Đồng chí Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng,
Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đọc diễn văn tại Lễ Kỷ niệm.
Ảnh Đào Trọng Nguyên.
 

Ngày 4-8-2007, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 77 năm ngày ra số đầu (5-8-1930 - 5-8-2007). Đến dự Lễ Kỷ niệm có các đồng chí lãnh đạo đại diện: Học viện Hành chính - chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói Việt Nam; Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Tuyên giáo Trung ương; Đảng ủy khối các cơ quan trung ương; Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp; Bộ Tư lệnh Biên phòng; Văn phòng Trung ương; Bộ Kế hoạch - Đầu tư; Tổng Công ty Phát hành báo chí Trung ương, Công ty Điện toán và Truyền số liệu Khu vực 1; Kho bạc nhà nước Thành phố Hà Nội; Ủy ban Nhân dân Quận Hai Bà Trưng; Ủy ban Nhân dân phường Nguyễn Du..., cùng toàn thể các đồng chí lãnh đạo, cán bộ nhân viên các thế hệ của Tạp chí Cộng sản.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã về thăm và chúc mừng Tạp chí.

Đồng chí Hà Đăng, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư thay mặt các thế hệ cán bộ, nhân viên của Tạp chí Cộng sản bày tỏ sự xúc động trước quá trình phát triển và lớn mạnh của Tạp chí, đồng thời mong muốn Tạp chí sẽ có những bước tiến vững chắc hơn nữa trong thời gian tới.

Đồng chí Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản thay mặt Bộ Biên tập báo cáo quá trình phát triển và trưởng thành của Tạp chí trong 77 năm qua.

Tạp chí Cộng sản khi mới ra đời có tên là Tạp chí Đỏ - Tạp chí lý luận, chính trị của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam - sáng lập và phụ trách.

Kể từ năm 1930 đến nay, qua các giai đoạn cách mạng, Tạp chí đã qua nhiều lần đổi tên: từ năm 1930 đến 1945, sau Tạp chí ĐỏTạp chí Cộng sản (1931), Tạp chí Bôn-sơ-víc, rồi đến Tạp chí Cộng sản (1941) và Tạp chí Cộng sản (1943). Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Tạp chí có tên Sinh hoạt nội bộTạp chí Cộng sản (1950). Sau hòa bình lập lại ở miền Bắc, Tạp chí Học tập ra đời tháng 12-1955 và được xuất bản đều kỳ hằng tháng. Trong kháng chiến chống Pháp, Trung ương cục miền Nam đã xuất bản Tạp chí Nghiên cứu và trong những năm chống Mỹ đã xuất bản Tạp chí Tiền phong. Từ ngày 5-1-1977, Tạp chí Học tập được đổi tên là Tạp chí Cộng sản.

Thực hiện Chỉ thị 60 của Bộ Chính trị, khóa VIII, ngày 2-9-2002, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản đã phát hành Tạp chí Cộng sản Điện tử trên mạng Internet và xác định: Tạp chí Cộng sản Điện tử là “cánh tay nối dài”, là một kênh thông tin của Tạp chí Cộng sản.

Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản xuất bản hai ấn phẩm mới là Hồ sơ sự kiệnTạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở.

Như vậy, từ tháng 1-2007 đến nay, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản có 4 ấn phẩm xuất bản hằng tháng. Đó là:

- Tạp chí Cộng sản, một kỳ/tháng

- Chuyên san Hồ sơ sự kiện, hai kỳ/tháng

- Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở, một kỳ/tháng

- Tạp chí Cộng sản Điện tử, cập nhật thường xuyên trên mạng Internet.

Trải qua những chặng đường cách mạng, Tạp chí Cộng sản - cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng - không ngừng trưởng thành, phát triển toàn diện, đóng góp tích cực vào việc vận dụng, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vào công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục lý luận, tổng kết thực tiễn, xây dựng những cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và hướng dẫn tổ chức thực hiện nhiệm vụ cách mạng trong giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Do những cống hiến to lớn đó, năm 1985, Tạp chí Cộng sản đã vinh dự được nhận Huân chương Hồ Chí Minh, và năm 2003, được trao tặng Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của nhiều thế hệ cán bộ, công nhân viên Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản trong sự nghiệp giúp đỡ Tạp chí Alunmay của Đảng nhân dân cách mạng Lào, góp phần quan trọng vào việc củng cố, phát huy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước, ngày 23-7-2007, Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã trao tặng Tạp chí Huân chương It-sa-la hạng II.

Để phát huy truyền thống vẻ vang, hoàn thành nhiệm vụ được giao trong tình tình mới, đáp ứng nhu cầu và xứng đáng với niềm tin của bạn đọc, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản sẽ chủ động hoạch định chương trình biên tập, bám sát vào chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, đột phá vào những vấn đề lý luận, tăng cường nghiên cứu khoa học, nhằm vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện thực tế của đất nước, mở rộng hợp tác quốc tế để cập nhật các vấn đề lý luận chính trị mới mẻ, chủ động phát hiện và tổng kết các mô hình, điểm hình, nghiên cứu những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, góp phần hình thành cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.

Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở, sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, cải tiến hình thức theo những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong quá trình phát triển, phát hiện các kinh nghiệm tốt, các mô hình hiệu quả, để Chuyên đề ngày càng gần gũi, đáp ứng nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên và bạn đọc ở các địa phương trong cả nước.

Duy trì, phát huy tốt nội dung, hình thức và tiếp tục nâng cao chất lượng kỹ thuật của chuyên san Hồ sơ sự kiện, đảm bảo cho Chuyên san phát triển ổn định và có hiệu quả.

Tạp chí Cộng sản Điện tử sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện để trở thành một sản phẩm báo chí điện tử đầy đủ, cập nhật thông tin về các vấn đề lý luận, chính trị, các sự kiện thời sự quan trọng của đất nước và thế giới, nâng cao ảnh hưởng xã hội, thu hút người đọc trong và ngoài nước.