Báo chí ASEAN: Những góc nhìn so sánh

Tin, ảnh: Hà Phương
23:11, ngày 19-10-2016

TCCSĐT - Trong sự nghiệp phát triển của mỗi quốc gia Cộng đồng ASEAN, vai trò của báo chí hết sức quan trọng. Việc tìm ra những nét tương đồng và sắc thái khác biệt giữa báo chí trong các nước ASEAN, đánh giá được vai trò của báo chí trong sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc và cả khu vực; khái quát hơn về những giai đoạn phát triển và tầm nhìn mới của báo chí ASEAN trong tương lai… là những vấn đề được trao đổi tại Hội thảo khoa học quốc tế “Báo chí ASEAN: Những góc nhìn so sánh”, do Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Konrad Adenauer Stiftung (Cộng hòa Liên bang Đức) phối hợp tổ chức ngày 19-10-2016, tại Hà Nội.

Theo PGS, TS. Đặng Thị Thu Hương (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội), báo chí ASEAN có nhiều nét tương đồng vì đều phát triển dựa trên một cơ tầng văn hóa Đông Nam Á có nhiều nét tương đồng giữa các quốc gia. Những tờ báo đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời đều do người ngoại quốc, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực như buôn bán, hay truyền giáo sáng lập, in bằng ngôn ngữ của nước thực dân tới xâm lược, có nội dung truyền bá tư tưởng, tôn giáo, củng cố địa vị thống trị của người phương Tây tại các quốc gia này. Có thể thấy, báo chí các nước Đông Nam Á ra đời muộn so với báo chí thế giới, là sản phẩm của cuộc tiếp xúc giữa Đông Nam Á và văn minh phương Tây, trong một thời gian dài là công cụ thống trị của thực dân phương Tây và bị kiểm duyệt chặt chẽ. Công chúng ban đầu là những sĩ quan, viên chức thực dân, các công chức, viên chức bản địa làm việc cho các cơ quan hành chính do thực dân phương Tây dựng lên.

Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, báo chí các nước Đông Nam Á góp vai trò không nhỏ trong việc thúc đẩy lòng tự tôn dân tộc, đấu tranh giải phóng đất nước thoát khỏi ách áp bức, thống trị của thực dân phương Tây. Ở Phi-líp-pin, cuộc kháng chiến chống thực dân Tây Ban Nha đã khơi dậy và tạo đà cho sự phát triển của nền báo chí Phi-líp-pin. Ở In-đô-nê-xi-a, những tờ báo bằng tiếng Malayu được xuất bản cuối thế kỷ XIX được công chúng nhiệt tình chào đón. Tờ “Medan Prijaji” được coi là tờ báo tiên phong cho nền báo chí quốc gia, do được những người bản xứ xuất bản và quản lý bằng chính nguồn vốn của họ. Thời kỳ Nhật chiếm đóng, nhiều tờ báo của In-đô-nê-xi-a đã đổi tên nhằm phản ánh phong trào đấu tranh như “Fikican Rakyat” (Khát vọng của nhân dân), “Soera Rakyat” (Tiếng nói nhân dân), “Adil” (Công lý)… Ở Việt Nam, trước năm 1945, bên cạnh dòng báo chí công khai, hợp pháp, xuất hiện dòng báo chí bí mật, dòng báo cách mạng, chủ yếu của Đảng Cộng sản Đông Dương - người khai sinh là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, hoạt động với nguyên tắc “báo chí không chỉ là người tuyên truyền tập thể, cổ vũ tập thể, mà còn là người tổ chức tập thể”. Với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, báo chí cách mạng có thêm một hệ thống “báo của Mặt trận Việt Minh”, với những tên tuổi như: Cứu quốc, Việt Nam độc lập, Kèn gọi lính…, bên cạnh đó là những tờ báo lớn của Đảng như: Cờ giải phóng, Tạp chí Cộng sản…

Sau khi giành được độc lập, yêu cầu của một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là phải xây dựng một quốc gia dân tộc thống nhất. Trước kia báo chí Đông Nam Á mới chỉ phục vụ cho mục đích, quyền lợi của mỗi cộng đồng dân tộc riêng lẻ, nay đặt trong điều kiện, hoàn cảnh mới, báo chí của các nước trong khu vực phải thể hiện rõ vai trò mới của mình. Sứ mệnh quan trọng là phải xây dựng đất nước và đoàn kết dân tộc. Theo đó, Xin-ga-po ban hành Luật Báo chí mới, sửa đổi Luật hai lần vào năm 1971 và 1977, trong đó quy định tất cả tổng biên tập các cơ quan xuất bản báo chí ở Xin-ga-po phải là công dân Xin-ga-po. Hầu hết phương tiện truyền thông đều chịu sự quản lý trực tiếp hoặc gián tiếp của Chính phủ thông qua các công ty đầu tư lớn của Nhà nước. Theo quan điểm của đất nước này, truyền thông đóng vai trò xây dựng đất nước trong việc khuyến khích người dân ủng hộ Chính phủ và các chính sách của Chính phủ. Vai trò đó thể hiện ở việc đưa tin chính xác, khách quan và có trách nhiệm. Báo chí cần củng cố sự hòa hợp và tiến bộ xã hội bằng cách xây dựng đồng thuận dân tộc, giải thích chính sách của Chính phủ với người dân, tránh cảm tính. Còn báo chí In-đô-nê-xi không đóng vai trò là người quan sát, phê phán, mà phải nhập cuộc, bảo vệ và thúc đẩy quốc gia phát triển dựa trên nền tảng Pancasila (là những nguyên tắc triết học quốc gia dựa trên tinh thần độc lập dân tộc và phát triển). Vì vậy, báo chí In-đô-nê-xi-a hết sức thận trọng với 4 vấn đề nhạy cảm, đó là vấn đề thuộc nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo, chủng tộc, và xung đột giữa các nhóm. Đối với báo chí Ma-lai-xi-a, Chính phủ yêu cầu tránh đề cập hay khơi gợi những vấn đề có thể gây kích động đến tình cảm dân tộc; thận trọng khi phản ánh các vấn đề liên quan đến tôn giáo; báo chí phải tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ về mặt địa lý của quốc gia.

Bàn về những xu hướng chính trị và mô hình báo chí mới của khu vực ASEAN, TS. Kalinga Seneviratne - Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) cho rằng, phương tiện truyền thông nên là công cụ giúp người dân “giám sát” việc lạm dụng quyền lực của Chính phủ. Để thực hiện vai trò này, phương tiện truyền thông nên thuộc sở hữu tư nhân, tuy nhiên quyền lực của phương tiện truyền thông tập trung ở các tổ chức phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ nguồn quảng cáo và phải chịu trách nhiệm trước hết với các cổ đông.

TS. Trần Việt Thái (Học viện Ngoại giao) nhận định, nhìn lại thời gian qua, sự phát triển của ASEAN đã chuyển sang một hình thức mới. Nếu Hiệp hội ASEAN là tập hợp của 10 chính phủ, không tạo ra tư cách pháp nhân, thì tổ chức ASEAN là một thể chế gồm các bộ phận được phân chia nhiệm vụ, chức năng và hoạt động vì các mục tiêu và theo các nguyên tắc nhất định, từ đó tạo ra pháp nhân mới độc lập với các thành viên tạo nên tổ chức đó. Còn Cộng đồng ASEAN là tập hợp của các quốc gia ASEAN: Chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân vì mục đích chung. Trong tổ chức bộ máy mới, báo chí đóng vai trò ở cả 3 phương diện: một là tham gia đồng hành cùng các tổ chức, phát hiện vấn đề, định hình chính sách; hai là, giám sát các vấn đề về quyền con người, về sự phát triển của xã hội, từ đó đóng góp cho những sự phát triển về nhân quyền cũng như những giá trị cơ bản của con người trong thiết chế ASEAN; ba là, cùng với các tổ chức, nhân dân nói tiếng nói đồng thuận, hình thành tiếng nói cộng đồng, từ đó đưa ra những khuyến nghị giúp bộ máy này phát triển.

“Chúng tôi nhìn nhận có rất nhiều không gian cho báo chí truyền thông và nhiều vai để báo chí truyền thông tham gia. Cụ thể là, với Cộng đồng Chính trị - An ninh: báo chí đồng hành với Chính phủ và các quốc gia duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Mục tiêu bao trùm là nâng mức độ hợp tác chính trị và an ninh trong khối ASEAN lên tầm cao mới, bảo đảm các nước trong khu vực chung sống hòa bình với nhau và với thế giới trong một môi trường công bằng, dân chủ và hòa thuận. Với Cộng đồng Văn hóa - Xã hội: báo chí góp phần vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm với xã hội, duy trì đoàn kết và thống nhất bền vững giữa các quốc gia và nhân dân ASEAN thông qua xây dựng một bản sắc chung khu vực và một xã hội đùm bọc, sẻ chia, cởi mở và thân thiện, ở đó mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao. Cộng đồng Kinh tế ASEAN là mô hình liên kết kinh tế khu vực dựa trên và nâng cao những cơ chế liên kết kinh tế hiện có của ASEAN. Tuy nhiên, vai trò phát hiện của báo chí truyền thông trong khu vực đối với lĩnh vực kinh tế để kiến nghị vấn đề lên chính phủ chưa có, báo chí mới chỉ mang tính chất tuyên truyền, mà cần đóng vai trò phát hiện, phản biện, kiến nghị chính sách nhiều hơn nữa” - TS. Trần Việt Thái cho biết.

Chiều cùng ngày, các đại biểu thảo luận sâu về tầm nhìn ASEAN và những thách thức, cơ hội mới cho nền báo chí quốc gia và khu vực; đồng thời phác thảo những ý tưởng, mục tiêu và phương thức hoạt động để báo chí khu vực ASEAN phát triển ở tầm cao hơn, hợp tác chặt chẽ hơn vì một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng, trong đó vai trò báo chí được đề cao, các nhà báo có đóng góp thực sự./.