Sau G.W. Bu-sơ: Nước Mỹ sẽ đi về đâu?

Phan Doãn Nam
10:38, ngày 20-07-2008

Hai mươi năm đã trôi qua kể từ khi “chiến tranh lạnh” kết thúc đưa nước Mỹ trở thành siêu cường độc tôn trên thế giới với sức mạnh hầu như không bị thách thức trên cả lĩnh vực kinh tế, quân sự và có tiếng nói trong tất cả các thể chế quốc tế chủ yếu. Trong thời gian này, mặc dù nước Mỹ đã trải qua ba đời tổng thống, nhưng mục tiêu chiến lược thì không thay đổi: xây dựng một trật tự thế giới mới phù hợp với “lợi ích và giá trị” của nước Mỹ.

Bức tranh ảm đạm

Để thực hiện mục tiêu chiến lược này, những người cầm quyền nước Mỹ trong thời gian qua đều tập trung vào 4 vấn đề lớn: duy trì và tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng số một của Mỹ trên thế giới; ngăn ngừa việc phổ biến các vũ khí giết người hàng loạt; đẩy mạnh tự do hóa nền kinh tế thế giới; thúc đẩy việc phổ biến những “giá trị dân chủ và nhân quyền” cốt lõi của Mỹ.

Giờ đây, nước Mỹ đang bước vào năm bản lề có tính quyết định đối với tương lai chính trị đất nước, đặc biệt là sau 8 năm cầm quyền của các lực lượng bảo thủ nhất nước Mỹ kể từ sau chiến tranh Việt Nam, nhưng bức tranh về nước Mỹ thật ảm đạm. Kinh tế Mỹ đang chìm vào một cuộc suy thoái trầm trọng, đồng đô-la đang mất dần vị trí khống chế trong nền tài chính tiền tệ thế giới kéo theo giá vàng và dầu mỏ tăng không thể kiểm soát. Mỹ tiếp tục bị sa lầy và chưa có lối thoát trong cuộc chiến tranh I-rắc dù đã đổ vào cuộc chiến này 500 tỉ USD với hơn 4.000 binh sĩ chết và hàng chục ngàn bị thương trong 5 năm qua. Tâm lý chống Mỹ, nhất là tại các nước Hồi giáo, không ngừng tăng lên. Uy tín của Tổng thống G.W. Bu-sơ xuống thấp đến mức thảm hại, chỉ còn 31%, gần bằng sự suy giảm uy tín của cựu Tổng thống L. Giôn-xơn trong chiến tranh Việt Nam. 67% số người được hỏi ý kiến trong một cuộc thăm dò của hãng CNN ngày 19-3-2008 cho rằng, họ không còn tín nhiệm chính quyền Bu-sơ. Uy tín của Mỹ trên thế giới không ngừng sa sút.

Chính sách đối ngoại “đi một mình”

Nhìn lại những đường hướng chính trong cái gọi là Đại chiến lược của Mỹ được đưa ra vào năm 2002, sau khi nước Mỹ bị tấn công khủng bố, có thể thấy rõ nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm vị thế cường quốc của Mỹ trong thời gian đó.

Qua phát biểu của Tổng thống G.W. Bu-sơ sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001 cũng như trong “Chiến lược an ninh quốc gia năm 2002”, người ta thấy rõ sự thay đổi hoàn toàn mới trong việc điều hành chính sách đối ngoại của G.W. Bu-sơ so với các chính quyền trước đó.

Nổi bật là chủ nghĩa đơn phương hay gọi nôm na là chủ trương “đi một mình” trong chính sách đối ngoại. Với sức mạnh vượt trội hiện nay so với tất cả các đối thủ khác, Mỹ cho rằng có thể tự hành động để “bảo vệ lợi ích quốc gia của mình” dù thế giới, kể cả đồng minh thân cận nhất của Mỹ có ủng hộ hay không. Mỹ tự cho mình quyền đơn phương hành động khi thấy cần thiết. Để có thể “đi một mình”, Mỹ bất chấp hoặc ít nhất là coi thường tất cả những thể chế quốc tế mà bản thân Mỹ đã góp phần gây dựng nên từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Những thể chế nào ngăn cản tự do hành động của Mỹ đều bị Mỹ xem là lỗi thời. Thậm chí, Mỹ chia các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Âu thành 2 loại: “châu Âu già cỗi” gồm những nước chống lại các cuộc phiêu lưu quân sự đơn phương của Mỹ và “châu Âu mới” là những nước ủng hộ Mỹ.

Tháng 9-2001, chính quyền Bu-sơ đã chính thức bác bỏ Nghị định thư Ky-ô-tô ngăn ngừa hiện tượng trái đất nóng lên, chống lại việc thành lập Tòa án hình sự quốc tế và các nỗ lực đàm phán xung quanh một nghị định thư mới về sự thanh tra mạnh hơn đối với Công ước về vũ khí sinh học, chống lại những cố gắng quốc tế để hạn chế việc buôn bán vũ khí nhỏ trên thế giới và Công ước về mìn gây sát thương...

Có thể xem đây là một sự ngạo mạn về quyền lực. Bề ngoài nó làm cho các lực lượng bảo thủ ở Mỹ có thể hài lòng về cái gọi là “quyền bá chủ” của Mỹ nhưng thực chất bên trong, nó che đậy sức mạnh của một “siêu cường cô độc” như nhiều học giả Mỹ đã đề cập. Phải “đi một mình” vì Mỹ biết hành động của Mỹ không giành được, hay giành được rất ít hoặc chỉ có được một sự ủng hộ mang tính chất tượng trưng từ các đồng minh. Cuộc chiến tranh I-rắc là một bằng chứng. Số lượng các nước ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến này chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay. Ngay sự ủng hộ của Anh, một đồng minh chủ chốt của Mỹ cũng không hoàn toàn xuất phát từ những mục đích vô tư, mà nó phản ảnh ý đồ của Anh nhằm dựa vào sức mạnh của Mỹ để cứu vãn quyền lực đang xuống dốc của mình. Bằng việc ủng hộ truyền thống đối với Mỹ, Anh đã đạt được một mức độ ảnh hưởng nhất định đối với quá trình ra quyết định của Mỹ trong việc giải quyết một số vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, không gian của Anh trong việc dựa vào Mỹ để cứu vãn sự suy yếu vị thế quốc tế của mình cũng có giới hạn. Thủ tướng G. Brao đang tìm cách rời khỏi con tàu của Mỹ đang chìm trong biển cát mênh mông ở I-rắc để tránh lặp lại số phận của Giô-xê Ác-na ở Tây Ban Nha trong cuộc bầu cử tháng 4-2004.

Tóm lại, chủ nghĩa đơn phương của Mỹ không làm cho thế giới thấy Mỹ là một siêu cường quyết đoán với sức mạnh vô địch, thay vào đó là một siêu cường cực đoan nằm ngoài vòng luật pháp quốc tế. Sự kiêu ngạo về quyền lực của nước Mỹ dưới thời của Tổng thống G.W.Bu-sơ không làm cho thế giới sợ Mỹ hơn, trái lại sự thù ghét Mỹ trên thế giới ngày càng tăng, không riêng trong thế giới Hồi giáo.

Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ cũng được điều chỉnh bằng cách kêu gọi “phải hành động trước để bảo vệ chúng ta (nước Mỹ), thậm chí (cả lúc) không chắc chắn về thời gian và địa điểm tấn công của kẻ thù”, tức là, Mỹ đã tự cho phép mình xây dựng lực lượng quân sự để ngăn chặn trước một lực lượng nào đó mà Mỹ cho rằng đang có ý định tấn công nước Mỹ. Chính quyền G.W. Bu-sơ gọi đây là chiến lược “đánh đòn phủ đầu” hay là một “cuộc chiến tranh phòng ngừa”. Học thuyết này đã được vận dụng làm cơ sở để Mỹ phát động chiến tranh I-rắc hồi tháng 3-2003 với cái cớ chính quyền Xa-đam Hu-xê-in sở hữu vũ khí giết người hàng loạt và có liên hệ với tổ chức khủng bố An Kê-đa. Ngay từ đầu người ta đã thấy lập luận này thiếu cơ sở, và chỉ nhằm che đậy ý đồ thực chất của Mỹ là khống chế các nguồn dầu mỏ tại I-rắc và Trung Đông. Đến nay, Mỹ không thừa nhận tham vọng dầu mỏ của mình vì 5 năm sa lầy ở I-rắc, Mỹ vẫn chưa làm chủ được các giếng dầu ở đây trong lúc chi phí cho cuộc chiến tranh đã vượt xa lợi nhuận mà Mỹ có thể có nếu nắm được các nguồn tài nguyên của nước này. Tuy nhiên, Mỹ buộc phải thừa nhận sai lầm của tình báo Mỹ về vấn đề vũ khí giết người hàng loạt và mối liên hệ giữa chính quyền X. Hu-xê-in với các phần tử khủng bố An Kê-đa.

Điều có thể thấy ở đây là với học thuyết “đánh đòn phủ đầu”, Mỹ đã làm cho thế giới thấy rằng, Mỹ là một siêu cường chiến tranh chủ trương giải quyết các tranh chấp thế giới bằng biện pháp quân sự, rằng tuy là một siêu cường, nhưng Mỹ không thể lấy hòa bình và an ninh của các dân tộc trên thế giới ra làm “vật cá cược” cho những lợi ích vị kỷ và những toan tính sai lầm của mình. Hành động của Mỹ 8 năm qua đã làm cho uy tín của nước Mỹ bị xói mòn nghiêm trọng trong con mắt của nhân dân thế giới.

Sự xuống dốc về quyền lực

Một nhân tố khác làm cho cộng đồng quốc tế ngày càng nghi ngại Mỹ, đó là chính sách “bạn thù” của chính quyền G.W. Bu-sơ. Trong bài diễn văn trước Quốc hội ngày 20-9-2001, Tổng thống Bu-sơ tuyên bố: “Bất cứ quốc gia nào, ở bất cứ khu vực nào, nay phải quyết định hoặc là các bạn đi cùng chúng tôi, hoặc là các bạn đi với những kẻ khủng bố”. Mỹ còn đi xa hơn nữa trong việc liệt I-rắc, I-ran và CHDCND Triều Tiên vào “trục ma quỷ”. Và danh sách này ngày một dài thêm, gồm cả những nước mà Mỹ cho là đang ủng hộ và chứa chấp những kẻ khủng bố.

Có thể thấy, chính sách “bạn thù” của Mỹ không làm cho thế giới tập họp sau Mỹ để ủng hộ hành động phi pháp của Mỹ, kể cả nhiều nước lớn ở Tây Âu, đồng minh của Mỹ trong NATO. Các lực lượng bảo thủ ở các nước Hồi giáo như I-ran, Xy-ri ngày càng mạnh thêm. Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên mong muốn tập trung sức lực để xây dựng đất nước, vượt qua các khó khăn kinh tế nhưng cũng không vội thúc đẩy nhanh quá trình giải giáp vũ khí hạt nhân của mình một khi Mỹ vẫn không chịu cùng nước này ký hiệp ước không xâm lược lẫn nhau. Chính sách “bạn thù” cộng với việc Mỹ ra sức tăng cường chất lượng và cải tiến kho vũ khí hạt nhân của mình làm cho nhiều nước trên thế giới có quan hệ không êm ấm với Mỹ tin rằng, sở hữu vũ khí hạt nhân là cách phòng ngự tốt nhất đối với chính sách cường quyền của Mỹ. Do đó có thể thấy, chính sách “bạn thù” của chính quyền G.W. Bu-sơ đang làm cho Mỹ ngày càng có thêm nhiều thù hơn bạn và làm cho bầu không khí chính trị trên thế giới càng trở nên hết sức bất trắc.

Tính chất hiếu chiến của giới cầm quyền bảo thủ Mỹ dưới chính quyền của Tổng thống G.W. Bu-sơ cũng được thể hiện rõ qua các ưu tiên chiến lược được nêu ra trong Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ năm 2002. Học thuyết mới này của Tổng thống G.W. Bu-sơ cũng không khác gì học thuyết mà những người tiền nhiệm ông ta sau “chiến tranh lạnh” đã tập trung duy trì ưu thế và ảnh hưởng của Mỹ trên cả ba vùng chiến lược: châu Âu, Đông Á và Trung Đông. Điểm khác là nó mang tham vọng lớn hơn và do đó cũng hiếu chiến hơn.

Ở châu Âu, mục tiêu chiến lược của Mỹ là giữ các đồng minh trong hệ thống giá trị và sự khống chế của Mỹ thông qua các thể chế và tổ chức của NATO, ngăn ngừa bất cứ đồng minh nào thách thức sự lãnh đạo của Mỹ. Do đó, việc kiềm chế và ngăn chặn Nga trỗi dậy là ưu tiên hàng đầu, vì một nước Nga như thời kỳ Liên Xô là một thách thức đối với Mỹ, đồng thời là nhân tố khuyến khích xu thế ly tâm trong hàng ngũ đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Do vậy, Mỹ chủ trương mở rộng NATO về phía Đông, đưa số thành viên của khối quân sự này lên 24 nước vào năm 2004 và tiếp tục mở rộng để đưa một số nước SNG vốn là thành viên của Liên Xô trước đây vào tổ chức này. Mặt khác, Mỹ hủy bỏ Hiệp ước ABM về hệ thống phòng thủ tên lửa ký với Liên Xô năm 1972 nhằm chuẩn bị cho việc thiết lập riêng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD); Mỹ đang thương thảo với Ba Lan và Cộng hòa Séc về việc thiết lập ở các nước này hệ thống tên lửa và ra-đa cảnh giới. Việc gần đây Mỹ phải nhượng bộ Nga trong vấn đề này qua các cuộc đàm phán giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ với các nhà lãnh đạo Nga chỉ nhằm mục đích ghi điểm cho G.W. Bu-sơ trước khi rời Nhà Trắng, chứ không làm thay đổi âm mưu thực chất của Mỹ tiếp tục kiềm chế Nga. Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận đây là một bước lùi của Mỹ dù chỉ là tạm thời do sự phản đối của Nga. Mặt khác, cũng cần thấy rằng, những nước châu Âu muốn tham gia NATO chủ yếu muốn dựa vào Mỹ để bảo đảm an ninh cho họ chứ không phải để bảo vệ hoặc làm “bia đỡ đạn” cho Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Mỹ và Nga. Điều này được Thủ tướng Ba Lan nói rõ trong cuộc đàm phán về việc cho phép Mỹ lắp đặt các hệ thống tên lửa của Mỹ ở nước này.

Ở Đông Á, mục tiêu chiến lược của Mỹ nhằm ngăn chặn cái gọi là “mối đe dọa tiềm tàng của Trung Quốc đối với vị trí bá chủ của Mỹ”. Điều này được biểu hiện rõ rệt dưới chính quyền G.W. Bu-sơ. Ngay khi vừa bước vào Nhà Trắng, Tổng thống G.W. Bu-sơ trong lời tuyên thệ nhậm chức đã tuyên bố rằng: “Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chứ không phải là đối tác chiến lược”. Sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, tuy ông Bu-sơ phải tập trung mũi nhọn vào chủ nghĩa khủng bố nhưng vẫn tìm cách không để Trung Quốc trở thành “đối thủ cạnh tranh ngang hàng”. Để kiềm chế Trung Quốc, Mỹ tìm cách xây dựng một liên minh tương tự như NATO phương Đông gồm Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a và Ấn Độ, tranh thủ lôi kéo các nước xung quanh Trung Quốc. Tuy nhiên, trái với mong muốn của Mỹ, quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ, các nước Đông - Nam Á... không ngừng được cải thiện. Tất nhiên, sự cải thiện này không nhằm chống Mỹ mà chủ yếu nhằm phục vụ lợi ích an ninh chính trị, nhất là lợi ích kinh tế của họ trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc.

Từ sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong những năm 70 của thế kỷ trước, các chính quyền nối tiếp nhau ở Mỹ đều xem Trung Đông và vịnh Péc-xich thuộc lợi ích an ninh sống còn của Mỹ. Tuy nhiên, các nỗ lực của Mỹ nhằm chuyển đổi Trung Đông theo hướng có lợi cho Mỹ đều không đi đến đâu; trái lại, nó chỉ gây bất ổn cho khu vực này và đẩy giá dầu ngày một lên cao. Mục tiêu chiến lược của chính quyền G.W. Bu-sơ cũng không có gì thay đổi, có điều nó mang tính chất hiếu chiến hơn. Cuộc chiến tranh I-rắc (2003) dựa trên những bằng chứng giả tạo được bóp méo sao cho phù hợp với ý đồ của chính quyền Mỹ được vạch ra (năm 2004) trong cái gọi là sáng kiến Đại Trung Đông nhằm “thúc đẩy dân chủ và chính quyền tốt”. Kế hoạch Đại Trung Đông đã gây ra những phản ứng tiêu cực trong thế giới A-rập. Ngoại trưởng Gioóc-đa-ni đã tuyên bố thẳng thừng rằng: “mục đích của chúng ta là ngăn chặn kế hoạch này từ trong trứng”. Một tờ báo của Ai Cập đã nhận xét rằng: “chẳng có gì khác nhau giữa những lời nói của các thực dân Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan xưa kia và của các đế chế thực dân thời đại ngày nay”.

Thất bại nổi bật nhất của kế hoạch Đại Trung Đông của Mỹ là sự sa lầy của Mỹ ở I-rắc. Nhân kỷ niệm 5 năm cuộc chiến tranh I-rắc, Tổng thống G.W. Bu-sơ tuyên bố trong 5 năm tới, Mỹ sẽ thoát khỏi vũng lầy I-rắc và sẽ chiến thắng (?). Điều này chưa thể nói trước, song có thể thấy chính sách cực đoan của Mỹ ở I-rắc và sự thù địch của Mỹ trong chính sách đối với I-ran đã không giúp gì cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân của I-ran; trái lại, đã làm cho các lực lượng bảo thủ ở I-ran giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vừa qua.

Trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống, ông G.W. Bu-sơ muốn ghi danh vào lịch sử bằng việc tổ chức hội nghị Trung Đông tại An-na-pô-lít (tháng 11-2007) nhằm đưa I-xra-en và Pa-le-xtin xích lại gần nhau trong việc thực hiện kế hoạch “lập lại hòa bình” ở Trung Đông với hai nhà nước I-xra-en và Pa-le-xtin cùng tồn tại hòa bình. Nhưng xem ra đây cũng chỉ là ảo tưởng. Trong vòng gần nửa thế kỷ nay, vấn đề I-xra-en - Pa-le-xtin luôn đi vào bế tắc. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là Mỹ luôn đứng về phía I-xra-en. Bởi lẽ, vai trò của cử tri Mỹ gốc I-xra-en rất quan trọng đối với chính trường Mỹ. Cộng đồng người Mỹ gốc I-xra-en rất mạnh và giàu có. Không một chính khách Mỹ nào có thể tồn tại về chính trị nếu không ủng hộ I-xra-en. ông G.W. Bu-sơ chọn thời điểm cuối nhiệm kỳ để tỏ ra “khách quan” hơn trong quan hệ I-xra-en - Pa-le-xtin là vì ông ta không bị cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay ràng buộc.

Tháng 11 tới cử tri Mỹ sẽ đi bầu để chọn tổng thống mới cho nước Mỹ. Bầu ai là quyền của các cử tri Mỹ, song có một điều chắc chắn rằng: nếu vị tổng thống mới, dù thuộc Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ, muốn đưa nước Mỹ ra khỏi “cơn bĩ cực” hiện nay, thì phải thay đổi chính sách mà Tổng thống G.W. Bu-sơ đã theo đuổi trong suốt 8 năm qua trên cả ba vấn đề quan trọng, đó là “vấn đề I-rắc”, “sự suy thoái kinh tế” và “vai trò của nước Mỹ trên trường quốc tế”./.