TCCS - Sau 6 năm tái lập tỉnh, công tác phát triển đảng của Đảng bộ Hậu Giang đã thu được kết quả đáng phấn khởi, góp phần ổn định hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, những kết quả này cũng khẳng định sự đổi mới của Đảng bộ Hậu Giang trong chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Những chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng

Hậu Giang khi mới tái lập tỉnh, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là nguồn cán bộ đủ tiêu chuẩn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Ngoài những cán bộ, công chức từ Cần Thơ điều động về Hậu Giang cơ bản bảo đảm yêu cầu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, còn lại đa số là cán bộ được bổ sung từ các địa phương và tiếp nhận sinh viên mới ra trường nên kinh nghiệm và trình độ hạn chế, từ đó ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.

Trước thực trạng trên, một trong những vấn đề quan trọng được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2005 - 2010) đặt ra là khắc phục tình trạng thiếu đội ngũ cán bộ, đảng viên trên cơ sở đổi mới và thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng phát triển đảng “đủ về số, mạnh về chất”. Tỉnh ủy Hậu Giang xây dựng Đề án “Xây dựng Đảng giai đoạn 2006 - 2010”, trong đó, đáng lưu ý là “đề án xây dựng Đảng” tập trung vào khâu nhân lực phục vụ cho công cuộc đổi mới của tỉnh cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, mục tiêu trong 5 năm 2006 - 2010, toàn Đảng bộ kết nạp 8.000 người vào Đảng; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị cho hơn 7.000 lượt cán bộ, đảng viên để bù vào nguồn cán bộ còn thiếu, từng bước kiện toàn hệ thống chính trị đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong tình hình mới, với tổng kinh phí đầu tư hơn 15 tỉ đồng.

Khi mới thành lập, Đảng bộ Hậu Giang có 10 đảng bộ cấp huyện, thị và tương đương (bao gồm 5 huyện, 2 thị xã và 3 đảng bộ trực thuộc), với 344 tổ chức cơ sở đảng); đến cuối năm 2009, có 450 tổ chức cơ sở đảng, với 19.400 đảng viên, trong đó, đảng viên công tác ở xã, phường, thị trấn là 13.803 đồng chí.

Nét nổi bật trong những năm qua là, Đảng bộ Hậu Giang rất quan tâm bồi dưỡng kết nạp đảng viên là học sinh trong các trường phổ thông trung học, trung học chuyên nghiệp. Do chú trọng phát triển đảng trong lực lượng thanh niên, nên trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ cũng được nâng lên; số đảng viên có trình độ trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học chiếm trên 51%. Chính vì vậy chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm được nâng lên. Năm 2009, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh đạt 91,6%; số đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm 89,28%, trong đó đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có 2.306 đồng chí, chiếm 13,79% so với tổng số đảng viên được đánh giá chất lượng, tăng 17,24% so với năm 2008.

Một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn

Trước hết, đạt được những kết quả trên là thể hiện sự quyết tâm của các cấp ủy đảng trong việc đổi mới, phát huy tính chủ động của tổ chức cơ sở đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Xây dựng Đảng giai đoạn 2006 - 2010” của Tỉnh ủy. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, các cấp ủy đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu, xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển đảng, có quy chế phối hợp, phân công cấp ủy viên phụ trách công tác này, kiểm tra định kỳ đôn đốc thực hiện, có giao chỉ tiêu cụ thể từng năm, bảo đảm chất lượng theo quy định. Kinh nghiệm rất quý báu là phát huy nguồn lực đông đảo trong thanh niên, đặc biệt là thanh niên khu vực nông thôn và các trường phổ thông trung học và trung học chuyên nghiệp. Nổi bật là các phong trào hành động “Thanh niên với nghề nghiệp và việc làm”; “Nâng cao chất lượng đoàn viên; đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã và đang từng bước đi vào chiều sâu.

So với đầu nhiệm kỳ, tăng gần 9.000 đảng viên, đạt 106,66% kế hoạch cả nhiệm kỳ. Trong số đảng viên mới kết nạp, tỷ lệ đoàn viên ưu tú chiếm trên 80%; đảng viên thanh niên khu vực nông thôn chiếm 38,6%; có 317 đảng viên là thanh niên nông thôn mới được kết nạp.

Thứ hai,
trong quá trình, tạo nguồn, các cấp ủy đặc biệt chú ý tính liên tục, năm nay tạo nguồn cho năm sau và những năm tiếp theo gắn với việc nâng cao chất lượng đảng viên mới được kết nạp theo hướng tập trung cho lớp trẻ, đặc biệt là nữ và thanh niên nông thôn, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Do đó, chỉ sau 2 năm đầu 2006 - 2007, thực hiện Đề án xây dựng Đảng, các huyện, thị và đảng ủy trực thuộc đã chủ động được nguồn phát triển đảng liên tục cho nhiều năm liền. Nhiều đảng bộ như: Châu Thành A, Long Mỹ, thị xã Vị Thanh, Công An, Quân sự liên tục 3 - 4 năm liền làm tốt công tác phát triển đảng, được biểu dương do đảng bộ hoàn thành đề án phát triển Đảng trước một năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Thứ ba, công tác phát triển đảng trong thanh niên muốn đạt kết quả tốt, từng cấp ủy phải thực sự quan tâm chăm lo đến thanh niên và công tác thanh niên, coi việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người “vừa hồng, vừa chuyên” theo tư tưởng của Bác Hồ là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài nhằm góp phần kiện toàn hệ thống chính trị, bổ sung lực lượng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Hậu Giang, công tác xây dựng Đoàn luôn được các cấp bộ đoàn đặc biệt quan tâm thực hiện. Đoàn Thanh niên các cấp luôn xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng tổ chức các cấp, đặc biệt là tổ chức Đoàn ở địa bàn dân cư để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn về việc “Nâng cao chất lượng cơ sở đoàn”, Nghị quyết số 02 của Tỉnh đoàn về “Nâng cao chất lượng đoàn viên trong thời kỳ mới”; “Chương trình rèn luyện đoàn viên trong thời kỳ mới”...; tích cực tham gia cuộc vận động “Xây dựng chi đoàn mạnh”. Đó chính là cơ sở, môi trường, động lực để thanh niên rèn luyện, phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Thứ tư, cấp ủy các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải đánh giá, sử dụng thanh niên đúng người, đúng việc, đúng sở trường; mạnh dạn giao việc cho cán bộ trẻ, đặc biệt là cán bộ nữ... một cách hợp lý để phát huy năng lực, sở trường của từng cá nhân phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Năm 2009, thị xã Vị Thanh đề bạt 2/3 phó chủ tịch ủy ban nhân dân đều 31 tuổi, nhiều bí thư Đảng ủy xã, phường, trưởng phó phòng, ban các ngành huyện, thị xã có tuổi đời từ 30 - 35 tuổi. Đây chính là điều kiện tạo nguồn cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành trong những năm tiếp theo.

Vẫn còn nhiều việc phải làm trong những năm tiếp theo

Để tiếp tục làm tốt công tác phát triển đảng trong thanh niên, Đảng bộ Hậu Giang tập trung vào những công việc cụ thể như sau:

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Hậu Giang; góp phần quan trọng bảo đảm phát huy tốt nhất mọi nguồn lực và trí tuệ cho việc bồi dưỡng, đào tạo, hình thành thế hệ thanh niên cách mạng “vừa hồng, vừa chuyên” của Đảng bộ, phục vụ tốt nhất sự nghiệp chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh trong những năm sắp tới.

Hai là, không ngừng nâng cao nhận thức của các cấp ủy và đảng viên đối với công tác thanh niên. Công tác thanh niên là công tác của Đảng, của mỗi đảng viên và của mỗi một tổ chức đảng. Trong chương trình công tác định kỳ của mình (tháng, quý, năm, nhiệm kỳ), cấp ủy cần có chương trình công tác cụ thể lãnh đạo, chỉ đạo Đoàn Thanh niên; phân công cấp ủy viên phụ trách công tác thanh niên; chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nội dung công tác thanh niên; kiểm tra việc thực hiện các chủ trương về công tác thanh niên, trong đó chú trọng kiểm tra công tác phát triển đảng từ đoàn viên; thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và đối thoại với thanh niên; xây dựng quy chế, lề lối làm việc với cấp bộ đoàn và các ngành về công tác thanh niên...

Trong 2 năm gần đây, các tổ chức đoàn đã kết nạp 15.458 thanh niên vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Từ đó đã giới thiệu cho Đảng bồi dưỡng kết nạp được 3.543 đảng viên trẻ từ những phong trào cách mạng.

Ba là,
tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức công dân, lịch sử văn hóa dân tộc, truyền thống cách mạng của các địa phương trong tỉnh, để hình thành thế hệ thanh niên có những phẩm chất tốt đẹp, có ý chí, nghị lực và quyết tâm hành động thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các cấp ủy, chính quyền, các ngành cần tạo cơ hội cho thanh niên nông thôn được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách giáo dục, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, có tri thức và kỹ năng ngang tầm với thanh niên trong tỉnh và khu vực, cả nước. Đảng bộ Hậu Giang tiếp tục phấn đấu phát triển kinh tế, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tạo điều kiện cho thanh niên nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phát triển toàn diện. Coi trọng hơn nữa việc trọng dụng tài năng trẻ, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong bố trí và sử dụng cán bộ trẻ trên tất cả các lĩnh vực.

Bốn là, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về chủ trương, đường lối, sự chỉ đạo, công tác cán bộ, kiểm tra và nêu gương đảng viên trong công tác thanh niên. Tạo lập ý thức cộng đồng trách nhiệm, có sự hiểu đúng và nhận thức đầy đủ về công tác thanh niên. Công tác phát triển đảng trong thanh niên phải được nhận thức rất rõ đó là công việc, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, không phải và không chỉ là công việc của Đảng, của Đoàn. Không thể mọi yếu kém của thanh niên và công tác thanh niên đều “đổ lên đầu” Đoàn Thanh niên. Mỗi người, mỗi tổ chức đều có việc cần làm cho thanh niên và vì thanh niên./.