TCCSĐT - Ngày 15-01-2016, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiệm thu cấp nhà nước Đề tài khoa học “Sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, mã số KX.04.09/11-15.
Đây là đề tài thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015 “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011-2015”, mã số KX.04/11-15. Đề tài do PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản làm chủ nhiệm, Tạp chí Cộng sản là cơ quan chủ trì.

Sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đề tài có phạm vi rộng. Mục tiêu nghiên cứu của Đề tài bao gồm:

- Hệ thống hóa những vấn đề lý luận và kinh nghiệm quốc tế về sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường.

- Đánh giá, phân tích, nhận định về sở hữu đất đai; về thực trạng hệ thống chính sách, pháp luật đất đai trong gần 30 năm đổi mới vừa qua. Trong đó, làm rõ những thành tựu, hạn chế và các nguyên nhân tương ứng, đồng thời đánh giá được những tác động (cả tích cực và tiêu cực) đến phát triển kinh tế - xã hội trong gần 30 năm đổi mới.

- Xây dựng hệ thống luận cứ khoa học mới, có bước tiến rõ rệt về lý luận và thực tiễn liên quan đến vấn đề sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai trong gần 30 năm đổi mới chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

- Trên cơ sở dự báo tình hình trong nước và thế giới trong giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đề tài đề xuất các quan điểm, chế định và hệ thống giải pháp, chế tài mới về sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm để đất đai thật sự là nguồn lực phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam giai đoạn tới.

- Cung cấp các luận cứ khoa học cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003 và cho việc soạn thảo các văn kiện Đại hội XII.

Qua quá trình nghiên cứu, Đề tài đã đạt được những kết quả sau:

Một là, xây dựng khung lý thuyết về sở hữu, quản lý, sử dụng đất đai trong nền kinh tế thị trường.

Hai là, hệ thống hóa có phân tích, phê phán quan điểm của một số trường phái, học giả trên thế giới, trong nước về sở hữu, quản lý, sử dụng đất đai.

Ba là, tập hợp kinh nghiệm sở hữu, quản lý, sử dụng đất đai của một số quốc gia và rút ra bài học cho Việt Nam.

Bốn là, khảo sát thực tiễn thể chế hóa quan hệ sở hữu, quản lý, sử dụng đất ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay.

Năm là, phân tích thực trạng tác động và những vấn đề nổi cộm về sở hữu, quản lý, sử dụng đất ở Việt Nam hiện nay.

Sáu là, dự báo xu hướng phát triển kinh tế, chính trị trong nước và quốc tế, phân tích tác động của các xu hướng này đến sở hữu, quản lý, sử dụng đất ở Việt Nam.

Bảy là, đề xuất hệ quan điểm, mục tiêu hoàn thiện sở hữu, quản lý, sử dụng đất ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tám là, đề xuất hệ thống giải pháp hoàn thiện sở hữu, quản lý, sử dụng đất ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ban Chủ nhiệm Đề tài cũng đề xuất 7 nhóm kiến nghị, đó là:

1. Đảng cần xác định rõ các đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là vai trò của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để làm cơ sở lý luận cho xây dựng luật pháp, chính sách và quản lý nhà nước có tính nhất quán, dài hạn đối với đất đai.

2. Điều chỉnh luật pháp theo hướng mở rộng hơn nữa quyền của người sử dụng đất và xác định rõ quyền gắn với trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong thể chế hóa chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.

3. Nâng cao năng lực và bổ sung nguồn lực để cơ quan quản lý đất đai của Nhà nước đủ sức hoàn thành nhiệm vụ quản lý đất đai.

4. Đổi mới mô hình và phương pháp quản lý đất đai theo hướng quản trị từ dưới lên.

5. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền pháp luật, chính sách đất đai đến cán bộ quản lý đất đai và người dân.

6. Coi trọng và đầu tư thích đáng để có quy hoạch sử dụng đất có chất lượng cao, ổn định trong dài hạn.

7. Sử dụng các chính sách tài chính linh hoạt nhằm phân phối lợi từ sử dụng đất một cách công bằng.

Trong quá trình thực hiện, bên cạnh 5 báo cáo chắt lọc gửi Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.04/11-15, Ban Chủ nhiệm Đề tài còn tổ chức 3 cuộc hội thảo khoa học, xuất bản được 2 cuốn sách, 1 cuốn giáo trình và đăng tải 15 bài báo khoa học liên quan đến chủ đề nghiên cứu. Ngoài ra, Đề tài đã góp phần đào tạo 2 tiến sĩ và 3 thạc sĩ có chuyên ngành về quản lý đất đai.

Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và xếp loại “xuất sắc”./.