Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, phấn đấu xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
TCCS - Bảy lăm năm đã trôi qua (12-3-1945 - 12-3-2020), bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và ý nghĩa đương đại. Vinh dự, tự hào là địa phương có địa điểm nơi diễn ra Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng, nơi ra đời Chỉ thị (tại Đình Bảng, Từ Sơn), trong suốt những năm qua, tỉnh Bắc Ninh luôn hiểu rõ ý nghĩa, giá trị lịch sử của Bản Chỉ thị, nỗ lực quyết tâm, phấn đấu đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực.
Khả năng tư duy chiến lược của Đảng, giá trị lịch sử sâu sắc
Ngày 9-3-1945, phát-xít Nhật tiến hành đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Sau khi hất cẳng Pháp, phát-xít Nhật dựng Trần Trọng Kim lập ra chính phủ bù nhìn và quét cho một lớp sơn độc lập giả hiệu. Đảng ta không bị bất ngờ trước các diễn biến chính trị đó, bởi từ sớm đã dự báo tài tình rằng mâu thuẫn Nhật - Pháp vô cùng gay gắt, sự hòa hoãn giữa chúng với nhau chỉ là tạm thời, Nhật sẽ hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương. Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định chắc chắn: “Sớm hay muộn cuộc đấu súng Nhật - Pháp nhất định sẽ xảy ra”(1). Từ đó, vấn đề “đảo chính của phát-xít Nhật” luôn được đề cập trong các văn kiện, tài liệu tuyên truyền của Đảng ta và định hướng chuẩn bị cho phong trào cách mạng... Và sự dự đoán ấy dần trở thành hiện thực, được đẩy mạnh tuyên truyền, bởi: “Sự hòa hoãn này có khác chi cái nhọt bọc chứa chất bên trong biết bao nhiêu vi trùng và máu mủ, chỉ chờ dịp chín mõm là vỡ tung ra”(2).
Ngay đêm ngày 9-3-1945, giữa lúc Nhật nổ súng lật đổ Pháp, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng họp tại chùa Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn hiện nay, tỉnh Bắc Ninh), nhưng có dấu hiệu không an toàn, nên đã chuyển về nhà thờ họ Nguyễn ở làng Đình Bảng (thị xã Từ Sơn). Hội nghị do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì, với sự tham dự của các đồng chí: Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Lê Thanh Nghị, Lê Đức Thọ, Trần Đăng Ninh. Đến trưa ngày 12-3-1945, cuộc họp kết thúc. Hội nghị đã ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”(3). Nội dung Chỉ thị thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy khoa học và nghệ thuật chỉ đạo cuộc cách mạng tài tình của Đảng ta trong giai đoạn tiền khởi nghĩa; quan trọng nhất là xác định đúng kẻ thù, dự báo chính xác thời cơ cách mạng, linh hoạt, sáng tạo chuẩn bị mọi điều kiện làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân khi thời cơ đến.
Chỉ thị chỉ rõ: Kẻ thù của nhân dân Đông Dương là phát xít Nhật và tay sai của chúng. Vì vậy, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thay đổi khẩu hiệu “Đánh đuổi phát-xít Nhật - Pháp” bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát-xít Nhật”; tạm gác khẩu hiệu “Tịch thu toàn bộ ruộng đất của địa chủ phong kiến”, chỉ tịch thu ruộng đất của đế quốc và bọn địa chủ làm tay sai cho đế quốc, phát-xít...
Xét thực tế tương quan lực lượng giữa ta và địch cũng như điều kiện, hoàn cảnh cách mạng ở các địa phương là khác nhau, Chỉ thị chỉ rõ: “Nơi nào thấy so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng thì tiến hành khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền từng bộ phận, rồi tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc” và “không được ỷ lại vào bên ngoài khi tình thế biến chuyển thuận lợi, mà phải dựa vào sức mình là chính”...
Bản Chỉ thị đã tạo ra cao trào kháng Nhật, cứu nước sôi nổi trên phạm vi cả nước. Riêng với địa phương nơi ra đời Chỉ thị, ngày 11-3-1945, Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh tổ chức cuộc tuần hành có hàng trăm quần chúng của Trung Mầu, Sộp, Vân Trinh, Long Khám, Bựu, Chè, Dọc, Ve, Húc, Phù Chuẩn tiến về đình làng Dương Húc. Đồng chí Trần Đức Thịnh, Trưởng Ban cán sự Đảng tỉnh, đã diễn thuyết, kêu gọi toàn dân chuẩn bị đội ngũ, vũ khí sẵn sàng tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 15-3-1945, tự vệ và quần chúng làng Liễu Khê (huyện Thuận Thành) tiến hành phá kho thóc của Nhật ở chùa Dâu (huyện Thuận Thành). Lá cờ đỏ sao vàng được treo lên, lệnh phá kho thóc được công bố, kho thóc ở chùa Dâu nhanh chóng về tay nhân dân. Thắng lợi này được lan truyền nhanh chóng, rộng ra khắp tỉnh Bắc Ninh và các địa phương lân cận. Nhân dân khắp nơi đều bàn tán xôn xao về việc Việt Minh chỉ huy phá kho thóc của Nhật để cứu đói cho dân...
Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền về tay nhân dân. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Thời gian dù có qua đi nhưng điều chắc chắn khẳng định rằng, Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, ngày 12-3-1945, của Ban Thường vụ Trung ương Đảng vẫn có giá trị lịch sử đặc biệt, là kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn dân trong cao trào kháng Nhật, cứu nước và Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng, Chỉ thị là văn kiện quan trọng của Đảng thể hiện tầm nhìn chiến lược, xuyên suốt giai đoạn tiền khởi nghĩa. Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” là biểu hiện sinh động của việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về nghệ thuật dự báo, chuẩn bị, nắm bắt và chớp thời cơ, tiến hành cách mạng, giành thắng lợi... Chỉ thị không chỉ xác định thời cơ Tổng khởi nghĩa, mà còn chỉ ra các tình thế cách mạng “có thể” tạo thành thời cơ cách mạng, vừa thể hiện khả năng tư duy chiến lược của Đảng, vừa mang giá trị lịch sử sâu sắc.
Đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, xây dựng Bắc Ninh phát triển nhanh, bền vững; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng đô thị thông minh
Vinh dự, tự hào là địa phương nơi Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp, đề ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, trong suốt 75 năm qua, tỉnh Bắc Ninh luôn nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Trong năm 2019, dù tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến không thuận lợi, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế trong nước và thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân, nhưng Bắc Ninh đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Về kinh tế, quy mô kinh tế tiếp tục đứng thứ bảy toàn quốc, đạt 119.832 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010); GRDP bình quân đầu người đạt 6.163 USD, gấp 2,23 lần so với bình quân cả nước và đứng thứ hai toàn quốc; thu nhập bình quân đầu người đạt 73,3 triệu đồng, đứng thứ năm cả nước. Cơ cấu kinh tế: Khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 75,72%; dịch vụ chiếm 21,64%; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 2,64%... Thu ngân sách nhà nước tăng dần, ước đạt 30.481 tỷ đồng, tiếp tục điều tiết ngân sách về Trung ương. Đầu tư xây dựng cơ bản được quan tâm, hạ tầng kết cấu kinh tế - xã hội khá đồng bộ; xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, đã có 93/94 xã và 7/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Quản lý nhà nước trên các lĩnh vực về quy hoạch, kiến trúc, đô thị, đất đai, xây dựng cơ bản, tài chính, tài nguyên, môi trường được tăng cường.
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo được tập trung chỉ đạo, tiếp tục thực hiện Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm cân đối, phù hợp, đúng vị trí việc làm, một số chỉ tiêu đạt cao nhất cả nước, như tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đạt 100%, trên chuẩn 85,34%, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 99,3%, tỷ lệ trường học công lập đạt chuẩn quốc gia 98,06%... Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học khá đồng bộ. Sự nghiệp y tế tiếp tục được quan tâm, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên; tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động ngành y, dược ngoài công lập; tiếp tục thực hiện tốt Bộ tiêu chí quốc gia y tế xã... Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao sôi nổi, phong phú, ý nghĩa, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân; tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao lớn. Làm tốt công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các di sản, di tích văn hóa, lịch sử; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt nhiều kết quả... Công tác lao động, việc làm được quan tâm, giải quyết việc làm cho 27.200 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm còn 2,5%; công tác an sinh, phúc lợi xã hội được bảo đảm; quan tâm, động viên, thăm hỏi, chăm sóc các đối tượng người có công, người cao tuổi, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn; đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành 100% việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và hộ người có công; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,27%. Công tác cải cách hành chính, tư pháp, đối ngoại đạt nhiều kết quả. Công tác an sinh được giữ vững, quốc phòng được củng cố; công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể và hệ thống chính trị có chuyển biến tích cực. Hằng năm, tỉnh đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đề ra....
Kỷ niệm 75 năm ngày ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, tỉnh Bắc Ninh tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu rộng về truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng nhằm ôn lại truyền thống văn hiến và cách mạng của quê hương Bắc Ninh; giáo dục tư tưởng chính trị, lòng yêu nước, khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc, quê hương; góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội để triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chiến lược của tỉnh...
Trong năm 2020, tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các giải pháp, tập trung các nguồn lực, phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015 - 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; tạo tiền đề cho sự phát triển giai đoạn sau.
Phát huy truyền thống văn hiến cách mạng của quê hương trong giai đoạn mới, Bắc Ninh cần phải cố gắng nhiều hơn, quyết tâm cao hơn, khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các hiệp định của Việt Nam đã ký kết, chuyển từ lợi thế so sánh tĩnh sang lợi thế so sánh động; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chất lượng quản trị địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả nền kinh tế, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.
Các nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giá trị bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc và con người Việt Nam. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, thực hiện phát triển toàn diện, bền vững.
Quy hoạch tầm nhìn dài hạn gắn công nghiệp hóa với đô thị hóa, tạo động lực mới với vai trò cực tăng trưởng của vùng Thủ đô, có bước đột phá thúc đẩy phát triển dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh quá trình đô thị hóa; quyết liệt trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề môi trường, xã hội. Tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, đô thị, xây dựng cơ bản, tài nguyên, đất đai, môi trường...
Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nâng cao chất lượng các mặt công tác tư pháp; tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng các mặt công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể và hệ thống chính trị; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực, phấn đấu xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương./.
------------------------------
(1) “Bóc trần mưu gian của đế quốc Nhật! Thống nhất hành động đánh đổ thù chung!”, báo Cờ Giải phóng, ngày 15-2-1944
(2) “Cái nhọt sẽ vỡ mủ”, báo Cờ Giải phóng, ngày 28-9-1944
(3) Sau Hội nghị, đồng chí Trường Chinh về cơ sở ở Viên Nội (huyện Đông Anh, Hà Nội) để hoàn thành bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tài liệu đồng chí Trường Chinh kể lại, lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh
Tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị triển khai công tác tổ chức cán bộ  (19/03/2020)
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh kiểm tra khu vực cách ly phòng, chống dịch bệnh Covid-19  (27/02/2020)
Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo xây dựng thành phố thông minh  (21/02/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên