Theo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Thụy Sĩ, trong phần thảo luận cấp cao tại khóa họp lần thứ 7 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đang diễn ra ở Giơ-ne-vơ, chiều 4-3, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn Việt Nam Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu khẳng định chủ trương sẵn sàng đối thoại và hợp tác với tất cả các nước và tổ chức quốc tế về nhân quyền trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.

Thứ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng, việc Đại hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua bản Tuyên ngôn Nhân quyền 60 năm về trước đã đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên thế giới. Thế giới đã chứng kiến nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này, đặc biệt là thông qua một loạt công ước và chuẩn mực quốc tế về nhân quyền, bảo đảm tốt hơn các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quyền phát triển. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những tồn tại và thách thức như chiến tranh, xung đột, đói nghèo, dịch bệnh, bạo lực, bất công, phân biệt đối xử mà cộng đồng quốc tế đang phải đối phó tại nhiều nơi trên thế giới.

Theo Thứ trưởng Phạm Bình Minh, để trở thành một diễn đàn toàn cầu có uy tín, Hội đồng Nhân quyền cần rút ra những bài học của Ủy ban Nhân quyền trước đây, cần xây dựng cách tiếp cận mới trên tinh thần hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng các truyền thống, văn hóa và sự độc lập của tất cả các nước, không để xảy ra sự đối đầu, loại bỏ mọi hình thức chính trị hóa, "tiêu chuẩn kép" và áp dụng chọn lọc khi tiếp cận và xử lý các vấn đề liên quan tới nhân quyền. Thứ trưởng nêu rõ, việc Hội đồng Nhân quyền thông qua các quy định về thể chế và phương pháp làm việc đã thể hiện cam kết của tất cả các nước cùng hợp tác và phấn đấu vì mục tiêu chung là tôn trọng và bảo vệ các quyền và phẩm giá con người. Thứ trưởng cho rằng, Cơ chế kiểm điểm định kỳ (UPR) là một công cụ mới để thúc đẩy hợp tác quốc tế về quyền con người, không phải là nguồn gốc gây căng thẳng giữa các nước, đồng thời là sự kiểm chứng đối với hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền. Việt Nam sẽ nghiêm túc tiến hành việc kiểm điểm trong năm 2009 theo cơ chế này.

Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định, việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong quá trình xây dựng và phát triển của Việt Nam, là trung tâm của mọi chính sách và hoạt động của Nhà nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Thứ trưởng đã nêu bật những thành tựu to lớn của Việt Nam trong phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống và bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền, đặc biệt là việc đăng cai Đại lễ Phật Đản (VESAK) của Liên hợp quốc tại Việt Nam vào tháng 5 -2008.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày ra đời bản Tuyên ngôn Nhân quyền, Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đóng góp tích cực vào việc xây dựng Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc có một cơ chế hoạt động ngày càng hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của tất cả các nước và cộng đồng quốc tế.