Kinh tế thế giới sẽ “ấm” dần trong năm 2013
Bức tranh kinh tế toàn cảnh đã có nhiều mảng sáng
Năm 2013, Nhà Trắng chờ đợi những thành quả kinh tế tốt đẹp hơn năm 2012, còn Trung Nam Hải cũng trông đợi GDP sẽ trở lại mức tăng trưởng cao. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, năm 2013 là năm Mỹ và Trung Quốc sẽ làm lu mờ phần còn lại của bức tranh kinh tế thế giới, và đây cũng là thời điểm mà sự cạnh tranh giữa hai siêu cường kinh tế thể hiện rõ nét và quyết liệt nhất.
Kinh tế Mỹ đã tránh được “vách đá tài chính”, đang có nhiều dấu hiệu tăng trưởng được phục hồi. Nếu năm 2012 tăng GDP chỉ dừng lại ở mức xấp xỉ 2%, thì năm 2013 được dự báo sẽ đạt 2,4 - 2,5%, mà điều quan trọng nhất chính là, nền kinh tế Mỹ chủ yếu nhờ vào sự độc lập về năng lượng và hầu hết các nguyên vật liệu cho nền sản xuất. Từ quý IV-2012, chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã giải quyết một bước quan trọng về nạn thất nghiệp - kéo xuống mức dưới 8%; năm 2013 sẽ khống chế tỷ lệ này không vượt quá 7,7%, đồng thời thu hẹp thêm khoảng cách giàu - nghèo. Thị trường bán lẻ - một chỉ số rất quan trọng của mỗi nền kinh tế, từ tháng 12 năm ngoái đến nay, khối lượng và trị giá đang gia tăng với nhịp điệu đáng khích lệ. Thị trường bất động sản - được coi là thước đo sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, đã từng “nổ bong bóng”, lây lan sang các lĩnh vực khác, dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng năm 2008 - 2009, nay đang phục hồi mạnh mẽ, số dự án sẽ được triển khai xây dựng trong năm 2013 tăng khoảng 20 - 22%, giá cả cũng tăng ở mức 2 - 3%. Trong số 5 thành phố có khối lượng dự án lớn và ổn định nhất, được các tập đoàn bất động sản thế giới đầu tư nhiều nhất, thì chỉ có Luân-đôn là ở Anh, bốn thành phố còn lại đều ở Mỹ, theo thứ tự: Niu Oóc, Luân đôn, Oa-sinh-tơn, Xan Phran-xi-xcô, Hau-xtơn.
Bắc Kinh chủ trương năm 2013 sẽ tăng cường hơn nữa sức mạnh quân sự, đặc biệt là mua sắm cũng như tự chế tạo các trang, thiết bị tối tân và hiện đại cho hải quân và không quân. Điều đó đòi hỏi ngân sách quốc phòng phải được gia tăng đáng kể và do đó, không thể không gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, trong 3 năm gần đây, mức tiền lương lao động, trước hết là công nhân các nhà máy, đã tăng tới 4 lần, không còn khái niệm “lao động rẻ mạt”, trong khi đó ở nhiều nơi vẫn khan hiếm lao động tay nghề cao, khiến nền kinh tế Trung Quốc mất dần tính cạnh tranh so với nhiều nền kinh tế mới nổi. Mặt khác, nạn tham nhũng vẫn còn khá phổ biến cũng là lực cản đáng kể trong phát triển kinh tế. Chính vì vậy, nhiều nhà phân tích dự báo, kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới này sẽ phát triển theo xu hướng chậm lại: nếu năm 2012 GDP tăng 7,6%, thì năm 2013 cao lắm cũng chỉ có thể đạt từ 8 đến 8,4%, nghĩa là từ nay Trung Quốc khó có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng cao từ 9 đến 10% hay từ 11 đến 12% như những năm đầu thế kỷ XXI.
Trước thực trạng đó, các nhà đầu tư Trung Quốc buộc phải tìm kiếm tài sản bổ sung và cơ hội mới ở nước ngoài, đặc biệt là ở Bắc Mỹ và châu Phi. Những ngành chính giúp Trung Quốc dễ dàng tiếp cận thị trường nước ngoài và chuyển giao công nghệ trước hết là bất động sản, xây dựng hạ tầng giao thông vận tải, nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm. Theo báo cáo “Xu hướng toàn cầu đến năm 2030” của Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ (NIC), “trong 20 năm tới, các doanh nghiệp Trung Quốc rất có thể sẽ cần phải đầu tư ở nước ngoài để đạt được những tiến bộ công nghệ mới, cải tiến phong cách quản lý”. Để làm được điều đó, Trung Quốc sẽ phải tham gia đầu tư trực tiếp nước ngoài ở các quốc gia khác, một bước đi hợp lý trong giai đoạn phát triển hiện nay và đây có thể là cách duy nhất để Trung Quốc đạt được “chuỗi giá trị”. Tính đến giữa năm 2012, đã có hơn 16.000 danh nghiệp Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài với ít nhất gần 900 nghìn lao động tại nước này. Các hoạt động đầu tư này có tác động trực tiếp đáng kể, đem lại 57 tỷ USD kiều hối cho Trung Quốc.
Lâu nay người ta từng gọi châu Phi là “Lục địa đen” với ý nghĩa căn cứ vào màu da của hầu hết các dân tộc sống tại đây. Thế nhưng gần đây, cũng với cái tên đó, người ta lại có thể hiểu theo một nghĩa khác, bởi ở đó rất giàu “vàng đen” - dầu khí, thứ nhiên liệu mà trong thời đại bùng nổ công nghiệp hiện nay, bất cứ nước nào cũng rất cần. Chỉ riêng trong năm 2012, tại châu Phi có gần 20 phát hiện mới về dầu khí, được đánh giá là đã làm thay đổi bản đồ năng lượng của thế giới. Theo số liệu thống kê, “Lục địa đen” có trữ lượng ít nhất là 132,5 tỷ thùng dầu thô, tính đến cuối năm 2012, gấp 2,2 lần trữ lượng của Nga. Trong đó, đứng đầu là Ni-giê-ri-a (37,3 tỷ thùng, đứng thứ 10 thế giới), An-giê-ri (12,3 tỷ thùng, đứng thứ 16 thế giới) và An-gô-la (9,5 tỷ thùng, đứng thứ 18 thế giới),... Đặc biệt, với việc phát hiện thêm nhiều mỏ dầu khí trữ lượng lớn tại một loạt nước Đông Phi, châu lục này đang nổi lên như một trung tâm đầy thế lực về năng lượng. Tiềm năng to lớn về dầu khí của châu Phi đang hết sức quyến rũ các nhà đầu tư quốc tế rót vốn vào các hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến loại tài nguyên này. Điều đó được coi là một động lực quan trọng tạo việc làm và thúc đẩy nền kinh tế châu lục phát triển.
Ngay từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, người Trung Quốc đã sớm nhận thấy tiềm năng dồi dào về tài nguyên thiên nhiên của châu Phi. Thế nhưng, chỉ đến mấy năm gần đây, do nhu cầu to lớn và rất cấp thiết về năng lượng, Trung Quốc mới cấp tập đầu tư vào lục địa này. Theo số liệu mà Bắc Kinh đã công bố trên báo chí, tính đến cuối năm 2012, Trung Quốc đã đầu tư hơn 40 tỷ USD vào châu Phi, trong đó có 14,7 tỷ USD là đầu tư trực tiếp. Hiện có trên 800 doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động rải rác tại hầu hết các nước châu Phi, chủ yếu trong các lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, phát triển hạ tầng và ngân hàng. Cũng cần nói thêm, phần lớn các công ty Trung Quốc đầu tư vào châu lục này đều là những công ty con thuộc các tập đoàn nhà nước, được chính quyền bảo vệ và hỗ trợ.
Tuy nhiên, các nhà quan sát quốc tế thừa nhận, rất khó có thể thống kê đầy đủ số tiền mà Trung Quốc tài trợ cho các nước châu Phi, cũng như con số thực sự của các công ty Trung Quốc đầu tư vào các ngành kinh tế ở châu lục này. Hồi tháng 7-2012, Bắc Kinh tuyên bố cho châu Phi vay thêm 20 tỷ USD, đồng thời xóa các khoản nợ trị giá 10 tỷ USD. Người ta ước tính, châu lục này đang nợ Trung Quốc trên 30 tỷ USD. “Món quà” mà Bắc Kinh dành cho “Lục địa đen”, đương nhiên, có nhiều lời bình luận trái ngược nhau, nhưng chắc chắn không ai “ném tiền qua cửa sổ”, bởi lợi ích quốc gia vẫn là “cái chốt”. Trong khi tình hình các nước phương Tây vẫn chưa thể hiện rõ chính sách “quay trở lại châu Phi” và đặt điều kiện cho quan hệ hợp tác với các nước ở châu lục này, thì chính sách “hướng đông” của Bắc Kinh vẫn được nhiều chính phủ châu Phi đánh giá là tích cực.
Từ thực tế đó, các nước châu Phi sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc. Năm vừa qua, sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc tại châu Phi tập trung chủ yếu vào ba mũi nhọn kinh tế: thương mại, đầu tư và viện trợ. Hiện Trung Quốc nhập khẩu khoảng 1/3 lượng dầu mỏ cùng nhiều khoáng sản khác từ châu Phi. Ngược lại, châu Phi đã trở thành thị trường hơn một tỷ dân cho các sản phẩm của Trung Quốc. Trên đà tăng mạnh trong suốt hai thập kỷ qua, đặc biệt là từ năm 2009, khi Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, trao đổi thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và châu lục này năm 2012 đạt trên 200 tỷ USD, tăng 22% so với con số 166,3 tỷ USD của năm trước đó. Năm 2013, dự báo quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương không mấy khả quan, bởi thế, Bắc Kinh sẽ càng hướng mạnh hơn nữa sang châu Phi.
Trong cuộc chạy đua giữa hai nền kinh tế được coi là “đầu tàu” - Mỹ và Trung Quốc, ngay cả đến Hội đồng Tình báo quốc gia của Mỹ mới đây cũng dự báo rằng, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới chỉ trong vòng hai chục năm nữa, nghĩa là vào đầu những năm 2030.
Chưa ai dám khẳng định dự báo đó có chính xác, có trở thành hiện thực hay không, nhưng có điều cũng phải chú ý tới cả Ấn Độ - một “vận động viên việt dã kinh tế” rất kiên cường, đang bám đuổi không xa Trung Quốc. Người Trung Quốc nghĩ rằng, vào khoảng năm 2030 họ sẽ vượt Mỹ, nhưng ở thời điểm ấy, rất có thể Ấn Độ sẽ đuổi kịp Trung Quốc. Ấn Độ cũng là nước đông dân nhưng dân số lại trẻ hơn và không bị lão hóa như Trung Quốc; hiện dân số Trung Quốc là hơn 1,3 tỷ, trong khi Ấn Độ có khoảng 1,1 tỷ. Sức tiết kiệm của Ấn Độ cũng bằng Trung Quốc, nhưng tỷ trọng về tiêu thụ của thị trường nội địa Ấn Độ lại cao hơn, nên ít bị lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Với một thể chế dân chủ, rất tôn trọng quyền tự do và quyền sáng tạo, khuyến khích mọi thành phần kinh tế phát triển, tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ rất cao, không thua kém nhiều so với Trung Quốc. Bởi thế, không ai dám khẳng định Ấn Độ không thể đuổi kịp và vượt Trung Quốc!
Xu hướng phát triển mới của kinh tế thế giới
Năm 2013, thế giới sẽ diễn ra nhiều biến đổi nhanh chóng và mạnh mẽ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội. Điều đó sẽ góp phần tạo dựng những xu hướng phát triển mới trong quan hệ quốc tế ở thế kỷ XXI. Năm 2013, có thể châu Âu vẫn còn chìm đắm trong không khí ảm đạm của cuộc khủng hoảng kinh tế đã kéo dài 4-5 năm nay, trong khi đó, hầu hết các khu vực trên thế giới bước vào một quá trình đổi mới mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của đời sống. Quá trình này sẽ tác động tới cục diện thương mại, đầu tư, công nghệ; phương thức chia sẻ quyền lực kinh tế và chính trị; vai trò địa - kinh tế và giao lưu thương mại trong quan hệ quốc tế; cạnh tranh giữa các nước trong tiếp cận nguồn nhiên liệu và tài nguyên thiên nhiên; sự bất bình đẳng trong phân chia của cải. Đây thực sự là những vấn đề địa - chính trị và địa - kinh tế mới của thế giới, khác xa với tình hình thế giới khi vừa bước sang thế kỷ XXI.
Cho dù năm 2013 và nhiều năm nữa, Mỹ vẫn là cường quốc quân sự số một, nhưng tỷ trọng kinh tế của nó sẽ giảm dần trong tương quan với các nước và khu vực khác, nghĩa là địa vị thống soái kinh tế của Mỹ sẽ lu mờ dần. Đây là quá trình không gì có thể ngăn cản, không thể đảo ngược.
Trong năm 2013, việc cạnh tranh, giành giật nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên giữa một số quốc gia có thể sẽ diễn ra quyết liệt; các quốc gia sẵn sàng sử dụng mọi công cụ, từ ngoại giao đến cả quân sự, để chiếm đoạt và nắm quyền kiểm soát chúng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nền kinh tế ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, tốc độ tăng trưởng không cao, có sự thay đổi cơ cấu nền kinh tế thế giới, hầu hết các quốc gia đều rất cần một cấu trúc quản lý toàn cầu bền vững, nhằm giảm bớt các cuộc xung đột quốc tế. Hơn thế, để đạt được mục tiêu này, phải dựa trên một hệ thống kinh tế mở, bền vững, có trật tự, bảo đảm sự ổn định và điều chỉnh kịp thời tài chính quốc tế, tăng cường đấu tranh chống biến đổi khí hậu, giảm đói nghèo.
Quá trình già hóa dân số ở nhiều quốc gia cũng sẽ trở thành những áp lực và thách thức về kinh tế - xã hội tại những nơi này trong năm 2013. Theo đó, tỷ lệ người cao tuổi, người nghỉ hưu tăng nhanh, nhà nước phải tăng mạnh quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, dịch vụ chăm sóc người già. Hơn nữa, quá trình này còn làm tăng nguy cơ bất bình đẳng trong xã hội, mang lại nhiều cơ hội cho người có trình độ, giảm cơ hội cho người lao động chân tay, và khi có sự bất bình đẳng quá lớn sẽ khó tránh khỏi nguy cơ bùng nổ xã hội. Điều đáng chú ý là quá trình già hóa dân số còn tạo ra xu hướng tăng mạnh tầng lớp trung lưu. Nếu ở Mỹ hiện nay tầng lớp này chiếm khoảng 20% dân số, có thu nhập từ 25 đến 100 nghìn USD/người/năm, thì ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Bra-xin, In-đô-nê-xi-a, Mê-hi-cô,… những người có mức thu nhập tương đương trên 10 nghìn USD/người/năm đã được coi là trung lưu. Trung lưu là tầng lớp tương đối độc lập, lâu nay không có ảnh hưởng nhiều tới thể chế hay nền kinh tế của quốc gia. Thế nhưng, trong những năm gần đây, vai trò của tầng lớp trung lưu đã có nhiều thay đổi, bởi vậy, chính quyền bất cứ nước nào cũng phải quan tâm và trân trọng họ.
Năm 2013, tình hình thế giới có thể vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, những “điểm nóng” ở Trung Đông luôn đứng trên ngưỡng của sự bùng nổ; những tranh chấp lãnh thổ tại biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như cuộc tranh giành quyết liệt về vị thế và lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc,… còn chứa đựng nhiều nguy cơ đụng độ. Tuy nhiên, trên bức tranh kinh tế toàn cảnh của thế giới sẽ lóe lên nhiều điểm sáng, sự phát triển kinh tế ở các nước như Mỹ, Trung Quốc, ở các nền kinh tế mới nổi như Nga, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Bra-xin, ở các nước ASEAN và một số nước châu Âu sẽ “ấm” dần, tạo đà phát triển mạnh hơn trong những năm sắp tới./.
Nghỉ cho khỏe!  (05/02/2013)
Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đối với nông dân bị thu hồi đất cho phát triển các khu công nghiệp  (05/02/2013)
Chủ tịch nước chúc Tết bộ đội thông tin và đặc công  (05/02/2013)
Bộ Chính trị, Ban Bí thư điều động, phân công cán bộ  (05/02/2013)
Chủ tịch nước thăm, làm việc ở vùng hoa Tây Tựu  (05/02/2013)
Thành phố Hồ Chí Minh họp mặt kiều bào mừng Xuân Quý Tỵ  (05/02/2013)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển