Bảo hộ thương mại thời hậu khủng hoảng
TCCS - Cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua đã có tác động rất nhiều đến thương mại quốc tế, trong đó nổi lên vấn đề bảo hộ thương mại (BHTM). Theo nhiều nghiên cứu, tuy việc vi phạm trắng trợn các quy định thương mại có hạn chế, song điều khiến người ta cảnh giác chính là những biện pháp BHTM đang có nguy cơ trỗi dậy. Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Cảnh báo thương mại toàn cầu (GTA), tình trạng BHTM hiện nay đang ngày càng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Thực trạng bảo hộ thương mại
Do khủng hoảng kinh tế, rào cản thương mại dường như đang được dựng lên ở khắp mọi nền kinh tế. Năm 2009, thế giới đã có từ 230 đến 250 vụ điều tra chống bán phá giá, tăng khoảng 20% so với năm 2008. Từ tháng 9-2008 đến tháng 3-2009, các nước thành viên WTO đã đưa ra tới 211 biện pháp bảo hộ bất chấp những cam kết tại hội nghị G20 cũng như các diễn đàn chống BHTM. WTO đã cảnh báo về sự gia tăng điều tra chống bán phá giá, về nguy cơ trỗi dậy của BHTM. Vấn đề này đang ngày càng nóng lên, nhất là sau khi các nước đưa ra các gói kích thích kinh tế khổng lồ, đồng thời với việc khuyến khích dùng hàng nội địa. Theo WTO, một khi sự hồi phục kinh tế đã rõ ràng, các nước cần ngừng ngay các gói kích thích, trả lại cho thị trường vai trò vốn có của nó trong việc phân định nguồn vốn.
Và tại những kỳ hội nghị gần đây của G20, vấn đề được đề cập tới nhiều nhất vẫn là chủ nghĩa bảo hộ (CNBH). Tháng 11-2008, G20 cam kết không tiến hành các biện pháp BHTM. Tuy nhiên, tuyên bố này đã tỏ ra không hiệu lực. Chỉ 12 tháng sau đó, chính G20 đã thực hiện 183/297 biện pháp bảo hộ, trong đó, Nga là nước mạnh tay nhất. Kết quả là, chính những nước này lại là "nạn nhân" chủ yếu của BHTM. Từ tháng 9 đến tháng 11-2009, trong số 10 nước thuộc G20, mỗi nước đã phải chịu không dưới 20 biện pháp bảo hộ từ các nước khác (nhiều nhất là Trung Quốc với 47 biện pháp, Mỹ là 32, Đức là 21).
Điều đáng chú ý là BHTM đang biến hóa không ngừng và có xu hướng "đối đầu". Dù cả thế giới đang nói đến hội nhập và tự do thương mại, nhưng trên thực tế, BHTM giữa các quốc gia lại đang trở nên trầm trọng hơn và hình thức bảo hộ cũng đa dạng hơn. Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, các nước đã sử dụng các biện pháp "bảo hộ tiềm ẩn" dưới hình thức cáo buộc bán phá giá, dưới dạng thuế, trợ cấp, cộng thêm những biện pháp hạn chế phi thuế quan khác... Bên cạnh đó, còn có nhiều hình thức bảo hộ khác như trợ giá xuất khẩu, kiểm dịch thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn mang tính địa phương... Trong đó, các biện pháp bảo hộ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm hay các tiêu chuẩn địa phương đang được xem là có hiệu quả.
Theo một nghiên cứu, Trung Quốc là nạn nhân lớn nhất của CNBH. Từ tháng 11-2008- 1-2010 đã có 61 đối tác thực hiện 160 biện pháp bảo hộ chống lại Trung Quốc. Hiện có thêm 111 biện pháp đang trong quá trình xem xét. Trong 4 tháng đầu năm 2010, số vụ điều tra liên quan đến việc chống bán phá giá, chống trợ giúp nhằm vào Trung Quốc tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2009. Tuy nhiên, mặc dù gặp không ít khó khăn như vậy, song chính Trung Quốc cũng đã thực hiện nhiều biện pháp BHTM. Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo rằng, những bước đi của Trung Quốc trong việc sử dụng 585 tỉ USD kích thích kinh tế "dường như đi ngược lại những gì Bắc Kinh đã thể hiện để chống lại CNBH". Theo WB, Trung Quốc đã yêu cầu các cơ quan chính phủ mua hàng sản xuất trong nước cho các dự án sử dụng ngân sách nhà nước. Mỹ cũng đã lên tiếng về hành vi bảo hộ này của Trung Quốc. Ngày 5-7-2010, EU tuyên bố "sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn đối với thương mại và các rào cản đầu tư của Trung Quốc" bởi nước này không những không tuân thủ các cam kết có liên quan tới hiệp định thương mại, mà còn tăng cường bảo hộ cho các doanh nghiệp nội địa.
Đối với Mỹ, các chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã lộ rõ màu sắc của CNBH, các biện pháp bảo hộ của Mỹ đang có phần gia tăng. Gói kích cầu 787 tỉ USD, trong đó điều khoản "người Mỹ dùng hàng Mỹ", yêu cầu các dự án có sự hỗ trợ từ gói kích cầu phải sử dụng sắt thép và sản phẩm của Mỹ đã gây lo ngại cho các đối tác, vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trên thế giới. Ngoài việc sử dụng các biện pháp như chống phá giá, chống trợ cấp... Tổng thống B.Ô-ba-ma còn phá vỡ thông lệ phủ quyết toàn bộ các hồ sơ bảo hộ đặc biệt trong nhiệm kỳ 8 năm về trước của người tiền nhiệm G. Bu-sơ. Điển hình là việc Mỹ đã đánh thuế rất nặng đối với lốp xe Trung Quốc. Ngoài ra, còn tiến hành BHTM với hơn mười quốc gia và khu vực, như Mê-hi-cô, Hàn Quốc, I-ta-li-a, ác-hen-ti-na, In-đô-nê-xi-a, Nam Phi, Xin-ga-po... Trong một diễn biến khác, 29 nước thành viên WTO đã chỉ trích gay gắt việc Mỹ tái ban hành những biện pháp trợ giá xuất khẩu đối với mặt hàng sữa, cảnh báo rằng đây có thể là một tiền lệ nguy hiểm khiến thế giới quay lại CNBH, đặc biệt có nguy cơ bùng nổ thành những cuộc chiến thương mại. Bra-xin, đại diện cho 23 nước đang phát triển cho rằng, Mỹ đang thúc đẩy chính sách bảo hộ lạc hậu, phá hoại hệ thống thương mại toàn cầu. Ô-xtrây-li-a, đại diện cho các nước xuất khẩu nông nghiệp thì khẳng định, những chính sách trợ giá mà Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố là "bất công với các nước đang tuân thủ những quy định của WTO về buôn bán công bằng". Về phần mình, Mỹ biện luận, việc trợ giá cho những sản phẩm như sữa của họ là cần thiết để bảo vệ nông dân trước nguy cơ bị các sản phẩm sữa của EU chiếm lĩnh thị trường. Điều đáng nói là, trong khi sử dụng nhiều biện pháp gây khó dễ cho việc nhập khẩu, thì chính Mỹ lại đòi các nước mở cửa cho hàng hóa của mình.
Ngoài Mỹ và Trung Quốc, các biện pháp BHTM cũng đã được nhiều nước áp dụng. Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di yêu cầu chính phủ hỗ trợ ngành ô-tô để duy trì sản xuất trong nước, bảo vệ thị trường việc làm. I-ta-li-a cũng có những biện pháp cứu trợ tương tự. Chính phủ Anh đưa ra gói giải cứu 3,3 tỉ USD hỗ trợ ngành ô-tô. Tại Tây Ban Nha và Anh, hiện tượng "bài xích" lao động nước ngoài ngày một tràn lan...
Biện pháp BHTM giữa các nước diễn ra khá phức tạp. Tháng 10-2009, 400 xe tải của ác-hen-ti-na phải nằm chờ tại biên giới giáp với Bra-xin; 20.000 tấn bột mì của nước này bị kẹt trong một bất đồng thương mại giữa hai nước. Đây là một cú trả đũa, do trước đó vài tháng ác-hen-ti-na đã áp đặt các biện pháp bảo hộ đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Bra-xin, với lý do bảo vệ việc làm trong nước. In-đô-nê-xi-a thì tăng cường áp dụng các hàng rào phi thuế quan, sử dụng tiêu chuẩn quốc gia, cấp giấy chứng nhận bắt buộc đối với hàng tiêu dùng, tăng cường chính sách bảo vệ mềm. Mê-hi-cô tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa của Mỹ, nhằm trả đũa việc Oa-sinh-tơn cấm xe vận tải Mê-hi-cô vào Mỹ. Tôm xuất khẩu của ấn Độ sang EU đang đứng trước nguy cơ bị cấm nhập khẩu. Hàn Quốc tăng cường các biện pháp kiểm dịch cá nhập khẩu. Ngành chăn nuôi Bắc Mỹ đang gặp khó khăn do dịch cúm lợn, trong đó Mỹ, Mê-hi-cô và Ca-na-đa là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Lấy lý do an toàn về thực phẩm, Nga đã cấm nhập khẩu thịt căng-gu-ru của Ô-xtrây-li-a. Cũng với lý do trên, Nga còn cấm nhập khẩu thịt từ khoảng 30 quốc gia khác, và gần 500 sản phẩm sữa của Bê-la-rút, do các sản phẩm này chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định mới.
Nhu cầu xóa bỏ bảo hộ, thực hiện thương mại tự do
WB ước tính, nếu các rào cản thương mại hoàn toàn được dỡ bỏ, thì sẽ có thêm hàng chục triệu người được thoát nghèo. Do đó, việc tìm ra hướng đi cho thương mại tự do không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn có một sứ mệnh nhân đạo. Tính toán sơ bộ, chỉ riêng việc xóa bỏ các rào cản thương mại, mỗi năm các nước đang phát triển có thể thu nhập thêm 142 tỉ USD. Nếu đem so sánh với 80 tỉ USD viện trợ kinh tế của các nước phát triển trong năm 2005 và hơn 42,5 tỉ USD tổng các khoản nợ dự kiến được giảm cho các nước đang phát triển, sẽ thấy giá trị của tự do thương mại. Chính vì thế, BHTM là một trong những nhân tố bất lợi cho quá trình khôi phục kinh tế toàn cầu, gây ra thất nghiệp cao, khiến vòng đàm phán Đô-ha bị chậm lại.
BHTM cũng làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ kinh tế giữa các nước. Các thành phố của Ca-na-đa đã trả đũa thương mại Mỹ bằng cách cấm các công ty Mỹ tham gia vào những dự án tại địa phương. EU trừng phạt 311 triệu USD đối với hàng hóa Mỹ vào thị trường này, nhằm trả đũa việc chống bán phá giá của Mỹ. Việc khuyến khích mua hàng nội có thể giải quyết được tình trạng sản xuất dư thừa trong nước. Tuy nhiên, về lâu dài, biện pháp này tất yếu sẽ khiến nước khác phát động một cuộc chiến thương mại đối đầu, tạo lý do đầy đủ để chống lại hàng nhập khẩu.
BHTM đã phủ những "đám mây đen", gây ra những thiệt hại nặng nề, thậm chí gây nguy hiểm cho nền kinh tế thế giới. Là cường quốc kinh tế hàng đầu, Mỹ có vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, trong khi các nước G20 nhất trí xóa bỏ bảo hộ, thì Mỹ lại không ngừng vi phạm cam kết, áp dụng BHTM. Điều này mang đến những tác động tiêu cực cho hệ thống thương mại đa phương. Điều luật "người Mỹ dùng hàng Mỹ" không những đi ngược với quy tắc, luật lệ thương mại, mà còn gây thiệt hại cho chính các doanh nghiệp Mỹ.
BHTM còn là mối đe dọa, nỗi lo lắng đối với xuất khẩu. Chẳng hạn, bị tác động từ các biện pháp BHTM, xuất khẩu của Nhật Bản đã suy giảm nặng nề (tháng 2-2009, xuất khẩu của Nhật Bản giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước).
Nhiều ý kiến cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ là một kiểu "uống rượu độc giải khát". Trong thời gian ngắn, BHTM có thể mang đến những ưu thế nhất định cho những nước sử dụng các biện pháp này, nhưng về lâu dài, nó sẽ cản trở kinh tế thế giới, đặc biệt ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nước có thu nhập thấp và các nước đang phát triển, gia tăng nghèo khó cho những nước này.
Nguyên nhân dẫn đến bảo hộ
Nguyên nhân dẫn đến CNBH đã được phân tích khá nhiều. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, có thể thấy nổi lên những nguyên nhân chủ yếu sau:
Một là, do hiệu quả kinh doanh thấp. Thông thường, cạnh tranh kinh tế thông qua hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, khi không đạt được các kết quả như mong muốn, người ta sẽ sử dụng các biện pháp khác, trong đó có việc bảo hộ. Có thể lấy ví dụ ở Mỹ: thay vì tăng cường sản xuất để nâng cao hiệu quả, các nhà sản xuất Mỹ lại chi tiền để vận động những nhà lập pháp và hành pháp đưa ra những luật lệ bất bình đẳng. Việc làm này cổ xúy cho CNBH chứ không phải là tự do thương mại.
Hai là, do những khó khăn nảy sinh trong cuộc khủng hoảng. Rất nhiều quốc gia đã rơi sâu vào suy thoái và phải đối mặt với nhiều áp lực lớn. Để bảo vệ nền kinh tế, họ buộc phải tăng cường BHTM dù hiểu rất rõ về những mặt trái của CNBH, nhưng dù sao bảo hộ vẫn còn hơn không. Nhìn rộng ra, trong lịch sử thương mại thế giới, BHTM và thương mại tự do luôn song hành với nhau. Và mỗi khi nền kinh tế đối mặt với khủng hoảng, BHTM lại có dịp leo thang. Trong bối cảnh đầy khó khăn như vậy, các nhà lãnh đạo sẽ có khuynh hướng thi hành các chính sách BHTM, để tạo ra những "ưu đãi" cho nền kinh tế.
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc thời gian qua khá căng thẳng do hệ quả từ nhiều biện pháp BHTM. Tháng 11-2009, Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá tới 99% đối với một số sản phẩm thép của Trung Quốc. Còn phía Trung Quốc đã trả đũa đối với ô-tô nhập khẩu từ Mỹ, áp thuế chống bán phá giá đối với gà lông trắng của Mỹ. Theo đó, việc nhập khẩu gà lông trắng từ Mỹ phải chịu thuế chống bán phá giá từ 43,1% - 105,4%. Còn có thể kể ra nhiều ví dụ khác cho mối quan hệ thương mại này. Chính vì thế, người ta nói rằng, nét đặc trưng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung là CNBH.
Ba là, do thâm hụt thương mại tăng cao. Tình trạng này đã và đang xảy ra ở nhiều nước, điển hình là Mỹ. Trong 3 quý đầu năm 2009, thâm hụt thương mại của Mỹ là 274,6 tỉ USD. Từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, một mục tiêu chủ yếu mà chính phủ Mỹ theo đuổi chính là giảm thiểu thâm hụt thương mại. Vì thế, Mỹ một mực thi hành các chính sách BHTM.
Bốn là, do sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc về kinh tế. Gần đây, tạp chí The Economist (Anh) viết: "chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế đồng nghĩa với những nỗ lực "giam giữ" việc làm và các dòng vốn ở trong nước". Chủ nghĩa này sẽ thúc đẩy BHTM, có thể khiến cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay trở thành cuộc khủng hoảng chính trị và làm nghiêm trọng thêm tình trạng suy thoái toàn cầu. Một số quốc gia lớn tiếng phản đối CNBH, nhưng trên thực tế họ lại áp dụng các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp, đồng thời tranh cãi về các vấn đề tỷ giá hối đoái.
Các biện pháp chống bảo hộ
- Nâng cao nhận thức. Nhiều ý kiến cho rằng, nhận thức và xử lý nguồn gốc của cuộc khủng hoảng mới là biện pháp cơ bản, chứ không phải là gia tăng bảo hộ. Việc tái áp dụng và dựng lên những hàng rào không phải là giải pháp tối ưu cho cuộc khủng hoảng. Các rào cản này chỉ bảo vệ lợi ích của thiểu số nhưng gây tổn hại cho đa số. WTO đã đề nghị các nước phải tránh CNBH cùng với các chính sách bóp méo hoạt động thương mại. WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng kêu gọi chống lại BHTM. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 14 (tháng 3-2009) đã phản đối CNBH và cho rằng ASEAN có thể vượt qua thử thách mà không cần tới CNBH. Tháng 5-2009, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 nhất trí tăng cường chống CNBH. Tháng 6-2009, Nga và Trung Quốc đã cùng lên tiếng phản đối BHTM. Cuối tháng 7-2010, Diễn đàn Bác Ngao đã kêu gọi ngăn chặn nguy cơ CNBH gây ra mối đe dọa thực sự đối với nền kinh tế toàn cầu.
Điều đáng chú ý là BHTM đang biến hóa không ngừng và có xu hướng "đối đầu". Các nước đã sử dụng các biện pháp "bảo hộ tiềm ẩn" dưới hình thức cáo buộc bán phá giá, dưới dạng thuế, trợ cấp, cộng thêm những biện pháp hạn chế phi thuế quan khác... Từ tháng 11-2008 đến nay, 32% các biện pháp bảo hộ là dưới hình thức cứu trợ tài chính và viện trợ chính phủ. Tiếp theo là biện pháp phòng vệ, chiếm 20%, bao gồm áp dụng thuế chống phá giá, chống trợ giá cùng một số hình thức bảo vệ trực tiếp theo từng ngành nghề. Biện pháp thuế quan chiếm 14%. Bên cạnh đó là trợ giá xuất khẩu, áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm mang tính địa phương...
- Tăng cường thỏa thuận. Ngày 27-10-2009, Mỹ và EU đã cam kết giảm bớt những hàng rào đang cản trở hoạt động thương mại giữa hai bên. Các nước sản xuất chuối của Mỹ La-tinh đã đạt được thỏa thuận với đề nghị cắt giảm biểu thuế quan, động thái có thể chấm dứt "cuộc chiến thương mại chuối" giữa đôi bên, kéo dài nhất từ trước đến nay tại WTO. Bra-xin thì cho rằng, trả đũa thương mại không phải là biện pháp phù hợp, mà cần tăng cường hợp tác để tiến tới một nền thương mại công bằng hơn. Theo ấn Độ, các nước nên kiềm chế CNBH vì sự hồi phục kinh tế toàn cầu, thông qua các biện pháp tích cực. 11 nền kinh tế dựa vào xuất khẩu kêu gọi cần thận trọng với CNBH và cho rằng vòng đàm phán Đô-ha cần kết thúc càng sớm càng tốt.
- Nỗ lực phối hợp giữa các quốc gia. WTO đã yêu cầu các nước phải gia tăng áp dụng các chính sách mở cửa, để cùng nhau đối phó với khủng hoảng. Theo Tổng Giám đốc WTO, ông P.La-mi, để thương mại hoạt động, các nước cần những nỗ lực mới, đặc biệt, cần có sự đoàn kết toàn cầu. G20 đưa ra thông điệp chống lại CNBH và tiếp tục các nỗ lực hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho thương mại. OECD cho rằng, cuộc khủng hoảng này sẽ trở nên xấu đi nếu chúng ta chịu thua CNBH, "tăng cường mối quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi là điều vô cùng quan trọng". WB và IMF cùng kêu gọi chống lại CNBH và duy trì một hệ thống thương mại mở.
Các biện pháp trên đã được nhiều nước, nhiều tổ chức, khu vực vận dụng. Tuy nhiên, hiệu quả của chúng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Có một điều chắc chắn rằng, một khi các nước đã nhận thức được mặt trái của BHTM, tính nhất thời của CNBH, thế giới có thể hy vọng, sớm muộn các biện pháp bảo hộ sẽ ngày càng giảm bớt trong nền thương mại công bằng. Nền kinh tế thế giới nói chung, nền thương mại nói riêng sẽ có điều kiện để phát triển mạnh mẽ hơn./.
Khai mạc Ðại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á lần thứ 31  (21/09/2010)
Xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới  (21/09/2010)
An Giang với mô hình "liên kết bốn nhà" trong bao tiêu lúa Nhật cho nông dân  (21/09/2010)
An Giang với mô hình "liên kết bốn nhà" trong bao tiêu lúa Nhật cho nông dân  (21/09/2010)
Việt Nam đạt thành tựu ấn tượng nhất về giảm nghèo  (21/09/2010)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên