Những mảng xám trên bức tranh kinh tế Venezuela

BTV (tổng hợp từ TTXVN)
00:06, ngày 17-01-2016
TCCSĐT - Mới đây, ngày 15-01-2016, Chính phủ Venezuela đã ban bố tình trạng kinh tế khẩn cấp trong 60 ngày nhằm bảo vệ những quyền xã hội cơ bản của công dân như giáo dục, sức khỏe, nhà ở và thể thao trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng trầm trọng.
Trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Truyền thông và Thông tin Luis Marcano cho biết Phó Tổng thống phụ trách Kinh tế Sản xuất Luis Salas sẽ thông báo chi tiết những giải pháp được áp dụng trong bối cảnh hiện nay. Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Henry Ramos Allup thuộc phe cánh hữu đối lập, cho biết ngày 19-01 tới, Phó Tổng thống điều hành Aristóbulo Istúriz sẽ trình bày các giải pháp liên quan tới tuyên bố nói trên của chính phủ trước cơ quan lập pháp.

Điều 338 Hiến pháp Venezuela quy định Chính phủ được quyền tuyên bố tình trạng kinh tế khẩn cấp trong những tình huống đặc biệt của quốc gia trong 60 ngày và có thể kéo dài thêm 60 ngày nữa. Tổng thống Maduro đã nhiều lần tố cáo phe cánh hữu đối lập được sự hậu thuẫn của các thế lực bên ngoài đang tiến hành một cuộc chiến tranh kinh tế chống lại Chính phủ nhằm gây nên tình trạng bất ổn, cũng như những âm mưu của Mỹ trên thị trường dầu khí thế giới khiến giá dầu lao dốc gây thất thu cho Iran, Nga và Venezuela.

Dầu khí chiếm tới 96% kim ngạch xuất khẩu của Caracas. Và hiện giá dầu của Venezuela được giao dịch ở mức 24 USD/thùng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn thu của quốc gia này.

Tình hình chính trị tại Venezuela càng trở nên căng thẳng hơn khi tuần qua, Tòa án Tối cao (TSJ) nước này tuyên bố vô hiệu hóa các quyết định của Quốc hội sau khi cơ quan lập pháp do liên minh Bàn Đàm phán Dân chủ (MUD) nắm đa số này tuyên thệ nhậm chức cho 3 nghị sỹ bị tố cáo đã gian lận trong kết quả bầu cử.

TSJ cho rằng mọi quyết định Quốc hội đã và sẽ đưa ra sẽ không có giá trị nếu những nghị sĩ bị cấm này vẫn còn tại nhiệm. Tuyên bố của TSJ lên án hành động của 3 nghị sỹ MUD cũng như những người đứng đầu Quốc hội là không tôn trọng với luật pháp. Tuy nhiên, ngay sau quyết định của TSJ, 112 nghị sỹ MUD trong Quốc hội 167 ghế khẳng định sẽ tiếp tục làm việc, bấp chấp phán quyết của cơ quan tư pháp.

Hồi tháng 12-2015, TSJ đã cấm 4 nghị sỹ, gồm 3 người thuộc liên minh MUD và 1 người liên minh với chính phủ, tuyên thệ nhậm chức sau khi đảng Xã hội Chủ nghĩa thống nhất (PSUV) tố cáo đã xảy ra gian lận trong cuộc bầu cử tại bang Amazonas nơi các chính trị gia này tranh cử.

Tuy nhiên, bất chấp quyết định của TSJ, những người đứng đầu Quốc hội, đều thuộc liên minh MUD, đã làm lễ nhậm chức cho 3 nghị sỹ thuộc phe đối lập nói trên hôm 06-01 vừa qua. Với 3 nghị sỹ này, MUD tập hợp đủ 112 trên tổng số 167 ghế hay 2/3 số ghế tại Quốc hội, với mục đích triển khai các thủ tục pháp lý để phế truất Tổng thống Nicolas Maduro trong vòng 6 tháng tới.

Triển vọng kinh tế tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong năm 2016 được dự báo khá phức tạp trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chững lại. Nhiều chuyên gia kêu gọi các nước trong khu vực tích cực đa dạng hóa nền kinh tế và tăng giá trị ngành xuất khẩu.

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe thuộc Liên hợp quốc (ECLAC), sản lượng kinh tế trung bình của khu vực trong năm 2015 đã giảm 0,4% và có thể sẽ chỉ tăng 0,2% trong năm 2016.

Tổng Thư ký ECLAC Alicia Barcena nói: “Năm 2015 là một năm đầy khó khăn của Mỹ Latinh. Mặc dù năm 2016 được dự đoán là có triển vọng tích cực hơn, song điều đó không đồng nghĩa với một tiến trình phục hồi mạnh mẽ. Tình hình năm 2016 sẽ sáng sủa hơn năm 2015 và tạo tiền đề tốt đẹp cho năm 2017.”

Cũng theo báo cáo của ECLAC, tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới trong năm 2016 được dự đoán sẽ đạt mức trung bình 2,9%. Cụ thể, các nền kinh tế đang nổi tăng trưởng khoảng 4,3%, trong khi các nước phát triển sẽ tăng trưởng 2,2%. ECLAC cho rằng tỷ lệ tăng trưởng thấp tại các nước Mỹ Latinh phản ánh dấu chấm hết của “siêu chu kỳ hàng hóa” và giảm sản lượng xuất khẩu.

Trong khi đó, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo các nền kinh tế Mỹ Latinh và Caribe tăng trưởng khá chậm chạp trong năm 2016 sau khi đã giảm trung bình 0,9% trong năm 2015. Trong báo cáo được công bố hồi đầu tuần này, WB dự báo các nền kinh tế khu vực khó có thể khôi phục tốc độ tăng trưởng cho tới năm 2017 và hầu hết các nền kinh tế Mỹ Latinh có thể tăng trưởng với tốc độ âm trong năm 2016.

Giám đốc Ủy ban Quan hệ Kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Chile Andres Rebolledo cho rằng việc Trung Quốc áp dụng cơ chế “bình thường mới” thông qua các biện pháp tái cơ cấu, cùng thực tế đà tăng trưởng chững lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã tác động đáng kể tới các nước Mỹ Latinh.

Ngoài ra, Mỹ Latinh cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) hồi tháng 12-2015. Nhiều người dự đoán, FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2016. Quyết định của FED sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ các nước trên thế giới bởi nó đòi hỏi các chính phủ phải có biện pháp thúc đẩy dòng tiền tệ và củng cố nền kinh tế nội địa.

Các ngân hàng trung ương tại Mexico và Chile đều đã tăng lãi suất ngay sau quyết định của FED. Giới chuyên gia dự đoán một số nước khác cũng làm như vậy, hoặc đối mặt với nguy cơ thoái vốn. Trong bối cảnh có nhiều biến động như hiện nay và trong tương lai, các chính phủ có thể phải đối mặt với thách thức không nhỏ trong việc kiểm soát chi tiêu công, điều chỉnh tỷ giá hối đoái nhằm thúc đẩy nền kinh tế và kiềm chế lạm phát.

Trong thông điệp đầu năm trước Quốc hội, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đã kêu gọi toàn dân đoàn kết vì hòa bình và dân chủ bất chấp những bất đồng giữa Chính phủ và Quốc hội. Tổng thống Maduro bày tỏ lo ngại về việc giá dầu lao dốc trên thị trường thế giới ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế nước này, đồng thời thừa nhận Venezuela không có một bộ máy kinh tế và sản xuất vững chắc, có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Ngoài ra, ông Maduro cũng thừa nhận vẫn chưa có sự liên kết và thỏa thuận giữa các công ty vừa và nhỏ đa phần do các tư nhân nắm giữ, cũng như những bất cập trong chính sách tỷ giá hối đoái. Theo ông Maduro, những nhân tố trên ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế Venezuela và cũng tác động không nhỏ tới đời sống xã hội của đất nước. Ông bày tỏ mong muốn các nhà sản xuất nông nghiệp tập trung sản xuất và thiết lập cơ chế để tăng cường xuất khẩu, tạo thêm nguồn thu cho quốc gia.

Bên cạnh đó, Tổng thống Maduro cũng kêu gọi Quốc hội, do phe đối lập chiếm đa số, yêu cầu Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama hủy bỏ sắc lệnh coi Venezuela là “mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ” và hối thúc các thành viên Quốc hội nghiên cứu sắc lệnh về tình trạng kinh tế khẩn cấp mà ông đưa ra, đồng thời cho biết sẽ trình Quốc hội các giải pháp thúc đẩy nền kinh tế phát triển vào ngày 18-01 tới. Ông bày tỏ nhân dân đang chờ đợi những chính sách giải quyết tình trạng khó khăn hiện nay và điều này không chỉ phụ thuộc vào chính phủ, mà còn phụ thuộc vào đối thoại minh bạch và thẳng thắn giữa các đảng phái chính trị và các thành phần trong xã hội.

Tổng thống Maduro đã trao cho Chủ tịch Quốc hội Henry Ramos Allup, thuộc phe đối lập, sắc lệnh ban bố tình trạng kinh tế khẩn cấp và yêu cầu cơ quan lập pháp thông qua./.