Diễn đàn có 3 phiên thảo luận, tập trung đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu đối với vấn đề an ninh lương thực, các bệnh dịch mới nổi lên, sự thu hẹp về diện tích đất nông nghiệp và nguồn nước…

Ngày 5-7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn Á-Âu (ASEM) về an ninh lương thực bền vững.

Đây là sáng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 7 tại Bắc Kinh (tháng 10-2008), nhằm đóng góp vào nỗ lực chung của ASEM trong việc bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng khẳng định: Việt Nam coi trọng hợp tác quốc gia nhằm ứng phó với vấn đề an ninh lương thực trong bối cảnh thị trường nông sản thế giới chịu nhiều tác động phức tạp, đặc biệt là từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Việt Nam là 1 trong 5 nước có nguy cơ chịu tác động của mực nước biển dâng cao. Do vậy Việt Nam đưa ra chiến lược phát triển nông nghiệp cùng những thay đổi về chính sách an ninh lương thực, trong đó xác định an ninh lương thực phải phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương công nghiệp hóa đất nước, chính sách giảm nghèo cho nông dân và gia tăng lợi tức cho người trồng lúa.

Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp phải bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia bất cứ lúc nào, trong đó gạo sẽ là sản phẩm chủ yếu; cần tổ chức một hệ thống thương mại lương thực để dễ tiếp cận phù hợp với xuất khẩu; thu hút mọi thành phần tham gia cùng nông dân sản xuất lúa gạo để từ đó xóa bỏ thiếu đói ở những vùng sâu, vùng xa…

Ngày 6-7, các đại biểu sẽ có chuyến thăm vùng sản xuất lúa cao sản áp dụng mô hình GAP (thực hành sản xuất tốt), nhà máy chế biến gạo tại tỉnh Tiền Giang./.