Trên vùng núi đá Yên Minh

Trần Thị Nam
14:32, ngày 05-02-2007

Cày nương trên đá
 
Đứng trên Cổng trời, tầm mắt mở rộng. Trập trùng “rừng đá” xám hoa lau. Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi đặt chân lên vùng núi đá Hà Giang. Ước ao bao ngày “được cưỡi gió ngắm trần gian" của tôi nay đã thành hiện thực, bao nhiêu vất vả, nhọc nhằn trên chặng đường dài hơn 400 km vừa phải vượt qua bỗng chốc như tan biến.

Điểm dừng chân của chúng tôi là huyện Yên Minh, một huyện được coi là trung điểm của 4 huyện vùng cao nguyên núi đá Hà Giang, vùng có đông đồng bào Mông đã sinh cơ lập nghiệp từ bao đời - đó là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.

Mùa xuân ở Yên Minh năm nay như đến sớm hơn, trong niềm vui tưng bừng khắp các bản làng, bởi những sự kiện trọng đại và vận hội mới của đất nước: nước ta vừa tổ chức thành công Hội nghị APEC lần thứ 14 và chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Yên Minh còn có thêm một niềm vui lớn nữa là ngày 18-12-2006, huyện được công nhận đã đạt được chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đây là huyện đầu tiên trong vùng núi đá Hà Giang và là một trong số rất ít huyện nằm trong diện khó khăn của đất nước đạt được chuẩn đó.

Trao đổi với chúng tôi về sự kiện quan trọng này, đồng chí Hoàng Đức Tiến, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Yên Minh, cho biết: Kết quả đạt được trong công tác giáo dục của huyện những năm qua đã làm thay đổi căn bản cơ cấu mặt bằng dân trí và thực sự trở thành một trong những động lực quan trọng để tạo cú hích ban đầu cho Yên Minh bắt tay vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mạnh dạn đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm của đồng bào, đẩy mạnh tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo hướng bền vững. Đồng bào trong huyện, kể cả đồng bào là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng cao đã nhận thức rất rõ sự cần thiết phải biết chữ và phải cho con em cũng như bản thân mình học chữ đến nơi, đến chốn; nhiều gia đình đã xác định dù nghèo đói cũng không để con em mình thất học. Đây cũng chính là khẩu hiệu hành động thể hiện quyết tâm của toàn Đảng bộ, người dân Yên Minh đối với sự nghiệp “trồng người” của huyện; đồng thời cũng là mục tiêu là chiến lược phát triển lâu dài của Yên Minh.

Nghe như vậy, nhưng chỉ khi được “mục sở thị” những lớp học với nhiều trình độ học sinh ở nơi vùng cao heo hút, nhà tranh, vách nứa đơn sơ, chưa thoát khỏi cái “vòng kim cô” nghiệt ngã của đói nghèo (năm 2005 Yên Minh có 63,55% số hộ đói, nghèo; năm 2006 vẫn còn 54,22%, số hộ đói, nghèo), chúng tôi mới cảm nhận hết tình nghĩa thày trò ngày đêm bền bỉ trên từng con chữ, cũng như những khó khăn vất vả của bao thế hệ nhà giáo - những người “gieo chữ trên cao nguyên đá” và nỗi nhọc nhằn của học trò ở vùng cao. Qua đó, càng thấy được chân giá trị của những thành quả Yên Minh đã đạt được.

1. Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện

Là một huyện vùng cao, đã không ít người cho rằng, quyết tâm cao trong phát triển giáo dục của Yên Minh là một sự đốt cháy giai đoạn, là chạy theo thành tích một cách mạo hiểm ... Song, thực tế giáo dục của Yên Minh trong những năm qua và những đóng góp to lớn của nó trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã minh chứng tính đúng đắn và hiệu quả của nó. Mặt bằng dân trí được nâng lên, người dân có cơ hội để mở mang tầm mắt, có điều kiện tiếp cận với khoa học kỹ thuật, học hỏi và biết vận dụng cách làm ăn mới, được thụ hưởng nhiều thành tựu về văn hóa - xã hội, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của quê hương.

- Năm 2006 huyện Yên Minh đã đạt và vượt nhiều mục tiêu quan trọng: GDP đạt 12,55% (vượt chỉ tiêu kế hoạch 0,14%); thu nhập bình quân đầu người đạt 3.511.000đồng/người/năm, tăng 650.000 đồng so với năm 2005. Tổng sản lượng lương thực đạt 26.129 tấn ( tăng 1.126 tấn so với năm 2005)…; hệ thống đường giao thông bảo đảm thông suốt từ huyện đến cơ sở, hiện tại đã có 16/18 xã trong toàn huyện có đường giao thông đến trung tâm xã. Tốc độ xây dựng cơ bản ngày càng tăng; mạng điện thoại di động phủ sóng trên 70% số xã. Hoạt động thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển khá sôi động. Toàn huyện có 340 hộ kinh doanh thương mại, nhà nghỉ; 14/18 xã có chợ và đã hình thành các chợ phiên chuyên buôn bán gia súc, gia cầm hoạt động tại các xã và các khu vực (Mậu Duệ, Du Già, Lũng Hồ, Thắng Mố) tạo điều kiện cho nhân dân giao lưu, trao đổi hàng hóa và sản xuất kinh doanh, giới thiệu tiềm năng thương mại, dịch vụ của huyện trên thị trường. Nhiều mô hình kinh tế mới đã được xây dựng và cho hiệu quả bước đầu, đặc biệt, một số mô hình đánh dấu sự chuyển đổi trong tư duy và cách tiếp cận sản xuất mới của đồng bào các dân tộc Yên Minh trong quyết tâm vươn lên thoát đói nghèo, như các mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi theo quy mô nhỏ (hộ gia đình), mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với đất đai, khí hậu và các nguồn lực khác. Ngoài cây ngô, cây lúa là những cây lương thực chính, Yên Minh đã tăng diện tích và sản lượng các loại rau, đậu tương, lạc, lanh và cây ăn quả đặc sản của vùng như xoài, theo hướng phát triển sản phẩm hàng hóa, đồng thời chú trọng công tác khoanh nuôi và bảo vệ rừng. Năm 2006 huyện đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển chăn nuôi, đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính. Mỗi hộ chăn nuôi được Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng. Toàn huyện đã phát triển được 45 trang trại chăn nuôi quy mô hộ gia đình và cho 625 hộ chưa có trâu, bò mỗi hộ vay 5 triệu đồng để nuôi trâu, bò sinh sản. Phát triển trang trại chăn nuôi theo hộ gia đình là mô hình được đánh giá là rất hiệu quả hiện nay ở Yên Minh. Mô hình này, một phần, khai thác được thế mạnh từ kinh nghiệm chăn nuôi của đồng bào theo cách truyền thống, phần khác, mở ra các điều kiện giúp đồng bào biết ứng dụng và nhanh chóng ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Năm 2006, tổng đàn gia súc của Yên Minh có 78.810 con, tăng 6. 110 con so với năm 2005. Năm 2007, huyện phấn đấu đưa tổng đàn gia súc lên 84.000 con; phát triển 200 trang trại chăn nuôi quy mô hộ gia đình.

- Yên Minh có điều kiện tiếp cận với vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm trong nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu lao động. Nhờ vậy đã từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xóa thế độc canh, chuyển một bộ phận nông dân sang làm các ngành nghề dịch vụ, tiếp cận thị trường. Năm 2006, huyện đã phối hợp với sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh và một số Công ty ở Trung ương, tuyển chọn, đào tạo và bước đầu xuất khẩu được 69 lao động đi làm việc tại các nước ASEAN và tạo việc làm cho 1.439 lao động. Yên Minh còn làm tốt công tác dạy nghề phổ thông cho con em các dân tộc ở các huyện bạn trong vùng như: Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc. Năm 2007, huyện sẽ mở rộng Trung tâm đào tạo nghề của huyện, đào tạo thêm nhiều lao động phổ thông cho con em các dân tộc thiểu số và đào tạo để đưa 150 lao động đi làm việc tại các nước ASEAN.

- Đồng bào các dân tộc có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp thu những chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước. Những kiến thức khoa học đơn giản trong sản xuất, kiến thức về pháp luật về đời sống xã hội và tin tức thời sự trong, ngoài nước, trong tỉnh, huyện được phát trên đài, trên ti vi và báo chí đã trở thành chiếc cầu nối giữa Đảng với dân, tạo mối dây bền chặt liên kết các cộng đồng. Người lao động được tuyên truyền, tiếp cận với thực tiễn sôi động của đất nước, từng bước hình thành nếp nghĩ mới, thói quen lao động mới, có cách tư duy mới và nếp sống hiện đại hơn, có kiến thức khoa học, có ý chí vươn lên, thoát đói nghèo, lạc hậu.

- Các vấn đề xã hội; trình độ quản lý, điều hành của cán bộ lãnh đạo cũng dần dần được nâng lên. Năm 2006, huyện đã hỗ trợ nhà ở cho 500 hộ nghèo, làm bể nước sạch cho 600 hộ, thực hiện hạ sơn cho 40 hộ và di dân ra biên giới cho 20 hộ; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống còn 19%. Công tác xây dựng Đảng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mặt bằng dân trí được nâng cao, huyện có điều kiện tuyển chọn và đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở có đủ tiêu chuẩn về đức, về tài đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Khởi đầu cho việc đổi mới trong công tác quản lý là cuộc thi “Chủ tịch xã giỏi” được huyện tổ chức năm 2006. Với kết quả từ cuộc thi này huyện đã thấy được tường tận những mặt mạnh, yếu của đội ngũ cán bộ chủ chốt xã để có hướng đào tạo và phát triển.

Từ góc nhìn văn hóa có thể nhận thấy rõ những chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị - xã hội ở vùng cao Yên Minh, gương mặt xã hội sôi động từng ngày, đồng bào đã quan tâm đến những vấn đề lớn lao hơn như vận mệnh của đất nước, của nhân loại ngoài mối quan tâm thường nhật: cơm no, áo ấm hằng ngày. Một tầm cao mới trong tư duy và lẽ sống đang đến với đồng bào các dân tộc Yên Minh, trong tầm cao đó, giáo dục chính là điều kiện gốc.

2. Một vài kinh nghiệm từ phát triển giáo dục - đào tạo

Theo Yên Minh, vùng nghèo phát triển giáo dục khó gấp rất nhiều lần so với vùng có mức độ phát triển kinh tế khá, mà nguyên do, cội rễ của sự nghèo, về cơ bản, là do trình độ dân trí thấp. Vì vậy, muốn thoát nghèo, muốn phát triển xã hội, muốn kinh tế tăng trưởng, muốn xóa đói, giảm nghèo không thể không đầu tư cho giáo dục. Nhưng đầu tư cho giáo dục trong bối cảnh một huyện còn nghèo, còn khó khăn về nhiều mặt như Yên Minh lại là một thách thức, một khó khăn vô cùng to lớn. Với sự sáng tạo, tinh thần quyết tâm của mình, Yên Minh đã đưa ra mô hình phát triển giáo dục: tổ chức rất linh hoạt các loại hình trường lớp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, có hai mô hình đặc biệt hiệu quả là: mô hình trường nội trú dân nuôi (1) gắn với các xã và cụm xã giải quyết việc học cho trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 14 tuổi; mô hình các Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức dạy chữ, dạy nghề, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống, dạy kỹ năng sống cho người lớn trong độ tuổi lao động... Nhờ phát triển hai mô hình này, Yên Minh đã cùng một lúc thực hiện được 2 nhiệm cơ bản là nâng cao dân trí và đào tạo nguồn nhân lực cho cơ sở thôn bản, xã, thị trấn. Đến nay, 100% số xã trong huyện có mô hình trường nội trú dân nuôi; tỷ lệ trẻ trong độ tuổi từ 6-14 tuổi được huy động tới trường tới 96,7%; đây là môt tỷ lệ rất cao mà nhiều địa phương khác trong cả nước có cùng điều kiện kinh tế - xã hội như Yên Minh trước mắt còn chưa đạt được.

3. Con đường phía trước của Yên Minh

Những kết quả mà Yên Minh đạt được là sự phấn đấu kiên trì lâu dài và cũng đầy gian khổ. Tuy nhiên, giờ đây, về cơ bản nền sản xuất của Yên Minh vẫn còn nhỏ lẻ, phát triển chưa bền vững, tự túc, tự cấp là chính, tỷ lệ đói nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao; tư tưởng ỷ lại trông chờ vào đầu tư, hỗ trợ còn tồn tại trong lối nghĩ, nếp sống của một bộ phận không nhỏ nhân dân. Trình độ quản lý, điều hành của cán bộ các cấp, các ngành còn hạn chế, nguồn cán bộ là người địa phương có trình độ cao còn quá mỏng, thiên tai, dịch bệnh và rủi ro từ thiên nhiên, từ môi trường luôn rình rập, đó chính là những thách thức trong tiến trình phát triển của Yên Minh. Thêm vào đó, rất nhiều câu hỏi đang được đồng bào đặt ra và chính họ là cũng là những người đang trực tiếp nỗ lực trả lời. Làm thế nào để các dân tộc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống? Làm thế nào để nhanh chóng hạn chế mức sinh? Làm thế nào để môi trường sinh thái không bị hủy hoại, tài nguyên không bị khai thác đến kiệt quệ? Làm thế nào để không bị kẻ xấu lợi dụng chống Đảng, chống chính quyền? và làm thế nào để nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo? Đó là những câu hỏi lớn, đặt ra bức xúc của Đảng bộ, chính quyền Yên Minh trong những năm trước mắt và tương lai.

Lời giải cho những câu hỏi đó, trước hết phải là, đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, trao đổi hàng hóa, buôn bán thông qua các chợ nông thôn và chợ biên giới…Đi đôi với phát triển kinh tế phải đặc biệt coi trọng nguồn lực con người, nâng cao trình độ dân trí; đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh; phát huy dân chủ, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp; mở rộng quan hệ đối ngoại nhân dân; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ huyện đến cơ sở.

Năm 2007, Yên Minh sẽ tập trung thực hiện một số mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội: tổng sản phẩm xã hội (GDP) đạt 13, 52 %; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 50,1%; thu nhập bình quân đầu người đạt 4,5 triệu đồng/người/năm); bình quân lương thực đầu người/năm đạt 373 kg; huy động 97% trở lên trẻ em trong độ tuổi đến trường; hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,6%; phủ sóng phát thanh cho 100% số hộ, phủ sóng truyền hình cho 85% hộ, nâng độ che phủ của rừng lên 31%...

Nếu khai thác được lợi thế đất đai và tiềm năng của cây trồng, đồng thời phát triển chăn nuôi theo mô hình hộ gia đình, giải quyết được vấn đề giao thông nông thôn, tạo được thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, Yên Minh sẽ phá vỡ được thế độc canh và thói quen sản xuất theo hướng tự cung, tự cấp, từng bước tiếp cận được cơ chế thị trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Từng giọt mồ hôi thấm vào đá núi, hạt ngô, hạt thóc vùng cao dường như mặn mòi hơn, đó là ấn tượng không thể xóa mờ trong trái tim tôi. Vui với niềm vui của Yên Minh, nhưng vẫn canh cánh trong lòng nỗi băn khoăn, day dứt về vùng núi non hùng vĩ, thơ mộng, đầy tiềm năng nhưng cũng còn nhiều gian khổ này. Xin mượn câu ca của Nguyễn Hữu Ninh thay lời tạm biệt:

“ Yên Minh ơi bao điều trăn trở
Đọng lại trong tôi nỗi nhớ ngày về”.
 

(1) Trường Nội trú dân nuôi là mô hình trường nội trú ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa của cả nước. Các trường này do nhân dân đóng góp tiền của làm nhà ở và nuôi con em ăn học từ lớp 1đến lớp 5, học sinh học tập và ăn ngủ cả tuần tại trường, chỉ về nhà vào ngày nghỉ, lễ tết.