TCCSĐT - Ngày 24-8-2017, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2009 - 2016.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương, đại diện lãnh đạo 63 ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, một số nhà xuất bản và công ty phát hành báo chí trên cả nước cùng các phóng viên các cơ quan báo chí của Trung ương và Hà Nội.

Từ năm 2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có chủ trương giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, thể hiện nhận thức và quyết tâm của Đảng đối với yêu cầu nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số có điều kiện tự trang bị, bổ sung kiến thức năng lực về nhiều mặt và trau dồi kỹ năng hoạt động, lao động sản xuất..., góp phần quan trọng đưa nghị quyết của Đảng vào cơ sở nhằm thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng từ cơ sở, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Với quyết tâm cao và được sự nhiệt tình đón nhận của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, thực tiễn triển khai thực hiện đề án những năm qua đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Thời gian qua, Đề án đã xuất bản gần 400 đầu sách (bao gồm cả đĩa CD-ROM và CA Audio) với trên 9,4 triệu bản sách về nhiều lĩnh vực. Đề án cung cấp cho các xã, phường, thị trấn những cuốn sách thiết yếu về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhằm phổ biến kiến thức chính trị, kinh tế, pháp luật, văn hóa - xã hội, kiến thức khoa học - kỹ thuật…, áp dụng vào sản xuất, đời sống, nhằm góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp xã, kịp thời hướng dẫn và tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho cơ sở, khắc phục tình trạng thiếu hụt kiến thức, kỹ năng trong công tác chuyên môn, kiến thức lý luận chính trị, pháp luật, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới và nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân ở cơ sở.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, Hội nghị cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc triển khai, thực hiện Đề án, đó là: Nội dung và hình thức sách chưa đa dạng, phong phú, có đầu sách chưa phù hợp với đối tượng cán bộ và nhân dân ở cơ sở, còn thiếu các đề tài về ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, kiến thức về văn hóa, phong tục, tập quán các vùng miền và các đề tài sách cho đồng bào dân tộc thiểu số; Ở một số nơi, một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng sách của Đề án, chưa có phòng đọc riêng, thiếu trang thiết bị phục vụ người đọc, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện Đề án…

Trên cơ sở phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm chỉ rõ những nhược điểm, hạn chế cần khắc phục, Hội nghị khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án và sự cần thiết của việc tiếp tục triển khai thực hiện đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trong cả nước. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng về mục đích của Đề án; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong tổ chức thực hiện đề án. Việc nghiên cứu, bổ sung đầu sách, xuất bản sách cần có nội dung, hình thức phù hợp với đặc thù của các địa phương. Sách biên soạn phải bảo đảm chất lượng, là nguồn thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước, sử dụng ngôn ngữ phổ thông, ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu./.