Động cơ thông tin

Nhân Đăng
16:58, ngày 23-06-2010
Cơ quan quản lý báo chí nhận được từ phía bạn đọc một bức thư chất vấn, kèm theo hai bài báo của hai tờ báo khác nhau. Cả hai bài báo đó đều viết về cùng một chủ đề, cùng một địa phương và vào cùng một thời điểm. Chủ đề chung là: xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở miền núi.

Cơ quan quản lý báo chí nhận được từ phía bạn đọc một bức thư chất vấn, kèm theo hai bài báo của hai tờ báo khác nhau. Cả hai bài báo đó đều viết về cùng một chủ đề, cùng một địa phương và vào cùng một thời điểm. Chủ đề chung là: xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở miền núi.

Báo A khen đậm lời về những thành tích đạt được, kèm theo ảnh về những cụm dân cư mới, bệnh xá và phòng học tương đối khang trang.

Báo B lại chê hết chỗ nói, minh họa bằng những bức ảnh về các bản hẻo lánh, nhà cửa tồi tàn, dân sống nghèo khổ, đi lại khó khăn, không có chỗ để chữa bệnh và cho trẻ em học hành.

Hỏi hai tòa báo thì đều được trả lời: thông tin là chính xác bởi phóng viên của họ đều đến tận nơi, viết và chụp ảnh về những điều mắt thấy tai nghe.

Hỏi lãnh đạo địa phương thì được biết: Những gì hai tờ báo phản ánh đều là có thật. Những thông tin cho các báo ấy cũng đều do địa phương cung cấp, và chính các phóng viên trực tiếp phỏng vấn người dân.

Chỉ có điều mà các cán bộ địa phương chưa dám tiết lộ.

Vì biết báo A là một tờ báo chính trị có uy tín lớn, mỗi thành tích đưa lên mặt báo có thể dẫn đến việc khen thưởng, cho nên khi phóng viên báo A đến tìm hiểu, họ đã đưa đến những nơi có thành tích tốt đẹp. Còn báo B là cơ quan của một tổ chức xã hội có quỹ tài trợ lớn cho những người nghèo, vùng nghèo. Cho nên đối với phóng viên báo B, họ chỉ đưa đến những chỗ lạc hậu và nghèo khổ nhất, cốt sao tranh thủ được sự tài trợ càng nhiều càng tốt.

Hóa ra cách thông tin của địa phương cũng "khôn" đáo để.

Thảo nào trong quá trình thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ, không ít xã thuộc vùng trung du 100% cũng xin được xếp vào diện miền núi. Cũng có xã giao thông thủy bộ đều thuận lợi lại muốn được coi là vùng sâu, vùng xa. Với kết quả đạt được khá ngoạn mục trong nhiều năm phấn đấu, nhiều địa phương tự giác xin rút tên mình ra khỏi diện được hỗ trợ. Trong khi đó, có những địa phương cũng đạt được những thành tích như vậy, nhưng vẫn muốn "ở lại" để tiếp tục nhận được chế độ ưu đãi. Lại có những địa phương làm ăn chẳng ra gì, lại thổi phồng thành tích lên, báo cáo là đã thoát nghèo, cốt để được nhận khen thưởng nhưng lại làm cho dân khổ thêm.

Trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, có chỗ thiệt hại ít xít ra nhiều để mong được nhận trợ cấp lớn hơn. Lại có chỗ thiệt hại to thì vo nhỏ lại để che giấu nguyên nhân thật của thiệt hại là do khuyết điểm trong công tác chỉ đạo của chính mình.

Báo chí rút ra bài học gì nhỉ? Phải chăng tính chân thật là một tiêu chí hàng đầu? Cần nhìn thẳng vào sự thật, nhưng phải đánh giá đúng sự thật. Sự thật không thể là phiến diện hoặc bóp nặn theo ý đồ chủ quan của người viết.

Còn đối với địa phương, cũng xin xem lại động cơ thông tin của mình. Không thể vì chủ nghĩa thành tích hay thực dụng vụ lợi mà đưa ra những thông tin dẫn đến nhận thức sai lệch về cái sự thật của chính địa phương mình./.