TCCSĐT - Ngày 28-6-2010, Hội nghị thượng đỉnh các thành phố thế giới (WCS) đã khai mạc với sự tham dự của hơn 2000 đại biểu là các thị trưởng, bộ trưởng đến từ các thành phố lớn trên thế giới. Quá trình đô thị hóa đang diễn ra trên thế giới với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Lãnh đạo các thành phố đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề từ y tế công cộng, quản lý nước sạch, vệ sinh thực phẩm, năng lượng tới quản lý các vùng cơi nới và các thách thức liên quan như khu ổ chuột, nạn tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường.
 
1. Hội nghị thượng đỉnh các thành phố thế giới (WCS)

Ngày 28-6-2010, Hội nghị thượng đỉnh các thành phố thế giới (WCS) đã khai mạc với sự tham dự của hơn 2000 đại biểu là các thị trưởng, bộ trưởng đến từ các thành phố lớn trên thế giới. Quá trình đô thị hóa đang diễn ra trên thế giới với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Lãnh đạo các thành phố đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề từ y tế công cộng, quản lý nước sạch, vệ sinh thực phẩm, năng lượng tới quản lý các vùng cơi nới và các thách thức liên quan như khu ổ chuột, nạn tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường. Hội nghị tập trung thảo luận các chiến lược về quy hoạch đô thị và công nghiệp, nhà ở giá rẻ, giao thông công cộng, quản lý tổng thể môi trường. Các đại biểu tham dự thảo luận về những thách thức trong quản trị, tìm kiếm nguồn hỗ trợ và bảo vệ tài nguyên cũng như việc nâng cao nhận thức cho người dân, tìm hiểu mô hình và cách thức giúp họ xây dựng các cộng đồng sức khỏe và ổn định. Bên lề Hội nghị còn có Triển lãm “Thành phố lý tưởng về bền vững cho tương lai”, Triển lãm “Quản lý nguồn nước sạch” giới thiệu các giải pháp mới nhất, sáng tạo nhất cho những vấn đề mà các thành phố đang phải đối mặt.

2. Liên hợp quốc phát động Thập kỷ quốc tế thứ ba loại trừ chủ nghĩa thực dân

Ngày 28-6-2010, kết thúc kỳ họp năm 2010, Ủy ban đặc biệt của Liên hợp quốc về phi thực dân hóa đã nhất trí thông qua nghị quyết phát động Thập kỷ quốc tế thứ ba loại trừ chủ nghĩa thực dân và chọn ngày 14-12 là Ngày kỷ niệm thứ 50 Tuyên bố lịch sử trao quyền độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa. Ðại diện các nước thành viên Liên hợp quốc nhấn mạnh, với 16 vùng lãnh thổ còn chưa được trao quyền độc lập và vẫn bị thực dân hóa, Thập kỷ quốc tế thứ ba loại trừ chủ nghĩa thực dân cần phải là thập kỷ hành động nhiều hơn chứ không chỉ là thập kỷ tiếp tục thương lượng. Thập kỷ quốc tế thứ ba về loại trừ chủ nghĩa thực dân phải thiết lập tiến trình toàn diện, thực tế và hiệu quả để thúc đẩy quyền tự quyết trên cơ sở tính đến đặc thù của mỗi vùng lãnh thổ thuộc địa. Ủy ban đặc biệt của Liên hợp quốc về phi thực dân hóa cũng thông qua nghị quyết thúc đẩy thực hiện quyền tự quyết của người dân các vùng lãnh thổ Tô-kê-lau và Tân Ca-lê-đô-ni-a trên Thái Bình Dương. Ủy ban cũng nhất trí thông qua nghị quyết nhấn mạnh giải pháp hòa bình và thông qua thương lượng về tranh chấp chủ quyền quần đảo Man-vi-nát giữa Ác-hen-ti-na và Anh (phía Luân Ðôn gọi là Phoóc-len), coi đây là phương thức duy nhất để chấm dứt tình trạng thực dân hóa quần đảo này. Liên hợp quốc kêu gọi hai nước đàm phán trực tiếp để tìm ra giải pháp cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ này. Ðại Hội đồng Liên hợp quốc đã thừa nhận tình hình thực dân hóa đặc biệt và đặc thù của quần đảo Man-vi-nát trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.

3. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thảo luận việc trừng phạt I-ran

Ngày 28-6-2010, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp bàn về việc thực thi các biện pháp trừng phạt I-ran. 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an đã nhận được một báo cáo đề cập việc thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt I-ran và thành lập một ủy ban gồm các chuyên gia nhằm bảo đảm các nước tuân thủ các nghị quyết trừng phạt I-ran. Trong khi đó, Mỹ đã bố trí tàu sân bay thứ ba hướng vào bờ biển I-ran. Tàu này được yểm trợ bằng các tàu tiến công đổ bộ và 4.000 lính thủy đánh bộ, tăng sức mạnh tổng hợp của Mỹ tại đây lên ba tàu sân bay và 10 nghìn binh sĩ. Sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết thứ tư về trừng phạt I-ran, nhiều tập đoàn quốc tế đã đình chỉ các hợp đồng hợp tác với I-ran và dần rút khỏi nước này. Ngày 1-7, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã ký ban hành luật trừng phạt I-ran, được Quốc hội nước này phê chuẩn hồi tuần trước. Điều này mở đường cho việc áp đặt những biện pháp trừng phạt đơn phương mới nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của I-ran, bằng cách nhằm vào các đối tác tài chính của nước này.

4. CEPAL nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ La-tinh

Ngày 30-6-2010, trước tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến tích cực, Ủy ban Kinh tế Mỹ La-tinh và vùng Ca-ri-bê của Liên hợp quốc (CEPAL) đã nâng mức dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực lên 4,5%, tăng 0,4% so với con số đưa ra hồi tháng 12-2009. Phát biểu với giới báo chí trước thềm Hội thảo quốc tế mang tên "Bình đẳng và Phát triển kinh tế" tại Mê-xi-cô, thư ký thường trực CEPAL, bà A-li-xi-a Bác-xê-na (Alicia Bárcena) cho biết, Bra-xin - nền kinh tế lớn nhất Mỹ La-tinh, tiếp tục dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo lên tới 6%, tiếp theo là U-ru-goay, Pê-ru, Chi-lê và Pa-na-ma, trong khi Ác-hen-ti-na, Bô-li-vi-a tăng ở mức trên 4%. Về Mê-xi-cô, quốc gia lớn thứ hai về kinh tế trong vùng, đại diện CEPAL cho rằng nhờ có nhiều chuyển biến tích cực của kinh tế Mỹ, kinh tế nước này vẫn có khả năng tăng trưởng trên 4,1%, cao hơn so với dự báo trước là 3,5%. Vùng Ca-ri-bê vẫn là mối lo nhất đối với tất cả những ai nghiên cứu và quan tâm đến Mỹ La-tinh, vì vùng này chưa thoát khỏi hậu quả của khủng hoảng năm 2009, khoản nợ công lớn, dự trữ ngoại tệ hạn chế và đang phải gánh chịu với khoản thâm hụt thương mại cao và nhiều thiên tai, rủi ro.

5. Bước tiến đầu tiên trong việc tiến tới xóa bỏ cấm vận của Mỹ chống Cu-ba trong lĩnh vực du lịch

Ngày 30-6-2010, Ủy ban Nông nghiệp Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật dỡ bỏ lệnh cấm công dân Mỹ tới Cu-ba du lịch. Đây được coi là bước tiến đầu tiên trong việc tiến tới xóa bỏ cấm vận của Mỹ chống Cu-ba trong lĩnh vực du lịch. Với 25 phiếu ủng hộ và 20 phiếu chống, dự luật này cũng sẽ cho phép các công ty Mỹ tăng cường xuất khẩu nông phẩm sang Cu-ba, với một số quy định tạo thuận lợi hơn cho các công ty nhập khẩu Cu-ba trong việc thanh khoản. Hãng thông tấn Cu-ba Pren-xa La-ti-na bình luận việc Ủy ban Nông nghiệp Hạ viện Mỹ thông qua dự luật này là sự “khởi đầu cho con đường đầy chông gai và khó khăn” trong việc cho phép tất cả các công dân Mỹ được tới Cu-ba du lịch. Dự luật này sẽ phải được các Ủy ban Đối ngoại và Tài chính Hạ viện thông qua, sau đó Hạ viện và Thượng viện sẽ bỏ phiếu văn bản này. Theo Hiến pháp Mỹ, việc cấm các công dân nước này tới Cu-ba trong suốt hơn 50 năm qua là vi phạm nhân quyền và pháp luật. Theo Cơ quan thống kê quốc gia Cu-ba, du khách Mỹ tới Cu-ba năm 2009 là gần 52.500 lượt người, tăng 25% so với năm 2008. Các chuyên gia kinh tế dự báo, nếu Mỹ dỡ bỏ hạn chế tới Cu-ba du lịch, số công dân Mỹ tới nước này có thể lên tới 1 triệu lượt người/năm.

6. Bỉ tiếp quản chức chủ tịch luân phiên EU

Ngày 1-7-2010, Bỉ tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu trong bối cảnh nước này vẫn chưa có một chính phủ ở trong nước. Sau cuộc bầu cử lập pháp hôm 13-6, với thắng lợi thuộc về Liên minh Flemish Mới (NVA) của cộng đồng người Bỉ nói tiếng Hà Lan, các đảng ở Bỉ đang trong quá trình đàm phán thành lập liên minh và sớm nhất phải đến tháng 10, chính phủ mới ở Bỉ mới thành lập. Trong bối cảnh đó, ông Y-vơ Lơ-téc-mơ (Yves Leterme), hiện tạm nắm quyền Thủ tướng và quản lý các công việc thường ngày của Chính phủ Bỉ, đã được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu - EU. Cho dù các quan chức khẳng định, tất cả đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng trong bối cảnh mọi thứ vẫn đang ở trạng thái “tạm thời”, nên Bỉ chỉ dự kiến thực hiện một nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên ở mức “khiêm tốn” và đề cao vai trò của các thể chế châu Âu, như thông báo của ông Y-vơ Lơ-téc-mơ. Mặc dù vậy, Bỉ cũng đề ra một số ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên này như: thúc đẩy các cuộc đàm phán về việc xây dựng chính phủ kinh tế châu Âu; xây dựng các quy định về tài chính, thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu đổi mới và tạo việc làm… Để tạo sự ổn định và liên tục cho nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của Bỉ, không loại trừ khả năng ông Y-vơ Lơ-téc-mơ sẽ được đề nghị giữ vị trí Chủ tịch cho tới hết năm nay.

7. Dư luận quốc tế lên án các vụ tấn công liều chết tại Pa-ki-xtan

Sau 3 vụ đánh bom liều chết, khiến ít nhất 42 người thiệt mạng và 175 người bị thương, xảy ra đêm 1-7 tại đền Da-ta Da-ba (Data Darbar) ở thành phố La-ho (Lahore), miền Đông Pa-ki-xtan, ngày 2-7-2010, cộng đồng quốc tế đã lên án các vụ khủng bố đẫm máu. Tuyên bố của Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về An ninh và Chính sách đối ngoại Ca-thơ-rin Át-xtôn (Catherine Ashton) khẳng định: EU đã bị sốc, và các vụ tấn công là bằng chứng cho thấy quy mô của mối đe dọa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tại Pa-ki-xtan. Tuyên bố nhấn mạnh, các nước thành viên cần ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của Pa-ki-xtan trong việc truy tìm và đưa thủ phạm ra xét xử. Còn tại Pa-ki-xtan, ngày 2-7, hàng trăm người dân tại thành phố La-ho đã diễu hành biểu tình nhằm lên án vụ khủng bố đẫm máu này. Một người dân địa phương nói: “Là người Hồi giáo, chúng tôi lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố trên thánh địa này. Những kẻ gây ra tội ác phải bị trừng trị. Không còn từ ngữ nào có thể bày tỏ nỗi đau buồn của chúng tôi”. Hiện vẫn chưa có tổ chức nào đứng lên nhận trách nhiệm chủ mưu vụ khủng bố.

8. Ngày Quốc tế hợp tác xã

Ngày 3-7-2010 là ngày Thứ bảy đầu tiên của tháng 7. Năm 1992, Ðại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày Thứ bảy đầu tiên của tháng 7 là Ngày Quốc tế hợp tác xã nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Liên minh Hợp tác xã quốc tế. Chủ đề của Ngày Quốc tế hợp tác xã năm nay là "Doanh nghiệp hợp tác xã làm tăng quyền cho phụ nữ". Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế hợp tác xã năm nay, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun nêu rõ phụ nữ ở nhiều nước đang được trao thêm quyền thông qua các hợp tác xã, có thêm thu nhập và trở nên tự chủ hơn trong tiến trình vượt qua những khuôn mẫu về giới. Các hợp tác xã đặc biệt hữu ích trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trong cơn khủng hoảng bởi chúng giúp tìm ra lối thoát cho người dân thuộc những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất. Thông qua việc tham gia hợp tác xã, phụ nữ đang phát triển các chiến lược tự cứu mình, tạo ra thu nhập và của cải, đồng thời học cách vượt qua định kiến. Tổng Thư ký Ban Ki Mun cũng nhấn mạnh, các hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong những nỗ lực nhằm đạt được Các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) vào năm 2015, trong đó có mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy bình đẳng giới./.

*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 21 đến ngày 27-6-2010)