Đồng chí Trần Quốc Hoàn: Người có nhiều tâm huyết với Thủ đô Hà Nội
TCCSĐT - Đồng chí Trần Quốc Hoàn không chỉ là người lãnh đạo đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân trong hơn 28 năm, mà còn là người lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội trong nhiều năm, luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, tâm huyết vì sự ổn định và phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Người chiến sĩ cộng sản tiên phong ưu tú, người anh cả của lực lượng công an nhân dân
Đồng chí Trần Quốc Hoàn (tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, thuộc xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Là một trong những đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng tham gia cách mạng từ rất sớm, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương từ tháng 3-1934, đồng chí đã giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng trong các tổ chức của Đảng và Nhà nước (tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp tham gia chỉ đạo chuẩn bị tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí được Đảng phân công nhiều trọng trách: Bí thư liên khu ủy Liên khu II, Ủy ban kháng chiến Liên khu II, Bí thư Khu ủy Khu X, Bí thư Khu ủy Đặc khu Hà Nội; Giám đốc Nha Công an, Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Công an (sau là Bộ Nội vụ), Trưởng Ban Dân vận Trung ương... Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng từ Khóa II đến Khóa V, Ủy viên Bộ Chính trị Khóa III, Khóa IV; là đại biểu Quốc hội từ Khóa II đến Khóa VII). Trong quá trình hoạt động cách mạng, dù ở bất kỳ cương vị, nhiệm vụ công tác nào, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Với công lao, đóng góp to lớn đối với cách mạng Việt Nam, đồng chí đã được Ðảng và Nhà nước tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác(1). Đánh giá công lao đóng góp của đồng chí Trần Quốc Hoàn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khẳng định: “Hơn 30 năm trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hơn 20 năm tham gia Bộ Chính trị, đồng chí đã đem toàn bộ sức lực và trí tuệ của mình cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta; đặc biệt là sự lãnh đạo của đồng chí trong việc xây dựng và bảo vệ an ninh Tổ quốc”(2).
Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã vận dụng trung thành, sáng tạo và thành công quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, định hướng của Đảng ta trong quá trình đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ an ninh, trật tự ở từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng. Với hơn 28 năm giữ trọng trách là người đứng đầu ngành công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước, đề xuất nhiều chủ trương, đường lối sáng suốt nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong hai cuộc kháng chiến cứu nước và cả khi hòa bình lập lại; đồng thời trực tiếp, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng công an nhân dân. Bề dầy thực tiễn hoạt động cách mạng đã giúp cho đồng chí có một tư duy sâu sắc, tầm nhìn chiến lược, được thể hiện đậm nét ở các bài viết, bài phát biểu chỉ đạo toàn diện các mặt công tác của ngành công an. Các bài viết, bài phát biểu, cũng như hệ thống lý luận cơ bản về công tác bảo vệ an ninh, trật tự do đồng chí Trần Quốc Hoàn và tập thể lãnh đạo Bộ dày công xây dựng và phát triển đã trở thành kim chỉ nam dẫn đường cho các hoạt động của lực lượng Công an nhân dân; đồng thời là một trong những yếu tố làm nên những chiến công vẻ vang của lực lượng công an nhân dân trên lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội cả trước đây, hiện tại và sau này.Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trần Quốc Hoàn (23-01-1916 - 23-1-2016), Bộ Công an sẽ long trọng tổ chức một buổi lễ Kỷ niệm ngày sinh đồng chí và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Trần Quốc Hoàn với cách mạng Việt Nam”. Đây là những việc làm thiết thực, bổ ích nhằm ôn lại chặng đường cách mạng gian lao với nhiều thành tích của đồng chí Trần Quốc Hoàn và cũng là sự thể hiện đạo lý, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta.
Người lãnh đạo nhiều tâm huyết với Thủ đô Hà Nội
Không chỉ là “người anh cả” của lực lượng công an nhân dân, đồng chí Trần Quốc Hoàn còn là một trong những chiến sĩ cộng sản tiên phong “cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, đồng chí đã phấn đấu không mệt mỏi vì lý tưởng của Đảng và hạnh phúc của nhân dân”(3). Trong đó, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng Thủ đô nói chung, xây dựng Thành ủy Hà Nội nói riêng khi ở các cương vị là Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội và Bí thư Thành ủy Hà Nội (từ năm 1937 đến năm 1945). Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí là Phái viên của Trung ương Đảng tại mặt trận Hà Nội, bên cạnh Khu ủy XI - trực tiếp theo dõi và chỉ đạo cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của Liên khu phố I (tiền thân của Trung đoàn Thủ đô). Năm 1949, Trung ương quyết định tách Hà Nội khỏi Liên khu III để thành lập khu đặc biệt trực thuộc Trung ương, đồng chí được bầu làm Bí thư Đặc khu ủy Hà Nội; đến giữa năm 1952, đồng chí được Trung ương điều lên phụ trách ngành Công an. Tháng 10-1954, khi tiếp quản Hà Nội, do đồng chí đã nắm vững tình hình và có sự chỉ đạo sâu sát phong trào ở Hà Nội, nên được Trung ương Đảng cử kiêm nhiệm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Sau khi tình hình ở Hà Nội tương đối ổn định, đồng chí trở lại chuyên trách nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Công an.
Từ tháng 3-1937, với cương vị là Phó Bí thư, rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã dồn tâm sức cùng các đồng chí trong Thành ủy khôi phục lại phong trào bị tổn thất nặng nề thời kỳ địch khủng bố trắng bằng cách xây dựng các đoàn thể quần chúng cách mạng với nhiều loại hình tổ chức sinh động và rộng rãi; phát động hàng chục cuộc đấu tranh lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia (cùng các khẩu hiệu: “chống phản động thuộc địa và chiến tranh”, “đòi tự do, cơm áo, hòa bình”…), đưa Hà Nội trở thành một trung tâm cách mạng của cả nước thời kỳ này. Từ năm 1937 đến năm 1939, Thành ủy Hà Nội đã khôi phục và phát triển thêm nhiều tổ chức Đảng (trong thời kỳ này, toàn Đảng bộ Hà Nội bao gồm cả Hà Đông, Sơn Tây có khoảng 20 chi bộ Đảng với hơn 100 đảng viên). Đây thực sự là lực lượng nòng cốt, là nguồn vốn cán bộ quý báu của Hà Nội cho giai đoạn chuẩn bị tổng khởi nghĩa.
Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 09-3-1945), Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp Hội nghị tại Đình Bảng (Bắc Ninh) và đưa ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Để thực hiện tốt chỉ thị của Trung ương, căn cứ vào tình hình cụ thể của Hà Nội, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã cùng Ban lãnh đạo Thành ủy đề ra nhiều chủ trương, biện pháp, bố trí và sử dụng lực lượng một cách có hiệu quả. Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng được chăm lo thường xuyên nhằm tạo dựng lực lượng ưu tú, vững chắc cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Có thể khẳng định, cuộc khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội thắng lợi đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ Hà Nội - đội tiên phong chiến đấu của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thành phố. Thành công này đã trực tiếp tạo thế và lực mới cho phong trào cách mạng ở Hà Nội để bước vào thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng và củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Khi làm Bí thư Đặc khu ủy Hà Nội, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã bỏ nhiều công sức xây dựng Đảng bộ, như viết cuốn sách tổng kết kinh nghiệm “Cách làm việc của một cấp ủy” làm tài liệu bồi dưỡng cho cán bộ. Năm 1950, Trung ương Đảng đề ra khẩu hiệu “chuẩn bị tổng phản công”, nhưng lúc đó, cơ sở cách mạng nội, ngoại thành Hà Nội bị “vỡ” nhiều, đồng chí đã chủ động tìm hiểu thực tế, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, có chủ trương chuyển đổi cách tổ chức và hoạt động của các bộ, ngành, giới để chuẩn bị điều kiện cho phong trào kháng chiến trong nội thành phát triển tốt, chuẩn bị lực lượng tiếp quản Hà Nội theo các điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Lúc đó, nhiều tổ chức với lực lượng khác nhau vào hoạt động ở nội thành Hà Nội không có sự phối hợp thống nhất (những tổ chức này không thuộc Đảng bộ Hà Nội), đồng chí Trần Quốc Hoàn đã có sáng kiến lập ra Ban địch tình để thống nhất trong hoạt động. Việc lập ra Ban địch tình do đồng chí chủ trì (gồm có đại diện Công an Hà Nội, đại diện tình báo Hà Nội của Cục Tình báo Trung ương, đại diện Ty Tập trung tài liệu - Ty Điệp báo của Nha Công an Trung ương) đã hoạt động theo đúng chủ trương của Đặc khu ủy Hà Nội với sự phối hợp, hỗ trợ giữa các lực lượng với nhau trong chiến đấu.
Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng, kể cả khi ở cương vị lãnh đạo cao nhất của lực lượng công an nhân dân, đồng chí Trần Quốc Hoàn vẫn luôn dành sự quan tâm và có nhiều chỉ đạo sát sao đối với sự ổn định và phát triển của Thủ đô Hà Nội. Trong bài phát biểu tổng kết đợt kiểm tra công tác năm 1962 của Sở Công an Hà Nội (tài liệu lưu trữ tại Đội Lịch sử, Phòng PV11, Công an thành phố Hà Nội), đồng chí Trần Quốc Hoàn đã chỉ rõ: “…Hà Nội là Thủ đô, trung tâm cả nước, tất nhiên những diễn biến của tình hình có thể còn phức tạp hơn. Kẻ địch sẽ nhằm vào Thủ đô để đẩy mạnh các mặt hoạt động gián điệp và phá hoại, vì ở Thủ đô tập trung nhiều tin tức, cơ quan đầu não, nếu phá hoại ở Thủ đô, sẽ gây những ảnh hưởng chính trị rất lớn, tác động đến cả nước (như đồng chí Bí thư thứ nhất đã nói, nếu kẻ địch phá hoại ở đâu xa, thì cũng như người bị thương ở tay, còn nếu kẻ địch nó phá hoại ở Hà Nội, thì như bị thương ở đầu). Do đó, ta phải có quyết tâm cao, cố gắng nhiều để làm thất bại mọi âm mưu của kẻ địch”(5).
Nhớ về đồng chí Trần Quốc Hoàn, chúng ta không chỉ ôn lại những đóng góp quý báu đã góp phần làm nên những thắng lợi của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam trong suốt hơn 70 năm qua, mà còn là dịp để chúng ta tự hào về một tấm gương cách mạng cao đẹp luôn tận tụy với công việc, có tầm nhìn chiến lược trong xây dựng Hà Nội thành trung tâm của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng và tâm huyết của đồng chí với sự phát triển của cách mạng nói chung đã góp phần tạo nên những bước đi vững chãi của Thủ đô Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Tư tưởng ấy sẽ còn sống mãi với thời gian và được các thế hệ Cộng sản, những cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân hiện tại và mai sau vận dụng, phát huy hơn nữa trong việc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
---------------------------------------------
(1) Tham khảo Bài Tổng kết Hội thảo khoa học “Đồng chí Trần Quốc Hoàn với Công an nhân dân Việt Nam” của đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, ngày 15-3-2004
(2) (3) Trích điếu văn của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tại Lễ truy điệu đồng chí Trần Quốc Hoàn, ngày 7-9-1986
(4) Trần Quốc Hoàn, Một số vấn đề về đấu tranh chống phản cách mạng, Viện Nghiên cứu Khoa học Công an, Hà Nội, 1975
Khai mạc phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII  (14/01/2016)
Iran - Saudi Arabia: Đối đầu tiếp nối căng thẳng  (14/01/2016)
Để báo chí luôn đồng hành và phát triển với ngành giao thông vận tải  (14/01/2016)
Chung tay hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bom mìn  (14/01/2016)
Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 14 của Tổng bí thư  (13/01/2016)
Hơn 300 cán bộ y tế túc trực 24/24 phục vụ Đại hội Đảng  (13/01/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm