Cách mạng xanh và những hệ lụy
Để cuộc cách mạng xanh lần thứ hai thực sự trở thành cách mạng xanh bền vững, từ góc độ văn hóa, chúng tôi phê phán những tiêu cực của cách mạng xanh lần thứ nhất, mà cách mạng xanh lần này cần khắc phục. Đó là: duy trì và phát huy mối liên kết cộng đồng địa phương về nguồn vốn xã hội, vai trò giới trong canh tác và chăn nuôi; khắc phục sự phụ thuộc thái quá của người nông dân vào các công ty quốc gia và liên quốc gia về cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp; kiểm soát tính an toàn của nguồn lương thực, thực phẩm nông nghiệp, hạn chế đến loại trừ các loại thực phẩm "bẩn" gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng.
I - Cách mạng xanh
Cuộc cách mạng xanh, tức cuộc cách mạng trên lĩnh vực nông nghiệp, đã bắt đầu từ thập niên 50 và 60 thế kỷ XX ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có hai trung tâm của cuộc cách mạng này, vừa diễn ra sớm vừa đạt được hiệu quả cao, đó là Mê-hi-cô và Ấn Độ. Thực chất của cuộc cách mạng xanh là bằng các biện pháp kỹ thuật, nhất là phân bón và thuốc trừ sâu và việc cung cấp giống mới bằng lai tạo, đã làm tăng năng suất đáng kể cho các loại cây trồng, nhất là lúa mì và lúa gạo. Ở Ấn Độ năng suất lương thực tăng lên gấp 2 - 3 lần, khiến nước này cùng với nhiều nước khác ở châu Á và châu Phi thoát khỏi nạn đói, hơn thế nữa, nó còn tạo ra nguồn lương thực dồi dào để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa ở nhiều nước.
Như vậy, từ khi con người xuất hiện cho tới nay, nhân loại đã chứng kiến hai cuộc cách mạng trong nông nghiệp, đó là cách mạng đá mới (Neolithic Revolution), phát minh ra nông nghiệp và cách mạng xanh (Green Revolution) làm tăng năng suất cây trồng, giải quyết thách thức thiếu lương thực. Nhà khảo cổ học Gorden Thilde(1) đưa ra thuật ngữ cách mạng đá mới để chỉ những bộ lạc nguyên thủy ở vùng Tiểu Á, Dương Tử (Trung Quốc) lần đầu tiên tách khỏi đời sống săn bắt và hái lượm, hoàn toàn khai thác các sản phẩm tự nhiên, chuyển sang trồng trọt, mở đầu một thời đại mới, thời đại văn minh nông nghiệp của loài người. Cựu giám đốc cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), William Gaul đã gọi sự thay đổi mang tính cách mạng trong nông nghiệp ở thế kỷ XX là "Cách mạng xanh". Ông nói: "Những sự chuyển biến này và những phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp hàm chứa các yếu tố làm nên cuộc cách mạng mới. Nó không phải là cuộc cách mạng đỏ như cuộc cách mạng Xô-viết và cũng không phải là cách mạng trắng như cuộc cách mạng của Shah tại I-ran, tôi gọi nó là cuộc cách mạng xanh"(2). Cùng với cuộc cách mạng xanh này, đã hình thành nên hai tổ chức nghiên cứu quốc tế, đó là Trung tâm Cải tạo giống ngô và lúa mì ở Mê-hi-cô (CIMMYT) và Viện Nghiên cứu về lúa ở Phi-lip-pin (IRRI) và Ấn Độ (IARI).
Cuộc cách mạng xanh đã có những ảnh hưởng sinh thái và xã hội to lớn đối với loài người, do vậy người ta đã đánh giá cao những gì mà nó mang lại. Thí dụ, tại ấn Độ sản lượng lương thực không vượt quá 20 triệu tấn, do vậy trong thời gian dài nước này luôn đối mặt với nạn đói kinh niên. Cuộc cách mạng xanh được tiến hành trong các thập niên 50 - 60 thế kỷ XX đã nâng sản lượng lương thực của nước này lên gấp 3, tức 60 triệu tấn, tạo ra các giống lúa IR8 có năng suất 8 tấn - 10 tấn/ha, nhiều giống hàm lượng dinh dưỡng cao. Một số giống lúa mì, ngô có năng suất cao cũng được Ấn Độ tạo ra hay nhập từ Mê-hi-cô, tạo nên sản lượng lúa mì và ngô của cả nước rất cao(3). Nhờ tăng năng xuất cây trồng, ở Mỹ, nếu vào năm 1945 một lao động trong nông nghiệp chỉ đáp ứng được nhu cầu về lương thực cho 14,6 người, thì năm 1977 con số đó đã tăng lên 56 người, khiến tỷ lệ lao động trong nông nghiệp chỉ còn 4,5% tổng số lao động của nước này.
Ở Việt Nam, sản xuất nông nghiệp vào các thập niên 70 - 80 cũng chịu những ảnh hưởng của cách mạng xanh. Đặc biệt chính sách khoán hộ được triển khai từ sau năm 1986 đã tạo nên sức phát triển cao của nông nghiệp, với tổng sản lượng lương thực của cả nước tăng lên hơn 2 lần. Đất nước không chỉ bảo đảm được an ninh lương thực, mà còn trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ.
Vào các năm đầu của thế kỷ XXI, do nhiều nguyên nhân sản lượng lương thực thế giới suy giảm, đất đai bị bạc màu và sa mạc hóa, sản lượng lương thực năm 2006 chỉ đạt 2 tỉ tấn, giảm 1% so với năm 2005, trong khi dân số tăng thêm 76 triệu người(4). Giá lương thực bị đẩy lên cao, dự đoán hàng trăm triệu dân của nhiều quốc gia châu Phi, châu á sẽ lâm vào tình trạng thiếu lương thực. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo: dự trữ lương thực của thế giới cũng ngày một suy giảm, nếu năm 1999 lượng lương thực dự trữ bảo đảm 33% nhu cầu, thì nay chỉ còn 20%. Trước thực tế đó, nhiều tổ chức quốc tế, như Liên hợp quốc, FAO kêu gọi các nước phải quan tâm nhiều hơn đến sản xuất nông nghiệp, kêu gọi thực hiện cách mạng xanh lần thứ hai.
II - Những hệ lụy của cách mạng xanh
Từ góc độ văn hóa, chúng tôi xin nêu ra một số mặt tiêu cực của cách mạng xanh lần thứ nhất đối với môi trường và con người.
1 - Có lẽ tác hại dễ thấy nhất của cách mạng xanh mà lâu nay các nhà nghiên cứu trên thế giới, nhất là từ giới nghiên cứu Âu - Mỹ đã nói nhiều, đó là tác hại làm môi trường tự nhiên bị suy kiệt, phá hoại từ đó góp phần cùng với các nhân tố khác dẫn đến sự biến đổi khí hậu theo hướng bất lợi cho cuộc sống con người. Hiện tượng này diễn ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
- Trước nhất, do nhu cầu lương thực nên diện tích canh tác được mở rộng, nhiều nơi rừng bị chặt phá để lấy đất trồng lương thực, nhất là việc sử dụng vô hạn các loại phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu đã làm đất đai bị bị bào mòn, vô cơ hóa, độ phì bị suy giảm, tính đa dạng sinh học của đất trồng trọt bị suy kiệt. Đây là cuộc chạy đua không có hồi kết thúc, một vòng luẩn quẩn không có lối ra: càng đẩy mạnh trồng trọt, tăng vụ, đầu tư phân bón nhiều để tăng năng suất thì càng làm đất đai suy kiệt, càng phải đầu tư vào đất phân và thuốc trừ sâu với mức độ cao hơn và do vậy sự thoái hóa của đất càng nhanh hơn. Nhiều nơi trên thế giới sau một thời kỳ canh tác, đất bị thoái hóa, bạc mầu, sa mạc hóa, không thể gieo trồng được nữa. Người ta càng tăng tốc độ phá rừng để lấy đất canh tác, rừng trên hành tinh bị thu hẹp, càng ảnh hưởng trực tiếp tới biến đổi khí hậu. Thí dụ, ở Ấn Độ tốc độ cách mạng xanh đẩy mạnh thì diện tích đất đai bị sa mạc hóa cũng tăng rất nhanh. Đấy là chưa kể, cùng với quá trình công nghiệp hóa, nhiều đất đai nông nghiệp bị thu hẹp lại phục vụ cho mở rộng các chương trình sản xuất công nghiệp, cho mở mang phát triển đô thị, du lịch, phục vụ đời sống thị dân.
- Nền nông nghiệp truyền thống, về cơ bản, dựa trên hệ canh tác tự túc, tức là sau quá trình canh tác, thông qua các kỹ thuật luân canh, hưu canh, xen canh và gối canh, đất đai tự hồi phục, không hoặc ít cần sự đầu tư, bổ sung từ bên ngoài(5), nay nền nông nghiệp chuyển hẳn sang hệ canh tác bổ sung - bổ sung phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật, nên đã phá vỡ cấu trúc tự nhiên của đất canh tác, làm suy giảm độ màu, mùn và sự thông thoáng của đất. Đấy là chưa kể tới việc do đưa vào quá nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật đã tiêu diệt hệ vi khuẩn có lợi cho cây trồng, phá vỡ hệ canh tác đa canh, luân canh, xen canh, gối canh.
Nông học hiện đại chứng minh rằng, việc trồng trọt độc canh sẽ dẫn tới làm nghèo độ phì của đất, giảm năng xuất cây trồng, không thể thực hiện được hệ canh tác xen canh giữa các loại cây trồng, giữa cây trồng và vật nuôi. Thí dụ, vào các thập kỷ 60 - 70 trở về trước, người Thái, Tày, Mường ở Việt Nam thường kết hợp trồng lúa và nuôi cá ruộng, nay do tăng vụ, dùng phân hóa học, đặc biệt là thuốc trừ sâu đã phá vỡ sinh thái đồng ruộng, không thể nuôi cá kết hợp với trồng lúa nữa. Đấy là chưa kể cả hệ thống sông suối cũng bị ảnh hưởng, làm suy giảm đáng kể các loài thủy sản, làm mất đi một nguồn đạm thủy sản vẫn thường phục vụ cho bữa ăn hằng ngày của nông dân.
2 - Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới trong canh tác nông nghiệp, nhất là kỹ thuật dùng phân hóa học và các loại thuốc trừ sâu, việc đưa các giống mới vào trồng trọt và cùng với nó là các biện pháp kỹ thuật đi kèm, thực sự đã đưa đến việc phá vỡ hệ thống tri thức bản địa lâu đời của người nông dân, vốn được tích lũy qua bao thế hệ về môi trường, khí hậu, đất đai canh tác, cùng với nó là các biện pháp kỹ thuật trong trồng trọt, trong lựa chọn tập đoàn cây trồng, phòng trừ sâu bệnh, trong thu hoạch lúa và hoa mầu và việc bảo quản sau thu hoạch...Tất nhiên, khi áp dụng các giống cây trồng mới nhập ngoại thì tri thức bản địa về cây trồng và kỹ thuật trồng trọt cũng bị thay đổi theo. Sự mất mát và đứt gãy đó là quá lớn dẫn đến sự học hỏi và trao truyền kiến thức địa phương bị đứt đoạn, trong khi người bản xứ lại chưa kịp tiếp thu các kỹ thuật mới. Cách học hỏi và trao truyền kiến thức về nông học bây giờ cũng ít nhiều thay đổi theo cách huấn luyện những người trẻ tuổi, cách trao truyền thế hệ thông qua thực hành trong môi trường gia đình cũng bắt đầu suy giảm, khiến ở một số nơi, như ở nông thôn Việt Nam từ chỗ người ta định giá trị "Lão nông tri điền" thì nay thành "Lão nông bất tri điền".
Không những kho vốn tri thức bản địa về nông học bị phá vỡ, mai một, mà cả một kho tàng nguồn gen các tập đoàn cây trồng, vật nuôi bản địa cũng bị mất. Như chúng ta đều biết, ở mỗi tộc người hay địa phương, việc lựa chọn giống cây trồng thích hợp là quá trình kéo dài hằng nghìn năm, từng loại phù hợp với các chất đất, khí hậu, thổ ngơi, vừa cho năng suất ổn định vừa tạo chất lượng tốt nhất. Khi trồng các loại cây trồng này, người địa phương tính toán đến các kỹ thuật chăm sóc sao cho hạn chế đầu tư, các biện pháp kỹ thuật đơn giản, ít dùng các loại phân bón, thuốc trừ sâu làm tổn hại đến đất và môi trường. Sản phẩm cây trồng vừa ngon vừa bảo đảm chất lượng. Thí dụ, ở Việt Nam, các loại lúa nổi tiếng, như nếp cái hoa vàng, tám thơm, gạo dự... nổi tiếng thơm ngon, các giống vật nuôi như gà ri, lợn ỉ rất ngon thịt, tuy năng suất có bị hạn chế.
Đối với những cư dân canh tác nương rẫy, tập đoàn các giống lúa, hoa mầu rất phong phú, tính ra tới hàng mấy chục loại, mỗi năm gia đình gieo trồng tới 5 - 6 loại khác nhau phù hợp với từng mảnh đất trên sườn núi hay dưới chân núi thấp, nắng nhiều, chịu gió hay có độ che phủ, nơi khuất gió, thời gian canh tác dài hay ngắn...Nay với giống lúa mới, thường đồng loạt, ít có sự lựa chọn. Người ta tính toán rằng, với các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, thường thì chất lượng dinh dưỡng tốt, hợp khẩu vị, nhưng đầu tư phân bón và kỹ thuật thấp, ít tổn hại tới môi trường, còn các giống cây trồng và vật nuôi mới ngoại nhập trong cách mạng xanh thì thường có năng suất cao, đòi hỏi đầu từ kỹ thuật lớn, ảnh hưởng có hại với môi trường. Do vậy, nhiều nơi ở Việt nam, sau một thời gian du nhập giống cây trồng và vật nuôi mới, người nông dân lại quay trở lại các giống cây trồng và vật nuôi cũ. Rất tiếc, lúc đó, nhiều giống cây trồng và vật nuôi truyền thống đã bị mất hay bị lai giống, không còn nguyên gốc như xưa kia nữa.
3 - Cách mạng xanh là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng giống cây trồng, vật nuôi và các biện pháp kỹ thuật chủ yếu xuất phát từ bên ngoài, từ các thành tựu khoa học - kỹ thuật, nó là một nền nông nghiệp "mở". Do vậy, một mặt, nó phá vỡ tính khép kín cộng đồng địa phương, đưa người nông dân đến với thị trường; mặt khác, với bên ngoài, làm suy yếu sự liên kết, nguồn lực nội bộ, buộc người nông dân phụ thuộc nhiều hơn vào các công ty cung cấp giống, phân hóa học và thuốc trừ sâu. Sự thay đổi xã hội trên của người nông dân vừa thể hiện mặt tích cực, song cũng tỏ rõ mặt tiêu cực.
Người nông dân trong cuộc cách mạng xanh, ở những mức độ khác nhau dần trở thành một khâu của nền kinh tế sản xuất hàng hóa, trong đó, đầu vào như giống, kỹ thuật, vật tư sản xuất cũng như những nông sản đầu ra đều ít nhiều trở thành một thứ hàng hóa, đó là quy luật tất yếu của quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp. Tuy nhiên, ở đây một nghịch lý diễn ra mà thực tế mấy thập kỷ qua đã chứng minh rằng, cuộc cách mạng xanh càng đẩy mạnh và đi vào chiều sâu thì người nông dân càng bị buộc chặt vào thị trường, mà ở đó các công ty quốc gia, xuyên quốc gia cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, cung cấp vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...giữ vai trò lũng đoạn chủ yếu. Nói cách khác, càng sản xuất thì người nông dân càng bị phụ thuộc, năng suất cao nhưng lợi nhuận chảy vào túi các công ty tư bản hơn là vào túi người nông dân và như vậy, về phương diện nào đó người nông dân, nhất là nông dân ở thế giới thứ ba càng bị bóc lột nhiều hơn.
Cách mạng xanh với tư cách là quá trình công nghiệp hóa trong nông nghiệp, thị trường hóa đã thực sự tác động đến xã hội nông thôn và nông dân. Như ở phần trên chúng tôi đã nhấn mạnh đến sự nghèo nàn và mai một tri thức nông nghiệp truyền thống, cùng với nó là các kết cấu xã hội tương ứng, niềm tin và mối liên kết xã hội, để từ đó hình thành nên một kết cấu xã hội, liên kết xã hội mới tương ứng với sự thay đổi căn bản dựa trên cuộc cách mạng kỹ thuật nông nghiệp. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự mất đi nguồn vốn xã hội (social capital) truyền thống để hình thành những nguồn vốn xã hội mới. Trong tình huống giao thời như vậy, tính cố kết cộng đồng bị rạn nứt, vai trò giới, mà ở đây là người phụ nữ vẫn thường đóng vai trò lớn trong hệ thống nông nghiệp truyền thống cũng bị ảnh hưởng.
4 - Cách mạng xanh không chỉ tác động đến xã hội nông thôn, mà còn tác động đến sức khỏe con người không kể họ ở nông thôn hay đô thị. Không thể phủ nhận một số giống cây trồng, vật nuôi được lai tạo vừa có năng suất cao, vừa có hàm lượng dinh dưỡng bảo đảm, tuy nhiên, nhìn chung, do nông nghiệp hiện đại bị phụ thuộc nhiều vào việc dùng phân bón, thuốc bảo vệ và bảo quản thực phẩm, nên đã ảnh hưởng đến chất lượng lương thực, thực phẩm, thậm chí trong chúng còn hàm chứa nhiều độc tố do khiếm khuyết về kỹ thuật và sự thiếu trách nhiệm của con người, từ đây đặt ra vấn đề an toàn lương thực, thực phẩm, hiện tượng lương thực, thực phẩm "bẩn" đã và đang trở thành mối lo ngại lớn nhất của con người hiện nay. Tình trạng càng nguy hiểm hơn khi mà các nguồn lương thực thực phẩm "bẩn" đã xuất hiện ở mọi nơi, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của xã hội, để lại những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cũng như sự tốn kém tiền của để khắc phục tình trạng này.
Vấn đề thực phẩm biến đổi gen cũng là một kết quả của cách mạng xanh hiện đang gây ra những thảo luận chưa có hồi kết về phương diện khoa học, xem loại thực phẩm này có lợi hay để lại tác hại cho sức khỏe con người, từ đây cũng đặt ra vấn đề xuất khẩu mậu dịch loại thực phẩm này. Đi đầu trong lĩnh vực thực phẩm biến đổi gen là nước Mỹ, sau đó là Ác-hen-ti-na, Ấn Độ, Trung Quốc với tổng diện tích khoảng 114 triệu ha, mức tăng trưởng hằng năm là 12%. Đây cũng là cuộc đấu tranh giữa Mỹ và Liên minh châu Âu về cho phép nhập khẩu khoai tây và ngô biến đổi gen của Mỹ vào thị trường EU.
Bên cạnh những thành công rõ rệt như tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, cứu nhiều khu vực, quốc gia trên thế giới thoát khỏi nạn đói thì cách mạng xanh cũng để lại những hệ lụy không nhỏ cho xã hội loài người. Hệ luỵ đó thể hiện trên hai phương diện, đó là tác động theo chiều hướng xấu đến môi trường, góp phần vào sự biến đổi khí hậu trái đất và ảnh hưởng tới xã hội và sức khỏe con người. Đó cũng là hai phương diện khủng khoảng của nền văn minh nhân loại cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, nó trực tiếp đe dọa sự tồn tại, phát triển, thậm chí là sự hủy diệt của nền văn minh này.
III - Nhân loại cần cuộc cách mạng xanh bền vững
Đứng trước nguy cơ thiếu lương thực đã và đang diễn ra hiện nay, một lối thoát tất yếu có lẽ là cần thực hiện cuộc cách mạng xanh mới. Tuy nhiên, đây là cuộc cách mạng xanh nào? không thể là tiếp tục đi theo "vết xe" của cuộc cách mạng xanh trước bởi hệ quả của nó sẽ càng làm trầm trọng hơn cuộc khủng khoảng văn minh nhân loại. Đây phải là cuộc cách mạng xanh bền vững. Vậy cách mạng xanh bền vững là gì?
- Trước nhất, cuộc cách mạng xanh bền vững phải thân thiện hơn với môi trường, nó không đánh đổi sự suy giảm môi trường lấy năng suất sản lượng cao của cây trồng. Muốn làm được điều đó, nó phải chú ý tới tính đa dạng và tận dụng tính đa dạng của hệ sinh thái truyền thống, dựa trên đa dạng sinh học, nông nghiệp sinh thái hữu cơ; tới việc khai thác và kết hợp tri thức bản địa và tri thức khoa học. Cuộc cách mạng xanh lần này không chú ý nhiều đến mục tiêu duy nhất là đưa ra các loại giống cây trồng cao sản, mà quan tâm nhiều hơn đến khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, tạo nên sự hài hòa giữa giống cây trồng với các nguồn tài nguyên thiên nhiên. áp dụng công nghệ mới, nhưng những công nghệ đó phải thân thiện với môi trường, dù đó là công nghệ biến đổi gen.
Bảo vệ môi trường đồng bằng sông Cửu Long  (10/12/2008)
Một số vấn đề về giáo dục quyền con người ở Việt Nam hiện nay  (09/12/2008)
Để giữ vững những nguyên tắc xây dựng đạo đức của Hồ Chí Minh  (09/12/2008)
Những thách thức trong bảo vệ môi trường  (09/12/2008)
Việt Nam với Tuyên ngôn thế giới về quyền con người  (08/12/2008)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển