TCCSĐT - Nhiều khu vực kinh tế chủ chốt trên thế giới đã thoát khỏi khủng hoảng, ấm dần lên, trong đó châu Á vẫn là một điểm sáng nổi bật trên bức tranh kinh tế toàn cầu. Mức tăng trưởng trung bình của 45 nước châu lục được dự báo là 6,2% trong năm 2013 và sẽ tăng lên 6,7% năm 2014, trong khi lạm phát giữ ở mức 3,6 % năm 2013 và 3,7 % vào năm tới.
Những dấu hiệu đáng mừng

Nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản trong nửa cuối năm 2013 có nhiều dấu hiệu được cải thiện; Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Đức và một số nền kinh tế lớn khác cũng được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh hơn so với dự báo trước đó. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nói riêng và cả khu vực châu Âu nói chung đã thoát khỏi tình trạng bi đát của hai năm trước, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 0,9%, hầu như không còn quốc gia nào lâm vào tình trạng tăng trưởng âm. Khu vực Mỹ La-tinh và vùng Ca-ri-bê năm nay cũng đạt mức tăng trưởng 2,6%, trong đó có những nước đạt tốc độ rất cao như Pa-ra-guay 13%, dẫn đầu khu vực, tiếp đến là Pa-na-ma 7,5%, Bô-li-vi-a 6,4%. Châu Phi nhìn chung đã có tăng trưởng, song do tình trạng lạc hậu kéo dài nhiều thập kỷ, an ninh - chính trị bấp bênh, nạn nghèo đói chưa thuyên giảm nên khu vực này vẫn cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của quốc tế.

Kinh tế Mỹ trong quý III năm 2013 đã có bước tăng trưởng đột biến: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng với tốc độ 4,1%, so với quý trước đó chỉ tăng được 2,5%. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ quý IV năm 2011 và vượt qua cả kỳ vọng tăng trưởng kinh tế ở mức 3,6% trước đây. Năm 2013, các doanh nghiệp Mỹ đã tạo thêm được 2 triệu việc làm, nếu từ đầu thập kỷ này Mỹ đã tạo ra hơn 8 triệu việc làm, đẩy nhanh tốc độ giảm tỷ lệ người trong độ tuổi lao động xuống dưới 7% thất nghiệp, tăng cường an sinh và an ninh xã hội. Giá trị xuất khẩu tăng 3,9%; trong khi chi tiêu thương mại trong nước tăng với tốc độ 4,8%, thay vì tốc độ dự báo trước đó 3,5%, phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong các sản phẩm sở hữu trí tuệ. Chỉ số tiêu dùng chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế Mỹ cũng đã tăng 2%. Chỉ số hàng hóa và dịch vụ đều cao hơn so với dự báo trước đó. Đến nay, các cổ phiếu của các nhà bán lẻ, bán buôn và các đại lý tự động vẫn tăng vững chắc. Cho dù một số nhà kinh tế lo ngại rằng sức kéo của hàng tồn kho hiển thị trong GDP có thể còn kéo dài cho đến quý I năm 2014, nhưng những tổn thất của hàng tồn kho trong 03 tháng đầu năm 2014 có thể sẽ được bù đắp bởi một số biện pháp nới lỏng chính sách tài khóa mà cơ quan lập pháp đã thông qua trong tháng 12-2013.

Kinh tế Khu vực Eurozone phục hồi còn chậm vì tăng trưởng của hai nền kinh tế đầu tàu khu vực là Đức và Pháp suy giảm. Trong quý III năm 2013, GDP của toàn khối chỉ đạt 0,3%, thấp hơn so với 0,7% trong quý trước đó. Với tầm nhìn lạc quan nhất thì các nhà kinh tế cũng chỉ dám dự báo tăng trưởng của Eurozone trong năm 2013 chỉ đạt 0,5% - 0,7% và năm 2014 có thể sẽ nâng lên 1,2% - 1,5%. Khu vực này vẫn đang phải vật lộn với những hậu quả do khủng hoảng nợ để lại. Tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone vẫn ở mức cao 12,2%, thậm chí tại Tây Ban Nha đội quân thất nghiệp đã lên đến 26% và chỉ đến cuối năm vừa qua mới có dấu hiệu giảm xuống. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã phải giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 0,25% để đối phó với tỷ lệ lạm phát thấp và khôi phục đà tăng trưởng kinh tế.

Kinh tế Đức trong quý III năm 2013 tăng trưởng chỉ đạt 0,3%, sụt giảm mạnh so với 0,7% trong quý II. Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia kinh tế vẫn dự báo, tăng trưởng kinh tế Đức trong cả năm 2013 sẽ không dưới 1,3%. Theo Cơ quan thống kê Liên bang Đức (FSO), mức tăng trưởng chủ yếu của nước này là do nhu cầu trong nước tăng mạnh. Nhu cầu đầu tư vào các hệ thống trang thiết bị và xây dựng, cũng như tiêu dùng công và tiêu dùng cá nhân đều tăng. Đức là quốc gia đi tiên phong trong phong trào đổi mới. “Đổi mới” là thuật ngữ được người Đức nói riêng và người dân châu Âu nói chung nói đến nhiều trong thời gian gần đây. Đổi mới về kinh tế là quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ và quy trình mới nhằm tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tính cạnh tranh cao. Trong 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Đức dẫn đầu với gần 80% doanh nghiệp có các hoạt động đổi mới. Các sản phẩm, dịch vụ đổi mới của Đức luôn được đánh giá cao, không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp mà còn cho toàn bộ nền kinh tế. Chúng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ thông tin, truyền thông, sinh-trắc học, hàng không, vũ trụ, kỹ thuật điện, cung ứng, cơ khí chế tạo máy, năng lượng tái tạo… Bí quyết mang lại những thành công này chính là đổi mới. Bởi vậy, các chuyên gia kinh tế hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng, trong nhiều năm tới Đức vẫn là đầu tàu mạnh mẽ kéo cả khu vực Eurozone và Liên minh châu Âu phát triển.

Kinh tế I-ta-li-a trong quý III năm 2013 đã thoát khỏi giai đoạn tăng trưởng âm kéo dài suốt hai năm qua, mặc dù các nhà kinh tế cảnh báo đà phục hồi còn mong manh, chính phủ vẫn phải tiếp tục tăng thuế và tiến hành cải cách. Công nghiệp nước này sau tháng 10-2013 đã có bước tăng trưởng 0,5%, có thể coi đó là bước đầu phục hồi, sau khi chìm ngập trong suy thoái kể từ giữa năm 2011. Mặc dù vậy, người ta vẫn nghi ngờ khả năng Chính phủ Liên minh có thể chèo lái đưa nền kinh tế thứ ba châu Âu, thứ chín thế giới thoát khỏi khủng hoảng. Đất nước hình chiếc ủng này đang phải còng lưng gánh trên vai “núi nợ” trên 2.000 tỷ ơ-rô (tương đương 2.800 tỷ USD). Gánh nặng này không những gây khó cho Chính phủ I-ta-li-a trong việc đưa ra các quyết sách, mà còn khiến cho nước này dễ bị tổn thương trước các cú sốc tài chính dù là nhỏ nhất. Khủng hoảng kinh tế đã làm giảm sức mua của gần 70% hộ gia đình I-ta-li-a và khiến ngày càng nhiều thanh niên rời khỏi đất nước.

Kinh tế Tây Ban Nha, quốc gia lớn thứ tư trong khu vực Eurozone đã đạt mức tăng trưởng 0,1% trong quý III năm 2013. Mặc dù đây là sự tăng trưởng mong manh với con số khiêm tốn, nhưng đối với một đất nước suốt mấy năm liền đắm chìm trong suy thoái, nợ nần hàng nghìn tỷ ơ-rô, tỷ lệ thất nghiệp lên đến gần 26%, thì đây là bước đầu đáng ghi nhận về sự cải thiện tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, chương trình tạo lập việc làm cũng đã bắt đầu được thực hiện. Như vậy có thể thấy, Tây Ban Nha đang từng bước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Theo các số liệu thống kê, sản lượng công nghiệp Tây Ban Nha trong tháng 10-2013 đã tăng 1,8% và hầu hết các lĩnh vực kinh tế đều tăng so với với cùng kỳ năm ngoái, trừ lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng và năng lượng có mức giảm lần lượt là 0,4% và 2,6%. Với dấu hiệu phục hồi được ghi nhận trong năm 2013, Chính phủ Tây Ban Nha cho rằng thị trường và các nhà đầu tư quốc tế đã bắt đầu thay đổi quan điểm về tình tình kinh tế nước này, theo hướng tích cực hơn.

Kinh tế Anh trong quý III năm 2013 đạt mức tăng trưởng kinh tế 0,8% so với quý trước đó và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong hơn 3 năm qua. Nguyên nhân tạo ra bước tăng trưởng mạnh chính là nhờ động lực tiêu dùng trong nước tăng và các công ty tăng hoạt động đầu tư. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Vương quốc Anh (BoE), Mác Ca-nây (Mark Carney) khẳng định, đà phục hồi hoạt động đầu tư kinh doanh sẽ giữ vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước trong thời gian tới. BoE chủ trương đẩy mạnh hơn nữa tăng trưởng kinh tế trong năm 2014, nhưng phải bảo đảm tỷ lệ lạm phát tiếp tục kiềm chế và có xu hướng giảm so với mức 2,2% trong năm 2013. Năm 2013, các doanh nghiệp đã tạo thêm khoảng 60 nghìn chỗ việc làm mỗi tháng, năm 2014 phải nâng mức chỉ tiêu đó, để cuối năm 2014 sẽ giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức 7%, hoặc thấp hơn nữa.

Điểm sáng kinh tế châu Á

Kinh tế các nước châu Á năm 2013 được dự báo tăng trưởng trung bình ở mức 6% - 6,2%. Như vậy, tuy có sụt giảm đôi chút, song vẫn là một điểm sáng trên bức tranh kinh tế toàn cầu và là chiếc “mỏ neo” neo giữ cho nền kinh tế thế giới ổn định, hứa hẹn một triển vọng tốt đẹp hơn cho năm 2014. Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, những nền kinh tế lớn trong khu vực đã đạt được mức tăng trưởng tốt. Các khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Trung Á và Đông Á đều giữ được mức tăng trưởng cao và khá cao. Mức lạm phát trung bình ở khu vực châu Á đang phát triển dự kiến vẫn giữ nguyên ở mức 3,6% trong năm 2013 và 3,7% trong năm 2014.

Trung Quốc có nền kinh tế lớn nhất châu Á, năm vừa qua tuy có sụt giảm, nhưng vẫn giữ mức tăng trưởng cao nhất thế giới, quý III đạt 7,7% và cả năm có thể đạt ở mức 7,6% - 7,8%. Lạm phát giữ ở mức 3,2%. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và không ổn định, thì mức tăng trưởng như vậy của Trung Quốc được coi là “ngoạn mục”. Tháng 11-2013, Trung Quốc đưa ra một “Đề cương cải cách kinh tế toàn diện”. Vòng cải cách sắp tới Trung Quốc sẽ tập trung vào “thị trường hóa toàn diện” để có thể thành lập một hệ thống thị trường tự do, thống nhất và có trật tự. Vai trò của bộ máy quản lý nhà nước và thị trường sẽ được “tư duy” lại, quan trọng hơn cả là chức năng sản xuất phải được gắn liền với việc nâng cao tổng cung.

Trung tâm Nghiên cứu Phát triển nhà nước Trung Quốc cho rằng, phương án cải cách mới do Hội nghị toàn thể Trung ương 3, khóa 18 vừa qua thông qua có thể phát huy các tiềm năng nội lực kinh tế, làm cho mức tăng trưởng ổn định hơn. Lý do Trung Quốc buộc phải “tư duy” lại về “chương trình và phương pháp” phát triển kinh tế của mình, rõ ràng, không thể đổ lỗi tất cả cho các tác động từ bên ngoài, vì bản thân nền kinh tế Trung Quốc hiện nay cũng tiềm ẩn nhiều nhân tố không ổn định và chứa đựng nhiều nguy cơ, thể hiện rõ trên ba mặt: một là, cơ sở cho tăng trưởng không ổn định; hai là, kết cấu không hợp lý; ba là, còn nhiều nhân tố rủi ro tiềm ẩn. Những nhân tố này đã bóp méo cơ chế phân phối tiền vốn, từ đó làm cho giá cả tăng lên và không ổn định.

Kinh tế Nhật Bản trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2014 được dự báo tăng trưởng ở mức vừa phải 2,7%, tỷ lệ lạm phát ổn định ở mức rất thấp 0,7%. Theo Bộ Tài chính nước này, đây là dấu hiệu đang hồi phục của nền kinh tế đất nước “Mặt trời mọc”. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng khẳng định: “Nền kinh tế Nhật Bản đang phục hồi ở mức độ vừa phải. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dần dần tăng so với cùng kỳ năm ngoái”. BOJ vẫn duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ này nhằm đạt được tỷ lệ lạm phát ở mức 2% trong vòng khoảng hai năm tới, bằng việc nhân đôi lượng tiền cơ sở thông qua các đợt mua tài sản trên quy mô lớn. Đây chính là kế hoạch của Thủ tướng Sin-dô A-bê nhằm khôi phục nền kinh tế và giải quyết triệt để tình trạng giảm phát, bằng các chính sách kinh tế có tên gọi “Abenomics”. Kể từ khi ông A-bê nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản vào tháng 12-2012, Ngân hàng BOJ luôn hậu thuẫn chính sách duy trì đồng yên yếu, giúp sản phẩm của Nhật Bản có tính cạnh tranh cao hơn trên thị trương quốc tế.

Các nền kinh tế khu vực Thái Bình Dương được dự đoán sẽ sụt giảm xuống còn 5,0% trong năm 2013 so với mức 7,1% trong năm 2012; thế nhưng sang năm 2014 sẽ lại được nâng lên mức 5,4%. Nền kinh tế các nước khu vực này phụ thuộc nhiều vào dịch vụ buôn bán với các thị trường bên ngoài. Do giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế thấp đang có những tác động tiêu cực đến nguồn thu từ xuất khẩu lâm sản, khoáng sản và nông sản của một số nền kinh tế lớn ở khu vực Thái Bình Dương, như Pa-pua Niu Ghi-nê và Quần đảo Xô-lô-môn.

Khu vực Nam Á cũng đang trên đường đạt được mức dự báo tăng trưởng 4,7% vào năm 2013 và 5,5% vào năm 2014. Sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong quý đầu của năm tài khóa, nền kinh tế Ấn Độ có dấu hiệu đã phục hồi trên cơ sở sự phục hồi của xuất khẩu, sản lượng công nghiệp và nông nghiệp. Ấn Độ được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 4,7% trong năm tài khóa 2013, kết thúc vào ngày 31-3-2014 và 5,7% trong năm tài khóa 2014.

Khu vực Trung Á mức tăng trưởng đang dần được phục hồi, bởi vậy những dự báo tăng trưởng của cả khu vực được được điều chỉnh tăng từ 5,4% lên 5,7% cho năm 2013 và từ 6.0% lên 6,1% cho năm 2014. Những điều chỉnh này phản ánh những kết quả tăng trưởng mạnh ở Ca-dắc-xtan, Tuốc-mê-ni-xtan và U-dơ-bê-ki-xtan.

Khu vực Đông Á vẫn là đầu tàu kinh tế toàn cầu, đóng góp tới 40% tăng trưởng GDP toàn thế giới, cao hơn bất kỳ khu vực nào khác. Trong năm 2013 tăng trưởng kinh tế khu vực này được dự đoán ở mức 7,1% và năm 2014 sẽ nhích lên 7,2%. Điều đó cho thấy kinh tế toàn cầu đã bắt đầu tăng tốc trở lại và đây chính là lúc các nước đang phát triển cần tiến hành tái cơ cấu và cải cách chính sách, nếu họ muốn duy trì tăng trưởng, giảm nghèo và cải thiện đời sống cho nhóm người nghèo dễ bị tổn thương.

Khu vực Đông Nam Á được dự báo đạt mức tăng trưởng 5,2% - 5,5% trong năm 2013 và sẽ nâng lên 5,6% - 5,8% trong năm 2014. Những con số dự báo này đều bị điều chỉnh giảm xuống so với thời điểm đầu quý IV. Sự điều chỉnh giảm bắt nguồn từ những tác động của tình hình căng thẳng tại Thái Lan đối với tiêu dùng và du lịch. Sự tàn phá của cơn bão Haiyan tại Phi-líp-pin cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng của quốc gia này trong năm 2013 nhưng những hoạt động tái thiết dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng khi chúng được khởi động trong năm 2014.

Viễn cảnh toàn cầu đang thay đổi cho thấy cần cải cách cơ cấu để duy trì tăng trưởng và chia đều thịnh vượng. Nhịp độ tăng trưởng tại các nước đang phát triển khu vực Đông Á bị suy giảm do Trung Quốc chuyển trọng tâm từ xuất khẩu sang thị trường nội địa. Các nền kinh tế lớn thuộc nhóm thu nhập trung bình như In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Thái Lan cũng chứng kiến mức suy giảm tăng trưởng nhẹ do chịu ảnh hưởng bởi suy giảm đầu tư, giá hàng hóa thế giới đi xuống và xuất khẩu không như mong muốn./.