TCCSĐT - Ngày 30-7-2015, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Cục chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp chính sách thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ cá tra”.

Tham dự Hội nghị có hơn 200 đại biểu đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long; các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trung tâm khuyến nông - khuyến ngư, các nông hộ, hợp tác xã sản xuất cá tra, các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ cá tra trong vùng.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Võ Minh Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhấn mạnh: Theo Chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến năm 2020 phải phát triển ngành nuôi, chế biến cá tra của vùng đồng bằng sông Cửu Long thành ngành kinh tế quan trọng của thủy sản Việt Nam theo hướng công nghiệp và thân thiện với môi trường. Hội nghị này nhằm đánh giá các chính sách đã và đang thực hiện đối với hàng cá tra; nhận diện những tồn tại, khó khăn giữa các bên thực hiện chính sách trong phát triển sản phẩm cá tra; từ đó đưa ra những giải pháp, đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nhằm xây dựng các chính sách riêng cho phát triển ngành hàng cá tra, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, triển khai tốt việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp nói chung, ngành thủy sản nói riêng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Theo báo cáo của Cục chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối cũng như Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cá tra - được nuôi chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long - là mặt hàng đứng thứ hai về giá trị xuất khẩu trong cơ cấu hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, với tỷ trọng giá trị xuất khẩu hàng năm khoảng 1,76 tỷ USD, chiếm 25-30% giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước. Đến nay, các sản phẩm cá tra Việt Nam đã có mặt tại 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động ở các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, vài năm gần đây, ngành cá tra Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như thường xuyên bị một số tổ chức nước ngoài kiện bán phá giá; nhiều doanh nghiệp trong nước cạnh tranh kém lành mạnh, bán phá giá lẫn nhau khiến giá xuất khẩu cá tra giảm mạnh (từ 3,6USD/kg năm 2000 xuống còn 2,2USD/kg năm 2012); gần 50% số hộ nuôi cá thua lỗ, nhiều hộ nuôi bỏ ao, nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra phá sản... Những khó khăn, bất cập nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau:

Trong khâu tổ chức sản xuất: Việc phát triển vùng nuôi, cơ sở chế biến ở các địa phương chủ yếu là tự phát, thiếu quy hoạch và định hướng phát triển của Nhà nước nên thường xuyên gặp phải tình trạng khủng hoảng cung cầu, giá cá xuống thấp. Chất lượng cá giống giảm, 70% nguyên liệu nuôi cá phải nhập từ nước ngoài trong khi chi phí con giống, thức ăn, thuốc trị bệnh, lãi suất vay ngân hàng liên tục tăng từ 1,59 - 3,76 lần so với 5 năm trước. Nhiều nơi môi trường nuôi cá bị ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn vệ sinh của sản phẩm,…

Trong khâu chế biến: Cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, hơn 92% là sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh, thiếu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Các doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc chế biến phụ phẩm từ cá tra ra sản phẩm cao cấp; nhiều doanh nghiệp thiếu khả năng đầu tư, cải tiến công nghệ chế biến để đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường. Một số doanh nghiệp do chạy theo lợi nhuận đã lạm dụng hóa chất để tăng trọng làm giảm chất lượng sản phẩm,…

Trong khâu tiêu thụ: sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, hàm lượng chế biến và chất lượng sản phẩm thấp; xuất khẩu chủ yếu tập trung vào thị trường Mỹ và EU nên dễ bị rủi ro khi các thị trường này biến động bất lợi. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc liên kết xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam, xây dựng chuỗi phân phối sản phẩm cá tra ở cả thị trường trong và ngoài nước,…

Trên cơ sở thảo luận, phân tích những khó khăn, thách thức, hội nghị đã thống nhất đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra, tạo điều kiện cho ngành sản xuất này phát triển bền vững trong thời gian tới:

- Quy hoạch lại vùng nuôi, chế biến cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với quy hoạch tông thể phát triển nuôi trồng thủy sản và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng. Trong đó, chú trọng các hoạt động sản xuất con giống; bảo đảm hài hòa lợi ích theo chuỗi giá trị từ người tiêu dùng đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất con giống, nuôi, chế biến, xuất khẩu và công nghiệp phụ trợ cho ngành hàng cá tra.

- Tổ chức chế biến cá tra theo hướng đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Trong đó chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến từ khâu nuôi đến khâu chế tạo nhiều loại sản phẩm, đóng gói; chế biến phụ phẩm cá tra thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; trong những năm tới không đầu tư phát triển các cơ sở chế biến sản phẩm sơ chế phi lê cá tra đông lạnh, chuyển sang đầu tư cơ sở chế biến sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra.

- Nhà nước xem xét cải tiến cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp liên kết xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại ở các thị trường tiềm năng như ASEAN, Trung Quốc, Nam Mỹ, Trung Đông, Ấn Độ; có chương trình quảng báo riêng về các sản phẩm cá tra ở thị trường trong nước để tăng khả năng tiêu thụ nội địa, giảm bớt rủi ro khi thị trường xuất khẩu cá tra biến động bất lợi.

- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chế biến sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao từ cá tra; nghiên cứu triển khai một số mô hình tổ chức theo chuỗi nuôi, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá tra theo hướng bền vững nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng giá trị và chất lượng sản phẩm cá tra, hạn chế ô nhiễm môi trường.

- Đề nghị Chính phủ xem xét, có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư đặc biệt đối với các dự án đầu tư chế biến phụ phẩm cá tra thành các sản phẩm giá trị gia tăng hoặc chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng phi thực phẩm từ cá tra. Đồng thời, Nhà nước nên cho phép xây dựng Quỹ phát triển cá tra với chính sách tín dụng và lãi suất linh hoạt, nhằm thúc đẩy việc nuôi và chế biến, xuất khẩu cá tra.

- Hiệp hội Cá tra Việt Nam tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và các địa phương xây dựng đề án thương hiệu ngành cá Việt Nam, đề án xây dựng khu logistic cho ngành cá và chế biến sản phẩm, thực phẩm từ cá; xây dựng chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành cá nói chung trong đó có cá tra./.