Các đại biểu tham dự tại hội thảo

Nhằm góp phần giải quyết tình trạng đói nghèo trẻ em ở Việt Nam và trên toàn thế giới, dự án Những cuộc đời trẻ thơ
là một dự án quốc tế dài hạn nghiên cứu nguồn gốc của nghèo đói trẻ em. Dự án đã và đang tiến hành theo dõi 12.000 trẻ em ở bốn nước Ê-ti-ô-pi, Ấn Độ, Pê-ru và Việt Nam trong suốt 15 năm từ năm 2001 đến năm 2015, thông qua các nghiên cứu định tính và định lượng kết hợp chặt chẽ với phân tích chính sách.

Tại Việt Nam, dự án do Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Tổng cục Thống kê và Tổ chức Cứu trợ trẻ em Anh thực hiện, có sự phối hợp với Đại học tổng hợp Oxford và một số trường đại học khác của Anh. Dự án theo dõi cuộc sống của 3.000 trẻ em tại 5 tỉnh là Lào Cai, Hưng Yên, Đà Nẵng, Phú Yên và Bến Tre, trong đó 2.000 em sinh năm 2000 - 2001 và 1.000 em sinh năm 1994 - 1995. Mẫu nghiên cứu này tập trung hơn đến nhóm nghèo và dân tộc thiểu số chứ không chỉ chú trọng đến việc xây dựng một mẫu đại diện cho quốc gia.

Chiều 5-3-2008, Hội thảo Chung tay giảm nghèo cho những cuộc đời trẻ thơ Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội. Tại hội thảo, tiến sỹ Lê Thúc Dục, đại diện cho 3 tổ chức thực hiện Dự án tại Việt Nam cho biết, cảnh nghèo túng thường tồn tại dai dẳng trong những gia đình mà cha mẹ có học vấn thấp, còn những hộ gia đình cha mẹ có học vấn cao hơn thì có nhiều khả năng thoát khỏi đói nghèo hơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy hoàn cảnh sống khi còn ấu thơ của trẻ em và trình độ học vấn của cha mẹ có liên kết chặt chẽ đến phát triển thể chất và khả năng nhận thức các em. Số liệu thu thập được năm 2006 chỉ ra rằng có đến 2/3 số hộ gia đình mà học vấn của mẹ chưa tốt nghiệp tiểu học nằm trong nhóm 20% hộ nghèo nhất về tài sản, trong khi chỉ số này vào năm 2002 chỉ là 47%.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có mối liên kết chặt chẽ giữa vấn đề dinh dưỡng của trẻ em với học vấn của cha mẹ, bất kể tình trạng giàu nghèo về tài sản của gia đình.

Tại cuộc hội thảo, các đại biểu một số bộ, ngành liên quan, các nhà tài trợ và các tổ chức phi chính phủ, đều cho rằng, đây là một dự án nghiên cứu hết sức phức tạp, các số liệu cụ thể mang tính định lượng có thể chưa thật chính xác, nhưng quan trọng là nó chỉ ra các xu thế để có thể góp phần vào việc điều chỉnh chính sách xóa đói giảm nghèo.

Thông qua các nghiên cứu định tính và định lượng, đo lường sự thay đổi trong thời gian dài và phỏng vấn trực tiếp trẻ em, cha mẹ các em về quan niệm của họ về nghèo, kết hợp với việc tìm hiểu xem chính sách của Chính phủ đã tác động đến cuộc sống của trẻ em như thế nào, Dự án phân tích toàn diện về tình trạng nghèo ở trẻ em, từ đó khuyến nghị các chính sách để giải quyết tình trạng này.