TCCSĐT - Ngày 6-11 vừa qua, đa số người dân Mỹ đều vui mừng đón tin đương kim Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma tái đắc cử, tiếp tục lãnh đạo nước Mỹ thêm bốn năm nữa. Mọi người chờ đợi và hy vọng, dưới sự chèo lái của ông, nền kinh tế Mỹ sẽ vượt qua nhiều khó khăn, sớm hồi phục nhịp độ tăng trưởng.

Những thách thức kinh tế trong dài hạn

Bước vào Nhà Trắng nhiệm kỳ hai, ông B. Ô-ba-ma không có thời gian và cũng không có tâm trạng nào để hưởng “tuần trăng mật”. Trước mắt ông, có biết bao nhiệm vụ nặng nề đang chờ đợi, kể cả đối nội lẫn đối ngoại, kể cả những vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, xã hội, tôn giáo,… Cũng có không ít những thách thức và cả những lời hứa buộc ông phải sớm giải quyết.

Nhật báo Phố Uôn (The Wall Street Journal - WSJ), chuyên viết về những vấn đề tài chính, không chỉ có ảnh hưởng quan trọng ở nước Mỹ, mà còn có tiếng vang lớn trên thế giới, số ra ngày 7-11 vừa qua, khi đưa tin về chiến thắng của ông B. Ô-ba-ma, đã khuyến nghị ông cần suy ngẫm cặn kẽ và giải quyết bốn thách thức kinh tế trong dài hạn. Quan trọng bậc nhất là vấn đề tài chính, ngân sách. WSJ cho rằng, thâm hụt ngân sách không chỉ là vấn đề từ nhiều năm trước hay hôm nay, mà sẽ còn là vấn đề của tương lai nước Mỹ. Nền kinh tế Mỹ dù là đứng hàng đầu thế giới, chiếm 20 - 30% tổng GDP của cả thế giới, trong khi dân số nước này chỉ chiếm gần 5% dân số trên hành tinh, thế nhưng dân Mỹ không thể mãi chịu đựng việc Chính phủ của họ mỗi ngày phải vay mượn 3 tỷ USD. Chính quyền mới của ông B. Ô-ba-ma buộc phải chèo lái nước Mỹ tránh được “vách đá tài chính” này. Tuy nhiên, đây là việc làm phải có lộ trình từ từ, không thể vội vàng - không thể đột ngột cắt giảm chi tiêu cùng với việc tăng mạnh thuế. Bởi như vậy sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vốn còn ốm yếu trở lại thời kỳ suy thoái.

Nhà phân tích Giêm M. Lin-xây (James M. Lindsay) thuộc Ủy ban Đối ngoại Mỹ đã cảnh báo: “Thách thức lớn nhất mà Tổng thống B. Ô-ba-ma phải đối mặt trong thời gian tới là vấn đề giới hạn thâm hụt ngân sách và tình hình tài chính. Nếu ông không thể tìm ra cách để giúp Mỹ trả hết nợ, các hậu quả trong dài hạn đối với Mỹ sẽ vô cùng lớn và nghiêm trọng!”.

Thật ra, trước khi chuẩn bị chương trình nhiệm kỳ hai, ông B. Ô-ba-ma đã xác định là sẽ tiếp tục thúc đẩy chính sách đánh thuế cao đối với người giàu, nhằm giảm “núi nợ công” mà Mỹ đang phải gánh chịu, đồng thời đó cũng sẽ là nguồn ngân sách để ông có thể thực hiện các chương trình mong muốn. Nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, ông B. Ô-ba-ma đang cố gắng trong thời gian sớm nhất sẽ thành lập được nội các mới với những thành viên có đủ tài năng và uy tín cao. Những tháng tiếp theo, ông sẽ nỗ lực thuyết phục Quốc hội thông qua một thỏa thuận quan trọng nhằm tìm cách giảm thâm hụt tài chính, sau đó sẽ lần lượt giải quyết các vấn đề nổi cộm như nhập cư, cải cách thuế và nhiều vấn đề khác. Ông cũng sẽ tỏ rõ ý chí chính trị và quyết tâm cao trong việc thuyết phục các đại diện của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, không để bế tắc chính trị tại Quốc hội gây cản trở những quyết sách của mình như hai năm vừa qua.

Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị rằng, muốn cắt giảm chi tiêu ngân sách, giảm nợ công, cân đối được thu - chi, Tổng thống B. Ô-ba-ma cũng cần phải tăng cường và ổn định các mối quan hệ hợp tác và đối tác với các nước thuộc Liên minh châu Âu, các cường quốc khác trên thế giới, kể cả việc bắt tay với thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc (sau Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc).

Vấn đề quan trọng thứ hai là việc làm và thu nhập của các tầng lớp dân nghèo và trung lưu ở Mỹ. Hiện có trên 3,6 triệu người đã hơn một năm qua phải lặn lội tới nhiều trung tâm tư vấn việc làm mà vẫn bị thất nghiệp; khoảng 20% số nam giới ở độ tuổi từ 25 đến 54 chưa có việc làm ổn định. Năm 1999, thu nhập trung bình của mỗi nam giới ở độ tuổi từ 25 đến 65 đạt 46.500 USD/năm, thế nhưng, đến năm 2011, mức thu nhập của nhóm lao động nam giới ở lứa tuổi này đã quay trở lại con số gần 40.100 USD/năm. Vấn đề đặt ra cho chính quyền ông Ô-ba-ma hiện nay là, không chỉ tạo ra nhiều việc làm nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp, mà đồng thời còn phải làm cho kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa, để tăng thu nhập cho người dân.

Nhiệm vụ thứ ba là lời hứa của ông B. Ô-ba-ma khi vận động tranh cử ngay từ nhiệm kỳ trước, cũng như trong nhiệm kỳ thứ hai này. Đó là giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp xã hội. Ông xuất phát từ luận điểm cho rằng, mỗi người dân ở độ tuổi lao động và còn sức lao động, chỉ khi nào có việc làm, nhất là khi có việc làm phù hợp với năng lực của họ, thì họ mới có động lực vươn lên và do đó, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội mới có thể thu hẹp. Ngược lại, khi khoảng cách giàu nghèo giãn ra, thì chắc chắn động cơ vươn lên của các tầng lớp nghèo sẽ bị hạn chế, đó là chưa nói tới sự thất vọng của họ.

Trong cuộc vận động tranh cử vừa qua, ứng cử viên phó tổng thống của Đảng Cộng hòa Pôn Rai-ân đã dùng chính luận điểm này của ông B. Ô-ba-ma để tấn công mạnh mẽ vào ông. Rõ ràng, trong bốn năm tới, chính quyền của ông B. Ô-ba-ma phải rất cố gắng rút ngắn khoảng cách giàu nghèo thì mới có thể tạo đà để nhiệm kỳ sau đó, cặp ứng cử viên tổng thống/phó tổng thống của Đảng Dân chủ có cơ hội tiếp tục làm chủ Nhà Trắng.

Một thách thức quan trọng khác, liên quan đến cả loài người, là sự biến đổi khí hậu trên trái đất. Là một cường quốc hàng đầu thế giới, rõ ràng là Mỹ không thể trốn tránh trách nhiệm, “đứng ngoài cuộc”, mà buộc phải “xắn tay áo” xông vào, cùng tất cả các nước khác ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ và thảm họa của biến đổi khí hậu. Nếu không như vậy, thì không phải chỉ có một cơn siêu bão như bão Xan-đi (Sandy) vừa hoành hành ở các nước vùng Ca-ri-bê, 12 bang  nước Mỹ và Ca-na-đa, mà thiên nhiên sẽ còn “trả thù” con người bằng hàng chục, hàng trăm cơn siêu bão như thế, thậm chí còn nặng nề hơn thế nữa. 

Đây chính là thách thức thứ tư mà chính quyền mới của Mỹ phải có kế hoạch dài hạn để giải quyết. Thế nhưng, trong suốt quá trình vận động tranh cử vừa qua, cả hai cặp ứng cử viên Rôm-ni/Rai-ân và Ô-ba-ma/Bai-đơn đều lảng tránh, không nói tới một lời! Như vậy không có nghĩa là giờ đây ông B. Ô-ba-ma có thể tiếp tục phớt lờ. Chính quyền ông B. Ô-ba-ma cần có thái độ tích cực, sớm có câu trả lời về sự tham gia thiết thực của nước Mỹ trong sự nghiệp đấu tranh chung với những biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt trên hành tinh.

Những ưu tiên đối ngoại

Bốn năm ở cương vị nguyên thủ nước Mỹ, ông B. Ô-ba-ma đã có nhiều trải nghiệm trên trường quốc tế, làm được một số việc, nhưng hầu như các vấn đề lớn, quan trọng đều còn dang dở. Hy vọng rằng, chính quyền ông B. Ô-ba-ma nhiệm kỳ hai sẽ có những đóng góp tích cực hơn trong lĩnh vực đối ngoại.

Đã từ lâu, các đời tổng thống Mỹ đều coi vấn đề dân chủ ở Trung Đông là một mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong làn sóng “Mùa xuân A-rập”, một loạt nhà lãnh đạo như Mu-ba-rắc ở Ai Cập, Ca-đa-phi ở Li-bi, Ben A-li ở Tuy-ni-di, Xa-lê ở I-ê-men,… đã bị phế truất. Tại các nước đó đã thiết lập chế độ dân chủ, người dân có quyền bầu cử, nhưng trên thực tế, chính quyền vẫn nằm trong tay các tổ chức Hồi giáo không mấy thân thiện với Oa-sinh-tơn, thậm chí có nước vẫn tiến hành chính sách làm Mỹ phải “đau đầu”. Các chuyên gia phân tích đều có chung nhận định rằng, nếu muốn có được nguồn tài nguyên trong lòng đất nơi này, Oa-sinh-tơn phải ổn định được tình hình Trung Đông. Bởi vậy, chính quyền ông B. Ô-ba-ma nên có chính sách đối ngoại linh hoạt, có cách nhìn bao dung về các nhóm lãnh đạo mới và thực tâm hợp tác với họ.

Còn đối với Xy-ri, tình hình rất phức tạp. Nhiều người đề nghị Tổng thống Mỹ hãy để Xy-ri tự giải quyết “mâu thuẫn nội bộ”, không nên can thiệp, gây sức ép đối với chính quyền của Tổng thống An Át-sát. Tuy vậy, một số nhà phân tích lại cho rằng, ông B. Ô-ba-ma sẽ “buộc phải can thiệp” ở một mức độ nào đó.

Tổng thống B. Ô-ba-ma đã lên kế hoạch rút các lực lượng Mỹ khỏi Áp-ga-ni-xtan vào năm 2014. Tuy nhiên, chính quyền Ca-bun chưa sẵn sàng tự bảo đảm an ninh cho mình. Hơn nữa, tại khu vực biên giới Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan vẫn tồn tại những lực lượng khủng bố quốc tế. Bởi vậy, Mỹ vẫn phải có các biện pháp hợp tác với hai nước này để tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Đó cũng là công việc bảo đảm an ninh cho nước Mỹ.

Tổng thống B. Ô-ba-ma biết I-ran có tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân. Đó sẽ là mối nguy hiểm cho nước Mỹ. Nhưng, Oa-sinh-tơn cũng ý thức sâu sắc rằng, dùng quân sự tấn công I-ran là hết sức mạo hiểm, bởi sẽ không chỉ tốn kém tiền của, mà còn phải đổ nhiều máu, mà cuối cùng chưa chắc đã có thể khuất phục Tê-hê-ran. Các chuyên gia chính trị đều khuyến nghị, nguyên tắc chỉ đạo trong chính sách đối với I-ran phải là đàm phán hòa bình, không phổ biến vũ khí hạt nhân, hoặc nhiều lắm thì cũng chỉ có thể cấm vận, như Mỹ đã từng làm.

Ông B. Ô-ba-ma sẽ tiếp tục chiến lược “chuyển trọng tâm sang châu Á”, rút dần khỏi Trung Đông, tìm cách thay đổi chính sách đối ngoại sao cho Mỹ sẽ được lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ ở những nước như Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, một số nhà phân tích của Trung Quốc cho rằng, chính sách “chuyển trọng tâm sang châu Á” của Mỹ sẽ có lợi cho Trung Quốc, mặc dù Mỹ vẫn lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ tạo ra thách thức đối với vị trí bá quyền của Oa-sinh-tơn. Bởi vì, điều đó sẽ làm tăng mạnh quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực thương mại. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay đã lên tới hơn 600 tỷ USD. Rõ ràng, mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ vượt qua tất cả mức độ phụ thuộc lẫn nhau của các nước khác. Tiếp tục nhiệm kỳ hai, ông B. Ô-ba-ma sẽ càng coi trọng Trung Quốc hơn. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân hằng năm của Mỹ sang thị trường Trung Quốc là 30%, bằng 5 lần thị trường các nước khác. Ông B. Ô-ba-ma cũng đã cam kết sẽ tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu của Mỹ vào năm 2015. Để thực hiện mục tiêu này, Mỹ sẽ phải dựa chủ yếu vào thị trường Trung Quốc.                                                

*

*       *

Tuy nhiên, dường như dư luận ở Mỹ và trên thế giới gần đây quá nhấn mạnh đến những khó khăn, thách thức mà không mấy quan tâm đến những thuận lợi đối với ông B. Ô-ba-ma ở nhiệm kỳ hai.

Trước hết, có thể thấy, những dấu hiệu tốt từ kinh tế, tài chính, thị trường việc làm ở Mỹ hiện nay sẽ giúp ông B. Ô-ba-ma có nhiều lợi thế hơn so với khi bắt đầu bước vào nhiệm kỳ trước đó. Nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi, còn cách đây bốn năm, khi ông B. Ô-ba-ma lần đầu tiên bước chân vào Nhà Trắng, nền kinh tế đã tiến tới đỉnh điểm của khủng hoảng.

Nhìn vào các lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế - tài chính Mỹ hiện nay, người ta thấy nổi lên những dấu hiệu tốt là, số người thất nghiệp giảm; thị trường nhà đất có dấu hiệu phục hồi; người tiêu dùng đang trả bớt nợ; hệ thống ngân hàng đã trở nên lành mạnh. Trong bức tranh chung đó, điểm sáng đầu tiên là thị trường việc làm tốt lên. Theo số liệu thống kê gần đây, trước cuộc bầu cử tổng thống, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9-2012 chỉ còn 7,8%. Có lẽ con số mới này về tỷ lệ thất nghiệp đã khiến cử tri dành cho ông B. Ô-ba-ma nhiều phiếu hơn. Bên cạnh đó, thị trường nhà đất cũng có dấu hiệu sáng sủa, bởi chỉ số S&P/Case-Shiller 20-city (chỉ số giá nhà) tăng 2% trong tháng 8-2012 so với cùng kỳ năm trước; doanh số bán nhà tăng cao hơn mức đỉnh hai năm trước đó. Về việc trả nợ, các hộ gia đình đã sử dụng ít tiền hơn để trả nợ. Trong quý II-2012, nợ của mỗi hộ gia đình đã giảm xuống hơn 110% so với thu nhập khả dụng, thấp hơn mức đỉnh là hơn 130% vào năm 2007; số tiền dùng để trả nợ cũng giảm 11%. Còn về vấn đề tài chính - ngân hàng, có thể nhận thấy, bốn năm sau kể từ khi thị trường tài chính Mỹ sụp đổ, kéo theo cả nền kinh tế thế giới đi xuống, chính quyền ông B. Ô-ba-ma đã làm nhiều việc để nâng cao sức đề kháng của hệ thống ngân hàng. Đáng chú ý là, 19 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã tăng vốn hỗ trợ lên 760 tỷ USD vào tháng 5-2012; các ngân hàng lớn cũng tăng gấp đôi lượng dự trữ tiền mặt và chứng khoán, đồng thời giảm dần nợ vay.

Tâm trạng chờ đợi và hy vọng vào ông B. Ô-ba-ma trong nhiệm kỳ hai có lẽ không phải là hão huyền, viển vông, mà có cơ sở và đã được trải nghiệm./.