Liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long trong tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng
TCCSĐT - Ngày 17-10-2014, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thành ủy Cần Thơ và Trường Đại học Cần Thơ phối hợp tổ chức Hội thảo: “Liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long trong tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; đồng chí Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế họach và Đầu tư; đồng chí Phạm Gia Túc, Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ và đồng chí Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia, nhà khoa học ở nhiều viện, trường, trung tâm nghiên cứu khoa học trong nước.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh: Thời gian qua, những chủ trương, chính sách phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long của Đảng và Nhà nước đã được triển khai tích cực và đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong 10 năm gần đây, 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có những nỗ lực mạnh mẽ trong khai thác các tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế toàn vùng phát triển. Đến nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã dần thoát khỏi tình trạng kém phát triển; kinh tế toàn vùng có tốc độ tăng trưởng khá cao so với bình quân chung của cả nước (từ năm 2010 - 2011 là 11,7%, từ năm 2012-2013 trên 9%); tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm; nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp được xây dựng và đi vào hoạt động; bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị cao, đóng vai trò quyết định trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam như lúa gạo, thủy sản, trái cây. Tuy nhiên, đời sống và thu nhập của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn ở mức thấp hơn bình quân chung cả nước.
Trong quá trình phát triển vừa qua, một trong những vấn đề lớn đang đặt ra cho vùng đồng bằng sông Cửu Long là nếu chỉ dựa vào “lợi thế tĩnh” về điều kiện tự nhiên mà mỗi địa phương có được để thực hiện chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư, thiếu sự liên kết chặt chẽ để tạo ra “lợi thế động” nhằm tối ưu hóa các nguồn lực hữu hạn thì khó có thể đẩy mạnh phát triển và nâng cao sức cạnh tranh toàn vùng. Tình trạng phát triển thiếu liên kết vùng thời gian qua đã dẫn đến thực trạng là nhiều địa phương trong vùng đầu tư trùng lặp, có lúc còn có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh để thu hút đầu tư giữa các tỉnh, thành bằng cách “phá rào”, đưa ra các ưu đãi quá lớn để thu hút các nhà đầu tư, gây tổn thất cho lợi ích kinh tế chung của cả vùng, cả nước. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do còn thiếu các thể chế về kinh tế vùng và liên kết vùng cũng như cơ chế điều phối vùng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Hội thảo này nhằm đánh giá thực trạng liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất những định hướng, giải pháp liên kết vùng trong thời gian tới. Hội thảo cũng là dịp để tập hợp ý kiến của các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà khoa học ở các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đóng góp cho Dự thảo Quy chế thí điểm Liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2014-2019 và Chương trình hành động để liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long trong tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Gần 60 tham luận và nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi tại hội thảo đã tập trung vào các vấn đề: Dự thảo Quy chế thí điểm liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2014 - 2019; Chính sách liên kết vùng và định hướng liên kết vùng trong tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; Thực trạng liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua - giải pháp liên kết giai đoạn 2015 - 2020; Quy hoạch chiến lược phát triển vùng hướng tới tăng trưởng xanh cho vùng đồng bằng sông Cửu Long; Phát triển hạ tầng thúc đẩy liên kết vùng; Cơ chế đặc thù cho vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển tương xứng với tiềm năng; Tái cơ cấu, phát triển bền vững nền nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở liên kết vùng; Phát triển nguồn nhân lực để tái cơ cấu nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long;…
Hội thảo nhất trí quan điểm: Để thực hiện thành công chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện căn bản thể chế vùng, đẩy nhanh việc cơ cấu lại các tiểu vùng kinh tế theo một số định hướng và giải pháp chủ yếu sau:
- Rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, khắc phục tình trạng không gian kinh tế vùng bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Trên cơ sở các quy hoạch và kế hoạch được phê duyệt, cần tập trung các nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cho toàn vùng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
- Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trên cơ sở quy hoạch và tổ chức lại không gian sản xuất theo hướng liên kết vùng; liên kết chặt chẽ sản xuất với tiêu thụ trên cơ sở các nông trại quy mô lớn và doanh nghiệp; gắn tổ chức sản xuất với chuỗi giá trị liên kết vùng, liên kết quốc tế, nhất là đối với những sản phẩm chủ lực của vùng…
- Tạo lập thể chế kinh tế ưu đãi cho vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế trọng điểm khác để các vùng kinh tế này thực sự trở thành đầu tàu, là động lực phát triển lan tỏa.
- Quy hoạch và xây dựng thể chế kinh tế cho vùng sản xuất nông nghiệp hiện đại với quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh cao, kết nối với quốc tế, kể cả việc có thể hình thành đặc khu nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long nhằm tạo cực tăng trưởng và thể nghiệm thể chế mới.
- Thúc đẩy liên kết vùng các tỉnh ven biển, phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, đảo, nhất là cảng biển, vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển, các dịch vụ hậu cần, du lịch, dầu khí, khai thác hải sản xa bờ… gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và đảm bảo an ninh, an toàn trên biển.
- Hoàn thiện thể chế phân công, phân cấp giữa trung ương và địa phương; thiết lập tổ chức chủ trì điều phối cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long để vừa đảm bảo tính tập trung thống nhất của nền kinh tế vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương; quy định cụ thể và thực thi tốt cơ chế điều phối vùng kinh tế.
- Các địa phương trong vùng cần chủ động xây dựng các đề án quy hoạch các tiểu vùng liên kết sản xuất nông nghiệp như: vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng nuôi tôm, vùng nuôi cá tra, vùng cây ăn quả để hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, cùng chung về chiến lược, quy hoạch, kêu gọi đầu tư, quản lý chất lượng, phát triển các chuỗi giá trị quy mô lớn để cạnh tranh quốc tế…/.
Người Việt tại Australia quyên góp ủng hộ Hoàng Sa, Trường Sa  (17/10/2014)
Kỳ họp thứ 8: Số lượng kỷ lục các dự án luật sẽ được Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại một kỳ họp  (17/10/2014)
Liên hợp quốc tin tưởng rằng Việt Nam sẽ là đối tác tin cậy trong gìn giữ hòa bình  (17/10/2014)
Tổng Bí thư dự Lễ khai giảng năm học của Học viện An ninh  (17/10/2014)
Đại hội đồng IPU chào mừng Việt Nam là chủ nhà của kỳ họp 132  (17/10/2014)
Chủ tịch Quốc hội tiếp các cựu chiến binh Đoàn tàu không số  (17/10/2014)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển