Ngày 7-11-2006 thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-TƯ về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chỉ thị nhấn mạnh: “Đây là một chủ trương lớn vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Cuộc vận động này được thực hiện trong toàn Đảng, toàn dân từ ngày Kỷ niệm 77 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/2007) tới hết nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng. Mục đích cuộc vận động là làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh... nâng cao đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.

Đạo đức là một hệ thống những tư tưởng, tình cảm lớn của loài người, hướng con người đi tới cái thiện, cái tốt, cái đúng, gạt bỏ cái ác, cái xấu, cái sai. Đạo đức là cái quý nhất, là linh hồn của một con người, một xã hội, một chế độ, một nền văn minh. Đạo đức của con người thể hiện trong phẩm chất, hành vi và phong độ, gộp lại thành chất người. Đạo đức đẹp nhất là vị tha, không vị kỷ, sống vì mọi người.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề tư tưởng, tình cảm cách mạng, mà nổi lên hàng đầu là trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đó là sự kết tinh những giá trị đạo đức của dân tộc và tinh hoa đạo đức của nhân loại, đặc biệt là đạo đức học mác-xít và tấm gương đạo đức của Lênin. Di sản đạo đức Hồ Chí Minh là một kho tàng đầy của báu, chứa đựng trong đó những giá trị khoa học và thực tiễn. Gắn với nhận thức về sức mạnh giác ngộ chính trị, sức mạnh tổ chức, Hồ Chí Minh quan niệm tu dưỡng đạo đức là một sức mạnh phi thường trong sự nghiệp giành độc lập dân tộc và xây dựng xã hội mới. Điểm nổi bật ở Hồ Chí Minh là sự quan tâm hàng đầu, một cách nhất quán vấn đề đạo đức. Hồ Chí Minh bắt đầu sự nghiệp cách mạng là bắt đầu giáo dục lý tưởng cách mạng và đạo đức cách mạng cho những người yêu nước. Người hết sức coi trọng đạo đức, vì theo Người, con người cần đạo đức, cách mạng cần đạo đức, cuộc sống rất cần đạo đức. Người luôn thể hiện nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều và trong nhiều trường hợp, Người khẳng định bằng hành vi chứa đựng trong đó cả một tầm tư tương đạo đức sáng ngời. Những điều Người làm để lại cho chúng ta một tấm gương lớn, mẫu mực về đạo đức cách mạng còn nhiều hơn những điều Người viết và nói về đạo đức. Hồ Chí Minh không chỉ là người giáo dục đạo đức cách mạng mà còn là hiện thân của đạo đức cách mạng, nêu gương cho toàn Đảng, toàn dân ta. Vì vậy, để làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì không chỉ nghiên cứu những bài viết, bài nói của Người là đủ, mà còn phải đọc những bài viết của các học trò xuất sắc có điều kiện sống và làm việc gần Người, những người bạn quốc tế hoạt động cùng thời với Người, tìm hiểu những mẩu chuyện thể hiện con người và phong cách Hồ Chí Minh… Tóm lại, phải có một đạo đức học Hồ Chí Minh.

Bài viết này chỉ đi vào một quan điểm đạo đức của Hồ Chí Mính: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Xét về ý nghĩa, phẩm chất đạo đức này là một minh chứng hùng hồn cho phẩm chất đạo đức hàng đầu “trung với nước, hiếu với dân”. Nhưng nó lại được Hồ Chí Minh bàn tới nhiều nhất, vì hàng ngày, mỗi cá nhân phải lấy mình làm đối tượng để thực hành phẩm chất đạo đức này, khi cách mạng thuận lợi cũng như lúc gặp khó khăn.

Cần được hiểu là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai. Lười biếng là kẻ thù của chữ cần, là có tội với đồng bào, với Tổ quốc.

Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Xa xỉ là có tội với Tổ quốc, với đồng bào.

Liêm là trong sạch, không tham lam địa vị, quyền hành, vật chất. Kẻ tham lam là có tội với nước, với dân.

Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn.

Cần, kiệm, liêm, chính trước hết là thước đo trình độ “người”, chất người của một con người, là thước đo đạo đức công dân. Điều đó giống như bốn mùa của trời, bốn phương của đất, “thiếu một mùa thì không thành trời, thiếu một phương thì không thành đất, thiếu một đức thì không thành người”.

Cần, kiệm, liêm, chính lại càng cần thiết, quan trọng hơn đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Vì sao? Vì cán bộ, đảng viên được hiểu như “hai con người trong một con người”. Trước hết, đó là một công dân và cùng với công dân, con người đó là cán bộ, đảng viên. Mà cán bộ, đảng viên, tất nhiên có vai trò, vị trí, sứ mệnh nặng nề hơn người dân thường. Là cán bộ, đảng viên, lại là cán bộ đảng viên có chức có quyền, hơn nữa lại chức quyền cao, nếu mắc sai lầm, khuyết điểm thì không chỉ ảnh hưởng tới cá nhân mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Mặt khác, “cán bộ các cơ quan, đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút”(1). Vấn đề mấu chốt ở đây, đã là người trong các công sở thì đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Khi đã có quyền hành và vì có quyền hành, nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì như Hồ Chí Minh đã chỉ ra, “dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”(2). Như vậy, gốc rễ của tham nhũng là quyền lực và tham nhũng chủ yếu và trước hết cũng là tham nhũng quyền lực. Vì vậy, muốn chữa tham nhũng, phải chữa nơi quyền lực. Hồ Chí Minh nhấn mạnh nội dung đầu tiên của chữ liêm là không tham địa vị, quyền hành. Vì dựa vào địa vị, quyền hành mới tham nhũng được lợi ích vật chất. Người dùng chữ “nhũng lạm” theo nghĩa như vậy, tức là lạm dụng quyền lực để tham nhũng. Thực tiễn cho thấy, một người dân thường vẫn có lòng tham (vì đã là con người thì có tốt xấu, thiện ác trong lòng), nhưng vì không có địa vị, quyền hành, nên không thể tham nhũng, đục khoét người khác và cũng không ai hối lộ cho. Tư tưởng Hồ Chí Minh cho thấy quyền lực có hai cách sử dụng: (1) Người có đạo đức thì dùng quyền lực phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng và không tham quyền cố vị, không màng tới danh lợi bản thân. Đó là kiểu người theo phong cách, tấm gương Hồ Chí Minh; (2) Người không có đạo đức, bị quyền lực làm tha hóa, thì dùng quyền lực, lạm dụng quyền lực, say mê quyền lực, chạy theo quyền lực, tranh giành quyền lực, tham quyền cố vị.

Cần, kiệm, liêm, chính còn được hiểu là thước đo sự giàu có về vật chất, văn minh, tiến bộ của một dân tộc. Bởi vì, “một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, một dân tộc văn minh, tiến bộ”(3). Vì vậy, cần, kiệm, liêm, chính là “nền tảng của đời sống mới, của Thi đua ái quốc”; là cái cần thiết để “làm việc, làm người, làm cán bộ, phụng sự đoàn thể, giai cấp, nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Với ý nghĩa sâu xa, rộng lớn như vậy, “cần, kiệm, liêm, chính là đặc điểm của xã hội hưng thịnh. Những điều trái lại là đặc điểm của xã hội suy vong” như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét.

Thực hành chữ cần thì phải đi liền với chữ kiệm. Cần mà không kiệm thì như một cái thùng không có đáy. Đồng thời phải chuyên, chống lười biếng, chống làm việc thiếu kế hoạch, thiếu phân công. Phân công phải nhằm vào hai điều: công việc và nhân tài. Về nhân tài, người nào có năng lực làm việc gì thì đặt vào việc ấy. Nếu dùng không đúng, người giỏi nghề thợ mộc thì giao cho việc thợ rèn, người giỏi nghề rèn thì giao cho việc thợ mộc, như thế thì cả hai đều thất bại.

Thực hành chữ kiệm thì phải đi liền với chữ cần. Kiệm mà không cần thì không tăng thêm, không phát triển được. Đã không tiến tức là thoái. Thời giờ cũng cần được tiết kiệm như của cải, vì “một tấc bóng là một thước vàng”, “thời giờ tức là tiền bạc”. Ai đưa thời giờ vứt đi là người ngu dại. Tiết kiệm phải kiên quyết không xa xỉ, chống lãng phí, phải biết tổ chức thì mới tiết kiệm được sức lực, thời giờ và vật liệu.

Thực hành chữ liêm cũng phải đi đôi với chữ kiệm. Vì xa xỉ mà sinh tham lam. Phải chống bất liêm. Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng là bất liêm. Dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm), là trái với chữ liêm. Bất liêm tức là trộm cắp. “Người mà không liêm không bằng súc vậ” (Khổng Tử). “Ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy” (Mạnh Tử). Chống bất liêm, tham nhũng bằng cách nào? Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết cán bộ phải thực hành chữ liêm để làm kiểu mẫu cho dân; Hai là, dân phải hiểu biết. Trước đây, “quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm cũng phải hóa ra liêm; Ba là, phải dùng pháp luật: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”(4); Bốn là, phải giáo dục tính liêm sỉ để mọi người hiểu rằng, tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân.

Thực hành chữ chính phải dựa trên nền tảng, gốc rễ của cần, kiệm, liêm. Thực hành chữ chính đi liền với chống tà, ác như lười biếng, xa xỉ, tham lam. Thực hành chữ chính trên ba mặt: Một, đối với mình thì chớ tự kiêu, tự đại, luôn cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm, tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình. “Mình có đứng đắn, mới tề được gia, trị được quốc, bình được thiên hạ” (Khổng Tử). Hai, đối với người thì phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ. Chớ nịnh hót người trên, chớ xem khinh người dưới. Phải học người và giúp người tiến tới. Ba, đối với việc thì phải để việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà. Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Bất kỳ việc to, việc nhỏ, phải có sáng kiến, kế hoạch, cẩn thận, quyết tâm.

Chí công vô tư là không nghĩ đến mình trước, hưởng thụ đi sau, là “lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào”. Đó chính là nội dung của chủ nghĩa tập thể, trái ngược với chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, thực hành chí công vô tư là phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Nó là một thứ vi trùng rất độc, đẻ ra hàng trăm thứ bệnh: tham ô, lãng phí, hủ hóa, xa hoa, tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền, quan liêu mệnh lệnh... Chủ nghĩa cá nhân trong mọi dịp thất bại hoặc thắng lợi đều có thể ngóc đầu dậy. Nó là một kẻ địch nguy hiểm, đồng minh của các kẻ địch khác. Muốn chống các kẻ địch khác, trước hết phải chống chủ nghĩa cá nhân, phải thắng giặc trong lòng. Chủ nghĩa cá nhân không chỉ nguy hại cho cá nhân, mà còn nguy hại cho Đảng và dân tộc: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(5). Tóm lại, “chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh từ bỏ chủ nghĩa cá nhân”(6).

Muốn chống chủ nghĩa cá nhân cần nhiều giải pháp về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Nhưng tất cả phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản mà cuộc đời cách mạng trong sáng, cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta. Đó là phải tu dưỡng bền bỉ suốt đời, gắn với thực tiễn cách mạng. Vì đạo đức cách mạng là nhằm giải phóng con người, nhân loại một cách triệt để, và đó là đạo đức của những con người được giải phóng. Nó không phải trên trời sa xuống, mà do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Phải nêu gương đạo đức, xây dựng đạo đức làm gương. Điều quan trọng nhất của đạo đức là tấm gương sống, nói đi đôi với làm. Vì quần chúng chỉ quý những người có tư cách đạo đức, chớ không phải cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” là ta được họ yêu mến. Trong khi xây đạo đức mới, phải chống bệnh nói nhiều làm ít, nói ít mà không làm, nói một đằng làm một nẻo. Trong mối quan hệ đó, phải xác định lấy xây làm chính, là nhlệm vụ chủ yếu, lâu dài, khó khăn, phức tạp, một cuộc chiến đấu khổng lồ. Chống cũng để nhằm xây. Bởi vì, đích cuối cùng chúng ta cần đạt được không phải chỉ là dân giàu, mà nước phải mạnh bằng sự tiến bộ, công bằng, dân chủ, phát triển bền vững, một xã hội đạo đức, văn minh.

 

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 5, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 2000, tr.461, 104
(2)
Hồ Chí Minh, Sđd, tr.461, 104
(3)
Hồ Chí Minh, Sđd, tr. 641, 642
(4)
Hồ Chí Minh, Sđd, tr. 641, 642
(5) Sđd, t. 12, tr. 557.
(6) Sđd, t. 9, tr. 291.