Tọa đàm khoa học về "Vấn đề cải cách tiền lương của cán bộ, công chức và người lao động"
Dự buổi Tọa đàm gồm có các đồng chí: PGS, TS Vũ Văn Phúc - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; GS, TS Trương Giang Long - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS, TS Nguyễn Trọng Hòa - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; PGS, TS Nguyễn Tấn Phát – nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng gần 60 đại biểu là các nhà khoa học, quản lý tâm huyết với chủ đề này.
Phát biểu khai mạc, TS Đinh Sơn Hùng - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: tiền lương là hình thức thu nhập cơ bản, là biểu hiện, phản ánh kết quả của nguyên tắc phân phối theo lao động, tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khác nhau, chính sách, chế độ tiền lương ở Việt Nam hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế và không phù hợp, không phản ánh đúng nội dung, yêu cầu của nguyên tắc phân phối theo lao động. Hiện nay, chính sách, chế độ tiền lương đang làm ảnh hưởng đến động lực của sự phát triển, làm lệch hướng mục tiêu xây dựng xã hội công bằng. Buổi Tọa đàm sẽ làm rõ bản chất, nội dung, tinh thần Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về cải cách tiền lương của cán bộ, công chức và người lao động.
Buổi Tọa đàm đã tập hợp được gần 15 tham luận, có hơn 10 ý kiến phát biểu và phản biện đã tập trung đề cập, thảo luận khá toàn diện về những hạn chế, bất cập trong vấn đề cải cách tiền lương ở nước ta hiện nay.
Trong Báo cáo Đề dẫn, GS, TS Trương Giang Long - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết: sau gần 10 năm cải cách chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi với người có công, tuy đã đạt được kết quả bước đầu, nhưng nhìn chung chưa đạt mục đích yêu cầu đề ra. Cải cách tiền lương là vấn đề lớn, rất quan trọng, có tác động đến đời sống của người hưởng lương và các đối tượng chính sách. Nếu làm tốt vấn đề này, nguồn nhân lực của đổi mới và sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ được tăng cường, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm trong sạch bộ máy và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động. Với tinh thần bám sát Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI), tại buổi Tọa đàm sẽ tiến hành trao đổi, phân tích những thực trạng, điểm hạn chế trong vấn đề cải cách tiền lương trong thời gian qua ở nước ta, tập trung đề ra những kiến nghị, giải pháp có tính chiến lược về vấn đề cải cách tiền lương của cán bộ, công chức và người lao động. Vì thế cần làm rõ các vấn đề: nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng bản chất của vấn đề tiền lương hiện nay; cần đột phá mạnh mẽ trong đổi mới tư duy về chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả định hướng cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo tinh thần Kết luận Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, PGS, TS Vũ Văn Phúc cho rằng: nguyên tắc trong tăng lương cần phải hiểu tiền lương là giá cả của sức lao động; tăng lương phải hợp lý giữa tăng lương và sự phát triển của tốc độ phát triển. Với điều kiện hiện nay của nước ta, năng suất lao động còn thấp, nên tiền lương thấp, đời sống người lao động khó khăn, gây ra những hậu quả là không đủ để tái sản xuất sức lao động, khó nâng cao trình độ và tăng năng suất của người lao động, đây là vòng luẩn quẩn chưa giải quyết được... là một nguyên nhân gây nên tình trạng tham nhũng. Ý kiến của PGS, TS Nguyễn Trọng Hòa - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và TS Nguyễn Đức Đạt - Trường Đại học Văn Lang cũng cho rằng: hiện nay vấn đề tiền lương chưa minh bạch, còn không ít vướng mắc trong cải cách, đó là nguyên nhân gây nên các biểu hiện tiêu cực trong xã hội.
Vậy, chúng ta cần cải cách tiền lương theo hướng nào? Theo PGS, TS Vũ Văn Phúc và PGS, TS Phương Ngọc Thạch - Phó Chủ tịch Hiệp hội khoa học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh thì: khi tiến hành tăng lương sẽ dẫn đến mâu thuẫn nguồn chi, giá thành hàng hóa tăng cao, gây nên tồn kho... Do đó, để cải cách tiền lương hợp lý, trước hết chúng ta cần đổi mới tư duy có tầm chiến lược, đổi mới nguyên tắc phân phối lao động; tìm mọi biện pháp để tăng năng suất người lao động; tạo môi trường, hạ tầng kỹ thuật để tăng năng suất lao động; cần có phương pháp giảm biên chế hợp lý; chống bằng cấp; đưa vấn đề nhà ở, xăng xe phương tiện đi lại vào tiền lương; tăng và giữ giá trị đồng tiền Việt Nam; chống tham nhũng hiệu quả; trong vấn đề tăng lương không nên tăng theo danh nghĩa mà phải tăng lương theo thực chất; khi hiện đại hóa tiền lương cần chú ý đến lực lượng người lao động, người thu nhập thấp một cách hợp lý; tính đủ các chi phí vào tiền lương.
Cùng với quan điểm trên, PGS, TS Nguyễn Tấn Phát còn cho rằng, để công tác cải cách tiền lương có hiệu quả, chúng ta cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, ý nghĩa của đồng lương là nguồn sống gần như duy nhất của người ăn lương; là động lực kích thích năng suất, chất lượng, sự say mê sáng tạo và gắn bó với nghề; là liều thuốc hữu hiệu chống tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu; là chất xúc tác để tăng cường phát triển văn hóa, ý thức cộng đồng và cao hơn là lòng yêu nước. Do vậy, giải pháp cần là: phải thay đổi tư duy, nhận thức; cần chuẩn bị chu đáo mỗi lần tăng lương, coi đây là một chiến dịch lớn; ổn định thị trường, chuẩn bị thật tốt nguồn hàng hóa dự trữ trong và ngay sau mỗi đợt tăng lương, thực hiện tốt Quốc sách tiết kiệm; tính toán hợp lý quan hệ giữa các thang bậc lương và phụ cấp, không nên chọn và thực hiện phương án điều chỉnh lương nhỏ giọt.
Cùng với việc đề cập đến những khó khăn, trở lực trong vấn đề cải cách tiền lương hiện nay ở nước ta, TS Nguyễn Hữu Nguyên - Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam đã phân tích, đưa ra giải pháp khắc phục: cần nâng cao hiệu quả quản lý thuế; quản lý chặt chẽ việc nộp ngân sách của các tập đoàn kinh tế Nhà nước; nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế đầu tư; thường xuyên quan tâm sự biến động kinh tế của thế giới; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay"; làm tốt việc bình ổn giá, chống lạm phát; định biên lại cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách, chú trọng đến việc trả lương đúng người, đúng chất lượng công việc được giao. PGS, TS Phước Minh Hiệp - Phó Hiệu trưởng Trường cán bộ giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: khi tiến hành khoán lương cho người hưởng lương Nhà nước thì chúng ta cần phải mô tả công việc, và chú ý đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động kế thừa.
Phát biểu kết luận buổi Tọa đàm, TS Đinh Sơn Hùng khẳng định: sau một buổi làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi, đúng định hướng và trọng tâm, đã góp phần làm sáng tỏ những mặt hạn chế, vướng mắc, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp thiết thực trong vấn đề cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức và người lao động./.
Tổ chức trang trọng Lễ kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại An Giang  (21/08/2012)
Hội nghị Cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận của Bộ Chính trị về đổi mới công tác cán bộ  (21/08/2012)
Thảo luận dự án Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh  (21/08/2012)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên