Ngày 30-3-2007, tại Hà Nội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, Quỹ Brenthurst (The Brenthurst Foundation) đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Việt Nam - châu Phi: nghiên cứu so sánh và cơ hội phát triển”.

Trong một ngày diễn ra Hội thảo, sau lời khai mạc của GS, TS Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam và TS Greg Mills, Giám đốc Quỹ Brenthurst, các vị đại biểu quốc tế và Việt Nam đã tập trung thảo luận, phân tích, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trên các lĩnh vực chủ yếu sau:

1. Nông nghiệp: nền tảng thiết yếu cho sự phát triển

- Việt Nam và châu Phi đều có đặc điểm chung là dân số chủ yếu sống ở nông thôn và làm nông nghiệp. Vì thế, phát triển nông nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống của người dân, giữ vững ổn định xã hội.

- Đối với châu Phi, nông nghiệp kém phát triển là một trong những nguyên nhân làm cho lục địa này không thể phát huy hết những tiềm năng sẵn có trong nền kinh tế thế giới. Theo Tổ chức NEPAD, châu Phi không những phải nhập khẩu thực phẩm mà có 30 triệu người luôn trong tình trạng cần hỗ trợ khẩn cấp, 200 triệu người thường xuyên bị đói. Tính theo đầu người, các sản phẩm nông nghiệp của châu Phi đã giảm 5% trong vòng 20 năm so với sự phát triển 40% của nhiều nước.

Theo kết quả điều tra ở 3 nước phía nam châu Phi là Malawi, Zambia và Tanzania, một số nguyên nhân làm cho nông nghiệp châu Phi chậm phát triển là:

+ Thiếu các chính sách đúng đắn;

+ Các chính sách nông nghiệp không được thực hiện nghiêm chỉnh;

+ Trông cậy quá nhiều vào các khoản viện trợ và các nhà tài trợ

+ Thiếu kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng nông nghiệp để phát triển thị trường;

+ Thiếu vốn và tín dụng dài hạn;

+ Khó khăn trong tiếp cận thị trườngthế giới. Các nhà xuất khẩu châu Phi phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại.

+ Chỉ xuất khẩu thô và phụ thuộc nhiều vào giá cả thế giới;

...

Ở Malawi, 65% dân số sống dưới mức ngèo khổ, khoảng 30% bị đói ít nhất 3 tháng mỗi năm(1). Liberia là một nước có tài nguyên thiên nhiên giàu có, nhưng các vấn đề nghèo khổ, xung đột vũ trang đã kìm chế tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của nguồn nhân lực. Dân số của Liberia rất trẻ: 54% dân số ở độ tuổi dưới 19, tỷ lệ mù chữ là 67%, thất nghiệp: 80%, người nghèo: 76,2%. Chỉ số HDI của Liberia tuy đã được cải thiện (tăng từ 0,276 năm 1999 lên 0,319 năm 2005) nhưng quốc gia này vẫn nằm trong nhóm nước có chỉ số HDI thấp nhất trong khu vực Tây Phi(2).

Để phát triển nông nghiệp, đưa châu Phi thoát khỏi tình trạng nghèo đói, những giải pháp mà các diễn giả trong Hội thảo đề xuất là:

- Chính phủ cần ưu tiên cho phát triển nông nghiệp; khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp; đề ra các mục tiêu mới, hệ thống quản lý và thời hạn thực hiện cụ thể cho mỗi dự án.

- Nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình khuyến nông.

- Phát triển công nghiệp chế biến.

Ở Việt Nam, cho đến năm 1987, tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm vẫn rình rập, đe dọa đời sống của người dân, nhưng đến năm 1989, do một loạt những đổi mới trong cơ chế quản lý nông nghiệp đi vào thực tiễn, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo. Sản lượng xuất khẩu gạo liên tục tăng từ 8% lên 11% trong giai đoạn 1989-2004 và duy trì ở mức 4,5 triệu tấn, đứng thứ 2 trên thế giới.

Mặc dù đạt được những thành tựu đáng kể trong nông nghiệp nói chung và sản xuất gạo nói riêng, nhưng để tiếp tục phát triển sản xuất lúa gạo trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam cần:

- Xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam.

- Phát triển công nghệ di truyền học.

- Tăng cường quan hệ song phương và việc ký kết hợ đồng thương mại với các nước khác.

- Xây dựng hệ thống thông tin thương mại và kênh thông tin hỗ trợ cho việc tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm.

2. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với giảm nghèo: chia sẻ kinh nghiệm

Theo Báo cáo của các nhà tài trợ “Phát triển Việt Nam năm 2004: Nghèo khổ”, Việt Nam đã đạt được “những thành tựu đáng kể” về xóa đói, giảm nghèo, và, “những thành tựu này được đánh giá là một trong những câu chuyện thành công nhất trong phát triển kinh tế”. Tại Hội nghị Liên hiệp quốc ngày 11-11-2006, Việt Nam tuyên bố hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa nghèo trước 10 năm so với thời hạn năm 2015.

Từ cuối thập niên 1980, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong giảm nhanh tỷ lệ nghèo khổ ở cả thành thị và nông thôn. Tỷ lệ người nghèo đã giảm từ trên 70% vào cuối thập niên 1980 xuống dưới 10% vào năm 2005. Điều đó có nghĩa là hàng triệu người dân Việt Nam đã thoát khỏi cảnh nghèo khổ trong gần 2 thập kỷ qua.

Giảm nghèo ở Việt Nam phản ánh cả trên bình diện gia tăng chi tiêu đầu người trong hộ gia đình và tăng thu nhập đầu người nhờ có thành tựu của 20 năm đổi mới (1986-2006). Những số liệu điều tra trong giai đoạn 1993-1998 cho thấy, chi tiêu bình quân đầu người trong hộ gia đình tăng 41%, chứng tỏ có một sự cải thiện đáng kể mức sống của người dân nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 7,2%, một tốc độ tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng dân số 1,6%/năm, dẫn đến tăng thu nhập bình quân đầu người khoảng 5,6%/năm. GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng nhanh từ 98 USD năm 1990 lên 729 USD năm 2006 tính theo giá hiện hành và tăng cao gấp hơn 7 lần trong khoảng thời gian trên.

Có bốn lý do để lý giải vì sao Việt Nam đã giải quyết tốt vấn đề nghèo đói trong một giai đoạn ngắn như vậy. Thứ nhất, Việt Nam đã xác định xóa đói, giảm nghèo là một trong những ưu tiên hàng đầu trong mọi chiến lược, chính sách và kế hoạch phát triển của quốc gia. Thứ hai, xóa đói, giảm nghèo được thực hiện thông qua phương pháp lồng ghép. Thứ ba, mở rộng thương mại thông qua tăng tính thị trường hóa, thương mại hóa và đa dạng hóa trong suốt quá trình đổi mới và xây dựng nền kinh tế thị trường. Thứ tư, thực hiện xóa nghèo thông qua sự tham gia của đông đảo các chủ thể khác nhau. Bốn yếu tố trên được đánh giá là những kinh nghiệm giảm nghèo chủ yếu ở Việt Nam.

3. Biến viện trợ thành lợi thế phát triển: chiến lược để thành công

Là một nước có thu nhập thấp, Việt Nam cũng như các nước châu Phi đều muốn thu hút viện trợ cho phát triển. Tuy nhiên, cách thu hút và sử dụng viện trợ của Việt Nam và châu Phi không giống nhau. Từ thành công và thất bại trong việc sử dụng viện trợ, một số kinh nghiệm và bài học đã được nêu lên:

- Nhận thức đúng đắn vai trò của viện trợ quốc tế. Không nên coi viện trợ là nguồn lực quan trọng mà chỉ nên coi là chất xúc tác cho quá trình phát triển. Đối với Việt Nam, hơn 80% viện trợ quốc tế là vốn vay ưu đãi, do vậy, vấn đề trả nợ các nước và các tổ chức quốc tế cho vay là uy tín và trách nhiệm quốc gia trong các mối quan hệ quốc tế. Nhận thức đúng đắn như vậy sẽ giúp cho việc thu hút và sử dụng viện trợ quốc tế đúng mục đích, có hiệu quả.

- Về sử dụng viện trợ. Các đại biểu đến từ châu Phi trong các tham luận của mình cho rằng: châu Phi là nơi đón nhận nhiều nhất các cam kết của cộng đồng quốc tế về vấn đề viện trợ và nợ, tuy nhiên châu Phi vẫn nghèo và vẫn bị phụ thuộc vào viện trợ. Viện trợ cho châu Phi chưa được sử dụng để kích thích tăng trưởng và giảm nghèo. Nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng viện trợ kém hiệu quả được phân tích khá sâu sắc trong Hội thảo xuất phát từ thực tiễn của châu Phi, nhưng cũng là kinh nghiệm để các nước tiếp nhận viện trợ tham khảo. Đó là:

+ Yếu kém trong việc lựa chọn mục tiêu viện trợ.

+ Quyền làm chủ của bên nhận viện trợ yếu, nhất là khi viện trợ có điều kiện ràng buộc kèm theo.

+ Việc giải trình và quản lý chi tiêu nguồn viện trợ chưa đầy đủ...

+ Kết cấu hạ tầng kém phát triển làm hạn chế khả năng tiếp cận nguồn viện trợ, trong khi các nguồn viện trợ nhằm mục tiêu giảm nghèo cho châu Phi không được chi cho xây dựng kế cấu hạ tầng.

+ Nợ quá lớn làm giảm hiệu quả viện trợ.

+ Nảy sinh tính ỷ lại vào viện trợ, gây mầm phụ thuộc.

...

Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 50 nhà tài trợ song phương và đa phương, hoạt động trong hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, xã hội, ở tất cả 64 tỉnh, thành phố trong cả nước. Báo cáo của các nhà khoa học trong và ngoài nước tại Hội thảo đều cho rằng nguồn viện trợ được Việt Nam sử dụng có hiệu quả. “Mặc dù mức viện trợ nhận được khá cao, Việt Nam lại ít chịu sự phụ thuộc vào viện trợ - nếu xét theo khía cạnh ảnh hưởng của viện trợ tới nền kinh tế vĩ mô... Trong những năm 80 của thế kỷ XX, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào viện trợ, và các khoản viện trợ được dành quá nửa cho nhập khẩu... Chính công cuộc Đổi Mới đã đem lại sự thay đổi hoàn toàn cho tăng trưởng và ổn định, xét về mặt tài chính, nó đã đem lại những thay đổi đáng kể và giảm sự phụ thuộc vào viện trợ cho Việt Nam”(3).

- Trách nhiệm của chính phủ nước nhận viện trợ. Có sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền các cấp trong thực hiện các chương trình, dự án viện trợ với sự tham gia rộng rãi của các đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh đó, Chính phủ cần thu hút các nguồn nội lực, khuyến khích đầu tư trong nước; sửa đổi những quy định gây trở ngại cho đầu tư nước ngoài và trong nước.

- Xây dựng quan hệ đối tác tin cậy với các nhà tài trợ trên cơ sở hợp tác xây dựng và cùng chia sẻ kinh nghiệm trong cung cấp và sử dụng viện trợ.

- Xác định đúng lĩnh vực cần tiếp nhận viện trợ - những lĩnh vực có hiệu ứng lan tỏa lớn nhất cho quá trình giảm nghèo. Nguồn viện trợ cần được hướng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nước nhận viện trợ, gắn viện trợ với phát triển thương mại và đầu tư.

Một trong những gợi ý để tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và châu Phi, dựa vào thế mạnh của mỗi bên là nhân rộng mô hình hợp tác ba bên: Việt Nam cung cấp chuyên gia; nhà tài trợ cung cấp tài chính để cùng thực hiện các chương trình, dự án hợp tác tại một số nước châu Phi.

Những thông tin thu nhận được từ Hội thảo là những bài học, gợi ý bổ ích đối với Việt Nam và châu Phi trên con đường phát triển, hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới.



(1) Xem Diana Games, Giám đốc Africa@Work “Chính sách nông nghiệp châu Phi. Tại sao châu Phi không thể tự nuôi được mình”. Tham luận tại Hội thảo “Việt Nam - châu Phi: nghiên cứu so sánh và cơ hội phát triển”
(2) Xem: James B.Logan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Liberia “Các yếu tố cơ bản của quá trinh chuyển đổi nông nghiệp của Liberia Tham luận tại Hội thảo “Việt Nam - châu Phi: nghiên cứu so sánh và cơ hội phát triển”
(3) Izumi Ohno “Hỗ trợ tăng trưởng quy mô quốc gia ở Đông Á và châu Phi - ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam và Ghana”. Tham luận tại Hội thảo “Việt Nam - châu Phi: nghiên cứu so sánh và cơ hội phát triển”