TCCS - Điều có ý nghĩa quan trọng là những kết quả đạt được trong giai đoạn 2015 - 2020 đã làm những tiềm năng, lợi thế của địa phương lộ diện rõ hơn và được phát huy đúng hướng, hiệu quả. Vị thế của Sơn La trong chiến lược phát triển vùng Tây Bắc được nâng lên. Qua thực tiễn, trong bối cảnh gặp những khó khăn, thách thức, đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt càng thêm dày dạn bản lĩnh và kinh nghiệm; nhân dân tăng thêm lòng tin và sự ủng hộ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và công cuộc đổi mới, xây dựng, kiến thiết quê hương. Đây là nền tảng vững chắc để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Sơn La tiếp tục đoàn kết, đổi mới, quyết tâm xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững trong giai đoạn 2020 - 2025.

Khâu sơ chế sản phẩm nhãn cô đặc của Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ, tỉnh Sơn La, do Tập đoàn TH đầu tư_Ảnh: TTXVN

Trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIV (2015 - 2020), Đảng bộ tỉnh Sơn La đã tập trung thực hiện ba khâu đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đạt được những kết quả tích cực.Với mục tiêu: “Xây dựng tỉnh Sơn La sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc”, Đảng bộ tỉnh đã ban hành và chỉ đạo thực hiện thành công 7 chương trình trọng tâm.

Kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 5,46%/năm. Quy mô kinh tế tăng mạnh, năm 2020 ước thực hiện tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 56.009 tỷ đồng, tăng 1,54 lần so với năm 2015, đứng thứ 5/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Cơ cấu các ngành kinh tế có sự chuyển biến rõ nét. Nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến. Sơn La đã có 147 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, 21 sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận bảo hộ, xuất khẩu được 16 mặt hàng nông sản sang thị trường 12 nước, trong đó có những thị trường lớn, quan trọng như Mỹ, Nhật, Pháp, Úc… Chủ trương chuyển đổi từ trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả chất lượng cao, cây đặc sản trên đất dốc được thực hiện khoa học, hiệu quả. Toàn tỉnh có trên 80.000ha cây ăn quả và cây sơn tra, tăng hơn 3 lần so với năm 2015, lớn thứ hai cả nước; một số loại nông sản của Sơn La có diện tích, sản lượng lớn nhất vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, đồng bộ, tiêu chí bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo. Hiện nay, Sơn La đã có 1 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp, 33 nhà máy chế biến nông sản. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng khá, bình quân hằng năm đạt 4.427,2 tỷ đồng.

Công tác thu hút đầu tư được tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, đã thu hút một số tập đoàn, nhà đầu tư lớn, như Tập đoàn TH, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC… Đặc biệt, ngày 20-9-2020, tại huyện Vân Hồ, Tập đoàn TH đã khánh thành nhà máy sản xuất chế biến hoa quả tươi và thảo dược với công suất 300 tấn/ngày, nằm trong tốp đầu các nhà máy về công suất chế biến. Đây là nhà máy sử dụng các công nghệ mới và hiện đại bậc nhất thế giới trong sản xuất nước quả: công nghệ trích ly chuyên dụng hoàn toàn tự động, thiết bị cô đặc dạng tấm bản tiên tiến, công nghệ chế biến áp suất cao HPP. Đây là “cú hích” để tỉnh Sơn La khai thác hiệu quả hơn tiềm năng trồng cây ăn quả, đưa thương hiệu hoa quả của tỉnh Sơn La ngày càng vươn xa.

Năm năm qua, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương của tỉnh tiếp tục được phát huy tốt. Vùng kinh tế dọc Quốc lộ 6 tiếp tục giữ vai trò là kinh tế động lực, đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; vùng kinh tế dọc sông Đà đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; vùng cao, biên giới đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp gắn với định canh, định cư.

Văn hoá - xã hội có bước phát triển, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quảng trường Tây Bắc và Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Bắc được khánh thành, là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về lịch sử văn hoá và chính trị. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục mở rộng, hiệu quả, đặc biệt là quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với các tỉnh Bắc Lào.

Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả quan trọng. Phương thức lãnh đạo của cấp uỷ các cấp có bước chuyển biến tích cực cả về lề lối và tác phong công tác. Nguyên tắc tập trung dân chủ được cụ thể hoá thành quy chế làm việc, phân công rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc; nâng cao vai trò của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.Chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp từng bước được nâng lên. Công tác chỉ đạo, điều hành của ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được củng cố.

Mặc dù tồn tại một số hạn chế, yếu kém, song những kết quả đạt được là rất quan trọng, toàn diện, khẳng định rõ vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ đã được nâng lên một bước; phản ánh sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, khát vọng vươn lên của các tầng lớp nhân dân. Điều có ý nghĩa to lớn, rất căn bản là những kết quả đạt được đã làm những tiềm năng, lợi thế của địa phương lộ diện rõ hơn, được phát huy đúng hướng và hiệu quả; vị thế của Sơn La trong chiến lược phát triển vùng Tây Bắc được nâng lên. Qua thực tiễn thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, trong bối cảnh gặp những khó khăn, thách thức, đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt càng tăng cường tính đoàn kết, thống nhất, thêm dày dạn bản lĩnh và kinh nghiệm; nhân dân tăng thêm lòng tin và sự ủng hộ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và công cuộc đổi mới, xây dựng, kiến thiết quê hương. Đây là nền tảng vững chắc để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Sơn La tiếp tục phát huy truyền thống; tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La khóa XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 ra mắt Đại hội. Đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La khóa XIV tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy khóa XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 _Ảnh: TTXVN

Từ những thành công quan trọng đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV đã diễn ra từ ngày 22 đến ngày 24- 9-2020. Chủ đề Đại hội là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững”.

Đại hội đã nêu rõ phương hướng: Tiếp tục khơi dậy, phát huy ý chí, khát vọng vươn lên của nhân dân; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực; tập trung khắc phục hạn chế, khó khăn; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, chủ động, sáng tạo và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; bứt phá trong phát triển.

Đại hội đã thống nhất cao Mục tiêu tổng quát: Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; tăng cường mối quan hệ mật thiệt giữa Đảng với nhân dân, củng cố và nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng bộ tỉnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo; kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá - xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; khai thác và phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, nhất là điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hoá, con người; xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ; phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và du lịch; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát triển và nâng cao nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống các dân tộc; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại. Thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh và bền vững, trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc.

Đại hội xác định các khâu đột phá cần tập trung thực hiện: Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong đó tập trung xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại thành phố Sơn La để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại; trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, điện lực, công nghệ thông tin, nông thôn, hạ tầng du lịch, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giáo dục, y tế. Tăng cường cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư.

Về các nhóm giải pháp chủ yếu, Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV nhấn mạnh hàng đầu nhóm giải pháp phát triển kinh tế nhanh và bền vững: Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Thu hút các doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp đầu tư trồng, chế biến, bảo quản, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Phấn đấu đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản, trung tâm sữa, hoa quả, cây dược liệu, du lịch của vùng Tây Bắc; từng bước xây dựng trung tâm quốc gia nghiên cứu về khoa học - công nghệ cao trong nông nghiệp tại huyện Mộc Châu. Ưu tiên phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ở khu vực, địa bàn, địa hình phù hợp. Phấn đấu xây dựng Mộc Châu đạt khu du lịch quốc gia vào năm 2025; định hướng xây dựng quy hoạch khu du lịch lòng hồ thuỷ điện Sơn La thành khu du lịch quốc gia. Phát triển thành phố Sơn La theo định hướng đô thị loại I, phấn đấu xây dựng huyện Mộc Châu trở thành thị xã. Tiếp tục đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Mai Sơn, hình thành phát triển khu công nghiệp Vân Hồ. Đến hết năm 2015, có ít nhất 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 4 xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có 3-5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển, Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thành công tốt đẹp. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh đoàn kết các dân tộc, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, quyết tâm nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững, cùng với cả nước chung sức, đồng lòng phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần đưa cả nước phát triển mạnh mẽ, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.