Bác Hồ chọn Phó thủ tướng

TS. Bùi Huy Khiên Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
15:57, ngày 28-09-2012
TCCSĐT - Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 và tiếp tục được xác định là nội dung trọng tâm của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. Trong công tác cán bộ, việc đánh giá, xem xét, lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý có vai trò rất quan trọng.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ. Người nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(1). Để có cán bộ tốt, Người rất chú trọng đến công tác huấn luyện, lựa chọn và sử dụng cán bộ.

Đối với cán bộ, Người yêu cầu họ phải là những người có đức, có tài, phải vừa “hồng” lại vừa “chuyên”. Đức của người cán bộ phải được thể hiện ở ba phương diện: 1. Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của dân tộc (trách nhiệm trước đất nước); 2. Thương yêu và chăm lo đến quyền lợi của nhân dân (trách nhiệm trước nhân dân); 3. Có đạo đức công vụ tốt, hết lòng vì công việc chung, không bè phái, không tham nhũng, lãng phí (trách nhiệm trước công vụ). Tài của người cán bộ phải được biểu hiện ở năng lực lãnh đạo, tổ chức, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nói cách khác là biểu hiện ở năng lực của người cán bộ. Năng lực đó không chỉ thể hiện ở trình độ học vấn mà phải được biểu hiện ở năng lực thực tế, ở hiệu quả công việc. Người tài là người phải có hoài bão làm những việc ích nước, lợi dân. Nhiều bài nói, bài viết và thực tiễn công tác lựa chọn cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã toát lên các tiêu chuẩn đó.

Ngoài các tiêu chuẩn về “đức” và “tài”, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh người cán bộ lãnh đạo còn phải là những người:

- “Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh.

- Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế, thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ.

- Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo.

- Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn.

- Những người luôn giữ đúng kỷ luật”(2).

Tác giả xin kể lại câu chuyện “Bác Hồ chọn Phó Thủ tướng” với hy vọng một phần nào giúp chúng ta hiểu về Bác Hồ, hiểu cách thức Người lựa chọn cán bộ lãnh đạo cũng như những tiêu chuẩn cần có đối với người cán bộ lãnh đạo theo quan niệm của Người. Câu chuyện được kể lại dựa theo tài liệu lưu trữ của Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Vào những năm đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, đồng chí Đỗ Mười được Trung ương Đảng giao phụ trách việc chi viện cho chiến trường, lo cung cấp lương thực, xăng dầu, vũ khí cho miền Nam. Năm 1966, đồng chí trực tiếp chỉ đạo xây dựng đường ống dẫn dầu từ miền Bắc đến các vùng căn cứ kháng chiến miền Trung và miền Tây Nam Bộ.

Đầu năm 1967, đồng chí Đỗ Mười đến Hải Phòng để chỉ đạo thực hiện kế hoạch đối phó với bước leo thang mới của đế quốc Mỹ ra miền Bắc. Trong lúc đang triển khai công việc với địa phương, đồng chí nhận được điện thoại thông báo về Hà Nội để gặp Bác Hồ. Về đến Hà Nội vào giữa buổi trưa, đồng chí được Bác mời ăn bữa cơm trưa thanh đạm. Bác hỏi thăm kế hoạch đối phó với âm mưu mới của địch, việc chi viện cho chiến trường miền Nam, đời sống của cán bộ, chiến sĩ và căn dặn một số công việc khác. Khi đó, Bác không nói chuyện việc Bác có ý định chọn đồng chí làm Phó Thủ tướng.

Sáu tháng sau, đồng chí Đỗ Mười nhận được quyết định làm Phó Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục chỉ đạo công việc chi viện cho chiến trường miền Nam và phụ trách khối kinh tế của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Sau này đồng chí Đỗ Mười mới biết, trước khi có cuộc gặp với Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trình lên Bác danh sách một số đồng chí, xin ý kiến của Bác để lựa chọn vào chức vụ Phó Thủ tướng. Trao đổi với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bác Hồ thấy đồng chí nào cũng có quá trình công tác tốt, đáng tin cậy. Bác nêu ý kiến của mình về ưu, khuyết điểm của từng đồng chí được giới thiệu. Cuối cùng Bác nói: “Làm Phó Thủ tướng ngoài năng lực, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, phải là người sâu sát công việc; có óc tổ chức và triển khai đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; phải kiểm tra, đôn đốc để các đường lối, chủ trương, chính sách ấy trở thành hiện thực. Khối lượng công việc được giao rất lớn, nhưng chú Mười luôn tích cực, không ngại khó khăn, gian khổ, không bao giờ làm việc hời hợt, chung chung. Việc gì chú ấy cũng bàn bạc dân chủ, công khai và chỉ đạo sát xao, cụ thể. Bác thấy chú Mười có đủ các tiêu chuẩn làm Phó Thủ tướng, nhưng để Bác hỏi thêm sức khỏe của chú ấy như thế nào”(3).

Qua câu chuyện trên chúng ta thấy Bác Hồ đặt tiêu chuẩn rất cao để lựa chọn cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Ngoài “đức” và “tài”, cán bộ lãnh đạo phải là những người có ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm; sâu sát thực tế, không quan liêu, không làm việc hời hợt, chung chung, có sáng kiến và biết vượt qua hoàn cảnh khó khăn; dân chủ, công khai, liên hệ mật thiết với nhân dân, quan tâm đến quyền lợi của nhân dân; có khả năng tổ chức và triển khai kế hoạch và phải có sức khỏe.

Những tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ lãnh đạo nêu trên của Bác vẫn còn nguyên giá trị đối với việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo của chúng ta ngày hôm nay.

Việc lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo ở nước ta hiện nay vẫn đang còn nhiều yếu kém, hạn chế và ở không ít nơi có cả những biểu hiện tiêu cực. Đánh giá, lựa chọn cán bộ chủ yếu dựa vào bằng cấp mà ít căn cứ vào năng lực thật sự và hiệu quả công việc của họ. Không ít cán bộ có tài, có đức không được lựa chọn, bổ nhiệm hoặc được bổ nhiệm vào những vị trí "trái chân". Những hạn chế trong công tác đánh giá, lựa chọn cán bộ đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, không ít cán bộ lãnh đạo không có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ, quản lý yếu kém, gây thất thoát lớn; một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất, tạo phe cánh, gây mất đoàn kết, xa dân, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí,...

Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo yêu cầu Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI hiện nay, những bài học qua câu chuyện lựa chọn cán bộ của Bác cần được nghiên cứu, học tập, quán triệt để đánh giá, lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo “đúng người, đúng việc”, qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng./.

-----------------------------------------------

(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2009, trang 269, 273.

(2). Sách đã dẫn, trang 275.

(3). Kho tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh, số BTHCM-TL117.