TCCS - Những năm qua, Cao Bằng đã thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc, góp phần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Công tác dân tộc và việc tập trung nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng

Cao Bằng là một tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc của Tổ quốc, với diện tích tự nhiên là 6.724,72 km2; có 13 huyện, thị, 199 xã, phường, thị trấn, trong đó có 46 xã, thị trấn biên giới với đường biên giới giáp Trung Quốc dài 332 km, 5 huyện thuộc diện nghèo nhất nước; dân số trên 526 ngàn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 95% (tỷ lệ dân tộc thiểu số cao nhất cả nước).

Trong nhiều năm qua, đặc biệt là từ năm 2005 trở về đây, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng luôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng bộ. Từ việc xác định đúng đắn đó, công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc và tập trung nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong sản xuất nông - lâm nghiệp, sản lượng lương thực hằng năm tăng nhanh, bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn. Sản xuất lương thực phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, nghề khác cùng phát triển, như chăn nuôi phát triển cả về số lượng và cơ cấu đàn; nghề rừng có bước phát triển theo hướng từ khai thác tự nhiên nay được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ, khoanh nuôi và hỗ trợ về lương thực nên đồng bào các dân tộc thiểu số đã chuyển sang trồng, khoanh nuôi và bảo vệ để rừng có điều kiện tái sinh, phát triển. Cao Bằng đã giao khoanh nuôi, bảo vệ được trên 40.000 ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng từ 35% năm 1993 tăng lên 51% đến hết năm 2009.

Với các công trình kết cấu hạ tầng cơ sở khu vực nông thôn được đầu tư theo các chương trình 134, 135, 120, đến nay tất cả các xã trong tỉnh đã có đường ô-tô đến trung tâm xã (tuy vẫn còn nhiều đường ô-tô chưa đi được trong cả 4 mùa), 80% số xã có điện lưới quốc gia và thủy điện nhỏ; hầu hết các xã đều được đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình kênh, mương, hồ, đập để bảo đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Nhà nước đã hỗ trợ xây dựng được hơn 10.000 bể, lu chứa nước hoặc đường dẫn nước tự chảy về đến cụm dân cư với tổng kinh phí đầu tư trên 140 tỉ đồng, nâng tỷ lệ hộ dân được bảo đảm nước sinh hoạt toàn tỉnh lên 80%.

Cơ sở vật chất của các trường học tại các xã đều được đầu tư xây dựng kiên cố, bán kiên cố, học sinh nghèo được trợ cấp thêm tiền học. Đến hết năm 2009, tỷ lệ trẻ đến trường ở Cao Bằng đạt 98%; tháng 12-2008, Cao Bằng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Qua các năm học, số học sinh đạt giải quốc gia đều tăng: năm học 2006 - 2007 đạt 5 giải khuyến khích; năm học 2007 - 2008 đạt 2 giải ba và 4 giải khuyến khích; năm học 2008 - 2009 đạt 5 giải ba và 5 giải khuyến khích; năm học 2009 - 2010 đạt 6 giải ba và 10 giải khuyến khích. Tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng cũng đều tăng qua các năm: năm học 2005 - 2006 đạt 8,53%; năm học 2006 - 2007 đạt 12,32%; năm học 2007 - 2008 đạt 18,81%; năm học 2008 - 2009 đạt 17,7%. Công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng, bình quân các xã đặc biệt khó khăn được trang bị ti-vi, tăng âm, loa đài, máy phát điện nhỏ với trị giá trên 14,5 triệu đồng/xã; đã thực hiện cấp không cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số 6.755 chiếc đài bán dẫn, 765 chiếc ti-vi, 175 bộ TVRO. Mạng lưới y tế được củng cố, phát triển, 100% số xã có trạm xá xây kiên cố, bán kiên cố hoặc nhà cấp bốn, 100% xã có y tá và tủ thuốc, nhiều xã có bác sĩ; đồng bào được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tăng cường củng cố hệ thống y tế cơ sở, thực hiện chính sách miễn, giảm viện phí tại các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước. Đến nay, tỉnh đã có 34 trạm xá đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, 60,8% số xã có bác sĩ phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" được đẩy mạnh, các hoạt động "Ngày hội đoàn kết toàn dân" được tổ chức hằng năm đã góp phần phát huy truyền thống đoàn kết trong nội bộ từng dân tộc, truyền thống đoàn kết các dân tộc và tác động tích cực đến nếp sống, sinh hoạt, tập quán của đồng bào, những phong tục tập quán lạc hậu dần dần được loại bỏ, nếp sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ được đồng bào tiếp thu, những truyền thống tốt đẹp được lưu giữ, bảo tồn và phát huy.

Công tác xóa đói, giảm nghèo được các cấp, các ngành và đồng bào hưởng ứng thực hiện. Tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực, xây dựng và thực hiện nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ đời sống, tạo điều kiện cho đồng bào phát triển sản xuất. Trong 5 năm qua, thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, bằng nguồn vốn nhà nước, vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp và quyên góp từ nhân dân, Cao Bằng đã xóa được gần 11.000 nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào với tổng kinh phí trên 300 tỉ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 28,25% (theo tiêu chí mới). Đến nay, kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện, nâng cao rõ rệt. Năm 2003, bình quân lương thực vùng đồng bào dân tộc thiểu số mới đạt 300 kg/người, đến năm 2009 đạt 480kg/ người. Năm 2009, vượt lên khó khăn, phát huy truyền thống cách mạng với ý chí tự lực tự cường và được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Cao Bằng đã giành được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trên lĩnh vực thực hiện chính sách dân tộc.

Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cả ba khu vực: biên giới, nông thôn, thành thị được giữ vững, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, luôn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của các cấp chính quyền.

Để có được những kết quả trên, Cao Bằng đã thường xuyên chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đồng bào các dân tộc để đồng bào hiểu và thực hiện. Trong phát triển kinh tế, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; thực hiện chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất về cước vận chuyển, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tăng cường khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư tới từng thôn, bản, hộ gia đình để đồng bào áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện chính sách giao đất giao rừng cho đồng bào khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng kinh tế, rừng nguyên liệu để đồng bào tăng thu nhập, sinh sống được từ nghề rừng; thực hiện quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư ở vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dự án phát triển kinh tế; thực hiện chính sách định canh định cư theo hướng có quy hoạch và phát triển đồng bộ, bền vững; tổ chức lồng ghép hiệu quả các cơ chế chính sách, các dự án, chương trình, huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh, của Trung ương và địa phương đầu tư cho đồng bào.

Trong công tác văn hóa - xã hội, đẩy mạnh đầu tư cho phát triển giáo dục - đào tạo, mở rộng các loại hình trường lớp, dạy nghề cho con em các dân tộc; ưu tiên xét tuyển học sinh dân tộc thiểu số đi học các trường chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ vay vốn cho học sinh dân tộc thiểu số đang học ở các cấp học. Ngoài các trường phổ thông, hiện nay ở tất cả các huyện, thị trong tỉnh đều có trường dân tộc nội trú, một số xã có trường bán trú thu hút con em các dân tộc đến học. Tỉnh đã xây dựng chương trình và tích cực đầu tư thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị, truyền thống văn hóa đặc sắc của các dân tộc; thường xuyên đẩy mạnh hoạt động của các đội văn hóa - thông tin lưu động, cấp sách, báo, tạp chí, chiếu phim ảnh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt cuộc vận động "Xây dựng nếp sống văn hóa", xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước nếp sống văn hóa ở thôn bản.

Quan tâm nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô). Tăng cường cán bộ về cơ sở giúp đồng bào phát triển kinh tế, quản lý xã hội; chú trọng phát triển đảng viên, phát triển tổ chức cơ sở đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để chỉ đạo thực hiện tốt công tác này, Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 08- NQ/TU ngày 22-7-2002 Về quy hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ dân tộc ít người giai đoạn 2001 - 2010; Chương trình số 15- CTr/TU ngày 09-6-2006 Về nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2006 - 2010; Đề án số 06- ĐA/TU Về phát triển tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô). Đến hết năm 2009, 100% số xóm, thôn, bản của Cao Bằng đã có đảng viên.

Một số chủ trương lớn để tập trung nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Cao Bằng

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác dân tộc, chính sách dân tộc và tập trung nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong năm 2010 và những năm tiếp theo, Cao Bằng đã và đang chỉ đạo thực hiện tốt các công tác sau:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đồng bào các dân tộc; nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của đồng bào và giải quyết kịp thời những nhu cầu chính đáng của đồng bào theo quy định của pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước.

- Tăng cường đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững ở khu vực nông thôn, nhất là các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới; xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, từng bước làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn.

- Không ngừng phát huy truyền thống quê hương cách mạng, truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc, các dân tộc tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; đẩy mạnh phát triển văn hóa, y tế, giáo dục - đào tạo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc.

- Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn./.