Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 26-6 đến 02-7-2017)
TCCSĐT - Trong suốt 72 năm qua, Liên hợp quốc luôn giữ vai trò hàng đầu trong các nỗ lực ngăn ngừa và giải quyết các cuộc xung đột, góp phần to lớn vào việc đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, duy trì hòa bình và xây dựng một thế giới phát triển, ấm no và hạnh phúc.
Nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn
Liên hợp quốc khẳng định vai trò duy trì hòa bình thế giới. Ảnh: cnn.com
Sau 4 tháng kể từ khi bản Hiến chương Liên hợp quốc được ký kết (ngày 26-6-1945), đến ngày 24-10-1945, Liên hợp quốc chính thức được thành lập. Từ đó, Liên hợp quốc đã thay thế Hội Quốc Liên, trở thành một tổ chức quốc tế toàn cầu với mục tiêu hàng đầu là bảo đảm một nền hoà bình và trật tự thế giới bền vững.
Ra đời ngay sau sự tàn phá khốc liệt của Chiến tranh Thế giới thứ hai, sứ mệnh cao cả của Liên hợp quốc được ghi rõ trong Hiến chương Liên hợp quốc là ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới mới. Để thực hiện sứ mệnh đó, Điều 1 của Hiến chương Liên hợp quốc đã chỉ rõ, 4 mục tiêu chính của Liên hợp quốc gồm: Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về quyền lợi giữa các dân tộc và nguyên tắc dân tộc tự quyết; Thực hiện hợp tác quốc tế thông qua giải quyết các vấn đề quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và tôn giáo; Xây dựng Liên hợp quốc làm trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế vì mục tiêu chung.
Từ 51 quốc gia thành viên khi được thành lập, Liên hợp quốc hiện có 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện gồm 5 cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và 5 Ủy ban kinh tế - xã hội đặt ở các khu vực, hàng chục quỹ và chương trình, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực từ giải quyết và ngăn ngừa xung đột, giải trừ quân bị và không phổ biến, chống khủng bố, bảo vệ người tị nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Trong 72 năm qua, hơn 500 điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong nhiều lĩnh vực đã được ký kết, tạo khuôn khổ chung cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm gần đây, Liên hợp quốc được ghi nhận khi thông qua được một loạt chương trình có tính bước ngoặt trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, như thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, giữ gìn hòa bình an ninh quốc tế, và đạt được Thỏa thuận Paris lịch sử về biến đổi khí hậu tại COP-21 vào tháng 12-2015…
Tuy nhiên, trước những biến động trên thế giới, Liên hợp quốc cũng đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn. Đó là sự bất lực trước nhiều vấn đề nóng của thế giới, như cuộc nội chiến Syria, hay những tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải… Bên cạnh đó là những khó khăn về tài chính và huy động nguồn lực. Trước những thách thức đặt ra cho Liên hợp quốc, việc cải tổ Liên hợp quốc một cách toàn diện và có hệ thống, phù hợp với tình hình quốc tế mới đang được xem là một yêu cầu cấp thiết khách quan. Cho đến nay, các thành viên đều nhất trí Liên hợp quốc cần cải tổ nhằm tăng cường vai trò hiệu quả và dân chủ hóa. Cải tổ Liên hợp quốc gồm 3 nội dung chính: Cải tổ bộ máy Liên hợp quốc (gồm Đại hội đồng, Hội đồng bảo an, Hội đồng Kinh tế - Xã hội…); Cải tổ Ban thư ký và phương thức làm việc của Liên hợp quốc; Vấn đề phát triển và thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.
Dù còn gặp nhiều thách thức, song không thể phủ nhận thực tế rằng, Liên hợp quốc đã và đang đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh các quốc gia ngày càng có xu hướng muốn thông qua Liên hợp quốc để giải quyết các vấn đề quốc tế. Liên hợp quốc vẫn được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tổ chức toàn cầu có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn.
Tấn công mạng - nỗi lo của toàn thế giới
Tấn công mạng - mối lo của thế giới. Ảnh: malwareless.com
Liên tục trong những ngày qua, các vụ tấn công mạng diện rộng trên phạm vi toàn cầu đã diễn ra gây thiệt hại hàng trăm triệu USD cho các nước, đồng thời cũng đặt nhiều nước trong tình trạng báo động cao.
Đêm 27-6, một vụ tấn công mạng đòi tiền chuộc với quy mô lớn đã xảy ra trên phạm vi toàn cầu. Mã độc “tống tiền” mang tên Petya, có tác hại tương tự mã độc WannaCry xuất hiện cách đây hơn 1 tháng khiến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới bị ảnh hưởng, đã tái xuất dưới phiên bản mới là “Petrwrap” và tấn công nhiều hệ thống máy tính trên toàn cầu, với những thiệt hại ban đầu được ghi nhận tại các nước Ukraine, Nga, Anh... Theo công ty an ninh mạng Group IB, các cuộc tấn công này ngay từ lúc bắt đầu đã nhanh chóng lan tới 80 công ty tại Ukraine và Nga. Các nạn nhân đã không thể truy cập vào máy tính của họ và bị yêu cầu mua mã khóa để lấy lại quyền truy cập.
Đánh giá về mã độc mới “Petrwrap” trong cuộc tấn công lần này, cơ quan công nghệ thông tin của chính phủ Thụy Sĩ cho biết, đây chính là bản cải tiến của mã độc Petya, tấn công vào lỗ hổng dịch vụ SMB trên các máy tính sử dụng hệ điều hành Windows. Cũng như mã độc WannaCry “làm mưa, làm gió” trên phạm vi toàn cầu hồi tháng 5-2017, mã độc Petya là loại mã độc thuộc dòng “tống tiền”, lây lan qua các liên kết độc hại và ghi đè có chủ đích lên tập tin quản lý khởi động hệ thống của thiết bị (MBR) để khóa người dùng khởi động. Nếu bị dính mã độc, người dùng sẽ được hướng dẫn để thực hiện việc trả tiền chuộc cho tin tặc bằng tiền ảo bitcoin.
Trước đó, hồi tháng 5-2017, một vụ tấn công mạng trên phạm vi toàn cầu cũng đã xảy ra khi mã độc tống tiền WannaCry gây ảnh hưởng đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mã độc WannaCry đã làm tê tiệt hệ thống máy tính của rất nhiều ngân hàng, bệnh viện, trường học... theo đó, người sử dụng mạng sẽ không thể truy cập dữ liệu trừ phi đồng ý trả cho tin tặc một khoản tiền ảo Bitcoin, trị giá từ 300 - 600 USD. Theo hãng bảo mật Avast, đây là một trong những cuộc tấn công lớn nhất thế giới từng được thực hiện với mã độc tấn công gây ảnh hưởng tới nhiều tổ chức, cá nhân trên phạm vi toàn cầu. Ước tính, có khoảng 200.000 hệ thống mạng tại ít nhất 150 nước đã trở thành nạn nhân của vụ tấn công này.
Trong bối cảnh các chuyên gia đang tìm cách khắc phục sự cố trên, thì nhiều quốc gia trên toàn châu Âu đã được đặt trong tình trạng báo động cao về vụ hack lớn gây thiệt hại hàng trăm triệu USD này. Chính quyền Mỹ của Tổng thống D. Trump ngày 28-6 cũng xác nhận Mỹ đang theo dõi các báo cáo từ khắp toàn cầu về vụ tấn công mạng nghiêm trọng và phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế để điều tra vụ việc. Nhiều nước khác cũng lên kế hoạch để bảo vệ hệ thống mạng sau các vụ tấn công của tin tặc. Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã công bố một kế hoạch quy mô nhằm ứng phó với các vụ tấn công mạng, trong bối cảnh nước này bắt đầu tăng cường phòng vệ trước những mối đe dọa ngày càng tinh vi hơn trên thế giới.
Chuyến thăm định hình quan hệ Mỹ - Ấn Độ
Thủ tướng Ấn Độ N. Modi gặp gỡ Tổng thống Mỹ D. Trump. Ảnh: foxnews.com
Ngày 26-6, Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đã tới Mỹ và hội đàm chính thức với Tổng thống D. Trump. Đây là chuyến thăm Mỹ thứ 5 của ông N. Modi trên cương vị Thủ tướng Ấn Độ và là lần đầu tiên ông trực tiếp gặp gỡ người đứng đầu Nhà Trắng.
Trong cuộc gặp tại phòng Bầu Dục, Tổng thống D. Trump và Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đã thảo luận về quan hệ song phương như thương mại, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực an ninh… cũng như vấn đề các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, như vấn đề biên giới Ấn Độ - Pakistan, cuộc xung đột tại Afghanistan, vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên, biến đổi khí hậu…
Dù vẫn còn những bất đồng liên quan tới vấn đề thâm hụt thương mại hay nhập cư, song nhìn chung quan hệ Mỹ - Ấn Độ nồng ấm từ thời cựu Tổng thống B. Obama. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Ấn Độ, trong khi Ấn Độ là đối tác thứ 9 của nền kinh tế số một thế giới. Năm 2016, kim ngạch thương mại - dịch vụ hai chiều đạt xấp xỉ 114,8 tỷ USD. Hai bên phấn đấu nâng mức trao đổi kim ngạch thương mại song phương lên 500 tỷ USD trong 10 năm tới. Ngoài hợp tác kinh tế, hai nước cũng thúc đẩy hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, quốc phòng và an ninh hàng hải. Bên cạnh đó, người Mỹ gốc Ấn là một trong những cộng đồng lớn nhất tại Mỹ và hiện có khoảng 64.000 người nhập cư gốc Ấn Độ làm việc cho các công ty công nghệ thông tin tại Mỹ.
Giới phân tích nhận định, với chuyến thăm Mỹ lần này, Thủ tướng N. Modi, người vẫn luôn nỗ lực thúc đẩy quan hệ chiến lược gần gũi hơn với Washington, muốn tìm cách thắt chặt mối quan hệ song phương, cũng như củng cố thêm những bước tiến mà hai bên đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, quân sự và an ninh. Đối với Ấn Độ, việc tăng cường hợp tác với Mỹ sẽ giúp New Delhi thu hút các nguồn vốn đầu tư và đây được xem như là một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công nghệ để hiện đại hóa lĩnh vực quốc phòng vốn phụ thuộc vào nhập khẩu. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến Thủ tướng N. Modi chủ trương thúc đẩy quan hệ Mỹ - Ấn là để đối trọng với Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh đang gia tăng sự hiện diện tại những khu vực truyền thống của New Delhi, trong đó có Ấn Độ Dương.
Trong khi đó, đối với Mỹ, việc thúc đẩy quan hệ Mỹ - Ấn Độ sẽ là cách vừa hiệu quả, vừa an toàn, giúp tạo nền tảng trong dài hạn để chính quyền Washington gia tăng ảnh hưởng. Việc tăng cường quan hệ song phương với Ấn Độ cũng là điều được lưỡng viện Quốc hội Mỹ cũng như người dân hết sức đồng tình, bởi mối quan hệ đối tác gần gũi hơn với một Ấn Độ dân chủ và đang trên đà phát triển kinh tế, cùng chia sẻ nhiều lợi ích sẽ là một thành tựu lớn cho Washington. Đặc biệt, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện đang không ngừng biến động và đây là khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia cũng như tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong tương lai.
Hy vọng từ thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh ở Anh
Hy vọng từ thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh ở Anh. Ảnh: alliantcreditunion
Gần 3 tuần sau khi kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Hạ viện Anh được công bố, cuối cùng đảng Bảo thủ của Thủ tướng T. May đã đạt được thỏa thuận liên minh với đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) Bắc Ireland. Đây được xem là cơ hội lớn giúp tạo nên một chính phủ ổn định tại Anh.
Sau quá trình đàm phán kéo dài hơn 2 tuần, ngày 26-6, đại diện đảng Bảo thủ là quan chức cấp cao G. Williamson và thành viên cấp cao đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) Bắc Ireland J. Donaldson đã ký thỏa thuận liên minh giữa hai đảng dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Anh T. May và lãnh đạo đảng DUP A. Foster. Thỏa thuận liên minh giữa đảng Bảo thủ và DUP sẽ kéo dài tới hết năm 2022. Theo thỏa thuận, Đảng Liên minh Dân chủ (DUP) và 10 nghị sỹ của đảng này sẽ hỗ trợ thủ tướng Anh đạt đủ số phiếu cần thiết để duy trì quyền lực, ủng hộ chính phủ về đạo luật liên quan tới việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit, đạo luật liên quan tới an ninh quốc gia. Ngoài ra, DUP còn nhất trí ủng hộ chính phủ Anh trong cuộc bỏ phiếu tại quốc hội về vấn đề ngân sách. Tuy nhiên, để có được sự ủng hộ này, chính phủ Anh cũng đồng ý cung cấp cho Bắc Ireland khoảng 1 tỷ bảng Anh (tương đương 1,27 tỷ USD) trong vòng 2 năm tới cùng với những điều khoản “linh hoạt mới” cho việc giải ngân gói tài chính trị giá 500 triệu bảng đã được cam kết cho Bắc Ireland từ trước. Bên cạnh đó, chính phủ Anh cam kết làm việc với các đảng phái tại Bắc Ireland để khôi phục Hội đồng lập pháp tại vùng lãnh thổ này. Ngoài ra, hai bên cũng đã nhất trí về việc thanh toán nhiên liệu vào mùa Đông cho những người được hưởng lương hưu, tiếp tục thực hiện chương trình đảm bảo tăng lương hưu cơ bản hàng năm, chi tiêu quốc phòng ở mức 2% GDP…
Đánh giá về thỏa thuận vừa đạt được, các nhà phân tích cho rằng, thỏa thuận trên sẽ giúp Thủ tướng T. May dễ dàng thông qua các dự luật được trình lên Quốc hội với sự ủng hộ của DUP, cũng như tiếp tục nắm quyền chủ động trong nỗ lực đàm phán về Brexit. Do đó, ngay sau khi thỏa thuận được ký, Thủ tướng T. May lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận và nhấn mạnh, văn bản này cho phép hai bên hợp tác vì lợi ích của toàn bộ Vương quốc Anh, đồng thời xây dựng một xã hội mạnh mẽ và công bằng. Trong khi đó, lãnh đạo đảng DUP A. Foste khẳng định đây là một cơ hội lớn và DUP quyết tâm sử dụng cơ hội này để góp phần tạo nên một chính phủ ổn định tại Anh, cũng như giải quyết các vấn đề còn tồn tại của Bắc Ireland. Tuy nhiên, lại có một số ý kiến cho rằng, thỏa thuận trên vẫn chưa đủ sức để củng cố vị thế của Thủ tướng T. May, và có thể gây chia rẽ các khu vực khác của nước Anh.
Thắng lợi pháp lý đầu tiên của Tổng thống Mỹ D. Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty
Ngày 26-6, Tòa án Tối cao Mỹ đã cho phép thực thi một phần sắc lệnh tạm cấm nhập cảnh đối với công dân đến từ 6 nước có đa số dân là người Hồi giáo. Đây là thắng lợi pháp lý đầu tiên đối với Tổng thống Mỹ D. Trump từ khi nhậm chức.
Phán quyết trên của Tòa án tối cao đã bác bỏ phán quyết của một vài tòa phúc thẩm khu vực trước đây vốn ngăn chặn sắc lệnh cấm nhập cảnh của chính quyền cho phép triển khai một phần sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của Tổng thống Mỹ D. Trump. Lý giải cho quyết định này, Tòa án Tối cao cho biết, Chính phủ Mỹ có nhu cầu cấp bách phải bảo đảm an ninh cho nước Mỹ, bao gồm cả việc đóng cửa biên giới dựa trên sự đánh giá của các nguy cơ từ bên ngoài, ít nhất từ bây giờ. Do đó, tòa án sẽ cho phép triển khai một số nội dung của sắc lệnh hạn chế nhập cảnh. Cụ thể, những người được bảo lãnh bởi người thân trong gia đình, trường học hoặc nhà tuyển dụng vẫn có thể sang Mỹ. Bên cạnh đó, việc đình chỉ nhập cảnh 120 ngày vào Mỹ “đối với những cá nhân nước ngoài không chứng minh được quan hệ hợp pháp với một công dân hoặc một thực thể tại Mỹ” cũng được khôi phục.
Cùng với việc khôi phục một phần lệnh cấm nhập cảnh của chính quyền, Tòa án sẽ tiến hành phiên lắng nghe các lập luận từ phía chính quyền Mỹ trong nhiệm kỳ tới của tòa án, theo kế hoạch sẽ bắt đầu vào tháng 10, trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng liên quan tới sắc lệnh này.
Sau khi Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết, ngay lập tức đã vấp phải sự phản hồi trái ngược từ phía xã hội Mỹ. Chính quyền Tổng thống D. Trump đã lên tiếng hoan nghênh động thái trên của tòa án. Trong một tuyên bố được Nhà Trắng đăng tải, ông D. Trump nhấn mạnh quyết định nói trên của Tòa án Tối cao là một chiến thắng rõ rệt đối với an ninh quốc gia. Ông D. Trump gọi quyết định này như một công cụ giúp ông có thể bảo vệ nước Mỹ một cách hiệu quả. Bộ An ninh Nội địa Mỹ khẳng định sẽ áp dụng lệnh cấm nhập cảnh tạm thời của chính quyền D. Trump một cách hiệu quả và công khai. Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp J. Sessions cho rằng, nguy cơ an ninh quốc gia Mỹ là có thực và đang ngày càng nguy hiểm. Phe phản đối cũng kịch liệt lên án quyết định của tòa án. Chủ tịch Ủy ban Giải cứu quốc tế (IRC) D. Miliband đã kêu gọi Chính phủ Mỹ nhanh chóng đánh giá lại tiến trình hiệu chỉnh sắc lệnh trên. Theo ông D. Miliband, quyết định của tòa án đe dọa và làm tổn hại những người người dễ bị tổn thương khi đang chờ đợi để được vào Mỹ. Chia sẻ quan điểm với Chủ tịch Ủy ban Giải cứu quốc tế, Giám đốc Truyền thông Cơ quan hỗ trợ nhân đạo Mỹ K. Poazniak nhấn mạnh: “Nước Mỹ là một quốc gia kiểu mẫu, một quốc gia tiên phong mà các quốc gia khác phải nhìn vào xét trên phương diện tiếp nhận người nhập cư và sự hỗ trợ của Mỹ đối với những người cần được hỗ trợ. Vì vậy tôi cho rằng lệnh hạn chế nhập cư là một biểu tượng đối ngược. Nước Mỹ nên đi đầu trong nỗ lực tiếp nhận người tị nạn và nhập cư đúng như lịch sử của nước Mỹ”./.
Yêu cầu công bố chất lượng hải sản tầng đáy trong vòng nửa tháng  (04/07/2017)
Thủ tướng yêu cầu các bộ xử lý bức xúc về khoản thu xử phạt giao thông  (04/07/2017)
Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou bắt đầu chuyến thăm Việt Nam  (04/07/2017)
Phó Chủ tịch Quốc hội thăm và làm việc tại Nhật Bản  (04/07/2017)
Việt Nam và Ấn Độ sẵn sàng chia sẻ vấn đề song phương, đa phương  (04/07/2017)
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận về các tổ chức, cá nhân vi phạm  (04/07/2017)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên