TCCSĐT - Phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước qua nhiều thời kỳ. Những năm qua, kinh tế tập thể đã dần được phục hồi, phát triển; xuất hiện những mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả, nâng cao thu nhập của các thành viên. Để phát huy tốt hơn nữa tiềm năng của thành phần kinh tế này, trong thời gian tới cần có những giải pháp hữu hiệu.

Sự phát triển của kinh tế tập thể ở các ngành, lĩnh vực

Trong nông nghiệp, đến cuối năm 2014, cả nước có 10.446 hợp tác xã nông nghiệp. Trong đó có 7.753 hợp tác xã dịch vụ tổng hợp (chiếm 74,22%), 151 hợp tác xã lâm nghiệp, 526 hợp tác xã thủy sản, 56 hợp tác xã diêm nghiệp, 461 hợp tác xã thủy lợi, 289 hợp tác xã chăn nuôi, 1.210 hợp tác xã trồng trọt. Tổng số xã viên hợp tác xã nông nghiệp khoảng 6,7 triệu người. Bình quân một hợp tác xã nông nghiệp có 660 xã viên. Tỷ lệ hộ nông dân tham gia hợp tác xã nông nghiệp khoảng 45%. Phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp tham gia cung cấp các dịch vụ đầu vào cơ bản cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong những năm gần đây hình thành những hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới xuất phát từ nhu cầu hợp tác tham gia cánh đồng lớn, sản xuất theo chuỗi, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, là nhân tố quyết định tới tính bền vững, hiệu quả của các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất của người nông dân.

Về tổ hợp tác, cả nước có 60.741 tổ hợp tác trong nông nghiệp. Trong đó có 53.791 tổ nông nghiệp (chiếm 89%); 5.835 tổ thủy sản (chiếm 9,6%), 1.048 tổ lâm nghiệp (chiếm 1,72%) và 67 tổ diêm nghiệp (chiếm 0,11%). Đáng chú ý, gần đây thực hiện chủ trương phát triển đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ an ninh quốc gia, mô hình tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển có bước phát triển vượt bậc.

Trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, đến hết năm 2014, cả nước có 4.374 hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 2.450 hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 1.411 hợp tác xã thương mại dịch vụ, 513 hợp tác xã điện nước; 13 liên hiệp hợp tác xã thương mại. Mô hình hợp tác xã quản lý, kinh doanh chợ vẫn đang tiếp tục phát triển ở cả địa bàn thành thị và nông thôn. Các hợp tác xã thương mại đã góp phần phục vụ sản xuất, bình ổn giá cả thị trường, đẩy mạnh hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn. Các hợp tác xã sản xuất hàng thủ công truyền thống trong các làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được khôi phục và phát triển, hoạt động hiệu quả hơn, một số sản phẩm của các hợp tác xã đã được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, đến hết năm 2014, cả nước có 1.052 hợp tác xã hoạt động với tổng số 57.683 xã viên; có 3 liên hiệp hợp tác xã; tổng doanh thu của các hợp tác xã ước 2.805 tỷ đồng. Tỷ lệ cán bộ qua đào tạo: trình độ sơ, trung cấp chiếm 50%, trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học chiếm 16%; thu nhập bình quân năm của một thành viên hợp tác xã khoảng 33 triệu đồng (tương đương 2,75 triệu đồng/tháng).

Năng lực vận tải của hợp tác xã dần được nâng cao đóng góp phần lớn vào việc đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa của toàn xã hội; các hợp tác xã đã quản lý một số lượng đáng kể phương tiện vận tải tư nhân và hộ cá thể, ổn định tổ chức vận tải ở địa phương; và ổn định đời sống dân cư, đặc biệt tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa; tạo việc làm cho hàng chục vạn lao động với mức thu nhập tuy chưa cao nhưng ổn định.

Trong lĩnh vực xây dựng, đến cuối năm 2014, cả nước có 948 hợp tác xã, tăng 126 hợp tác xã so với năm 2012, bình quân 1 hợp tác xã có 10 thành viên, thu hút trên 13.000 lao động thường xuyên, với tổng tài sản là 1.349 tỷ đồng, bình quân 1 hợp tác xã có 1.423 triệu đồng, lợi nhuận bình quân là 225 triệu đồng/1 hợp tác xã; thu nhập bình quân đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng. Một số hợp tác xã xây dựng đã huy động các nguồn lực để tập trung đầu tư, đổi mới trang thiết bị ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực để đáp ứng điều kiện theo quy định khi tham gia các hoạt động tư vấn, xây dựng, giám sát thi công xây dựng công trình hoạt động có hiệu quả.

Lĩnh vực tín dụng có 1.146 quỹ tín dụng nhân dân, tổng nguồn vốn hoạt động đến 31-12-2014 là 66.702 tỷ đồng, tăng 49% so với cuối năm 2012. Mặc dù chịu tác động của biến động tài chính nhưng các quỹ tín dụng nhân dân vẫn là loại hình hoạt động có hiệu quả, duy trì khả năng thanh toán, đáp ứng nhu cầu về vốn cho nhân dân trên địa bàn nhất là phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Tổng nguồn vốn hoạt động đến 31-12-2014 là 20.736,5 tỷ đồng, tăng 43,34% so với cuối năm 2012. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng hợp tác xã liên tục có lãi qua các năm.

Lĩnh vực khác, có 578 hợp tác xã thuộc các ngành, gồm môi trường, nhà ở, y tế, bốc xếp, du lịch... được thành lập xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân, thích ứng với cơ chế mới, đáp ứng yêu cầu của thành viên và người dân, hoạt động có hiệu quả; khẳng định năng lực của hợp tác xã có thể tham gia vào các lĩnh vực của nền kinh tế.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 56 và triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã đã dần phục hồi, phát triển. Đóng góp của khu vực hợp tác xã vào GDP năm 2013, lần đầu tiên trong gần 20 năm qua đã tăng hơn so với năm trước, đạt 5,05 % so với mức 5,0% năm 2012, trong khi tỷ lệ vốn đầu tư chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng vốn đầu tư của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của khu vực hợp tác xã năm 2013 đạt 3,27%, cao hơn nhiều so với mức 2,75% năm 2012 và các năm trước đó. Tốc độ tăng trưởng năm 2014 của khu vực hợp tác xã đạt 3,5%, mức đóng góp vào GDP của khu vực hợp tác xã năm 2014 tăng hơn 0,1% so với năm 2013, đạt mức 5,15%. Tổng doanh thu của các hợp tác xã năm 2014 đạt 26.400 tỷ đồng, tăng 2.460 tỷ đồng so với năm 2013. Tổng số lãi trước thuế của hợp tác xã năm 2014 đạt 1.410 tỷ đồng, tăng 0,7% so với mức thực hiện 1.400 tỷ đồng năm 2013. Tổng số thành viên hợp tác xã năm 2014 là 7.386.572 thành viên, trong đó số lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã là 1.585.382 người.

Một số hạn chế, yếu kém và nguyên nhân

Bên cạnh một số kết quả tích cực đã đạt được, phát triển kinh tế tập thể còn một số hạn chế cần được khắc phục:

Một là, còn có tư tưởng mặc cảm đối với các hợp tác xã kiểu cũ nên hoài nghi, không tin tưởng vào vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Một số cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã can thiệp quá sâu vào hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp toàn xã, vi phạm nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của kinh tế tập thể. Hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các hợp tác xã của hệ thống Liên minh Hợp tác xã còn hạn chế.

Hai là, năng lực quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã chưa đủ mạnh và hiệu quả thấp. Bộ máy tham mưu quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Việc ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện tổ chức lại hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 cũng rất khác nhau. Sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực đến nay, các văn bản dưới Luật ban hành chậm, thiếu đồng bộ; một số nội dung chưa được hướng dẫn. Công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật trong phát triển kinh tế tập thể chưa được làm thường xuyên, kịp thời, thiếu chế tài xử lý các trường hợp vi phạm. Các chính sách hỗ trợ tuy nhiều nhưng lại áp dụng chung cho tất cả các mô hình hợp tác xã nên gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện.

Ba là, kinh tế tập thể phát triển chậm, còn nhiều yếu kém. Phần lớn tổ hợp tác thành lập tự phát, không đăng ký chứng thực theo quy định tại Nghị định 151/2007/NĐ-CP ngày 10-10-2007 của Chính phủ, chỉ có 15.190 tổ có đăng ký chứng thực, chiếm 11,9%. Tổ chức của tổ hợp tác thiếu chặt chẽ, quan hệ hợp tác lỏng lẻo, không bảo đảm tính ổn định, bền vững; đa số tổ gặp khó khăn trong giao dịch kinh tế, tiếp cận các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước; chưa có sự kiểm tra, giám sát và hỗ trợ trực tiếp đối với những vấn đề phát sinh mà tổ hợp tác không giải quyết được; số tổ phát triển thành hợp tác xã còn hạn chế.

Nguyên nhân của tình trạng trên có thể kể đến:

- Kinh tế tập thể, hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể tập hợp những thành viên là những hộ nông dân, thợ thủ công, những người buôn bán nhỏ, người tiêu dùng, là những người có địa vị kinh tế hạn chế trong xã hội, cùng hợp tác để nâng cao khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường; tổ hợp tác, hợp tác xã còn nhiều hạn chế về quy mô sản xuất kinh doanh, trình độ quản trị, trình độ khoa học và công nghệ, vốn và thị trường, nên rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để bảo đảm phát triển bền vững. Nước ta trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, tiềm lực kinh tế còn hạn chế nên cũng ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của kinh tế tập thể.

- Nhận thức về kinh tế tập thể của cán bộ, đảng viên và người dân chưa thống nhất, còn có tâm lý mặc cảm với hợp tác xã kiểu cũ; chưa thấy hết vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tập thể, thậm chí hiểu chưa đúng bản chất, vị trí, vai trò, nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã; chưa phân biệt rõ được sự khác nhau giữa mô hình hợp tác xã kiểu mới với mô hình hợp tác xã kiểu cũ, giữa hợp tác xã với doanh nghiệp.

- Việc ban hành các văn bản dưới luật còn chậm, thiếu đồng bộ, một số nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể, dẫn đến chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã chưa thực hiện đầy đủ, hiệu quả thấp, tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã.

- Quản lý nhà nước về kinh tế tập thể thiếu thống nhất và còn nhiều yếu kém. Bộ máy tham mưu quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về kinh tế tập thể.

- Năng lực, kinh nghiệm của cán bộ quản lý hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Đa số cán bộ quản lý hợp tác xã chưa được tập huấn nghiệp vụ chuyên môn trước khi đảm nhiệm các vị trí quản lý hợp tác xã; chưa xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh có tính dài hạn.

Để kinh tế tập thể thực sự đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước

Phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã là một yêu cầu khách quan, cấp thiết để bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững, đặc biệt trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng, áp lực cạnh tranh hàng hoá nhập khẩu ngày càng gia tăng. Để làm được điều này, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Đẩy mạnh tuyên truyền, học tập về kinh tế tập thể, hợp tác xã, hợp tác xã kiểu mới từ thực tiễn qua đó làm rõ vị trí, vai trò kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế; tăng cường công tác kiểm tra, tổng kết, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả. Bên cạnh việc tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển hợp tác xã, cần tăng cường giới thiệu các mô hình hợp tác xã kiểu mới, kinh nghiệm của phong trào hợp tác xã trong khu vực và quốc tế.

Thứ hai, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển hợp tác xã.

Cần tập trung hỗ trợ tài chính từ các nguồn, lồng ghép với chính sách thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để hình thành một số mô hình điểm ở các tỉnh nông nghiệp đối với hai loại hình hợp tác xã là hợp tác xã dịch vụ công ở nông thôn và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, củng cố lại hoạt động của hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tổ chức biên soạn tài liệu và các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, thành viên hợp tác xã. Xây dựng và mở rộng đội ngũ cán bộ có trình độ, khả năng làm công tác tư vấn cho tổ hợp tác, hợp tác xã. Tăng cường các giải pháp thiết thực hỗ trợ các hợp tác xã về khoa học - công nghệ, vốn, nguồn nhân lực, thị trường... triển khai theo "mô hình thí điểm"; giao trách nhiệm chỉ đạo cho người đứng đầu cấp huyện; tận dụng các cơ hội cũng như có các giải pháp hạn chế các mặt tiêu cực trong quá trình hội nhập.

Thứ ba, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể.

Xác định rõ vị trí, công việc trong các cơ quan, tổ chức được giao chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể để làm cơ sở xác định biên chế công chức, tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác tham mưu, hoạch định chính sách phát triển kinh tế tập thể đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, giữa Trung ương và địa phương, giữa các sở, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực kinh tế tập thể, xác định rõ cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính, các cơ quan khác liên quan có trách nhiệm phối hợp.

Thứ tư, xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, dựa trên nhu cầu hợp tác tự nguyện của các thành viên, vì lợi ích của thành viên, hợp tác xã và cộng đồng. Chú trọng xây dựng các hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp ở các vùng có các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Xây dựng mô hình hợp tác xã chuyên ngành, phát triển đa dạng các loại hình hợp tác xã ở các địa phương với các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và văn hoá khác nhau nhằm phát huy thế mạnh tiềm năng kinh tế của địa phương. Trên cơ sở đó tổng kết, tuyên truyền phổ biến và nhân rộng nhiều loại hình hợp tác xã kiểu mới.

Thứ năm, hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể.

Tổ chức, củng cố lại hoạt động của các hợp tác xã theo đúng bản chất hợp tác xã, Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn; phát huy vai trò làm chủ của thành viên; vận động thành viên hợp tác xã góp vốn và nâng mức vốn góp; vận động hợp tác xã thu hút thêm thành viên, hợp nhất, sáp nhập hợp tác xã cùng ngành nghề và địa bàn hoạt động để tăng tiềm lực tài chính và quy mô hoạt động của hợp tác xã. Giải thể các hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, hoạt động mang tính hình thức.

Xây dựng và phát triển các trung tâm thương mại và hệ thống phân phối sản phẩm cho các hợp tác xã, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã dễ dàng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ. Kiện toàn hệ thống mạng lưới Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã của Liên minh Hợp tác xã đến các cấp.

Thứ sáu, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế tập thể.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội (nhất là Hội Nông dân Việt Nam), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Củng cố hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tăng cường vai trò, trách nhiệm của Liên minh trong việc phát triển kinh tế tập thể. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, liên minh hợp tác xã, hội, hiệp hội trong việc tuyên truyền, vận động thành viên tham gia hợp tác xã./.