Cơ chế giám sát của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy Đảng và Nhà nước thông qua hai hình thức: một là, thông qua các tổ chức đại diện như Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể…; hai là, trực tiếp giám sát. Trên thực tế, quyền dân chủ, quyền giám sát của nhân dân hiện nay nhiều khi còn mang tính hình thức, do đó, kết quả không đạt được như mong muốn. Sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân; đổi mới cơ chế quản lý, mở rộng dân chủ xã hội đang là đòi hỏi cấp thiết, mở đường cho nhân dân có thể giám sát một cách thiết thực, hiệu quả.

Để góp phần giúp bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu, học tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã xuất bản cuốn sách Cơ chế giám sát của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy Đảng và Nhà nước – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, do GS, TSKH. Đào Trí Úc chủ biên. Cuốn sách là những kết quả nghiên cứu chủ yếu của đề tài KX 10-07 “Tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế”. Các tác giả đã tập trung làm rõ vai trò của nhân dân trong việc giám sát hoạt động của bộ máy Đảng và Nhà nước và các thiết chế tổ chức trong hệ thống chính trị; từ đó đánh giá đúng thực trạng về sự tham gia của nhân dân vào việc giám sát cũng như thực trạngcủa các cơ chế trong hệ thống chính trị nước ta; xây dựng các quan điểm, yêu cầu, mục tiêu, nguyên tắc bảo đảm sự giám sát của nhân dân; xây dựng và đề xuất các cơ chế và hình thức, các căn cứ pháp lý để nhân dân thực hiện có hiệu quả vai trò giám sát đối với hoạt động của Đảng và Nhà nước./.