễ thờ cúng Hùng Vương. Tỉnh Phú Thọ cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân được tham gia vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, bảo tồn các tập quán, tín ngưỡng, nhất là vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng mồng 10-3 âm lịch hằng năm. Ngoài ra, các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số, như Mường, Dao, Mông, Cao Lan... cũng được các địa phương trong tỉnh giữ gìn và phát huy với nhiều cách làm hay. Nhiều nghệ nhân dân gian am hiểu về di sản văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số luôn được tạo điều kiện về mọi mặt để yên tâm cống hiến và tiếp tục truyền lửa đam mê cho các thế hệ trẻ. Một số địa phương trong tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên âm nhạc, cán bộ văn hóa các xã, phường, thị trấn do chính các nghệ nhân dân gian trực tiếp truyền dạy. Nhiều học viên đã trở thành những hạt nhân văn nghệ ở cơ sở, góp phần lan tỏa trong cộng đồng nét đẹp của nghệ thuật trình diễn dân gian của địa phương.
Phú Thọ là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành tổng kiểm kê di sản văn hóa, trong đó có di sản văn hóa phi vật thể trên diện rộng; đồng thời, xây dựng các kế hoạch bảo tồn dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học và nhu cầu thực tiễn của nhân dân. Hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể như tỉnh Phú Thọ đang thực hiện được đánh giá vừa phù hợp với thực tiễn, vừa theo đúng tinh thần của Luật Di sản văn hóa năm 2013 và Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO năm 2003, vừa góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho nghệ nhân nỗ lực cống hiến.
Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Phú Thọ, đặc biệt là của các nghệ nhân, hát xoan đã được đưa ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được bảo tồn và kết nối đồng bào ở mọi miền Tổ quốc cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Nhờ thực hiện những cơ chế, chính sách phù hợp, các di sản văn hóa của vùng Đất Tổ được gìn giữ, phát huy qua các thế hệ và thực sự trở thành những tài sản quý báu, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2- Nhận thức sâu sắc vai trò của các văn nghệ sĩ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng Đất Tổ, thời gian tới, tỉnh Phú Thọ chủ trương thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh hoạt động tôn vinh văn nghệ sĩ và nghệ nhân dân gian - những “báu vật nhân văn sống” có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung. Tiếp tục thực hiện và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các cơ chế, chính sách đãi ngộ văn nghệ sĩ và nghệ nhân, qua đó, khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, tâm huyết và sức sáng tạo trong sáng tác văn học, nghệ thuật cũng như trong các hoạt động thực hành, lưu truyền các giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Thứ hai, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách theo hướng toàn diện hơn, có tính liên ngành, nhất là các chính sách liên quan đến cơ chế tài trợ, đặt hàng và khuyến khích sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh, như cải cách chính sách tiền lương và phụ cấp, chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách nhà ở, bảo hộ quyền tác giả và các quyền liên quan, chế độ nhuận bút...; quy định rõ tiêu chí, phương thức, loại hình... tài trợ, đặt hàng các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Gắn kết chính sách đối với văn nghệ sĩ và nghệ nhân, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ ba, tiếp tục duy trì sự hỗ trợ kinh phí cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Kết hợp sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước với đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Khuyến khích các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa và khai thác hợp lý, hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tỉnh Phú Thọ và cả nước.
Thứ tư, thúc đẩy các hoạt động thực hành di sản văn hóa phi vật thể thường xuyên, liên tục, gắn bó mật thiết với mọi mặt đời sống của cộng đồng. Khuyến khích nhân dân sáng tạo, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Tập trung ưu tiên cho hoạt động truyền dạy, tạo không gian, điều kiện thực hành di sản văn hóa phi vật thể tại cộng đồng. Tiếp tục củng cố và phát triển hoạt động của các phường xoan trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào công tác nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, quảng bá di sản văn hóa. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập hợp văn nghệ sĩ, tài năng trẻ trên địa bàn tỉnh để xây dựng lực lượng kế cận trong lưu truyền, quảng bá và phát huy các giá trị của di sản văn hóa.
Thứ năm, phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy niềm say mê và sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Tiếp tục nâng cao chất lượng các cuộc thi sáng tác, hội thảo khoa học, biểu diễn, trưng bày các tác phẩm văn học, nghệ thuật, trao giải thưởng hằng năm cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng cao. Tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa để đẩy mạnh quảng bá các giá trị di sản văn hóa vùng Đất Tổ đến với các địa phương trong cả nước và trên thế giới./.
Ngời sáng tinh thần trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước cách mạng dựa trên nguyên tắc dân chủ và pháp quyền  (07/12/2021)
Giá trị và cốt cách văn hóa xứ Đông: Sức mạnh nội sinh để Hải Dương hiện thực hóa khát vọng phát triển  (24/11/2021)
Xây dựng, quảng bá hình ảnh quốc gia trong chiến lược ngoại giao văn hóa  (23/11/2021)
Nâng cao chất lượng giáo dục giá trị văn hóa quân sự Việt Nam cho lực lượng vũ trang nhân dân hiện nay  (16/11/2021)
Văn hóa Hà Nội trong dòng chảy hội nhập quốc tế  (29/10/2021)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển