Đổi mới tư duy về tăng trưởng và phát triển nông nghiệp

Tin: Hà Bùi Ảnh: Đào Trọng Nguyên
23:28, ngày 17-04-2015
TCCSĐT - Đó là một trong những giải pháp then chốt nhằm đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, được đề xuất tại Hội thảo “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa - đột phá phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị - từ thực tiễn Hà Nam” diễn ra ngày 17-4-2015.

Hội thảo do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Hà Nam phối hợp tổ chức nhằm chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

 

Quang cảnh Hội thảo

Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội; Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam; Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang; Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương.

Về phía Tạp chí Cộng sản, có các đồng chí: Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Biên tập Thường trực; Phạm Đình Đảng, Phó Tổng Biên tập; Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập.

Qua 106 tham luận gửi tới Ban Tổ chức và 12 ý kiến phát biểu trực tiếp, Hội thảo đã thống nhất những nhận thức chung về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển bền vững và nâng cao vị thế, vai trò, chất lượng hệ thống chính trị.

 

Đồng chí Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo chỉ ra những thành tựu, hạn chế và những vấn đề đang đặt ra của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong 30 năm qua; những tác động qua lại của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đối với phát triển bền vững và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị nói chung và hệ thống chính trị các cấp ở Hà Nam; tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nam đối với việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững cũng như vị thế, vai trò của hệ thống chính trị đối với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và những vấn đề đặt ra từ thực tiễn của Hà Nam.

Hội thảo làm rõ những cơ hội, thách thức đặt ra với cả nước nói chung, Hà Nam nói riêng, từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm đẩy nhanh, hiệu quả hơn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh thời gian tới.

Để đẩy nhanh, mạnh, vững chắc quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đưa nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, từng bước thay đổi bộ mặt kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân, các đại biểu đề xuất 12 giải pháp, trong đó cần chú trọng công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội; đổi mới tư duy về tăng trưởng và phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất phải mang lại hiệu quả thực sự chứ không chỉ đơn thuần tăng về sản lượng, doanh thu hay giá trị xuất khẩu,… Đa số các đại biểu đều cho rằng cần nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; đẩy mạnh quá trình tích lũy ruộng đất, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, dịch vụ. Hội thảo cũng gợi mở những giải pháp để đưa công nghiệp vào phát triển nông thôn, phát triển công nghiệp nông thôn; liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học) như thế nào để có hiệu quả nhất, thiết thực nhất,…

 

Đồng chí Vũ Văn Phúc khẳng định những đóng góp tâm huyết của các đại biểu góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Vũ Văn Phúc khẳng định những đóng góp tâm huyết của các đại biểu góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, đồng thời nâng cao năng lực thực tiễn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và sự quản lý, điều hành của chính quyền tỉnh Hà Nam; sự vững mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nam.

Là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, năm 2014 tỉnh Hà Nam tăng trưởng 13,15%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 18,7%, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,4%, thu nhập bình quân đầu người tăng 19,2% so với năm 2013. Với các chủ trương đúng và trúng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển, Hà Nam thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài đạt kết quả tốt, là một trong 10 tỉnh đứng đầu cả nước.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nam có nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện để phát triển, hình thành liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp với hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ theo chuỗi giá trị,…

Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn và hệ thống chính trị các cấp ở Hà Nam vẫn còn không ít hạn chế và đặt ra nhiều thách thức.

Đồng chí Vũ Văn Phúc khẳng định những nội dung của Hội thảo sẽ được chắt lọc, báo cáo các cấp có thẩm quyền và sẽ được xã hội hóa đăng tải trên các ấn phẩm của Tạp chí Cộng sản, vận dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần thiết thực vào quá trình tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn sau gần 30 năm đổi mới và việc chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng./.