Chiến thắng Điện Biên Phủ - Tài thao lược trong lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh
TCCSĐT - Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả hợp thành của một loạt nhân tố dân tộc và thời đại; là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại mới dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhìn lại chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, thế hệ hôm nay càng cảm phục trí tuệ và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam. Trí tuệ và bản lĩnh đó được kết tinh qua sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình và kịp thời của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và người trực tiếp cầm quân là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhờ đó đã tạo ra sức mạnh tổng hợp về vật chất và tinh thần của cả dân tộc, chuyển yếu thành mạnh, vừa đánh vừa xây dựng lực lượng, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng. Đó là một trong những nhân tố quan trọng góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam.
Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chỉ ra rằng, một dân tộc nhỏ có chính nghĩa vẫn có thể đánh bại những lực lượng xâm lăng hùng hậu bằng nghệ thuật lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, vừa đánh vừa xây dựng lực lượng, từng bước tạo, nắm và chớp thời cơ giành thắng lợi hoàn toàn. Ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, chúng ta đã tiếp tục và phát huy truyền thống đó.
Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-12-1946) Bác viết: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc…”(1). Đồng thời, Đảng ta cũng khẳng định: “Việc giải phóng dân tộc luôn là việc của bản thân ta”. Tại Hội nghị Trung ương tháng 3-1951, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về cuộc kháng chiến chống Pháp là trường kỳ, gian khổ và tự lực cánh sinh là chính. Ngày 2-9-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa kêu gọi “nhân dân, bộ đội và cán bộ thấm nhuần tư tưởng: Kháng chiến nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ, gian khổ, tự lực cánh sinh”(2). Thấm nhuần đường lối kháng chiến của Đảng, nhân dân ta “đồng cam cộng khổ”, vừa đánh, vừa giam chân địch trong lòng thành phố, vừa kéo Pháp lên vùng rừng núi hiểm trở, giáng cho chúng những đòn chí tử trong các chiến dịch: Việt Bắc thu đông 1947, Biên giới thu đông 1950, Đường số 18, Hòa Bình, Tây Bắc, mặt trận Bình - Trị - Thiên, Thượng Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia…
Liên tiếp thất bại trên chiến trường, Pháp cử tướng Hen-ry Na-va - nguyên Tham mưu trưởng các lực lượng khối Bắc Đại Tây Dương, người đã từng tham gia trong suốt cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, từng tham gia bình định Xy-ri, Ma-rốc, đến Đông Dương... Pháp coi Điện Biên Phủ là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, một vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam - Thượng Lào - miền Nam Trung Quốc. Thực dân Pháp hy vọng, với tài chỉ huy của tướng Na-va, với số lượng quân đông nhất từ trước tới lúc ấy (267 tiểu đoàn), cùng với phương tiện chiến tranh hiện đại và sự chi viện ngày càng lớn của Mỹ, sẽ tìm một “lối thoát danh dự” trong cuộc chiến tranh hao người tốn của mà nhân dân Pháp, nhân dân tiến bộ trên thế giới kịch liệt phản đối.
Tháng 9-1953, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp bàn nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 - 1954. Bộ Chính trị quyết định: Sử dụng mọi biện pháp để giữ vững và phát triển quyền chủ động tiến công chiến lược, điều những bộ phận chủ lực của ta tiến về 5 hướng chiến lược nhằm vào những nơi tương đối yếu của chúng, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta, trên chiến trường ta đã chuẩn bị, từ đó mà đập tan âm mưu của địch, giành lại quyền chủ động trên các chiến trường. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo thông minh, tài tình của Đảng, quyết tâm và kế hoạch tác chiến chiến lược Đông Xuân, chúng ta đã chia nhỏ lực lượng địch rải ra khắp chiến trường mà tiêu diệt, hạn chế sự chi viện của chúng cho chiến trường Điện Biên Phủ, giải phóng vùng đất đai rộng lớn, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị chiến đấu của ba nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung. Thắng lợi quân sự trong kế hoạch Đông Xuân 1953 - 1954 đã tạo tiền đề vô cùng quan trọng để Đảng ta đưa ra đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng với Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ.
Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị thông qua phương án mở chiến dịch Điện Biên Phủ của Tổng Quân ủy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Ngày 22-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cờ “Quyết chiến, quyết thắng” cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gửi thư cho đồng bào, chiến sĩ cả nước. Người căn dặn: “Chiến dịch này là chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà với cả quốc tế. Vì vậy toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”(3).
Để bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ chắc thắng, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm chỉ đạo quân đội, các ngành, các địa phương hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ngày 8-2-1954, Bộ Chính trị ra Chỉ thị cho Tổng Quân ủy, các liên khu ủy và khu ủy động viên quân đội và nhân dân tiếp tục đánh giặc, phục vụ tiền tuyến. Bộ Chính trị nêu rõ nhiệm vụ của đảng ủy các cấp “cần phải nhận rõ chủ trương quân sự của Trung ương, phải đặt nhiệm vụ tác chiến và phục vụ tiền tuyến là nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất trong mọi công tác lúc này và phải quyết tâm huy động nhân lực, vật lực để phục vụ tiền tuyến. Đồng thời kết hợp chặt chẽ việc phục vụ tiền tuyến với việc phát động quần chúng giảm tô, cải cách ruộng đất và việc tăng gia sản xuất”(4). Tiếp đó, ngày 22-2-1954, trong Chỉ thị Ra sức phá tan mưu mô đẩy mạnh chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp và Mỹ, Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Công tác trung tâm trước mắt của toàn thể quân và dân ta là tập trung lực lượng đánh thắng địch trong những trận sắp tới, tiêu diệt nhiều sinh lực địch hơn nữa, làm cho kế hoạch Nava của Pháp - Mỹ phải hoàn toàn thất bại. Kiên quyết động viên nhân lực, vật lực theo Chỉ thị số 61-CT-TW ngày 8-2-1954 để thắng giặc, vì thắng lợi lớn của ta trong chiến dịch này sẽ có ý nghĩa rất quan trọng về quân sự và chính trị”(5).
Ngày 11-3-1954, trong khi toàn mặt trận Điện Biên Phủ đang khẩn trương hoàn tất các công việc chuẩn bị cho giờ nổ súng mở màn chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư động viên và căn dặn cán bộ, chiến sĩ:
“Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang.
Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.
Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất.
Chúc các chú thắng to.
Bác hôn các chú”(6).
Trước vận mệnh của dân tộc, nhiệm vụ tối cao được Đảng và Bác Hồ trao cho người cầm quân: Trận này rất quan trọng phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc không đánh. Na-va quyết tâm tăng cường xây dựng công sự, sân bay, bổ sung lực lượng cho Điện Biên Phủ lên tới 12 tiểu đoàn, nhằm biến nơi đây thành “cối xay thịt”, nghiền nát chủ lực của ta. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhận định sáng suốt: Tình hình địch còn thay đổi nên chủ trương cũng có thể thay đổi và quyết định hoãn kế hoạch theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang chuẩn bị theo phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc”. Quyết định này được xem là một “quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời cầm quân của vị Tổng Tư lệnh mới tròn 34 tuổi.
Trong thư gửi Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, ngày 21-4-1954, Ban Bí thư truyền đạt ý kiến của Bộ Chính trị, lưu ý âm mưu và hành động chống đỡ của địch ở Khu trung tâm, dùng trọng pháo và máy bay đánh phá trận địa của ta, phá hoại đường tiếp tế của ta, hòng cố giữ đến mùa mưa. Bộ Chính trị và Ban Bí thư nhấn mạnh: “Nhiệm vụ trước mắt của ta là một mặt củng cố quyết tâm giành toàn thắng của quân đội, nhất là của cán bộ các cấp, nắm vững phương châm “đánh chắc tiến chắc”; mặt khác đảm bảo cung cấp cho tiền tuyến”(7).
Như vậy, thay đổi phương châm tác chiến trong trận quyết chiến lịch sử Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự nhạy bén và tài năng của một vị Tổng Tư lệnh quân đội. Cả nước ra quân chuẩn bị chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ theo phương châm mới “đánh chắc tiến chắc”. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện khen ngợi, động viên tinh thần cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trên toàn mặt trận: “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng”(8).
Chấp hành sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại mặt trận Điện Biên Phủ, trải qua 3 đợt tấn công liên tục bắt đầu từ 13-3, sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, kiên cường, đến ngày 7-5-1954, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp lúc bấy giờ - một “pháo đài khổng lồ không thể công phá” của quân đội thực dân Pháp đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Tướng Đờ-cát-tơ-ri, bộ tham mưu và sĩ quan, binh lính tập đoàn cứ điểm đã đầu hàng Việt Minh vô điều kiện, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.
Bằng sự lãnh đạo tài tình, đầy thao lược và sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm thực hiện của toàn quân và toàn dân, chúng ta đã làm nên kỳ tích lịch sử trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, góp phần quan trọng đưa Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (từ ngày 8-5 đến ngày 21-7-1954) đến thành công, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954).
Sáu mươi năm qua, từ sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng ta càng thấy rõ hơn sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Đông Xuân 1953 - 1954 là đã động viên cao độ tinh thần quyết chiến quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả tiền tuyến lẫn hậu phương, ở khắp mọi miền đất nước, từ Nam chí Bắc, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn. Sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy cao độ ý chí quyết tâm tiêu diệt địch, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu rất dũng cảm, đầy mưu trí của bộ đội ta trên khắp các chiến trường Bắc, Trung, Nam, Lào và Cam-pu-chia, đặc biệt là ở Điện Biên Phủ, đồng thời đã huy động tối đa sức người, sức của của cả nước để bảo đảm cho tiền tuyến đánh thắng. Sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ, chi viện quan trọng của quốc tế, nhất là của nhân dân Trung Quốc cùng sự phối hợp chiến đấu của nhân dân các nước bạn Lào và Cam-pu-chia anh em đã đánh bại kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược.
Sáu mươi năm đã trôi qua, lịch sử dân tộc Việt Nam đã sang trang, nhưng bài học và ý nghĩa lớn lao của Điện Biên Phủ năm xưa vẫn còn nguyên giá trị. Trong mỗi giai đoạn đi lên của đất nước, chúng ta luôn nhận thấy “tư tưởng cốt lõi nhất” của tinh thần Điện Biên Phủ là ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc, khát vọng vươn tới độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam. Bằng khối óc và bàn tay của mình, bằng tài năng và sự sáng tạo, chúng ta hoàn toàn có thể biến khát vọng thành hiện thực, xây dựng một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tin, niềm tự hào của dân tộc ta, trường tồn cùng với đất nước, con người Việt Nam./.
--------------------------------------
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2009, t. 4, tr. 480
2 . Đỗ Thiện - Đinh Kim Khánh: Tiếng sấm Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1984, tr. 61
3 . Hồ Chí Minh: Thư gửi đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tài liệu lưu trữ tại Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, 12-1953
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2001, t. 15, tr. 15
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, sđd, t. 15, tr. 32
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 7, tr. 265
7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, sđd, t. 15, tr. 93
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 7, tr. 226
Thị trường hàng hóa trong nước: Bối cảnh và những vấn đề đặt ra  (08/04/2014)
Mở ra giai đoạn phát triển mới giữa hai nước Việt Nam - Cu Ba  (08/04/2014)
Địa phương của Việt Nam và Campuchia ký kết hợp tác  (08/04/2014)
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thăm Thụy Điển, Anh  (08/04/2014)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
- Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên