Về lợi ích dân tộc và phương thức thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh
TCCS - Tư tưởng Hồ Chí Minh về lợi ích dân tộc là một bộ phận hữu cơ trong toàn bộ hệ thống tư tưởng của Người về cách mạng Việt Nam. Các tư tưởng và phương châm chủ đạo, như “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “thêm bạn, bớt thù”, “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”, “tăng cường nội lực”, “tự cứu lấy mình”,... chính là sự kết tinh hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về đường lối, chính sách, quan hệ đối ngoại, và sợi chỉ đỏ xuyên suốt hệ thống tư tưởng đó là lợi ích quốc gia dân tộc của Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về lợi ích dân tộc
Có thể nhận thấy cách đề cập vấn đề lợi ích dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trải qua ba thời kỳ chính.
Thời kỳ đầu, từ khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra nước ngoài tìm đường cứu nước, thì chính tinh thần dân tộc và lợi ích dân tộc Việt Nam là yếu tố chủ đạo trong tư tưởng cách mạng của Người. Về sau, khi đã giác ngộ để rồi tin theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trở thành một trong những lãnh tụ của phong trào cộng sản quốc tế, Người đã giữ vững, thực hành đạo làm người của nhà cách mạng, song trước sau như một cũng vì độc lập cho Tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho dân tộc và đồng bào.
Người luôn kiên trì tư tưởng lấy lợi ích dân tộc (mà lúc này lợi ích dân tộc cơ bản của Việt Nam là giải phóng dân tộc) làm “cẩm nang” cách mạng. Có thể nói, chủ trương giải phóng dân tộc là một tư tưởng lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, một tư tưởng vượt trước thời đại, chứng tỏ sự dũng cảm và bản lĩnh của Người trong việc vượt qua mọi rào cản giáo điều.
Năm 1941, sau khi về nước nắm vai trò lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc và chuẩn bị lực lượng giành chính quyền, vấn đề lợi ích dân tộc càng được đề cao trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người khẳng định: “Trong lúc này, quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”(1). Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng thực hiện được quyền lợi dân tộc trước sẽ tạo tiền đề cho thực hiện quyền lợi giai cấp. Trước khi cuộc Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Hồ Chí Minh chỉ rõ quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong bối cảnh chính trị thế giới nửa đầu thế kỷ XX và tình trạng thù trong, giặc ngoài ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định lúc này tự do và độc lập là những quyền lợi cơ bản nhất, cấp bách nhất của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng phục vụ quyền lợi dân tộc của Người ngày càng được quán triệt và thấm nhuần trong những người cộng sản Việt Nam, và đấy chính là động lực vô cùng quan trọng để Đảng và nhân dân Việt Nam vượt qua những thử thách hiểm nghèo, thực hiện cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Trong bản “Tuyên ngôn độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”(2). Có thể nói, giải quyết thành công mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, đặt giải phóng dân tộc trên lập trường giai cấp công nhân là một trong những sáng tạo lý luận lớn nhất của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, do Việt Nam là một nước nhỏ chống lại một nước đế quốc hùng mạnh, nên theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để đạt được lợi ích dân tộc cần tăng cường tập hợp các lực lượng tiến bộ trên thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến này, vì thế Người luôn nêu cao chủ nghĩa quốc tế và đoàn kết quốc tế. Trên thực tế, Người cũng đã luôn thể hiện chủ nghĩa quốc tế và tinh thần đoàn kết quốc tế, trước hết trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, sau nữa là đoàn kết với phong trào giải phóng dân tộc cũng như với các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Tuy nhiên, do bị chi phối bởi trật tự thế giới hai phe, hai cực đối đầu, nhiều cán bộ trong Đảng và Chính phủ đã tuyệt đối hóa tiêu chí ý thức hệ và đấu tranh giai cấp cả trong tư duy lẫn trong hành động. Trước thực tế ấy, Hồ Chí Minh đã phải luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên rằng cần nêu cao lợi ích dân tộc và “Phải có tinh thần dân tộc vững chắc”(3).
Lợi ích dân tộc cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là tiêu chí để phân biệt bạn - thù, là cơ sở để phân hóa kẻ thù và tập hợp lực lượng. Người cho rằng: “Đối với người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù. Đối với mình, những tư tưởng và hành động có lợi ích cho Tổ quốc, cho đồng bào là bạn. Những tư tưởng và hành động có hại cho Tổ quốc và đồng bào là kẻ thù. Thế là chẳng những ở ngoài, mà chính ở trong mình ta cũng có bạn và thù. Vì vậy chúng ta cần phải ra sức tăng cường bạn ở trong và ở ngoài, kiên quyết chống lại kẻ thù ở ngoài và ở trong mình ta”(4).
Một điểm rất đáng chú ý nữa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn lưu ý, đó là trên thực tế tất cả các nước đều vì lợi ích dân tộc của mình mà hành động. Theo Người, thái độ “gọi nôm na là ai lo phận nấy” là “điều bình thường”. Tóm lại, trên phương diện quốc gia dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận lợi ích của dân tộc trước hết là độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình, thống nhất đất nước cho dân tộc Việt Nam và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Trên phương diện quốc tế, Hồ Chí Minh nhấn mạnh quyền dân tộc, trong đó có quyền bình đẳng, quyền độc lập, tự chủ, tự do thực sự, quyền toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, quyền được sống trong hòa bình, quyền tự quyết của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ quan điểm này trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, khi Người nhấn mạnh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(5).
Các phương thức thực hiện lợi ích dân tộc của Việt Nam trong quan hệ quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ nhất, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường đi đôi với đoàn kết và hợp tác quốc tế.
Độc lập, tự chủ trong tư duy: Một trong những điểm nổi bật nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh là tư duy độc lập, không giáo điều, rập khuôn, nắm bắt thật chính xác thực trạng tình hình trong nước và cục diện thế giới, từ đó đào sâu suy nghĩ, ra sức tìm tòi về hướng đi, cách luận giải sao cho bảo đảm lợi ích của dân tộc Việt Nam. Có thể nói, với tư duy độc lập và sáng tạo, từ góc nhìn cụ thể của cách mạng Việt Nam và những trải nghiệm thực tế trong mấy chục năm bôn ba tìm đường cứu nước cũng như khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra cách luận giải mới bảo đảm lợi ích thiết thực của dân tộc Việt Nam mà không đối lập với quan điểm chính trị chính thống của Quốc tế Cộng sản.
Độc lập, tự chủ trong hành động: Để vững lái con thuyền cách mạng Việt Nam trong một thế giới mà các nước lớn đóng vai trò chi phối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện một tinh thần độc lập, tự chủ mẫu mực, kiên định trong ý chí, tự chủ trong hành động; đối với kẻ thù thì kiên quyết, khôn khéo, đối với đồng minh thì vừa đoàn kết, vừa đấu tranh. Và trong “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, cái bất biến chính là lợi ích của dân tộc Việt Nam.
Tự lực, tự cường dân tộc đi đôi với đoàn kết, hợp tác quốc tế: Ngay từ những ngày đầu cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ quan điểm phải “nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, trường kỳ kháng chiến” chống thực dân Pháp. Con đường cách mạng Việt Nam phải được thực hiện bằng sự nỗ lực và sức mạnh của chính mình, đồng thời tận dụng thời cơ và sự giúp đỡ bên ngoài để dân tộc ta lớn mạnh, chủ động vươn lên, tự giải phóng cho mình và qua đó góp phần vào cách mạng thế giới. Người cũng cho rằng muốn có sự ủng hộ, giúp đỡ bên ngoài thì trước hết chúng ta phải có thực lực. Thực lực ở đây là sức mạnh tổng hợp quốc gia, trong đó sức mạnh kinh tế, quốc phòng là quan trọng nhất. Và trên thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp nhuần nhuyễn độc lập tự chủ với đoàn kết, hợp tác quốc tế, vừa tranh thủ, vừa đấu tranh để thực hiện các mục tiêu của dân tộc, nghĩa là kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để bảo vệ quyền lợi của dân tộc Việt Nam.
Thứ hai, coi trọng, xử lý đúng đắn quan hệ với các nước lớn và đánh giá đúng tác động của cục diện quan hệ giữa các nước lớn đến nước ta.
Một là, coi trọng nước lớn và quan hệ với các nước lớn - phương sách bảo vệ lợi ích của dân tộc Việt Nam. Trong khi nhấn mạnh tinh thần tự lực, tự cường và biết rõ bản chất cũng như tham vọng của các nước lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đề cao việc thiết lập và phát triển quan hệ với các nước lớn. Đó là vì Người nhận thức rõ vai trò của các nước lớn trong cấu trúc quyền lực và đời sống chính trị - kinh tế thế giới. Vì thế, trong quan hệ quốc tế cũng như trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng việc xử lý đúng đắn quan hệ của Việt Nam đối với các nước lớn. Phương sách đối ngoại vừa hợp tác, vừa đấu tranh trong quan hệ với các nước lớn được thực hiện trong mọi hoàn cảnh, cả khi Việt Nam bị bao vây, không có đồng minh nào giúp đỡ cũng như khi Việt Nam có đồng minh là các nước xã hội chủ nghĩa. Lịch sử ngoại giao Việt Nam từ sau khi giành được độc lập đã chứng tỏ tính đúng đắn của phương sách ngoại giao trong quan hệ với các nước lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hai là, thêm bạn, bớt thù, tranh thủ đồng minh, tránh cùng một lúc phải đối đầu với nhiều nước lớn, phân hóa hàng ngũ đối phương.
Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố với cả thế giới rằng, Việt Nam muốn “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”(6) và ra sức tìm kiếm bạn đồng minh dầu rằng tạm thời bấp bênh, có điều kiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chủ trương Việt Nam nên tránh đối đầu chừng nào còn có thể tránh được trong quan hệ với các nước lớn. Người luôn cố gắng tìm ra điểm tương đồng lợi ích giữa Việt Nam và các nước lớn, đồng thời chú ý lợi dụng những mâu thuẫn và khác biệt giữa các nước lớn để tìm ra cách xử lý khôn khéo, linh hoạt để phân hóa hàng ngũ đối phương và để tránh bị kẹt trong xung đột giữa các nước lớn. Người cũng ra sức tránh rơi vào tình thế cùng một lúc phải đối đầu với nhiều nước lớn, mà điển hình cho đối sách trên là sách lược hòa với Tưởng ở miền Bắc để chống Pháp ở miền Nam và sau đó hòa với Pháp để đuổi quân Tưởng về nước trong những năm tháng cam go “ngàn cân treo sợi tóc” của đất nước ta sau Cách mạng Tháng Tám.
Ba là, đánh giá đúng cục diện quan hệ giữa các nước lớn và tác động của cục diện đó đến Việt Nam để xử lý tốt mối quan hệ với các nước lớn. Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất am hiểu các nước lớn là đồng minh cũng như các nước lớn là đối phương, biết được lợi ích, mối quan tâm và chiến lược chủ yếu của họ. Người cũng thấu hiểu bản chất nền chính trị, ngoại giao nước lớn, những giới hạn của các mối quan hệ nước lớn và những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của thực trạng đó đến Việt Nam, từ đó đưa ra những đối sách đúng đắn, kịp thời.
Thứ ba, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, dân tộc với quốc tế, tập hợp lực lượng nhiều tầng nấc khác nhau.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là một phương thức rất quan trọng để bảo đảm lợi ích dân tộc của Việt Nam.
Nói đến sức mạnh dân tộc Việt Nam, là nói đến sức mạnh tổng hợp của các yếu tố vật chất và tinh thần, truyền thống và hiện đại. Về chính trị, đó trước hết là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, là sức mạnh của lòng yêu nước và sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng cầm quyền. Về quân sự - quốc phòng, đó là sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân và ba thứ quân, là tài thao lược của các nhà cầm quân. Về ngoại giao, đó là sức mạnh kết tinh từ các thành tựu ngoại giao của Đảng (đối ngoại chính đảng), của Nhà nước (ngoại giao nhà nước) và của nhân dân (đối ngoại nhân dân). Trong cuộc đấu tranh giành chính quyền cũng như giải phóng đất nước, chúng ta đã tạo ra được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, lấy đó làm cơ sở để phát huy sức mạnh của dân tộc trên mọi lĩnh vực. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, đoàn kết là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, nên luôn nêu cao khẩu hiệu: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh thời đại là sức mạnh của hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; là sức mạnh của chủ nghĩa quốc tế chân chính, của các phong trào cách mạng giải phóng dân tộc; là sức mạnh của nhân dân yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới; là những thành tựu của cách mạng khoa học - kỹ thuật,...
Việt Nam là một nước không lớn, trình độ phát triển còn thấp, nhưng nếu chúng ta tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế đối với sự nghiệp chính nghĩa của mình thì có thể tạo ra một cán cân có lợi hơn cho việc bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc. Điều hết sức quan trọng là phải tìm ra điểm tương đồng về lợi ích để tập hợp lực lượng rộng rãi phục vụ cho các mục đích của chúng ta trong từng thời kỳ. Ở thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quan niệm: “Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam”(7). Còn sau khi đã giành chính quyền thì: “Mục đích của ta lúc này là tự do, độc lập. Ý chí của ta lúc này là dân chủ, hòa bình. Là bạn của ta trong giai đoạn này tất cả những nước nào, những dân tộc hay lực lượng nào trên thế giới tán thành mục đích ấy, cùng ta chung một ý chí ấy”(8). Người cũng cho rằng, hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội là những ngọn cờ để tập hợp các lực lượng quốc tế khác nhau. Đối với Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ, thì đó là tập hợp tất cả những lực lượng quốc tế có cùng mẫu số chung là ủng hộ Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc.
Thứ tư, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”(9). Đó chính là tinh thần của phương châm ngoại giao “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Người. “Dĩ bất biến” ở đây chính là lợi ích dân tộc, mà trước hết là độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, hòa bình và thống nhất đất nước Việt Nam. Còn “ứng vạn biến” là có thể có những nhân nhượng trong giới hạn nhất định trên cơ sở đánh giá đúng đối tác, đối thủ cũng như về chiều hướng chuyển biến của so sánh lực lượng, về những mặt thuận và nghịch của tình hình quốc tế trong từng giai đoạn, thời điểm cụ thể, từ đó có những bước đi, sách lược phù hợp, nghĩa là phải quán triệt và vận dụng tốt quan điểm lịch sử - cụ thể của phép biện chứng duy vật. Việc ký Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 là một ví dụ điển hình cho việc vận dụng tài tình, sáng tạo phương thức “dĩ bất biến, ứng vạn biến” đó.
Thứ năm, dự báo được thời cơ và nắm bắt đúng thời cơ.
Dự báo được thời cơ và nắm bắt đúng thời cơ là một phương pháp quan trọng trong quá trình hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại, đồng thời cũng là một phương thức để thực hiện lợi ích dân tộc. Với tài năng kiệt xuất của một lãnh tụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những dự báo, những tiên liệu chính xác về chiều hướng của cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam. Ví như, đầu năm 1968, Người đã dự báo sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đem B52 đánh ra Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua; hay ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi đã thua trên bầu trời Hà Nội,… Những dự báo này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần to lớn để Đảng đề ra những chiến lược, sách lược đúng đắn, tích cực chuẩn bị lực lượng nắm thời cơ giành thắng lợi.
Tóm lại, phương thức thực hiện lợi ích dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất phong phú và linh hoạt, là minh chứng sinh động về tài năng xuất chúng của một lãnh tụ mẫu mực cả trên phương diện lý luận và hoạt động thực tiễn. Tư tưởng Hồ Chí Minh về lợi ích dân tộc và phương thức thực hiện lợi ích dân tộc trong quan hệ quốc tế vẫn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự của nó, nên cần được nhận thức đầy đủ và vận dụng sáng tạo vào quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay./.
--------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 3, tr. 198
(2) Hồ Chí Minh: Sđd t. 4, tr. 4
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t.7, tr. 455
(4) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 6, tr. 18
(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 480
(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 220
(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 2, tr. 301
(8) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 8, tr. 437
(9) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 7, tr. 319
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 11 đến ngày 17-5-2015  (18/05/2015)
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới  (18/05/2015)
Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa  (17/05/2015)
Long trọng tổ chức Lễ khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh  (17/05/2015)
6.000 bác sĩ tham gia Ngày hội Thầy thuốc trẻ  (17/05/2015)
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thăm Hàn Quốc và dự Hội nghị Tương lai châu Á  (17/05/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển