Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới - hướng đi phù hợp nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội
TCCS - Tại Hà Nội, việc mở các tuyến, điểm du lịch nông thôn mặc dù đã xuất hiện, song hiệu quả đem lại chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Thời gian tới, phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là hướng đi tất yếu nhằm thúc đẩy kinh tế vùng nông thôn Hà Nội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương.
Mối quan hệ giữa xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch nông thôn
Du lịch nông thôn (Rural Tourism) là loại hình du lịch diễn ra ở khu vực nông thôn, với quy mô kinh doanh nhỏ, không gian mở, được tiếp xúc trực tiếp và hòa mình vào thiên nhiên, gắn với những đặc điểm tiêu biểu ở khu vực nông thôn, những di sản văn hóa xã hội và văn hóa truyền thống ở làng xã...; thể hiện đặc tính đa dạng về môi trường, kinh tế, lịch sử, địa điểm của mỗi vùng nông thôn. Ở góc nhìn khác, du lịch nông thôn bao gồm chuỗi các hoạt động, dịch vụ và tiện nghi được cung cấp ở khu vực nông thôn nhằm khai thác các giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng nông thôn, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách ở địa phương hoặc những vùng, miền khác. Từ cách hiểu đó, có thể chỉ ra đặc điểm của du lịch nông thôn là: Thứ nhất, du lịch nông thôn có nền tảng là nông nghiệp; thứ hai, mô hình du lịch nông thôn có thể thay đổi theo thời gian và không gian phù hợp với đặc thù và tình hình; thứ ba, phát triển du lịch nông thôn dựa trên sự gắn kết với các ngành, nghề khác, ngược lại, sự phát triển của các ngành, nghề khác là tiền đề để du lịch phát triển; thứ tư, du lịch nông thôn có tính liên ngành và liên vùng cao.
Xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch có quan hệ biện chứng với nhau. Thực tiễn cho thấy, chương trình xây dựng nông thôn mới đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch nông thôn trong việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… Ngược lại, du lịch nông thôn góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững thông qua việc nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho người dân ở nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản... Ở Việt Nam, vai trò của du lịch nông thôn thể hiện trên các khía cạnh, đó là: Góp phần đưa giá trị của nông nghiệp và nông thôn lên cao; góp phần phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); phát huy giá trị văn hóa của các vùng, miền.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân đang trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay của Đảng và Nhà nước ta. Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, cả nước có 73 tuyến du lịch có dẫn khách đến các điểm du lịch nông thôn, có 365 điểm du lịch nông thôn. Các loại hình du lịch nông thôn chủ đạo hiện nay là du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Các sản phẩm du lịch nông thôn khai thác tập trung vào giá trị cảnh quan sinh thái nông thôn, hoạt động sản xuất nông nghiệp, giá trị văn hóa truyền thống của khu vực, sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn chất lượng cao… Tuy nhiên, du lịch nông thôn chủ yếu quy mô nhỏ, do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp. Mô hình tổ chức du lịch nông thôn chủ yếu mang tính chất tự phát, chưa có chính sách tổng thể cho phát triển du lịch nông thôn ở cấp quốc gia. Công tác quy hoạch hạ tầng cơ sở, hạ tầng nhân lực dành cho phát triển du lịch nông thôn gần như chưa có. Các cơ chế, chính sách quản lý đối với mô hình du lịch nông thôn và bảo đảm liên kết chuỗi du lịch nông thôn gắn với các công ty lữ hành còn nhiều kẽ hở.
Hướng phát triển tất yếu của du lịch Hà Nội
Với nhiều địa hình, nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, Hà Nội hội tụ các yếu tố để phát triển loại hình du lịch nông thôn. Tiêu biểu là khu vực Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức,... có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, các thôn quê trù phú, thuận lợi cho việc tổ chức hình thức du lịch này. Gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, Hà Nội có nhiều làng quê sạch, đẹp như: Song Phượng, Đan Phượng (huyện Đan Phượng), Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), Bát Tràng, Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm)... mở ra cơ hội phát triển du lịch làng, xã nông thôn mới. Một số nơi tổ chức được các tour, tuyến du lịch hấp dẫn như: Làng chè Ba Trại, làng thảo dược của người Dao ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì), làng Việt cổ đá ong Đường Lâm (thị xã Sơn Tây),... mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân và trải nghiệm thú vị cho du khách.
Có thể thấy, phát triển du lịch ở nông thôn chính là cách làm phù hợp để thúc đẩy kinh tế khu vực ngoại thành Hà Nội, góp phần gìn giữ và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của người dân bản địa. Tuy vậy, để mô hình này phát triển bền vững vẫn còn nhiều khó khăn. Nhìn chung, các mô hình du lịch nông thôn ở Hà Nội mới hình thành, thiếu sự gắn kết với các đơn vị lữ hành chuyên nghiệp hoặc các đơn vị chức năng, do đó chưa đem lại hiệu quả cao. Có một thực tế, các hộ dân làm du lịch chủ yếu là tự phát, quy mô nhỏ, phát triển từ những dịch vụ đơn giản là tham quan trang trại, cải tạo nhà vườn thành nơi nghỉ ngơi của khách, song vẫn chưa chuyên nghiệp, chưa hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn... Một số vùng nông thôn tuy đã chú ý đến cảnh quan môi trường, song vấn đề vệ sinh môi trường, ô nhiễm nguồn nước, không khí vẫn diễn ra, chưa khắc phục triệt để. Đặc biệt, trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cùng với các biện pháp phòng, chống dịch và giãn cách xã hội, các vùng nông thôn có nghề, các làng nghề gặp nhiều khó khăn. Nhiều làng nghề bị đứt gãy chuỗi sản xuất, thiếu nguyên liệu, lao động ngừng việc, hoạt động du lịch gần như ngưng trệ. Thị trường du lịch nội địa nói chung và du lịch nông thôn nói riêng gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Để gắn kết phát triển du lịch với chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, Hà Nội cần phải thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch không gian phát triển du lịch nông thôn cần gắn với đặc trưng sinh thái vùng, miền, chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa - lịch sử. Phát triển du lịch nông thôn ở Hà Nội hướng đến khai thác sự sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái để tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với thị trường. Đặc biệt, cần chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành, nghề, dịch vụ liên quan nhằm cung cấp đa dạng các trải nghiệm, thu hút, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách trong và ngoài nước,… Đồng thời, phát triển dịch vụ phụ trợ để hỗ trợ du lịch, gắn phát triển hạ tầng du lịch nông thôn với ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn.
Hà Nội đang tiến hành xây dựng dự thảo Kế hoạch “Phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025” nhằm thúc đẩy ngành kinh tế du lịch nông nghiệp phát triển. Khi kế hoạch hoàn thiện và đưa vào thực hiện, du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới được kỳ vọng mang đến khí thế mới cho du lịch vùng ngoại thành nói riêng, du lịch Thủ đô nói chung. Như vậy, Hà Nội cần rà soát, đánh giá lại một cách toàn diện về tiềm năng, thực trạng phát triển du lịch nông thôn, trang trại nông nghiệp làm dịch vụ du lịch trên địa bàn và đề xuất các giải pháp quản lý, hỗ trợ phát triển trong thời gian tới. Thành phố tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và phát triển hạ tầng nông thôn tạo điều kiện để người dân, các trang trại, hợp tác xã, các địa phương khai thác lợi thế phát triển du lịch; góp phần thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.
Hà Nội tăng cường chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong hội nhập quốc tế  (02/11/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị lấy ý kiến vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô  (30/10/2021)
Thành phố Hà Nội: Xây dựng con người văn hóa, văn minh, thanh lịch  (29/10/2021)
Văn hóa Hà Nội trong dòng chảy hội nhập quốc tế  (29/10/2021)
Hà Nội ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19  (29/10/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay