Hà Tây vùng đất trăm nghề, liền kề thủ đô Hà Nội, một lợi thế mà ít nơi có được. Những năm qua, các sản phẩm hàng hóa của Hà Tây đã đến nhiều vùng, miền trong cả nước và trên thế giới. Nhiều sản phẩm được bạn hàng đánh giá cao như thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, cơ khí chính xác, dệt lụa... Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.140 làng nghề, trong đó, có 201 làng nghề được công nhận theo tiêu chí của tỉnh, có hơn 80 công ty trách nhiệm hữu hạn, 35 doanh nghiệp tư nhân, 60 hợp tác xã công nghiệp - xây dựng, 100 tổ sản xuất và hơn 150.000 hộ gia đình làm nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Các cơ sở sản xuất hiện đang đóng góp vào sản xuất hàng hóa trên địa bàn, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, xóa đói giảm nghèo. Điều đáng chú ý là, các làng nghề truyền thống sau một thời gian kém phát triển do khó khăn về thị trường tiêu thụ nay được khuyến khích phát triển như: lụa Vạn Phúc (Hà Đông), dệt Phùng Xá (Mỹ Đức), tre đan Ninh Sở (Thường Tín), nón Chuông (Thanh Oai), sơn mài Ngọ Hạ (Phú Xuyên), mây đan Phú Nghĩa (Chương Mỹ), rèn Đa Sĩ (Hà Đông)... Các nghề mới được phát triển như: chế biến lương thực, thực phẩm, đồ mộc cao cấp, may, tăm hương... tạo nên làng nghề bức tranh sinh động.

Các sản phẩm của làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở Hà Tây được tiêu thụ trên ba khu vực thị trường chủ yếu là: thị trường trong tỉnh, thị trường ngoại tỉnh, thị trường nước ngoài. Hàng năm, Hà Tây đã xuất khẩu các sản phẩm sang nước ngoài như: Hàng mây tre đan xuất đi các nước SNG, Đức, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ... Hàng thêu ren xuất đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Âu. Hàng dệt kim xuất đi Liên Bang Nga, các nước SNG. Hàng may mặc xuất đi Hàn Quốc, Đài Loan, Đông Âu. Hàng sơn mài, khảm trai, điêu khắc xuất sang các nước Đông Âu, Hồng Công, Nhật Bản, Pháp, Đài Loan, Thái Lan. Hàng mộc dân dụng xuất đi Đài Loan, Hồng Công, Nhật Bản, Xin-ga-po. Hàng nón, mũ lá xuất sang Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đáng chú ý là các sản phẩm của Hà Tây đã thâm nhập được thị trường ở nhiều nước với mẫu mã ngày càng cải tiến, phong phú và đa dạng. Nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Tây Âu và Hàn Quốc đã ký hợp đồng mua hàng, chưa xảy ra tình trạng bị từ chối, cắt hợp đồng của phía đối tác. Nhiều bạn hàng đã chấp nhận thanh toán theo phương thức chuyển phát nhanh, thuận tiện, hiệu quả kinh tế, lấy chữ tín làm trọng.

Đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh của các sản phẩm lợi thế so sánh trên địa bàn Hà Tây qua phân tích kết quả điều tra cho thấy trong 21 sản phẩm, có 15 mặt hàng có lợi thế so sánh, được phân thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 8 mặt hàng có năng lực cạnh tranh là: vải lụa; hàng mây, tre, giang đan; giường, tủ, bàn, ghế; sơn mài; thức ăn gia súc; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch tâm linh; hàng thêu ren. Nhóm thứ hai gồm 7 mặt hàng có lợi thế so sánh cần có điều kiện để phát triển lên thành mặt hàng có năng lực cạnh tranh là: hàng dêt kim, vật liệu xây dựng, hàng may mặc, giày da, xe máy, phụ tùng xe máy, thịt bò, đồ uống có ga (bia, cô ca). Số còn lại gồm 6/21 mặt hàng là: hoa cây cảnh; rau, đậu các loại; quả (bưởi, cam); đỗ tương; thịt lợn; gạo chất lượng cao có năng lực cạnh tranh yếu nên cần có sự hỗ trợ nhiều mặt để vươn lên trong điều kiện mới.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm có lợi thế so sánh, trong thời gian tới, Hà Tây cần tập trung vào các nhóm giải pháp sau:

1. Thực hiện cơ chế, chính sách đồng bộ nhằm thực sự khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm và lưu thông hàng hóa trên địa bàn.

Lâu nay, do nhiều nguyên nhân, các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế sản xuất trên địa bàn còn gặp nhiều rào cản dưới nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, nhiều cơ sở không yên tâm sản xuất, chưa mạnh dạn bỏ vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Không ít cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu nhưng việc xuất khẩu hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm hàng hóa xuất khẩu ủy thác thường bị ép cấp, ép giá. Vấn đề nguyên liệu và các yếu tố ảnh hưởng đến đầu vào như điện, nước, xăng dầu, cước vận tải... đã gây nhiều khó khăn cho cơ sở sản xuất. Vấn đề đặt ra là cần có cơ chế, chính sách đồng bộ nhằm tạo môi trường thông thoáng trong sản xuất, kinh doanh; xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử trong các thành phần kinh tế khiến cho sân chơi không bình đẳng. Trong quá trình hội nhập và phát triển, chúng ta phải tuân thủ các quy định của WTO. Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải phấn đấu có sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và nước ngoài. Đây là cơ hội, cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp ở nước ta nói chung, ở Hà Tây nói riêng .

2. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Thực tế cho thấy, hiện nay trên địa bàn Hà Tây về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh. Đường giao thông nông thôn ở nhiều nơi xuống cấp cần được rải nhựa hoặc bê tông. Ở nhiều vùng còn đường đất, mùa mưa thì lầy lội, trời nắng thì bụi bẩn, ảnh hưởng đến vệ sinh, môi trường. Việc lưu thông hàng hóa giữa các vùng trong tỉnh và ngoài tỉnh gặp nhiều khó khăn; khách hàng đến thăm quan và ký kết hợp đồng sẽ bị ảnh hưởng. Người tiêu dùng ngại sử dụng các sản phẩm ăn uống khi nguồn nước sạch thiếu, hoặc bị nhiễm bẩn. Ở Hà Tây cũng như nhiều tỉnh liền kề, tình trạng thiếu nước sạch đang là vấn đề bức xúc. Vấn đề đầu tư kết cấu hạ tầng không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài. Mục tiêu xây dựng một nông thôn mới văn minh, lịch sự xứng đáng là cửa ngõ của thủ đô ngàn năm văn hiến. Nơi cung cấp lương thực, thực phẩm sạch cho thành thị và nơi làm các loại hình dịch vụ cho các thành phần kinh tế. Khi có kết cấu hạ tầng tốt sẽ xuất hiện hàng loạt các ngành nghề khác phát triển, trong đó có du lịch làng quê, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh... làm phong phú nguồn thu trên địa bàn, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Vấn đề đặt ra làm thế nào kết cấu hạ tầng vùng ven đô phải là những điểm sáng của làng quê Việt Nam.

Phát triển thị trường tài chính, bảo hiểm tương ứng với yêu cầu của địa bàn tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hoạt động, phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ như: vận tải, kho ngoại quan, ngân hàng, kiểm toán, bưu chính viễn thông... làm cầu nối mở rộng giao lưu kinh tế của tỉnh với cả nước và nước ngoài. Triển khai hệ thống liên ngân hàng, hệ thống thanh toán bù trừ điện tử vào hoạt động, từng bước ứng dụng thương mại điện tử, ngân hàng tại nhà. Các ngân hàng thương mại cần triển khai gửi tiền nhiều nơi rút tiền nhiều nơi, chuyển tiền tự động, chuyển tiền giữa các tài khoản, dịch vụ thấu chi, rút tiền trên máy tự động ATM, dịch vụ chuyển khoản trên ATM.

3. Quy hoạch phát triển khu công nghiệp, làng nghề gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong quá trình quy hoạch, cần gắn mở rộng làng nghề cũ với xây dựng làng nghề mới, xây dựng khu công nghiệp với bảo vệ môi trường sinh thái. Kiên quyết không để doanh nghiệp trên địa bàn không xử lý nước thải, chất thải rắn làm ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, báo chí đã phản ánh tình trạng nhiều cơ sở sản xuất làm ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt nhiều vùng dân cư. Điều cần chú ý là: nên bố trí các cơ sở sản xuất, chăn nuôi ở xa vùng dân cư. Xác định các loại hình sản phẩm để sản xuất cho phù hợp, không để tình trạng tự phát như thời gian qua. Ở mỗi ngành nghề sản xuất cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Nhà nước về phòng cháy nổ, bảo vệ môi trường. Phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất và làng nghề là tạo nguồn thu, tăng tích lũy nhanh, tạo việc làm cho người lao động góp phần xóa đói giảm nghèo. Chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, quy hoạch sử dụng đất và xây dựng các mô hình sản xuất trên cơ sở quy hoạch tổng thể chung thống nhất của tỉnh.

4. Đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, làng nghề nhằm tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Thực tế cho thấy, muốn sản phẩm có sức cạnh tranh, có chỗ đứng trên thị trường phải có công nghệ tốt và con người sử dụng nó. Muốn có nguồn lao động chất lượng cao, có những “bàn tay vàng”, người lao động phải trải qua trường lớp và thực tiễn công việc dưới sự hướng dẫn, đào tạo của các chuyên gia, thợ lành nghề. Để có một bức tranh sơn mài, người thợ phải thực hiện nghiêm túc các quy trình, mài giũa, tỉa tót làm đẹp bức tranh. Đào tạo một thợ hàn trở thành thợ giỏi có thể mất vài ba năm, còn đào tạo thợ thủ công trở thành “bàn tay vàng” có khi cần đến hàng chục năm (đều có năng lực và yêu nghề). Hiện nay, nhiều địa phương đã quan tâm đến việc mở lớp dạy nghề, tạo nguồn nhân lực cho địa bàn và xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Thực tiễn cho thấy, nếu khu công nghiệp cần lao động mà địa phương không đáp ứng được thì lao động của nơi khác sẽ chuyển dịch đến. Điều đó sẽ gây ra nhiều vấn đề xã hội nảy sinh trên địa bàn. Nguồn lao động ở Hà Tây là rất lớn, vấn đề đặt ra là phải được đào tạo để cung cấp cho các cơ sở của các thành phần kinh tế và cho xuất khẩu lao động. Điều mà quý nhất là họ có được tay nghề để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và giúp đỡ những người khác lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

5. Cho phép các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động tìm kiếm thị trường ở nước ngoài.

Chuyển sang cơ chế thị trường nhưng ở Hà Tây vẫn còn nhiều thủ tục phiền hà khi xuất khẩu hàng hóa và tìm kiếm thị trường. Không ít doanh nghiệp có sản phẩm phải xuất khẩu ủy thác làm cho chi phí sản phẩm tăng cao. Đáng chú ý là mỗi một lần xuất như vậy phải cầu cạnh và bị ép cấp, ép giá. Trong kinh doanh yếu tố thời cơ và chủ động sản xuất bao giờ cũng là tiền đề của sự thắng lợi và hiệu quả kinh tế. Thực tế những năm thập kỷ 90 của thế kỷ XX, ở nước ta, nhiều nhà máy, doanh nghiệp nhà nước muốn chuyển sang công ty để sản phẩm của mình được xuất khẩu trực tiếp mà không phải qua khâu trung gian. Để các doanh nghiệp Hà Tây sản xuất, kinh doanh hiệu quả, vấn đề nắm bắt thông tin cần được coi trọng, nhất là ở thị trường nước ngoài.

6. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy đổi mới và tạo điều kiện để các cơ sở cạnh tranh sản phẩm.

Thực tiễn cho thấy, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế là đúng đắn, hợp lòng dân. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm. Chẳng hạn như, các cơ quan công quyền làm không hết chức năng, không đúng chức năng; thậm chí có trường hợp còn làm sai lệch chủ trương, chính sách, cá biệt có vụ việc làm trái chức năng thẩm quyền được giao. Công tác quản lý đối với doanh nghiệp tư nhân còn nhiều bất cập chưa theo kịp phát triển của doanh nghiệp; việc ban hành văn bản còn chậm so với yêu cầu thực tế, chất lượng văn bản chưa tốt, nhất là văn bản hướng dẫn thực hiện. Trình độ năng lực của một bộ phận không nhỏ cán bộ còn thấp hơn so với công việc và nhiệm vụ được giao; còn có thái độ cửa quyền, vụ lợi, sách nhiễu gây phiền hà cho doanh nghiệp. Đáng chú ý là vẫn còn định kiến mặc cảm với kinh tế tư nhân. Sự kìm hãm hoạt động sản xuất, kinh doanh có một nguyên nhân là thủ tục hành chính còn phiền hà, rắc rối, qua nhiều khâu, nhiều cửa. Trong thời gian tới, cần tích cực cải cách hành chính cả về thể chế thủ tục hành chính, cả về bộ máy và đội ngũ công chức.

7. Tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay.

Tục ngữ có câu: “Buôn tài không bằng dài vốn”. Chỉ có vốn các cơ sở sản xuất mới hoạt động được. Tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng cũng rất thuận lợi cho việc sử dụng các nguồn vốn vay. Sắp tới, các dòng vốn sẽ lưu chuyển thuận lợi, các cơ sở sản xuất có quyền lựa chọn nơi vay mà không bị ràng buộc bất cứ điều kiện gì ngoài luật pháp quy định. Trăm hoa đua nở, xã hội cần khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giỏi, năng động tạo nguồn thu lớn, có nhiều việc làm cho người lao động. Sử dụng nguồn vốn từ ngân hàng (kể cả ngân hàng nước ngoài), từ các thành phần kinh tế, từ nguồn vốn trong dân cư đều phải tuân thủ theo luật pháp. Việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và sử dụng nguồn vốn vay đang là bài toán khó cần có lời giải. Vấn đề là cần tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất tiếp cận và sử dụng các nguồn vốn vay có hiệu quả./.