Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 26-01 đến ngày 01-02-2015)
EU cảnh báo về vị thế thành viên của Hy Lạp trong Eurozone
Tân Thủ tướng Hy Lạp. Ảnh: Reuters/TTXVN
Ngày 26-01-2015, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc với Hy Lạp rằng vị thế thành viên của nước này trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có nguy cơ lung lay nếu tân Thủ tướng A-lếch-xít Xi-prát (Alexis Tsipras) quyết định từ bỏ chính sách “thắt lưng buộc bụng” và không tuân thủ cam kết trả nợ đúng thời hạn. Phát biểu từ trụ sở của EU tại Brúc-xen (Bỉ), các quan chức EU cho biết họ sẵn sàng đàm phán với Chính phủ mới do đảng cảnh tả theo đường lối cấp tiến Xy-ri-za vừa giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử tại Hy Lạp đứng đầu, song khẳng định rằng A-ten phải tôn trọng các thỏa thuận vay và trả nợ hiện nay với các chủ nợ quốc tế.
Trong một thông báo ngày cùng ngày, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Crít-xtin La-gác-đơ (Christine Legarde) cho biết IMF sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Hy Lạp và mong muốn thảo luận với chính phủ mới của nước này. Trong khi đó, Nhà Trắng cũng bày tỏ hy vọng hợp tác chặt chẽ với Chính phủ mới của Hy Lạp. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Gien Pxa-ki (Jen Psaki) khẳng định khi chính phủ mới bắt đầu làm việc, Oa-sinh-tơn sẽ tham gia những nỗ lực quốc tế tiếp tục hỗ trợ Hy Lạp cải cách trong nước và thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Cần hoạch định các biện pháp đối phó với dịch bệnh trong tương lai
Ngày 27-01-2015, phát biểu tại trường Đại học Gioóc-giơ-thao ở Thủ đô Oa-sinh-tơn, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Gim Châng Kim (Jim Yong Kim) nhấn mạnh dịch Ê-bô-la đã cướp đi hàng nghìn sinh mạng và đang gây thiệt hại kinh tế nặng nề ở 3 nước nằm trong vùng dịch là Ghi-nê, Li-bê-ri-a và Xi-ê-ra Lê-ôn. Do đó, cộng đồng quốc tế cần bảo đảm ngăn chặn được sự bùng phát của dịch Ê-bô-la, đồng thời cần chuẩn bị các phương án đối phó với tình huống xảy ra những dịch bệnh nguy hiểm và lây lan nhanh hơn dịch Ê-bô-la. Theo ông, các chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cũng như các quỹ từ thiện cần tăng cường nỗ lực trong việc hoạch định các biện pháp đối phó dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.
Cùng ngày, tại Hội nghị Liên minh toàn cầu về Vắc-xin và Tiêm chủng (GAVI) diễn ra ở Thủ đô Béc-lin (Đức), tỷ phú người Mỹ Bin Ghết (Bill Gates) cho rằng có nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh mới nguy hiểm hơn dịch bệnh Ê-bô-la, kèm theo triệu chứng của bệnh cúm, hay Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính (SARS) hoặc một số loại vi-rút chưa từng xuất hiện trước đây, do vậy thế giới luôn phải sẵn sàng hành động. Nhà tỷ phú giàu nhất nước Mỹ cho rằng cần thiết phải lập các đội tình nguyện sẵn sàng được huy động trong những trường hợp khẩn cấp. Ông B. Ghết cũng đề cập tới vai trò của công nghệ mới trong việc nghiên cứu và điều chế các loại vắc-xin mới phòng, chống các căn bệnh nguy hiểm. Ngoài ra, việc áp dụng các công nghệ mới trong điện thoại di động cũng có thể giúp đẩy nhanh việc chẩn đoán và chữa trị cho các bệnh nhân.
Ngoại trưởng EU nhất trí mở rộng danh sách trừng phạt nhằm vào Nga
Ngày 29-01-2015, ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí bổ sung thêm những cái tên mới vào danh sách trừng phạt liên quan đến vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng U-crai-na. Động thái này được dự đoán sẽ làm leo thang căng thẳng giữa Nga với EU, vốn đã trở nên nghiêm trọng sau khi cuộc khủng hoảng tại U-crai-na bùng nổ. Giải thích cho quyết định trên, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Phê-đê-ri-ca Mô-gơ-ri-ni (Federica Mogherini) cho rằng tình hình tại miền Đông U-crai-na đang diễn biến xấu hơn là lý do khiến EU tăng cường sức ép đối với Nga. Trước đó, các nhà lãnh đạo EU đã chỉ thị cho ngoại trưởng các nước thành viên xem xét các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga trong cuộc họp được triệu tập khẩn cấp diễn ra tại Brúc-xen (Bỉ) vào ngày 29-01 nhằm trả đũa việc chiến sự leo thang tại miền Đông U-crai-na giữa quân đội của chính quyền Ki-ép với lực lượng đòi độc lập ở miền Đông.
Theo bà Ph. Mô-gơ-ri-ni, các ngoại trưởng EU nhất trí mở rộng danh sách những cá nhân bị cấm đi lại và phong tỏa tài sản trong vòng 6 tháng, từ tháng 3 đến tháng 9-2015. Song song với biện pháp gây sức ép trên, EU cũng chuẩn bị cho việc nghiên cứu các khả năng áp đặt trừng phạt tiếp theo, có thể là các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung nhằm vào Nga.
Nhật Bản kiên quyết không nhượng bộ khủng bố
Thủ tướng Sin-dô A-bê (Shinzo Abe) nhấn mạnh: “Nhật Bản sẽ quyết tâm nhận trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế chiến đấu với khủng bố”. Ảnh: ft.com
Việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hành quyết con tin thứ hai người Nhật Bản tiếp tục dấy lên sự phẫn nộ và phản đối mạnh mẽ trong dư luận Nhật Bản và quốc tế. Ngày 01-02-2015, Tại cuộc họp nội các và Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) tại Văn phòng Thủ tướng, Thủ tướng Sin-dô A-bê (Shinzo Abe) đã gọi đây là “tội ác hèn hạ đáng ghê tởm” và nhấn mạnh “Nhật Bản sẽ quyết tâm nhận trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế chiến đấu với khủng bố”, đồng thời chỉ thị triệt để bảo đảm an toàn cho người Nhật ở trong và ngoài nước. Ông khẳng định Nhật Bản sẽ mở rộng hoạt động nhân đạo như cung cấp lương thực và thuốc men thông qua sự hợp tác với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố.
Tại cuộc họp, một quan chức Cơ quan cảnh sát Nhật Bản cho biết “nạn nhân trong đoạn băng nhiều khả năng chính là nhà báo tự do của nước này Kên-gi Gô-tô (Kenji Goto)”. Trong đoạn băng quay cảnh hành quyết con tin mới nhất được công bố trên mạng in-tơ-nét đêm 31-01, nhà báo người Nhật Bản K. Gô-tô trong trang phục màu cam đã cáo buộc chính phủ nước này khiến ông bị sát hại. Cũng trong đoạn băng này, một người đàn ông đeo mặt nạ có giọng Anh, được cho chính là thành viên trong các đoạn băng hành quyết trước đó của nhóm IS, đã gọi việc sát hại con tin K. Gô-tô là mở màn cho “cơn ác mộng đối với Nhật Bản” và việc hành quyết con tin là hệ quả từ “những quyết định thiếu thận trọng” của chính quyền Tô-ki-ô./.
Một số vấn đề đặt ra trong xử lý mối quan hệ giữa đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế  (03/02/2015)
Văn hóa dân gian ứng dụng  (03/02/2015)
Việt Nam lên án mạnh mẽ vụ IS sát hại con tin người Nhật Bản  (03/02/2015)
Phó Chủ tịch nước dự lễ kỷ niệm thành lập Đảng tại Thái Nguyên  (03/02/2015)
Kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cộng hòa Séc  (03/02/2015)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên