TCCS - “Nếu không chuẩn bị đội ngũ cán bộ trẻ ngay từ bây giờ, khoảng 10 năm nữa, khi lớp cán bộ hiện nay nghỉ, Hưng Yên sẽ hụt hẫng cán bộ cơ sở được đào tạo bài bản nghiêm trọng”. Đó là khẳng định của bà Đỗ Thị Phượng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên, khi trả lời phỏng vấn Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở liên quan tới việc thu hút 300 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về công tác tại xã, phường trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên (PV): Được biết, hiện nay, Hưng Yên vẫn còn những đồng chí Bí thư Đoàn Thanh niên xã đã ở độ tuổi... 50. Bất cập trên, nhìn tổng thể, nói lên điều gì về chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở, thưa bà?

Bà Đỗ Thị Phượng: Nhìn đội ngũ cán bộ Đoàn Thanh niên cấp xã tại Hưng Yên, hiện nay, 70% đã quá tuổi theo quy định của Trung ương Đoàn. Khi các đồng chí trên hết tuổi tham gia Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên, nhưng do thiếu trình độ chuyên môn, nên không biết sắp xếp, bố trí ở đâu, do vậy mới có những đồng chí trên 50 tuổi vẫn làm công tác đoàn. Thực trạng trên là bất cập trước mắt và cũng là một “mảng không vui” trong tổng thể bức tranh về cơ cấu và chất lượng còn hạn chế của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở của Hưng yên.

Mặc dù trình độ đội ngũ này ngày càng được nâng lên, song do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, chất lượng vẫn thấp. Tính tới tháng 12-2009, Hưng Yên có tổng số trên 2.900 cán bộ và công chức xã, phường; trong số 1.650 cán bộ chuyên trách có tới 975 đồng chí (61%) chưa đạt chuẩn (có trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo), có đồng chí mới học xong tiểu học, độ tuổi phần lớn là từ 50 - 60; công chức cũng có tới 19% chưa đạt chuẩn, trong đó có 201/1.083 người chưa qua đào tạo.

Trình độ đội ngũ cán bộ hạn chế đã ảnh hưởng lớn tới hiệu quả thực thi công vụ tại cơ sở, vô hình trở thành một rào cản đối với sự phát triển của địa phương. Nguyên nhân của thực trạng trên trước hết do tồn dư của lớp cán bộ trước, nhiều đồng chí đã có tuổi, trình độ lại thấp nên không có khả năng học tập tiếp, chỉ chờ đủ số năm đóng bảo hiểm để nghỉ. Mặt khác, cũng có nguyên nhân do chính sách. Chẳng hạn trước đây, theo Nghị định số 121/2003/NĐ-CP, ngày 21-10-2003, của Chính phủ, cán bộ chuyên trách theo chế độ bầu cử có duy nhất 2 bậc lương. Bởi vậy, trình độ có cao, thấp thế nào, mức lương vẫn chỉ xoay quanh duy nhất 2 mức lương trên. Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, ngày 22-10-2009, của Chính phủ đã bước đầu khắc phục nhược điểm này, theo đó, cán bộ chuyên trách đạt chuẩn sẽ được xếp lương theo ngạch, bậc công chức. Điều này, như một lẽ tự nhiên, khi lợi ích sát sườn gắn với trình độ, sẽ khuyến khích cán bộ tự học tập...

Trước thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở còn hạn chế, những người làm tham mưu về chế độ đối với cán bộ cho tỉnh như chúng tôi hết sức trăn trở, từ đó nung nấu mong muốn xây dựng những cơ chế, chính sách góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ này. Việc thu hút 300 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về xã công tác là một minh chứng. Đây là chính sách thể hiện được truyền thống “chiêu hiền, đãi sĩ” của mảnh đất văn hiến - phố Hiến, có ý nghĩa quan trọng chuẩn bị nguồn cán bộ trẻ có trình độ cho cơ sở, cũng như bổ sung cho cấp huyện, cấp tỉnh sau này.

PV: Thưa bà, cơ chế thu hút 300 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về xã cụ thể ra sao và thực sự “thảm đỏ” đã được trải một cách rộng, hẹp như thế nào?

Bà Đỗ Thị Phượng: Phải nói thực rằng, “đường” về xã của sinh viên hiện nay còn quá “gập ghềnh”. “Gập ghềnh” vì nhiễu nỗi, do cơ chế, chính sách, do tâm lý, quan niệm của chính gia đình và các em. Nếu không có cơ chế riêng, việc có được sinh viên chính quy về công tác tại xã, phường là rất khó.

Đề án thu hút sinh viên của Hưng Yên ban hàng tháng 3-2009, xác định, các em về xã công tác, điều kiện gia đình cũng còn nhiều khó khăn, do đó phải có những hỗ trợ thiết thực về mặt tài chính. Hỗ trợ này thể hiện ở việc tuyển dụng không qua thi tuyển, mà đặc cách xét tuyển; mỗi em nhận được 3 triệu đồng ngay sau khi về công tác, hỗ trợ 15% cho đủ 100% bậc lương khởi điểm 2,34, mỗi tháng hỗ trợ sinh hoạt phí 300 nghìn đồng, trong thời gian 1 năm làm công chức dự bị, hoặc cán bộ bán chuyên trách. Như vậy, tổng số mỗi năm, ngân sách của tỉnh dành cho một sinh viên về xã là trên 24 triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu mới chỉ dừng lại ở những hỗ trợ về tài chính như trên, sức hút đối với sinh viên chưa mạnh. Quan trọng hơn, chính sách đã mở ra khả năng mang tính dài hạn, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức xã trẻ và có trình độ phát triển trong tương lai. Trước hết, công chức dự bị được “dành chỗ” để chuyển lên thành công chức chính thức hoặc bổ sung ngay những vị trí công chức đang còn khuyết, thiếu. Số định biên tại xã, phường không nhiều, do đó trước đây, sinh viên về công tác tại xã, có khi phải dự bị nhiều năm mà vẫn chưa được chuyển chính thức, vì phải chờ đợi công chức lớp trước nghỉ mới được thay thế. Điều này dẫn tới tâm lý chán nản của các em. Hiện nay, với việc thực hiện Nghị định 92 của Chính phủ như đã nói ở trên, số định biên tại xã, phường của Hưng Yên còn thiếu tới 463 vị trí, trong đó riêng công chức là 422 người, mở ra cơ hội rất lớn cho các em.

Công chức sau thời gian công tác tại xã, được phòng chuyên môn cấp huyện đánh giá. Đây được lấy làm căn cứ để tạo nguồn và điều động, luân chuyển những công chức có năng lực lên các cấp chính quyền cao hơn khi cần thiết. Đối với những vị trí công tác do bầu cử, chúng tôi cũng mạnh dạn đề cử số sinh viên trẻ có năng lực, phẩm chất, để các em tập dượt, sau này giữ những vị trí chủ chốt của xã, phường.

Cơ chế để thu hút 300 sinh viên về xã công tác của Hưng Yên chưa thực sự là đột phá nếu so với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Song trong điều kiện của tỉnh và so với trước, có thể nói là “thảm đỏ” Hưng Yên đã được trải ra, mời gọi các trí thức trẻ về.

PV: Quá trình triển khai đề án thu hút sinh viên trên có gặp phải trở ngại nào không, thưa bà?

Bà Đỗ Thị Phượng: Trước hết, đó là trở ngại trong nhận thức. Việc tuyển dụng của nhiều xã, phường lúc ban đầu hết sức khó khăn, do nhu cầu tuyển dụng của địa phương bị nhiều cán bộ lãnh đạo xã, phường không công khai, thậm chí che giấu. Vì lẽ, một số đồng chí có tâm lý không muốn bị lớp trẻ “vượt mặt” do cán bộ trẻ có trình độ, hoặc muốn giữ chỗ cho con, cháu mình. Mặt khác, bản thân mỗi sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng ngại về xã, phường công tác, do điều kiện làm việc và cơ hội phát triển hạn chế. Những trở ngại về tâm lý trên là nguyên nhân khiến thời gian đầu chính sách bị ngưng trệ. Lãnh đạo tỉnh phải sát sao, thậm chí gắt gao chỉ đạo và xuống cơ sở làm việc cụ thể, đồng thời, việc tuyên truyền về chính sách đãi ngộ, chế độ ưu đãi, vinh dự và trách nhiệm của người cán bộ trẻ đi tiên phong công tác tại cơ sở được đẩy mạnh. Phải 3 tháng sau khi triển khai đề án, chúng tôi mới đón được những sinh viên về công tác tại xã đầu tiên thuộc huyện Ân Thi.

Trở ngại tiếp theo là chất lượng sinh viên về công tác tại các xã chưa như mong đợi. Qua tìm hiểu, có trường hợp do chưa xin được việc nên đành “nhắm mắt” về xã công tác. Hơn nữa, chính sách chưa có sức hút và lan tỏa rộng khắp để tạo ra khả năng thu hút chéo giữa các nơi, nên vẫn là, sinh viên của địa phương nào lại về địa phương đó.

Tuy nhiên, vượt lên trên những khó khăn, đề án thu hút sinh viên vẫn cho thấy tính đúng đắn và cần thiết của mình. Chính vì vậy, hiệu quả của chính sách bước đầu được phát huy. Đến nay, 75 sinh viên về các xã, phường công tác. Qua làm việc hơn một năm, đội ngũ công chức dự bị trên nhận được những đánh giá tốt từ cơ sở, nhất là khả năng thích ứng nhanh, cách thức triển khai nhiệm vụ bài bản. Đặc biệt, những công chức tốt nghiệp đại học các ngành luật, xây dựng... đã có những tham mưu xác đáng cho lãnh đạo xã, phường, qua đó hạn chế nhiều sai phạm vẫn xảy ra nhiều từ trước tới nay, nhất là trong lĩnh vực đất đai, vi phạm luật pháp, do sự thiếu hiểu biết hoặc lối làm việc theo cảm tính của không ít cán bộ. Trong tương lai, những sinh viên trên sẽ thay thế dần vào vị trí công chức và các chức danh bầu cử tại cơ sở.

Để tạo bước đột phá và sức hút sinh viên hơn nữa, đến giai đoạn 2 của đề án (2011 - 2015), các chính sách sẽ tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung, nằm trong lộ trình khắc phục những bất cập còn tồn tại về chính sách hiện nay đối với cán bộ, công chức cơ sở của Hưng Yên.

Bảng lương và phụ cấp một số chức danh cán bộ chuyên trách, không chuyên trách, công chức cơ sở tại phường Lê Lợi, thành phố Hưng Yên

STT

Chức vụ

Mức lương (đồng)

    1

Chủ tịch UBND

      1.722.500

    2

Công chức địa chính - xây dựng

      1.950.000

    3

Chủ tịch Hội Phụ nữ

      1.462.000

    4

Phó chủ tịch Hội Phụ nữ

           85.000

    5

Phát thanh viên

           58.500

* Từ bảng lương trên cho thấy một số bất cập:

- Chức danh chủ chốt là chủ tịch UBND mức lương thấp hơn so với công chức địa chính - xây dựng (dù đồng chí chủ tịch UBND đã tốt nghiệp đại học, trách nhiệm và tuổi đời cao hơn).

- Giữa chức danh trưởng và phó có sự chênh lệch lương và phụ cấp quá lớn (như chủ tịch Hội Phụ nữ và phó chủ tịch Hội Phụ nữ.

- Chức danh không chuyên trách thấp nhất là 65.000đ, quá thấp so với hiện nay.

 
PV: Nhân nói về những bất cập trong chính sách đối với cán bộ, công chức cơ sở, bà có thể nêu một cách cụ thể?

Bà Đỗ Thị Phượng: Mức phụ cấp của nhiều chức danh cán bộ không chuyên trách quá thấp. Tại Hưng Yên hiện nay, có những cán bộ không chuyên trách chỉ hưởng mức phụ cấp thấp nhất là 165 nghìn đồng. Sự chênh lệch giữa cấp trưởng và cấp phó, một bên là cán bộ chuyên trách hoặc công chức, một bên là cán bộ không chuyên trách cũng rất lớn, trong khi cấp phó nhiều khi nhiệm vụ lại nặng nề không kém gì cấp trưởng.

Theo Nghị định 92, mỗi thôn, tổ dân phố, chỉ có 3 cán bộ không chuyên trách được hưởng phụ cấp từ ngân sách Trung ương (thường là bí thư chi bộ, trưởng, phó thôn). Tuy nhiên, trên thực tế, có những xã, phường, do đông dân, có tới 4, 5 tổ dân phố, tương ứng với 4, 5 tổ trưởng; hoặc số lượng đảng viên đông, có tới 4, 5 chi bộ, tương ứng với 4, 5 bí thư chi bộ. Vậy, trong các đồng chí trưởng thôn, bí thư chi bộ đó, do quy định chỉ có 3 người được hưởng phụ cấp, thì ai sẽ được hưởng, ai không? Hoặc, nếu địa phương linh động dùng ngân sách của mình chi trả thêm cho những đồng chí không được hưởng phụ cấp từ ngân sách Trung ương, thì ai sẽ được hưởng phụ cấp Trung ương, ai hưởng của tỉnh? Điều đó có tạo nên những mặc cảm rất không đáng có cho cán bộ về cách phân biệt đối xử không?

Chưa kể hiện nay, vẫn còn nhiều sự chồng chéo trong các văn bản về cán bộ, công chức cơ sở. Nhiều chức danh chịu sự điều chỉnh của cùng lúc nhiều văn bản quy phạm pháp luật, ví dụ: chỉ huy trưởng quân sự, trưởng công an... Theo tôi, dù là cán bộ chuyên trách, công chức hay cán bộ không chuyên trách thì chỉ một loại văn bản pháp luật duy nhất điều chỉnh, chứ không cách bức hoặc biệt lập như hiện nay./.