Thị trường hàng hóa trong nước: Bối cảnh và những vấn đề đặt ra

PGS, TS. Phạm Công Đoàn Trường Đại học Thương mại
21:35, ngày 08-04-2014
TCCSĐT - Trong hội nhập quốc tế, sức cạnh tranh của mỗi quốc gia, doanh nghiệp trước hết thể hiện trên “sân nhà”, thị trường hàng hóa và dịch vụ trong nước. Nghiên cứu xu hướng thị trường trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh cho thương mại nội địa là vấn đề quan trọng.

Tiềm năng thị trường và những xu hướng

Hàng năm, AT Kearney - hãng tư vấn quản lý hàng đầu tại Mỹ thường lựa chọn và công bố báo cáo thường niên về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI), trong đó xếp hạng 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới trong số 185 nền kinh tế. Việt Nam từ vị trí số 1 năm 2008 xuống vị trí thứ 6 năm 2009 và từ năm 2012, đã rơi khỏi top 30 quốc gia đang phát triển có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới.

Sự tụt hạng chỉ là về “độ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài” và điều này hoàn toàn khác so với độ hấp dẫn cũng như tiềm năng thực tế của thị trường. Một thị trường bán lẻ có thực sự hấp dẫn hay không nằm ở quy mô cũng như tốc độ tăng trưởng. Mà nếu đánh giá trên phương diện này, thị trường Việt Nam vẫn đặc biệt hấp dẫn.

Các phân tích gần đây về ngành tiêu dùng Việt Nam cho thấy, tiềm năng tăng trưởng doanh thu của ngành này còn lớn. Tổng doanh thu thực của các lĩnh vực có liên quan đến hàng tiêu dùng ở Việt Nam dự tính sẽ tăng lên tới 140 tỷ USD vào năm 2016. Nhờ cơ cấu dân số nằm trong nhóm trẻ nhất thế giới (theo Nielsen), quy mô toàn thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đạt xấp xỉ 34 tỷ USD vào năm 2016, tổng mức chi tiêu của người tiêu dùng tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi và đạt xấp xỉ 173 tỷ USD vào năm 2020 (Euromonitor, Global Insight, Bain Analysis). Tỷ lệ tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2020 được dự báo sẽ thuộc loại cao nhất trong khu vực ASEAN, đạt 8%, cao hơn cả Indonesia và Malaysia 5%, và Philippines, Thái Lan, Singapore cùng là 4% (Global Insights, Bain Analysis).

Xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam đang có nhiều thay đổi. Người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn những sản phẩm tiện lợi, sản phẩm có bao bì lớn, dùng sản phẩm dạng gói để tiết kiệm. Các nhãn hiệu riêng của từng hệ thống bán lẻ cũng ngày càng được ưa chuộng…

Về địa bàn mua sắm, 6 thành phố lớn nhất cả nước hiện nay vẫn là thị trường có sức tiêu thụ hấp dẫn nhất. Chỉ với 14% dân số, 6 thành phố này đóng góp đến 39% doanh số tổng các mặt hàng tiêu dùng nhanh và tốc độ này tiếp tục tăng nhanh. Thị trường nông thôn, nơi chiếm hơn 70% dân số và hơn 40% nhu cầu các mặt hàng tiêu dùng nhanh cũng đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Chi tiêu của người dân ngày càng tăng, hiện chiếm trên 70% tổng thu nhập là tiền đề để thị trường bán lẻ tiếp tục phát triển mạnh.

Trong thời gian tới gần 3/4 dân số (69%) sẽ nằm trong độ tuổi từ 15 - 64. Điều này sẽ tạo nên một cuộc cách mạng về thị trường kinh doanh bán lẻ tại các khu vực thành thị của Việt Nam mà yếu tố quyết định là thế hệ tiêu dùng trẻ. Không chỉ tạo ra xu hướng tiêu dùng và thị trường của những loại hàng hóa họ muốn, mà còn tác động đến tâm lý, hành vi và nhu cầu tiêu dùng của những người tiêu dùng thuộc nhóm tuổi khác trong xã hội. Đó là một trong những kết luận mà Euromonitor International vừa đưa ra trong điều tra về xu hướng tiêu dùng của người Việt.

Xu hướng bán lẻ hiện đại thông qua các kênh hiện đại cũng sẽ diễn ra mạnh hơn và dần dần thay thế hình thức tạp hóa truyền thống, vốn tồn tại lâu đời ở Việt Nam gắn với tập quán sinh hoạt và tiêu dùng của người dân. Công ty tư vấn bất động sản CBRE cho biết hiện Việt Nam có 18.000 cửa hàng mặt tiền nhỏ, hình thức mua sắm truyền thống chiếm phần lớn tổng doanh thu bán lẻ, nhưng đang có bước chuyển mạnh sang mô hình kinh doanh bán lẻ hiện đại. Các siêu thị quy mô nhỏ hơn ngày càng phổ biến; hệ thống siêu thị tổng hợp và chuyên lương thực, thực phẩm sẽ hình thành. Theo ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam: “Chi tiêu của người dân Việt Nam ngày càng tăng, chiếm hơn 70% thu nhập của họ. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều dự án chung cư, khu đô thị lớn, mô hình trung tâm thương mại quy mô lớn sẽ ngày càng phổ biến hơn”.

Kinh doanh truyền thống ngày càng khó khăn, các doanh nghiệp sẽ tìm đường lên mạng để bán hàng - một xu thế mang tính thời đại. Nhiều chuyên gia dự báo, trong vòng 5 - 6 năm tới, doanh nghiệp nào không có mảng kinh doanh trực tuyến tốt sẽ rất khó cạnh tranh. Theo ước tính, hiện thương mại điện tử mới chiếm 0,3 đến 0,5% tổng doanh số bán lẻ tại Việt Nam. Các chuyên gia đánh giá mức này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, khi có hơn 31 triệu người Việt Nam sử dụng internet, chiếm 35,5% dân số.

Các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến việc xây dựng và cải thiện chất lượng website, xem đây là kênh quan trọng, hiệu quả và tiết kiệm để quảng bá thương hiệu, sản phẩm và chăm sóc khách hàng. Báo cáo mới nhất của hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, thực hiện với 3.193 doanh nghiệp (89% có quy mô vừa và nhỏ), 42% đơn vị cho biết đã xây dựng website thương mại điện tử riêng. Tỷ lệ các doanh nghiệp chấp nhận đặt hàng qua website là 29%.

Cùng với bán lẻ tổng hợp, bán lẻ tiện lợi, bán lẻ chuyên biệt đang phát triển tại Việt Nam với tốc độ nhanh đã thu hút nhiều gương mặt lớn trong các ngành, lĩnh vực như Thế giới di động, Viễn thông A; Trần Anh, Nguyễn Kim, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)… Đây là lý do mà nhiều chuyên gia phân tích thị trường cho rằng, thời của bán lẻ chuyên biệt tại Việt Nam đã tới. Tuy nhiên, vùng đất tiềm năng này có lẽ không chia đều cơ hội cho tất cả các ngành, các doanh nghiệp.

Khả năng chiếm lĩnh thị trường của hàng hóa nước ta trên thị trường nội địa không chỉ dựa vào khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước (dù là rất quan trọng) mà còn phải thông qua hoạt động tổ chức thị trường, thiết lập hệ thống phân phối của các doanh nghiệp trong nước. Với thông tin nông sản tươi vẫn chiếm ưu thế trong tất cả các mặt hàng mua sắm (trên 60%) và chi tiêu thương mại hiện đại đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua, ông Ralf Matthaes cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam nên “trộn lẫn” hai yếu tố truyền thống và hiện đại trong thương mại để thu hút khách hàng, làm sao để mua bán cũng đồng nghĩa với thưởng thức cuộc sống. Theo một số chuyên gia, sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng cao của ngành bán lẻ mở ra cơ hội đầu tư xây dựng trung tâm thương mại. Tuy nhiên, quy mô và thiết kế cho các trung tâm thương mại mới sẽ phải khác. Để thích ứng với thói quen tiêu dùng đang thay đổi thì các trung tâm thương mại sắp tới sẽ phải có sự khác biệt không chỉ về quy mô, địa điểm mà còn cả thiết kế, cho phép các nhà bán lẻ Việt Nam đem đến cho khách hàng của họ không gian lựa chọn hàng hóa và dịch vụ rộng hơn không gian của những cửa hàng nhỏ hiện nay.

Các công ty xuyên quốc gia (TNCs) đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Những năm tới, cùng với việc sáp nhập, mua lại, đầu tư, mở rộng thị trường, thì khả năng chiếm lĩnh, khống chế và kiểm soát hệ thống tiêu thụ sản phẩm toàn cầu của các TNCs sẽ ngày càng tăng. Ở Việt Nam hiện nay bên cạnh những tập đoàn phân phối lớn đã có mặt như Metro Cash & Carry, Bourbon Espace (Big C), Parkson, Dairy Farm,... các tập đoàn kinh doanh bán lẻ hàng đầu thế giới như Wal-mart (Hoa Kỳ), Carrefour (Pháp), Tesco (Anh), Marko (Hà Lan)... đang mở rộng thị trường và thâm nhập ngày càng sâu, rộng vào thị trường bán lẻ hàng hóa trên thế giới, sẽ sớm có mặt ở thị trường mới nổi và có sức hấp dẫn này.

Trước mắt, các tập đoàn phân phối nước ngoài sẽ tập trung mở những siêu thị bán buôn và bán lẻ, nhưng dần dần họ sẽ mở rộng sang các hình thức bán lẻ không có cửa hàng, chuyên kinh doanh bán hàng qua ca-ta-lo, điện thoại, in-tơ-nét, máy bán hàng và giao hàng tận nhà... Các phương thức tổ chức và quản lý kinh doanh hiện đại như phương thức chuỗi liên kết dọc, nhượng quyền thương mại, sàn giao dịch và thương mại điện tử phát triển sẽ mang đến diện mạo văn minh, hiện đại cho dịch vụ phân phối của Việt Nam.

Những thách thức

Rõ ràng, cùng với hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống phân phối của Việt Nam đã và đang được tiếp cận, cũng như thụ hưởng nhiều thành tựu của khoa học công nghệ để phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Thông qua những dự án liên doanh với nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận không chỉ công nghệ và phương thức kinh doanh hiện đại mà cả những kinh nghiệm quản lý hiện đại, tiên tiến, qua đó góp phần đào tạo một đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ kinh doanh năng động, sáng tạo, mang lại cơ hội mới cho đội ngũ thương nhân Việt Nam hoạt động trong một môi trường cạnh tranh và cởi mở hơn.

Tuy nhiên, với mạng lưới phân phối hiện đại, sức mạnh về tài chính, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài có thể khống chế hệ thống phân phối trong nước và giành quyền kiểm soát thị trường bán lẻ Việt Nam. Đây sẽ là khó khăn, thách thức lớn đối với các nhà phân phối nội địa Việt Nam trong cuộc cạnh tranh không cân sức khi chúng ta thực hiện lộ trình mở cửa thị trường phân phối theo cam kết WTO. Nếu không có sự liên kết để nhanh chóng đổi mới, các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ của Việt Nam với những yếu kém trên mọi phương diện, sẽ có nguy cơ bị thất bại ngay trên sân nhà...

Giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, vấn đề lớn nhất của Việt Nam là kiểm soát dòng chảy thương mại xuyên biên giới. Những nguy cơ về mất cân bằng thương mại, về sự thâu tóm của các TNCs đối với hệ thống thương mại trong nước, về hiệu lực hạn chế của các biện pháp, chính sách quản lý, điều hành của Nhà nước đối với phát triển dịch vụ phân phối,… là những khả năng chúng ta phải tính tới để nâng cao năng lực cạnh tranh cho thương mại nội địa trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc xóa bỏ hoặc hạ thấp hàng rào thuế quan đối với hàng hóa nước ngoài sẽ bắt buộc các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh trong thế không cân sức ngay trên "sân nhà". Nhìn chung, các doanh nghiệp trong nước còn thua kém khá xa các đối thủ cạnh tranh nước ngoài cả về tiềm năng vốn, cả về quản lý điều hành và khả năng tiếp cận thị trường. Đây là thách thức quan trọng nhất và cũng được nói đến nhiều nhất ngay từ trong quá trình chúng ta chuẩn bị gia nhập WTO. Cùng với thực hiện lộ trình giảm thuế theo cam kết khi gia nhập WTO, thách thức này sẽ càng trở nên cam go. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự sẵn sàng đối đầu với thách thức này. Mặc dù thời gian qua đã có một số doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ liên kết lại với nhau. Tuy nhiên, những hoạt động như thế chưa nhiều.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết giai đoạn 2002 - 2012 chứng kiến tốc độ tăng ấn tượng về số lượng các doanh nghiệp. Nhưng Việt Nam lại thiếu hụt lực lượng doanh nghiệp có quy mô vừa vì loại hình này chỉ chiếm khoảng 2,1% trong tổng số. Nền kinh tế đã thiếu vắng những doanh nghiệp vừa đủ lớn để kết nối và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang bước vào một cuộc chơi mới. Một mặt phải thực hiện cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định song phương và đa phương, mặt khác cộng đồng kinh tế ASEAN đang đẩy nhanh tiến độ để hình thành đầy đủ vào năm 2015. Gần đây các doanh nghiệp ASEAN đang "đổ bộ" vào Việt Nam, để chuẩn bị cho mốc năm 2015 với mức độ tham gia sâu rộng hơn. Đến năm 2018, thuế của Việt Nam áp cho các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ xuống rất thấp và đây là thách thức lớn khi hàng hóa Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nhập từ Trung Quốc.

Việc tham gia Hiệp định TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) sẽ giúp Việt Nam “có nhiều cơ hội để có thể tăng trưởng cao hơn, nhưng cũng sẽ gặp không ít thách thức, rủi ro”. Đàm phán tham gia TPP là “một chủ trương lớn, một bước đi mạnh dạn của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế vì đây là một hiệp định có tiêu chuẩn, có vị trí và tầm chiến lược quan trọng nhất đang được đàm phán tại thời điểm hiện nay trên thế giới. Tuy nhiên, trong số các quốc gia tham TPP, Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp nhất và đây cũng chính là thách thức lớn nhất. Tác động tổng thể của TPP đối với nền kinh tế Việt Nam là rất tích cực, song không có nghĩa đúng với mọi ngành, mọi doanh nghiệp. Những ngành vốn được bảo hộ nhiều và doanh nghiệp kém cạnh tranh sẽ phải giảm sản xuất, thậm chí thu nhỏ hoặc phá sản. Còn đối với những ngành hàng được xem là có lợi thế khi tham gia TPP cũng có thể vấp phải không ít rào cản.

Việt Nam chưa coi trọng đúng mức phát triển thị trường nội địa. Có thực tế này là vì nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan, trong đó có lý do về sức ép xuất khẩu để đảm bảo ngoại tệ phục vụ nhập khẩu nguyên, nhiên liệu, thiết bị và công nghệ mà trong nước chưa sản xuất được; tâm lý chuộng hàng ngoại còn nặng nề trong người tiêu dùng Việt Nam, thể hiện sự dị ứng với hàng nội chất lượng thấp vốn tồn tại từ thời bao cấp đến nay. Thậm chí, nhận thức của doanh nghiệp về vai trò thị trường nội địa không đầy đủ nên không tổ chức kinh doanh trên thị trường này theo một chiến lược và tư duy dài hạn mà lại chuộng kiểu cơ hội, ăn sẵn... Trong khi đó, ở vào bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, thị trường nội địa trở thành cơ sở cho tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Sức cầu của nền kinh tế - được đo thông qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng - tăng rất thấp là điều đáng lo ngại. Thị trường nội địa - được coi là điểm tựa của nền kinh tế, của hệ thống doanh nghiệp, đang yếu dần sẽ tác động tiêu cực tới động lực tăng trưởng. Khi thị trường xuất khẩu (với vai trò là động lực) và tiêu dùng nội địa (đóng vai trò là điểm tựa) chưa phục hồi ổn định và mạnh mẽ, thì nền kinh tế cũng không thể tăng trưởng khá hơn. Mà nếu chỉ tăng trưởng 5 - 6% như hiện tại, thì kinh tế Việt Nam sẽ mãi ở mức “bình bình” trong khu vực. Một chính sách kích cầu tiêu dùng và đầu tư trong bối cảnh hiện nay có lẽ là điều cần tính tới để đưa thị trường nội địa thực sự là điểm tựa vững chắc cho nền kinh tế./.