Nâng cao hiệu quả phòng, chống thông tin xấu độc, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng
Tham gia Tọa đàm có đông đảo đại biểu là cán bộ cấp cao, chuyên gia nghiên cứu, nhà khoa học, đại biểu giới trẻ trong và ngoài quân đội.
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân và Đại tá Nguyễn Kim Tôn, Phó giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, đồng chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu đề dẫn, Đại tá Hà Mạnh Tường, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân nhận định: Trong điều kiện Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, trước những sự kiện lớn, các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, trong khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để ôn lại lịch sử, giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước cho đồng bào và chiến sĩ cả nước, thì các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại tăng cường các hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta với nhiều âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, nham hiểm, xảo quyệt. Đặc biệt là trước dịp Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng, các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta càng gia tăng cả về cấp độ, mật độ, tần suất và liều lượng. Một trong những thủ đoạn chúng ráo riết thực hiện là lợi dụng internet, mạng xã hội vá các blog cá nhân để tung tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội; chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân và Quân đội.
PGS,TS. Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương đánh giá: Tại Đại hội IX của Đảng (năm 2001), Đảng ta đã có một nhận định rất quan trọng: “Trong thế kỷ XXI, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp tiếp tục diễn ra gay gắt”. Đến nay, nhận định này vẫn giữ nguyên giá trị. Mặt trận nóng bỏng, quyết liệt của cuộc đấu tranh này là cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, văn hóa. Các thế lực thù địch đang tăng cường sử dụng nhiều lực lượng, phương tiện, bằng nhiều con đường với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để chống phá ta trên các hướng chủ yếu, như chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và của cách mạng Việt Nam, hòng phủ định chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tăng cường loan tin vu cáo, bôi nhọ nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta; xuyên tạc tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam, phủ nhận những thành tựu của sự nghiệp đổi mới; xuyên tạc lịch sử dân tộc, nhất là lịch sử các cuộc kháng chiến, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta; xuyên tạc đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc và đường lối đối ngoại của Đảng ta; tăng cường truyền đạo trái phép, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nắm quần chúng của ta và kích động xu hướng ly khai, phá hoại sự thống nhất dân tộc quốc gia; đẩy mạnh các hành động “đế quốc thông tin”, “xâm lăng văn hóa” để áp đặt các giá trị văn hóa và lối sống của nước ngoài, phá hoại bản sắc văn hóa của dân tộc. Thông qua mạng internet, thông qua các kênh chiếu phim, các chương trình ca nhạc, vui chơi giải trí, hệ thống xuất bản phát hành để truyền bá lối sống ích kỷ vụ lợi, xa hoa, truỵ lạc, bạo lực,…
PGS, TS. Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương lưu ý: Lĩnh vực văn học - nghệ thuật là công cụ tinh tế, nhạy cảm, tác động hằng ngày, hằng giờ đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, nhân dân ta. Các thế lực thù địch cũng nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực này, tiến hành chống phá cách mạng nước ta rất quyết liệt. Thời gian qua, họ gia tăng phát hành những bộ phim, những cuốn tiểu thuyết, những công trình nghiên cứu xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc bản chất cách mạng của Đảng và chế độ ta; tập hợp các văn sĩ bất mãn để liên tục cho ra đời những sản phẩm văn hóa độc hại. Tình hình đó đòi hỏi các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí phải tăng cường thông tin chính thống, bám sát nhu cầu thông tin của độc giả, thính giả, khán giả để kịp thời đưa thông tin chính thống, chính xác.
“Làm thế nào để nhận diện tin xấu độc trong môi trường thông tin trên internet hiện nay?” là vấn đề được PGS, TS. Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu ra trong buổi Tọa đàm. Ông cho rằng: Thông tin xấu độc là những thông tin bịa đặt, sai sự thật, bóp méo sự thật, xuyên tạc sự thật, hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng những luận điệu phản động, sai trái. Thông tin do các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tạo nội dung và truyền bá nhằm mục tiêu chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta.
Hiện nay, các thế lực phản động, thù địch lợi dụng quyền tự do ngôn luận, các thế lực và các nhóm người này có thể tạo dựng các trang website cá nhân, lập diễn đàn, lập các trang fanpage để tạo nội dung, chia sẻ và trích dẫn ở khắp nơi trong môi trường truyền thông trên internet. Để thu hút người truy cập, trong giai đoạn đầu tiên, những phần tử quản trị các trang web, các diễn đàn này rất nỗ lực tổng hợp tin tức từ các nguồn báo chí chính thống và các nguồn tin từ nước ngoài theo kiểu có vẻ khách quan. Khi đã thu hút được một số lượng công chúng truy cấp thường xuyên, chúng cài dần các thông tin xấu độc, theo tỷ lệ tăng dần cả về số lượng và mức độ bịa đặt, bóp méo sự thật. Luận điệu phản động, sai trái cũng sẽ tăng dần. Chính vì thế, nhiều người truy cập mạng, đặc biệt là giới trẻ - ít đọc báo in, chỉ đọc báo mạng thông qua đường dẫn (link) của bạn bè trên mạng xã hội - dễ dàng “mắc mưu” của các thế lực thù địch và phản động, bị dẫn dắt và bị động trong việc tiếp nhận thông tin xấu độc trên các trang mạng và các diễn đàn đã nêu trên.
Dẫn giải nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước ta; đặc biệt là Chỉ thị số 46 năm 2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phòng, chống thông tin xấu độc; PGS, TS. Đinh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương chỉ ra 9 con đường gây tác hại của văn hóa xấu độc.
Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền Trần Thị Thúy khiến hội trường chú ý bởi những phân tích qua góc nhìn tuổi trẻ về thông tin xấu độc với những âm mưu và thủ đoạn, vừa tinh vi, vừa trắng trợn của các thế lực thù địch nhằm vào giới thanh thiếu niên ở nước ta hiện nay.
Tham luận của GS,TS. Hoàng Chí Bảo (Hội đồng Lý luận Trung ương); TS. Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; TS. Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nhân quyền; Thượng tá Nguyễn Đức Hưng, Chính ủy Sư đoàn 308; Đại úy Trần Thu Hương (Binh chủng Thông tin Liên lạc),… đều đưa ra các giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi thông tin sai trái, độc hại, như đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nhận thức đầy đủ về những thông tin xấu độc và tác hại của nó đối với việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, từ đó xây dựng lòng tin cho bộ đội vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động, tích cực xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường cách mạng đúng đắn cho cán bộ, chiến sĩ quân đội; đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục chính trị nhằm củng cố vững chắc trận địa chính trị, tư tưởng, văn hóa của Đảng trong quân đội; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan chức năng thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật, chặn lọc, bóc gỡ, vô hiệu hóa, hạn chế sự lan truyền của các thông tin xấu độc vào các đơn vị quân đội; mở rộng và phát huy dân chủ trong đơn vị, nắm, quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng, kỷ luật và các mối quan hệ của cán bộ, chiến sĩ, quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho bộ đội, giải quyết tốt các mối quan hệ cán binh trong đơn vị, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa của người quân nhân cách mạng trong đơn vị,…
Kết luận Tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn nhấn mạnh, vừa qua từ chỗ bịa đặt về sức khỏe của Đại tướng Phùng Quang Thanh, các blog, facebook phản động thêu dệt, bịa đặt nhiều chuyện xấu trong nội bộ Đảng ta, đất nước ta; vẽ ra trong mắt công chúng một Đảng cầm quyền bất ổn, một Nhà nước bị chia rẽ, cục bộ; một hình ảnh quân đội yếu đuối,… Công chúng từ chỗ bán tín, bán nghi sẽ tò mò, truy cập vào các trang blog, facebook và các tờ báo điện tử phản động nhiều hơn, tin hơn vào những thông tin xấu độc mà họ cài đặt, xuyên tạc đầy ác ý nhằm vào Việt Nam.
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn cho rằng một trong những giải pháp quan trọng trong việc phòng, chống hiệu quả thông tin xấu độc là cần phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí, nhất là các cơ quan báo chí chủ lực của Đảng, Nhà nước và quân đội trong việc tuyên truyền, đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa. Vai trò của báo chí thể hiện ở chỗ: Kịp thời cung cấp thông tin chính thống để định hướng dư luận xã hội; chủ động, kịp thời vạch rõ bản chất, kiên quyết phản bác những thông tin sai trái, độc hại chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta; Trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, báo chí cần bình tĩnh, chắt lọc, thẩm định chặt chẽ để đăng tải những thông tin có lợi cho đất nước, dân tộc và nhân dân; phân tích, lý giải các thông tin một cách khách quan, có lý, có tình, có sức thuyết phục để tạo dựng niềm tin tích cực, lành mạnh cho công chúng.
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn hy vọng sau buổi Tọa đàm này, các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo chỉ huy các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường tiếp tục theo dõi, tích cực cộng tác với Báo Quân đội nhân dân, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội trong việc cung cấp thông tin, tham gia viết bài tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”; làm tốt việc định hướng dư luận, xây dựng niềm tin lành mạnh cho công chúng, tạo sự đồng thuận trong xã hội vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc./.
Bàn giải pháp chính sách thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ cá tra  (30/07/2015)
Quốc tế cực lực lên án việc Israel tiếp tục xây dựng khu định cư  (30/07/2015)
Liên hợp quốc thúc đẩy giải pháp mới cho cuộc khủng hoảng tại Xy-ri  (30/07/2015)
Thủ tướng Anh kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam  (30/07/2015)
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tiếp Thủ tướng Anh  (30/07/2015)
Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ thăm chính thức Mozambique  (30/07/2015)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay