TCCSĐT - Ngày 04-11-2016, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức cuộc Tọa đàm kỷ niệm với chủ đề: “35 năm thành lập Giáo hội phật giáo Việt Nam: Thành tựu và phát triển”.

Tham dự có đồng chí Trần Tấn Hùng, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban trị sự các tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đồng chí Trần Tấn Hùng, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ nhấn mạnh: Cách đây 35 năm (07-11-1981), Đại hội đại biểu Phật giáo được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội bởi đại diện của 9 tổ chức và hệ phái trên phạm vi cả nước chính thức thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sự kiện này đã đáp ứng nguyện vọng thiết tha của tăng ni, phật tử là Phật giáo được thống nhất và phát triển bền vững. Vượt qua khó khăn của những năm đầu đất nước mới được giải phóng, bước sang giai đoạn đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã kịp thời có những chính sách về tôn giáo nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng bào phật giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho các chức sắc tu sĩ hoạt động tôn giáo, hướng dẫn tín đồ phật tử sinh hoạt tôn giáo theo đúng chính pháp và pháp luật Nhà nước, đồng hành cùng dân tộc.

Đồng chí Trần Tấn Hùng khẳng định, những thành tựu đạt được của Giáo hội Phật giáo Việt Nam suốt 35 năm qua liên tục ổn định, phát triển chính là thể hiện tinh thần đoàn kết, hòa hợp của các hệ phái trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đáng chú ý, những hoạt động hợp tác thân hữu với các tổ chức quốc tế, tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2008, Diễn đàn thượng đỉnh Phật giáo ASEAN 2016 cũng như các hội nghị quốc tế trong và ngoài nước,… đó là những việc làm thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, những hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã giúp cho đời sống tâm linh của những người theo Phật và nhân dân ngày một phát triển và hoàn thiện; đồng thời còn làm tốt việc hướng dẫn tăng ni, phật tử hoạt động tôn giáo thuần túy, tu dưỡng đạo đức, xây dựng tinh thần hòa hợp trong cuộc sống, hòa bình cho nhân loại.

Thông tin tại cuộc Tọa đàm cho biết: Sau 35 năm xây dựng và trưởng thành (07-11-1981 - 07-11-2016), Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ngừng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Đáng chú ý là, hiện nay tại 63 tỉnh, thành trên cả nước đã thành lập được Ban trị sự; có 4 trường đại học, 34 trường trung cấp, 8 lớp cao đẳng phật học, đào tạo trên 100 tiến sĩ, 100 thực sĩ, 2.500 cử nhân, 4.500 tăng ni tốt nghiệp trung cấp Phật học Phật giáo trong cả nước. Bên cạnh đó, các cơ sở chùa chiền và công trình phục vụ cho sinh hoạt tôn giáo được sửa chữa, trùng tu, xây dựng mới khang trang.

Tại cuộc Tọa đàm, nhiều tham luận đã cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích, những giải pháp để phát huy vai trò, vị trí văn hóa các giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của Phật giáo trong đời sống xã hội nhằm thực hiện phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Để bảo tồn, phát huy nghi lễ Phật giáo Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc trong thời hiện đại, Hòa Thượng Thích Huệ Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng: Cần tổ chức biên soạn giáo án, giáo trình về nghi lễ để giảng dạy tại các trường Phật học, các khó An cư kiết hạ, bồi dưỡng trụ trì tại các tỉnh, thành hội Phật giáo; đối với những nghi thức về nghi lễ vùng miền, Ban nghi lễ các tỉnh, thành cần thành lập Phân ban nghi lễ chuyên trách để thực hiện công tác nghiên cứu, sưu tầm tài liệu về pháp khí, các bài tán, vịnh, các nghi thức.

Với việc gợi ý những giải pháp góp phần cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh kết nối toàn cầu, Thượng tọa Thích Thiện Thống, Phó Tổng Thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề xuất: Cần tổ chức hội thảo khoa học về “Văn hóa - tinh thần dân tộc”, qua đó tìm kiếm giải pháp tổng thể và đồng bộ trong công tác tuyên truyền về văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo, đặc biệt là tinh thần dân tộc khi đất nước và Giáo hội đã, đang và sẽ tiếp tục hội nhập sâu rộng với thế giới. Bởi, nếu làm tốt công tác tuyên truyền và đào tạo thì Giáo hội sẽ có những tăng ni, tín đồ nhận thức đúng đắn trách nhiệm của mình, từ đó sẽ có nhiều đóng góp thiết thực cho Giáo hội và đất nước.

Nhiều ý kiến tại cuộc Tọa đàm khẳng định: Ngày nay, Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và Phật giáo Việt Nam cũng liên tục đạt được những thành tựu quan trọng. Đặc biệt, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, trong nhiều năm qua nhiều vị Giáo phẩm tăng ni đã tham gia việc nước, việc dân như ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Với chủ trương mỗi chùa chiền là một cơ sở giáo dục, là nơi hướng dẫn đời sống tâm linh cho mọi người, hằng năm Phật giáo Việt Nam còn làm tốt công tác từ thiện xã hội trên 2.000 tỷ đồng/năm.

Có được những kết quả đó, nhiều ý kiến nhận định do Phật giáo dễ thích nghi với mọi nền văn hóa, không gây ra các xung đột, không cổ vũ các hành động cực đoan, chia rẽ hoặc mang màu sắc sắc tộc, Phật giáo vừa đóng vai trò tôn giáo dân tộc làm kim chỉ nam trong đời sống tôn giáo và tín ngưỡng tâm linh nói chung, mang tính định hướng cho bà con các dân tộc; vừa đóng vai trò xây dựng thế giới quan gắn bó với lợi ích quốc gia, dân tộc phù hợp với các chủ trương chính sách của Nhà nước nên được bà con tin yêu, gắn bó. Sự đoàn kết, hòa hợp Phật giáo và phát huy truyền thống hòa quyện giữa Phật giáo với dân tộc trên con đường phát triển của mình, chắc chắn Phật giáo sẽ phát triển và sống mãi trong lòng dân tộc và giữa nền văn hóa dân gian của Việt Nam./.